Vàng nhân não: Biến
chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, nhưng có thể phòng ngừa được
Nguyễn Đình Nguyên
Bài đăng trên báo Người Lao Động số 18/03/2009
Vàng nhân não, biến chứng của vàng da sớm ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nặng có thể gây di chứng não lâu dài hoặc tử vong ngay, nhưng có thể phòng ngừa được. Vàng da nguy hiểm xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Phát hiện sớm, đem trẻ đến bệnh viện để điều trị có thể tránh được các tai biến này.
Một trong biểu hiện hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh đó là vàng da, do tăng chất bilirubin (có màu vàng) trong máu, ngấm ra da. Đa số vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng bình thường, chỉ có một tỷ lệ nhỏ là do bệnh lý gây nên. Tuy nhiên, vàng da sơ sinh bệnh lý nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm là tổn thương não lâu dài và nặng hơn là tử vong sơ sinh.
Vàng da sinh lý (bình thường) và vàng da bệnh lý
Khi trẻ còn trong bào thai, mọi dưỡng chất nuôi thai đều được truyền từ mẹ, qua rau thai và vào hệ mạch máu của trẻ. Để có thể tải đủ năng lượng và dưỡng chất với một kích thước thai nhi nhỏ như vậy, tạo hoá đã sinh ra một loại hồng cầu đặc biệt- hồng cầu thai nhi, với khả năng chuyên chở lượng oxy cao gấp nhiều lần so với hồng cầu của chúng ta.
Sau khi ra đời, trẻ tự thở và hệ tuần hoàn lúc này hoạt động độc lập với mẹ, chức năng thay đổi, do đó hồng cầu thai nhi không còn thích hợp nữa mà phải phải nhường chỗ cho loại hồng cầu khác. Hồng cầu thai nhi bị tiêu huỷ hàng loạt nên thải ra bilirubin với lượng lớn, làm cho cơ thể trẻ quá tải không kịp thải ra ngoài, ứ đọng lại, dồn ra ngoài da, gây nên vàng da. Đây là một quá trình bình thường nên gọi là vàng da sinh lý. Vàng da sinh lý rất phổ biến, gặp đến 60- 80% ở trẻ sơ sinh. Đặc điểm nổi bật của vàng da sinh lý là xuất hiện muộn, sau khi sinh 2 đến 3 ngày. Ngoài biểu hiện da vàng, trẻ không có một dấu hiệu bất thường nào khác, trẻ vẫn bú, ngủ ngoan. Vàng da, xuất hiện đầu tiên ở mặt, rồi có thể tăng dần lên, lan toàn thân, sau đó nhờ gan thanh lọc nên vàng da giảm dần và hết sau khoảng 1-2 tuần.
Ngược lại, cũng là vàng da xuất hiện thời kỳ sơ sinh nhưng không phải vì do hồng cầu thai nhi bị hủy, mà do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau, cũng làm tăng cao lượng bilirubin. Bệnh lý này có thể xuất hiện rất sớm, ngay sau sinh. Nhưng trong vòng 24 giờ sau khi sinh hàng rào bảo vệ bộ não của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, mặc khác chức năng gan cũng chưa đủ tốt để thải nhanh bilirubin. Cho nên lượng bilirubin tăng lên rất cao, nhanh chóng ngấm vào não, đặc biệt là nhân não, nên gọi là vàng nhân não.
Biến chứng nặng của vàng nhân não là một dị tật não suốt đời, tuỳ mức độ nhẹ hay nặng, và biểu hiện rất đa dạng từ tổn thương cơ mắt, thị lực, đến giảm sức nghe hoặc điếc, cũng có thể rối loạn vận động hoặc thiểu năng trí tuệ v..v.. và nguy hiểm nhất là trẻ có thể tử vong ngay trong kỳ sơ sinh.
Một loại vàng da khác xuất hiện sớm nhưng thời gian kéo dài hơn thời gian của vàng da sinh lý, tức là sau 2 tuần mà mức độ vàng da không giảm, mà còn vàng hoặc vàng hơn, tổn thương này thường do bệnh lý gan-mật.
Phòng ngừa vàng da nguy
hiểm
Như đã nói trên, vàng da sinh lý là một loại phổ biến ở trẻ sơ sinh, và đó là một quá trình bình thường, không cần điều trị gì. Các biện pháp làm tăng quá trình thải nhanh bilirubin là bú mẹ tuyệt đối, cho bú nhiều lần trong ngày và phơi nắng sáng. Mỗi buổi sáng khi mặt trời mới lên, nếu là mùa ấm, nên cởi bỏ bớt quần áo trẻ, cho trẻ ra ngoài phơi nắng 5-10 phút, cũng làm giảm vàng da nhanh hơn.
Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp, nhưng vàng da bệnh lý nếu không phát hiện kịp thời sẽ có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong như nêu trên. Tuy nhiên nếu phát hiện kịp thời, đem trẻ đến bệnh viện thì có thể điều trị và ngăn ngừa được các biến chứng đó.
Cho nên các bà mẹ cần phải theo dõi trẻ sau khi sinh bằng cách xem trong ngày đầu tiên, cháu có xuất hiện vàng da không. Không nên trùm bọc kín trẻ, và khi xem nên xem ngoài ánh sáng trời. Vàng xuất hiện sớm nhất ở vùng dưới lưỡi của trẻ, sau đó mới vàng trên mặt, lan toàn thân, có thể vàng cả tròng trắng của mắt.
Nếu trẻ hoặc có vàng da trong ngày đầu tiên (24 giờ) sau khi sinh, hoặc trong vòng 2-3 ngày sau sinh có các triệu chứng đi kèm như: (1) trẻ không chịu bú, (2) lơ mơ hoặc ngủ lịm, khó đánh thức, (3) khóc thét, (4) nhũn người hoặc co giật, (5) người cong như con tôm cổ ngửa ra sau, hoặc (6) sốt, là những biểu hiện sớm của vàng nhân não, phải đem trẻ đi bệnh viện gấp.
Cần chú ý kỹ hơn ở những trẻ sinh non, thiếu tháng, và trẻ có anh chị đã từng có biểu hiện vàng da nặng.
Ngoài ra, trẻ vàng da kéo dài hơn hai tuần, không giảm thì cũng phải đưa trẻ đi khám để loại trừ bệnh lý gan mật và các bệnh lý khác.