NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Biểu tượng của ngành Y khoa

Nguyễn Đình Nguyên

 

Những người có tính tìm tòi sẽ không khỏi thắc mắc là tại sao biểu tượng trong ngành Y-dược lại là con rắn (mà không phải là một con gì hay vật gì khác). Khi thì thấy hai con, khi thì một con quấn quanh một cây gậy; có khi thì cái ly hay cốc (hay gặp trong ngành dược). Để trả lời cho đến tường tận của câu hỏi này kỳ thực là một câu chuyện dài, và rất phức tạp vì các nhà nghiên cứu Cổ học và Y khoa đã tranh cãi về nguyên uỷ của biểu tượng đó cả hàng bao thập kỷ nay, nói chung chưa hẳn ngã ngũ nhưng cũng đã có dấu hiệu sáng tỏ. Nội dung tranh luận là xoay quanh ở điểm Y hiệu đúng nhất là có một con rắn hay hai con rắn quấn quanh cây gậây, và nguồn gốc từ đâu. Bài viết này với mục đích giúp các độc giả điểm qua các tài liệu để cùng theo dấu cuộc hành trình của biểu tượng ngành Y.

Phù hiệu của Hermes:

Thần thoại Hermes:

Hermes (hơ-miz), theo thần thoại Hy lạp là con trai của thần Dớt (Zeus, hay Jupitte) và nữ thần Mai-a (Maia). Nhân vật này tương đồng với thần Mercury trong thần thoại La mã, và Casmilus hay Cadmilus ở một nhóm thiểu số châu Á, Macedonia, Bắc Hy lạp. Tên Hermes có lẽ xuất phát từ chữ herma, tiếng Hy lạp có nghĩa là rất nhiều đá, như dùng để ngăn biên giới, hay địa phận. Trung tâm thờ phụng Hermes sớm nhất có lẽ là vùng Arcadia, mà đỉnh núi Cyllene được tôn vinh như là nơi sinh của vị thần này. Ở đó vị thần này được thờ như là một vị thần sinh sản, do đó tượng đúc của ông có dương vật cương thẳng [1]. Là vị thần cận vệ của Thần Dớt nên Hermes có đôi săn-đan có cánh, đội mũ có cánh, tay cầm hiệu lệnh (gậy thần của sứ giả) mà có thuyết cho nguyên uỷ là một cây gậy hay một nhành ô-liu có rễ ở hai đầu dưới được kết lại thành vòng hoa hay thành một dải băng [1]. Về sau thì vòng hoa này mới được diễn dịch là đôi rắn quấn nhau, đối xứng và đối mặt với nhau; và một đôi cánh, biểu thị cho sự di chuyển tốc độ của Hermes, được gắn vào đầu gậy phía trên hai con rắn. Hermes còn được coi là vị thần của giấc mơ, thần thương mại, thần bảo vệ thương gia và bảo vệ gia súc. Lại cũng là thần của điền kinh, nên Hermes cũng bảo vệ cả sân vận động, phòng tập thể lực thể hình, và được coi là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Tuy nhiên, Hermes cũng lại là một kẻ thù nguy hiểm, một kẻ lừa đảo và ăn trộm [2]. Truyền thuyết là nhân vào ngày sinh nhật, ông ta ăn cắp gia súc của anh mình, là con trai của thần Apollo. Ông đã che đậy dấu vết bằng cách kéo đuôi gia súc đi ngược. Khi bị Apollo tra hỏi thì Hermes từ chối không nhận mình đã ăn trộm.

Vị thần Mercury (hay Mercurius) La mã có tính cách tương đồng với vị thần Hermes của Hy lạp. Thần Mercurius ở La mã được tôn thờ là vị thần của thương mãi và các thương gia. Thần Mercurius cũng có săn-đan có cánh, đội mũ có cánh, và tay cầm gậy lệnh.

Tuy nhiên, theo một số khoa học gia thì dấu vết của phù hiệu được tìm thấy xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới là vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên [3], là hình một cây gậy có hai con rắn bện quanh, trên đầu gậy có một đôi cánh. Theo thuyết này thì kể rằng Hermes đã dùng cây gậy thần của mình để ném vào giữa hai con rắn đang "một mất một còn" với nhau, sau đó chúng thôi cắn nhau và quấn vào nhau quanh cây gậy thần đó.

Biểu tượng của Hermes đi vào ngành Y:

Thời cổ, trước khi xuất hiện Y học hiện đại, các thầy lang trị chứng nhiễm giun sán (ký sinh trùng) bằng một cái que và một con dao [4]. Rạch một vết nhỏ trên da người bệnh, ở phía đầu con sán, và con giun (sán) đó sẽ bò ra ngoài chỗ vết cắt và bò quanh cái que cho đến khi ra hết. Cho nên có người cũng cho rằng xuất phát từ phương thức trị bệnh này, là ý tưởng cho Yø hiệu nguyên thuỷ, là một cây gậy có hai con giun quấn quanh.

Tuy nhiên cho đến thế kỷ thứ XVI thì người ta thấy phù hiệu của Hermes này xuất hiện trên áo của quân chủng. Nói chung chỉ phổ biến trong giới thầy thuốc, thế rồi sau đó cũng xuất hiện trên cả mũ của giới luật sư, thương gia và các ngành khác nữa.

Vào năm 1844, một nhà xuất bản Y học hàng đầu của Anh quốc đã sử dụng phù hiệu này như là một biểu tượng của mình, có lẽ Mercury là thiên sứ, và nội dung sách xuất bản là thông điệp. Và trong phù hiệu này, một con rắn biểu tượng cho Y học, và một con biểu tượng văn chương. Có tài liệu còn cho rằng nhà xuất bản Johannes Froben đã sử dụng phù hiệu Hermes này từ thế kỷ XVI [5]. Sự nhầm lẫn đến thú vị là có một lần, một vị thầy thuốc bước vào một ngân hàng ở Anh mà cứ tưởng mình đang vào khu Y xá, vì trước cửa cũng gắn phù hiệu như trên. Chỉ vì điều rằng Hermes còn là biểu tượng cho tính trật tự [6] hay sự thành đạt [7] trong thương mại.

Các tác giả khác cũng cho thấy có nhiều vết tích xác nhận phù hiệu trên có liên hệ với ngành Y khoa, song không rõ ràng lắm. Vào thế kỷ 18 thì quân đội Mỹ sử dụng biểu tượng là một vòng nguyệt quế có hai chữ M.S. [8]. Cho đến năm 1902, Bộ Quân Y Mỹ chính thức sử dụng phù hiệu này là biểu tượng của ngành. Một số người cho rằng Quân Y sử dụng phù hiệu này chỉ vì nó đại diện cho sự ngừng chiến. Người La mã gọi người mang thông điệp hoà bình (hay hiệu lệnh đầu hàng) đến với phe đối phương gọi là người cầm hiệu. Thời cổ, một sứ giả đem thương ước ngừng bắn thì cầm theo trên tay chiếc karykeion (tiếng Hy lạp có nghĩa là gậy lệnh của sứ giả), để biểu thị anh ta trong tình trạng phi vũ khí. Cùng với Quân Y Mỹ thì Hải quân vùng Kharkov (Ukraine), Tampere (Phần Lan), và Puerto Ruci cũng sử dụng phù hiệu Hermes [8]. Hiệp hội Thú y Mỹ cũng sử dụng phù hiệu Hermes, tuy nhiên cho đến năm 1972 thì đổi sang một con rắn [9] vì họ cho là có sự nhầm lẫn.

Hiệp hội Y khoa Ý (Federazione Nazionale degli Ordini dei Medici) trước đó cũng sử dụng phù hiệu Hermes làm biểu tượng, nhưng đến 1996 thì quyết định đổi lại theo phù hiệu một con rắn. Điều mà họ áy náy và muốn đổi cũng chỉ vì Thần Hermes ngoài đại diện cho những điều cao quí nên trên thì còn lại là một tên ăn trộm! Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị là việc quyết định đổi phù hiệu này của Hiệp hội Y khoa Ý chỉ xảy ra vài tuần sau một vụ xì-căn-đan trong giới y khoa Ý, bác sĩ Giuseppe Poggi Longostrevi đã làm một "vụ trộm" động trời, là đã thụt két ngân quỹ y tế quốc gia thông qua man khai để thu tiền qua hệ thống bảo hiểm y tế của thân chủ, tổng số tiền lên đến trên 6 triệu lia Ý một năm [10].

 

Phù hiệu Asklepios (Asclepius, Aesculapius) [11]

Về cách viết Asklepios (as-klí-pi-ơz) hay Asclepius, hay Aesculapius thì từ đầu là viết theo phiên âm Hy lạp, các từ sau là theo phiên âm La mã [12] nên đều tương đương nhau trong cách sử dụng.

Thần thoại về Asklepios:

Truyền thuyết về Hình tượng Asklepios được chú trọng ở hai nền Y học Hy lạp và La mã từ khoảng 1500 đến 500 năm trước Công nguyên. Như là một thầy thuốc anh hùng, Asklepios đã phác hoạ về một mẫu người thầy thuốc lý tưởng và những khó khăn mà một người lương y có thể phải đối mặt. Asklepios đã được đông đảo thừa nhận như là một vị Thần Y và đã phục vụ các đối tượng đến xin cứu giúp, đặc biệt người nghèo khổ và không có sự phân biệt.

Về thần thoại Asklepios có nhiều tư liệu khác nhau đề cập đến.

Thần thoại về Asklepios của Homer:

Theo các di tích bản khắc của người Mycenaean thì đã cho rằng Asklepois được thờ phụng từ 1500 năm trước Công nguyên. Tuy nhiên thì Homer lại mới là người đầu tiên nhắc đến thần thoại Asklepios (vào khoảng 900 năm trước Công nguyên). Homer đã không coi Asklepios là một vị thần. Theo một nhà bình luận La mã- Theodoretus (khoảng 393-457 trước Công nguyên), Homer chỉ coi Asklepios là một "người thầy thuốc có lương tâm". Và chỉ có hai người con trai của Asklepios là Machaon và Podalirus xuất hiện trong thần thoại Illiad và Odyssey, trong đó họ được mô tả như là những tay nghề bậc thầy trong nghệ thuật chữa bệnh giỏi như thân phụ của họ. Họ là thầy thuốc phục vụ các chiến binh Argive trong cuộc chiến chống người Trojan. Mặc dù Machaon và Podalirus được thể hiện như những anh hùng, nhưng không như những anh hùng khác trong anh hùng ca của Homer, vì trong đó họ không được nhìn nhận là có khả năng tinh thông trong chiến tranh hoặc khả năng lãnh đạo mà chỉ được coi là có tay nghề thầy thuốc.

Tất cả những vị anh hùng Hy lạp khác ở thời kỳ này đều là những tù trưởng/lãnh tụ hay những những nhà quí tộc, vậy tại sao Homer đã vinh danh Asklepios và các con trai của ông như những vị anh hùng? Thời đại Homer, các thầy thuốc được coi như những người lành nghề không thuộc lớp quí tộc, được xếp vào loại người lao động lưu động. Trong Anh hùng ca Hormer, Asklepios không được nhìn nhận là con trai của thần Apollo. Các tác giả thuộc giòng họ Edelstein vạch rõ là Asklepios chưa bao giờ được tôn kính là một vị anh hùng Hy lạp truyền thống cả. Qua các y văn Hy lạp thì công lao của ông không có gì là kỳ tích ngoài khả năng chữa bịnh. Ngược lại các vị anh hùng Hy lạp truyền thống là những người đã từng hiến dâng cả cuộc sống trong chinh chiến, còn Asklepios là làm việc để mưu sinh. Cho nên với truyền thuyết Hy lạp thì ông được coi là một mẫu người anh hùng lạc loài, chẳng giống ai.

Thần thoại của Hesiod:

Có lẽ bản viết cổ nhất có đề cập đến thần thoại về Asklepios là của Hesiod vào khoảng 700 năm trước Công nguyên. Chỉ còn những mẩu nhỏ của tác phẩm sót lại, chúng được nhà nghiên cứu thần thoại Apollodorus phục hồi vào khoảng năm 50 sau Công nguyên. Bản phục hồi này của Apollodorus được cho là tài liệu tương đối chính xác nhất phản ánh lai lịch của Asklepios từ lúc sinh trưởng đến khi tạ thế trong biên niên sử của Hy lạp cổ đại.

Theo thần thoại Hesiod, Asklepios là con của Coronis - con gái của Phlegyas ở Thessaly, là kết quả của cuộc tình dan díu với thần Apollo. Thế nhưng cha của Coronis lại ép gả nàng cho Ischys. Sau đó Apollo đã giết nàng Coronis bằng hoả thiêu, lúc đó mới nhận biết nàng Coronis có thai. Apollo đã đem thai nhi Asklepios ra khỏi giàn hoảù trao cho Chiron, một quái vật nhân mã (Centaur) nuôi, ở đó Asklepios đã được truyền lại nghệ thuật chữa bệnh và săn bắn.

Như vậy đã rõ, Asklepios là con trai của thần, cũng như Achilles và Hercules, ông mang trong người dòng máu thần của cha, Apollo là vị thần vừa chữa bệnh vừa gieo rắc dịch hạch. Nàng Coronis, mẹ của Asklepios bị người tình của mình là Apollo giết chết vì ghen tuông. Asklepios được hạ sinh bằng mổ lấy thai khi mẹ bị chết trên giàn hoảù, cho nên mổ lấy thai còn có tên gọi là "sinh kiểu Asklepios", và vì thế cuộc đời của ông đã biểu tượng cho một khả năng của thầy thuốc cứu sinh mạng từ tay tử thần. Asklepios đã tinh luyện nghệ thuật chữa bệnh lên trình độ cứu được cả người chết. Sau đó Thần Dớt đã giết Asklepios vì ông đã đem lại sự sống cho những người đã chết. Thần thoại Homer lý giải sự trừng phạt này là để bảo vệ quyền lực của thần đối với con người. Sự trừng phạt của Dớt đối với Asklepios vì đem lại sự sống cũng giống như sự trừng phạt đối với Prometheus đã đem lửa đến cho con người. Đây chính là điều mà làm cho Asklepios trở nên anh hùng, theo Hesiod vì ông đã đứng về phía con người, ngay cả nguy hại đến tính mạng mình. Hơn thế nữa ở đâây điều vĩ đại là ông là người đầu tiên dám chống lại ý Thần Dớt là cứu vớt những người cùng khổ- mà không một ai dám làm điều đó. Chính tư tưởng này của ông đã trở thành một nghĩa vụ bắt buộc cho một người trở thành thầy thuốc sau này là phải chữa trị công bằng cho tất cả mọi người không kể địa vị, tầng lớp xã hội kể cả bị áp lực, thậm chí có nguy cơ nguy hại đến tính mạng của mình.

Thần thoại Pindar:

Ngược lại với các câu chuyện của Hesiod và Apollodorus, thì một phiên bản có tính hiện đại hơn có liên quan đến trường ca Pindar (khoảng năm 520-442 trước Công nguyên).

Trong thần thoại Pindar đã đề cập đến Asklepios như một người thầy thuốc tài ba, đức độ, có thể chữa được nhiều chứng bệnh nan y, mà không nề hà hay đòi hỏi công cán.

Huyền thoại Pindar được coi là tài liệu được biết đến nhiều nhất và được trích dẫn nhiều nhất về khía cạnh đức độ của một thầy thuốc là cần phải tránh đặt giá điều trị cho bệnh nhân của mình. Trong thần thoại Pindar có một số chi tiết thay đổi, như Apollo giết chết tình nhân của mình- nàng Coronis, mẹ của Asklepios không phải vì ghen tuông mà là vì nàng đã chịu kết ước cưới gã Ischys là người trần mà cha mẹ nàng không đồng ý. Hay Asklepios đã đi quá phạm vi luật lệ của các vị thần không phải vì lòng thương cảm mà vì hám lợi. Pindar thuyết trình lại huyền thoại bằng ánh sáng hiểu biết mới về các vị thần Olympia, mà trong đó Apollo được đặt vào vị trí trung tâm thứ bậc của các vị thần, được coi như là người đem lại công lý. Là người nắm cán cân luật pháp và tôn ti trật tự mà Apollo không có tính ghen hay hời hợt như trong thần thoại Homer nêu lên.

Asklepios là một vị Thần Y:

Cuộc cách mạng của các vụ xung đột giữa các thần thoại cổ, xung quanh Asklepios và sự hiểu biết mới về các vị thần được thừa nhận, đã làm cho tiến trình thần thánh hoá Asklepios diễn ra vào khoảng từ 500 năm trước đến 100 năm sau Công nguyên. Tài liệu cổ nhất vạch rõ Asklepios là một vị thần là trong thần thoại Hellen của Hy lạp tìm thấy trong bản khắc đá ở Athen vào khoảng năm 420 trước Công nguyên.

Hầu hết các tài liệu của La mã đều đồng ý với nhau về kết cấu câu chuyện và công bố là Asklepios sau khi bị giết đã được hồi sinh và trở thành bất tử ở trần gian, từng hiện diện trong ngôi đền Asklepion hay Asklepeions. Các tư liệu về thuật chữa trị của La mã rất nhất quán mà cho rằng chính là thần Asklepios xuống trần hoá thân thành Askles, một vị chúa của Epidauros. Mặc dù các tác giả tranh luận về nguồn gốc tên gọi Asklepios, thế nhưng một số đề xuất rằng tên thần là chính từ hậu tố "epios" (tiếng Hy lạp có nghĩa là nhẹ nhàng, tốt bụng, bình tĩnh). Vì vậy tên của Asklepios gắn liền với đặc tính nhân ái của ông đối với mọi người bệnh. Các tác giả đã đồng ý với nhau rằng tính hoà nhãø và tốt bụng là những đóng góp thiết yếu của Asklepios vào một nhân cách lý tưởng của một người thầy thuốc. Trong các y văn sau này của Hy lạp và các y văn trước của La mã, Asklepios được xuất hiện nhiều hơn, đại diện một nhân cách hoá khái quát về một mẫu người thầy thuốc lý tưởng. Vợ ông nhân cách hoá "epios"; hai người con trai ông, Machaon tiêu biểu cho phẫu thuật và Podalirus tiêu biểu cho nội khoa; Hygiea, con gái của ông cho rằng Asklepios có hai vai trò đem đến sức khoẻ và bảo tồn sức khoẻ.

Về ngôi đền chữa bệnh của Asklepios:

Các học giả tán đồng rằng việc thờ phụng Asklepios xuất phát từ các tỉnh nông thôn của Hy lạp trong công chúng bình dân. Theo Edelstein thì cho rằng uy thế của Asklepios tăng cao trong tầng lớp nghèo khổ và cặn bã của xã hội, những người đã nhìn nhận Asklepios như một vị thần vì sự đặc biệt lưu tâm đến phúc lợi của họ. Chỉ trong các vị thần La mã-Hy lạp không thôi, thì Asklepios được coi như là một "người chu đáo", dành tình thương cho mọi người không kể địa vị của họ là ai. Là một vị Thần Y, tiêu chí chủ đạo của ông là nhằm vào cá nhân người bệnh, ông là một con người dễ tiếp cận. Ông đã có những tìm tòi, phát hiện ra các tôn chỉ chữa bệnh mà chưa có các vị thần nào trước đó thực hành. Chính lối làm việc này của ông đã làm nền tảng để thiết lập qui định về bổn phận phục vụ cho mọi tầng lớp không phân biệt cho thế hệ thầy thuốc về sau này.

Việc tôn thờ Asklepios sau đó lan rộng ra khắp nước Hy lạp, đến châu Á, ngay cả Carthage và Ai cập, đến cả một phần thần dân trung thành với Alexandre Đại đế. Hơn thế nữa, Asklepios là người ngoại quốc đầu tiên được thừa nhận ở La mã. Để đối phó với một vụ dịch ở thành La mã, người La mã đã cầu khẩn thần Apollo, và được huấn chỉ là rước thần Asklepios từ Epidauros về La mã. Người ta tìm thấy vết tích đền này vào khoảng năm 291 trước Công nguyên. Từ La mã, việc thờ phụng Asklepios tiếp tục nới rộng vượt khỏi đế chế La mã đến tận thế giới Tây âu.

Asklepios là một vị nhân- thần:

Asklepios hoàn toàn khác với các vị thần Olympia khác, ông được coi là đặc trưng của "daimon" (tiếng Hy lạp là"linh hồn") đến trong giấc mơ của những người cầu xin hơn là một "theos" (tiếng Hy lạp là "thần"). Ông rõ ràng được hiểu là một vị nhân-thần (vừa là thần vừa là người), ở điểm là vị thần xuống trần thế. Ông đã chết cái chết của một nhân sinh trước khi lên thiên đàng, mà ở đó ông còn có thể viếng thăm nhân loại đáp ứng lời cầu xin của mọi người. Vào thời đại La mã đã có một cuộc chiến tranh tinh thần giữa những người theo Giê-su và phe tôn thờ Asklepios về cái chết nhân sinh trước khi lên thiên đàng, vì phe theo đạo Ca-tô cho rằng chỉ có Giê-su của họ mới có "đặc quyền" đó! Điều này để nói lên Asklepios đã là một hiện tượng và có ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng thời đó, họ tôn thờ ông cũng như những người theo đạo Ca-tô tôn thờ Giê-su.

Thế hệ thầy thuốc hậu duệ của Asklepios:

Mặc dù các thầy thuốc của Hy lạp cổ đại có vị trí thấp trong xã hội, như những người hành nghề lưu động. Tuy vậy họ vẫn có uy tín thông qua uy quyền của Asklepios. Hầu hết các nhà bình luận hiện đại đều tán đồng điểm "Asklepios trước khi trở thành vị thần Y, thì ông đã từng là một vị thánh giám sát những người thầy thuốc..". Vào khoảng nửa sau của thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, các thầy thuốc (tiếng Hy lạp là "iatros") được vinh danh là Asklepias (tiếng Hy lạp có nghĩa là hậu duệ hay con của Asklepios). Một số tác giả lại cho rằng cụm từ "các con của Asklepios" đó ban đầu là để chỉ một gia đình thầy thuốc của ông, và sau đó được người ngoài sử dụng rộng rãi. Dù thế nào đi nữa, thì ở thế kỷ thứ V sau Công nguyên, thì chức danh "hậu duệ của Asklepios" đã được sử dụng rộng rãi nhất để chỉ các thầy thuốc. Chính Hippocrate (vị tổ của ngành Y học hiện đại) cũng coi mình là "hậu duệ của Asklepios", đã đưa cả ý tưởng của Asklepios vào ngay vào dòng đầu tiên của lời thề Hippocrate; và Aristotle đã coi Hippocrate như là vị lãnh đạo các "hậu duệ của Asklepios". Galen, một thầy thuốc uy tín nhất thời Trung cổ đã nhận mình là đồ đệ của Asklepios sau khi ông đã được chữa khỏi bệnh tại một ngôi đền Asklepios.

Một khi Asklepios đã được công nhận như là vị Thần Y, và thế hệ thầy thuốc về sau tự nhận mình là những người kế nghiệp Asklepios thì rõ ràng phải có bổn phận tuân theo tôn chỉ của ông. Truyền thống của ông là công bằng chữa trị công bằng cho tất cả mọi người. Những sự đóùng góp của người giàu có là dùng để san sớùt chữa trị cho kẻ nghèo khó. Các nô lệ sống dưới chế độ hà khắc thời La mã và Hy lạp cổ đại, vậy mà họ vẫn được nhận vào các đền của Asklepios để điều trị. Ai có ý đồ giết họ ở đó sẽ bị quy tội giết người.

Biểu tượng của Asklepios với ngành Y:

Như đã mô tả trên, nếu không kể Hippocrate là vị tổ của ngành y học phương tây hiện đại "bằng xương bằng thịt", thì chính Asklepios mới đi vào huyền thoại của ngành Y khoa. Trên các bức khắc đá, vết tích còn lại thấy ông trên tay cầm một cây gậy thô ráp đầu có núm, và có một con rắn quấn quanh; dưới chân ông có một con chó nhỏ nằm bên cạnh. Về truyền thuyết một con rắn quấn quanh cây gậy này cũng có đến 3 khảo dị.

Thứ nhất, theo thần thoại Hy lạp [13], Thần Asklepios quan sát thấy một con rắn đã ngậm một cái lá thần bỏ vào miệng một con rắn đã chết, và con rắn đó được cứu sống. Thứ hai, theo thần thoại La mã (khoảng năm 295 trước Công nguyên), thần Asklepios đã dùng con mãng xà để tiêu diệt một đợt dịch hạch nghiêm trọng. Khai thác trong các chữ tượng hình cổ đại, người ta đọc được những dòng chữ được cho là của Asklepios :" Không còn phải sợ hãi nữa! Ta sẽ đến và sẽ để lại hình ảnh của ta. Các ngươi phải ghi nhận lại hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy này của ta vào trong trí nhớ các người. Ta sẽ dùng con rắn này để cải hoá". Sau khi ông chiến thắng được bệnh dịch hạch ở đây, thì các đền thờ được lập nên trong suốt thời đế chế La mã để vinh danh Asklepios, và từ đó mà cây gậy Asklepios được gắn liền với ngành y [7]. Giả thuyết thứ ba cho là xuất phát từ một thuật chữa trị chứng nhiễm sán guinea (Dracunculus medinensis), bằng cách dùng một cái que như mô tả ở trên [4], nhưng ở đây là một con sán chứ không phải hai con! Còn ái nữ của ông, nàng Hygiea Thần Sức khoẻ (God of Health) thì cầm trên tay một con rắn và một cái chén [14].

Vết tích của Asklepios đầu tiên được tìm thấy có liên quan đến Y khoa có lẽ là trong một cuốn giáo khoa Y khoa của một thầy thuốc nổi tiếng người Ả rập, Avicenna vào năm 1544, có in hình Asklepios ở trang bìa Rồi từ đó phù hiệu Asklepios được sử dụng là biểu tượng của ngành Y ở nhiều nơi, từ Âu (Hiệp hội Y khoa Hoàng gia Anh) đến Á, sang Canada [15] và một số hiệp hội Y khoa Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sử dụng phù hiệu của Asklepios đưa vào trong cờ hiệu chung, cũng như sử dụng biểu tượng con rắn và cái ly (cải dạng từ con rắn và cái chén mà Thần sức khoẻ Hygiea, con của Asklepios cầm trên tay) làm biểu tượng của ngành Dược [14].

Câu chuyện tranh cãi về phù hiệu hai con rắn và một con rắn:

Qua sơ lược về các câu chuyện thần thoại Hy Lạp- La mã nói trên, có thể cho ta hình dung khái quát được bối cảnh lịch sử của việc xuất hiện các biểu tượng ngành Y hiện nay.

Chung quy hầu hết các nhà cổ học, các tác giả đều nhất trí với nhau về hai thần thoại Hermes và thần thoại Asklepios. Trong đó Hermes là thiên sứ của các vị Thần đại diện cho cả sự sinh sản, cho cả ngành tài chính, hàng hải, thể thao, và còn là vị thần biểu tượng của sự ăn cắp. Phù hiệu của ông là hai con rắn quấn quanh một cây gậy trơn trên đầu có gắn đôi cánh, gọi là Caduceus (ca-đu-xi-ơz). Ngược lại chỉ có Asklepios là vị thần duy nhấtï được coi là Thần Y và cả một gia đình ông đều thừa kế thuật chữa trị. Ông không những nổi tiếng về tài chữa bệnh mà còn về đạo đức. Trải qua thời kỳ Đế chế La mã, Alexandre Đại đế, thời Trung cổ cả một khu vực rộng lớn đều tôn thờ ông là vị Thần về Y khoa. Gậy lệnh của ông là một cây gậy thô, có núm trên đầu có một con rắn quấn quanh đó, gọi là Karykeion (ka-ri-ki-on) hay gậy của Asklepios. Trường phái chọn Caduceus của Hermes vin vào các đặc tính như : biểu tượng ngừng chiến, hay hàng hải mà áp dụng vào Quân Y hay Hải quân. Trường phái ủng hộ Karykeion của Asklepios thì quy kết tội những người chọn caduceus của Hermes đã nhầm lẫn trong việc lựa chọn phù hiệu, lần đầu tiên xảy ra là do in sách đã chọn nhầm rồi thành thông lệ. Tuy nhiên khảo sát lại các thần thoại Hy Lạp- La mã trên đây ta thấy thần thoại Asklepios và Karykeion gắn liền với ngành Y là có cơ sở và đứng vững hơn cả, mà ngày nay đông đảo các học giả Cổ học cũng như Y khoa chấp nhận. Nếu xét về tính lịch sử, hay để tưởng nhớ cũng như nhắc nhở thế hệ thầy thuốc về sau đến công đức cũng như đạo đức của vị thần tổ Y khoa này thì Karykeion của Asklepios được sử dụng là rất hợp lý. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nhất thiết những tổ chức Y khoa nào đã dùng Caduceus của Hermes phải đổi lại, vì vấn đề ý nghĩa đã có thể phôi phai theo thời gian. Biểu tượng đã trở thành quen thuộc, coi như một sự nhận dạng nhiều hơn là ý nghĩa. Còn nói như việc Hiệp Hội Y khoa Ý vừa có quyết định đổi từ Caduceus của Hermes hai con rắn sang Karykeion của Asklepios chỉ vài tuần sau một vụ xì-căn-đan (thụt két ngân quỹ y tế) của một vị thầy thuốc Ý nêu trên, hàm ý là vì Thần Hermes là vị thần ăn cắp, nên muốn làm trong sạch thì đó là sự qui kết cực đoan quá đáng.

Điểm nói thêm ở đây là vấn đề trên gậy là hai/một con rắn hay là con giun/sán như có tác giả đề xuất [4, 13, 16]. Theo chúng tôi thì thuyết cho rằng đó là con giun vì nó ám chỉ một thuật chữa bệnh thời cổ có lẽ thiếu tính thuyết phục. Tại sao không chọn một phép chữa trị nào khác mà phải là phép dùng que chữa bệnh giun sán để làm biểu tượng ngành Y? Trong khi đó cả thần thoại Hermes và Asklepios đều nói đến rắn. Thứ hai, rắn là một loài vật cổ xưa nhất được nhắc đến rất nhiều và gắn liền với con người. Về truyền thuyết rắn là một loài vật được nhiều nền văn hoá, tôn giáo và truyền thuyết nhắc đến, thậm chí được sùng kính. Một số bộ tộc Phi châu, bộ tộc Ấn độ cổ đại, đạo Hin-đu (từ khoảng thế kỷ 6 đến 4 trước Công nguyên) còn thờ cúng rắn trong các buổi lễ nghi thức. Thế tại sao rắn được sùng kính như vậy. Người ta cho rằng, rắn nó nằm trong một lớp vỏ bọc, và theo niềm tin của các bộ tộc này, họ cho rằng rắn có khả năng thay vỏ để trẻ hoá và kéo dài tuổi thọ. Và họ tin rằng rắn sống trường sinh bất lão. Cổ tích Việt nam cũng nhắc đến sự trường sinh của rắn qua câu chuyện "rắn già rắn lột…". Một phần khác là nọc độc chết người của rắn làm cho con người phải khiếp sợ. Ở Ai cập cổ đại các mẫu rắn được dùng trong các kiểu viết chữ tượng hình. Ở Trung quốc và cả Việt nam rắn là một loại thuốc trị được nhiều chứng bệnh. Ở Nhật cũng tìm thấy vết tích rắn vẽ trong các ngôi mộ cổ v..v.. Nói chung sự liên quan giữa rắn với ngành Y là gần gũi hơn cả.

Tóm lại các câu chuyện về Asklepios gần như đã bị lãng quên, thế nhưng nó đã một thời có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của xã hội La mã Hy lạp cổ đại đối với các thầy thuốc hơn cả các tác phẩm của Hippocrate. Thần thoại về Asklepios có tính thuyết phục hơn các y văn của Hippocrate bàn về sự công bằng trong chữa trị và chăm sóc cho các bệnh nhân, bất kể địa vị, giàu nghèo, rất phù hợp cho Y đức của y học hiện đại. Thần thoại Asklepios đã cho thấy xã hội La mã Hy lạp cổ đại đó đã kỳ vọng ở một người thầy thuốc chăm sóc cho các bệnh nhân ở mọi tầng lớp, không màng danh lợi, không quản ngại đến tính mạng cá nhân của thầy thuốc. Như những người La mã và Hy lạp cổ đại, các bệnh nhân của chúng ta ngày nay cũng kỳ vọng được đón nhận sự chăm sóc như Asklepios thời đó. Có lẽ hiểu rõ hơn về Asklepios mà chúng ta có thể cùng nhau bảo tồn tinh thần Asklepios trong thực hành Y khoa để có thể đáp lại lòng mong mỏi của cả bệnh nhân và cả kỳ vọng sâu xa nhất của chính chúng ta- Y học là sự cống hiến chứ không phải là việc buôn bán.

 

NĐN

Tài liệu tham khảo:

[1] Microsoft Encarta 2002, CD copy

[2] Microsoft Encarta 1996, CD copy

[3] Contribution in Medical Studies, số 35, của Walter J Friedlanser, trang 181

[4] Địa chỉ http://www.medhelpnet.com/caduceus.htmlrl, truy nhập tháng 3 2002.

[5] The Rod and the Serpent od Asclepios, của J Schouten. New York, nhà xuất bản Elviser Science Publishing Co Inc; 1967.

[6] A much understood caduceus and the case for an aesculapion, của Finn Ronald. Orlian David A, Davenport Geoffrey, trong The Lancet, tháng 5 năm 1999, bộ 353(9168), trang 1978

[7] The Symbol of Medicine: Aesculapius or Caducues?, của Pejic R Nicholas,, trong The Journal of American Medical Associarion (JAMA), bộ 275(16), tháng 4 1996, trang 1232

[8] The Golden Wand of Medicine: A history of the caduceus symbol in medicine. Book review, Sharpe William, The New England Journal of Medicine, Vol 328(19), 13 May 1993, trang 1472.

[9] Stedman’s Medical Distionary, trang 207.

[10] Symbol changes afoot in Italy, trong The Lancet, bộ 350(9084), số 11 tháng 10 năm 97, trang 1085.

[11] Trích dịch từ Asklepios: Ancient Hero of Medical caring, tác giả Bailey James, Annals of Internal Medicine, Vol 124(6) 15 Jan 1996, trang 257-263.

[12] Asklepois: A Modern tale, của Annie J Stanton, trong JAMA, vol 281(5), 3 Feb 1999, trang 476-477.

[13] One snake or two? của Rakel, trong JAMA, Vol 185 1985, trang 2369.

[14] Snake as a symbol in medicine and pharmacy- ahistory study, của Yakushigaku Zasshi và công sự, trong the Journal of Japanese History of Pharmacy, Vol 35(1), 2000, trang 25-40.

[15] Medicine Chided Over use of wrong symbol, Newsbrief, Canadian Medical Association, trong CMAJ, vol 15(12) 15 Dec 1994, trang 1737.

[16] The staff and the "fiery serpent", của Crocker, trong CMAJ, vol 166(4), 19 Feb 2002, trang 425.


"Ngộ độc " (nước) củ dền - nỗi oan Thị Kính - BS Nguyễn Đình Nguyên
5/6 mẫu thử nghiệm phân và thịt chó có nhiễm phẩy khuẩn Tả, rồi sao nữa?
Biểu tượng của ngành Y khoa -BS  Nguyễn Đình Nguyên
CHUỘT VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG NGHIÊN CỨU Y SINH HỌC
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Các biện pháp trước mắt để làm giảm nồng độ 3-MCPD trong sản phẩm nước tương chế biến bằng phương pháp thuỷ phân
Cúm lợn và những điều cần biết
Cúm lợn: Hướng dẫn thực hành và Tài nguyên thông tin dành cho bác sĩ lâm sàng
Cần phải tập trung vào việc khử trùng môi trường, nguồn nước uống và sinh hoạt
Di sản của chiến tranh: Thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa chất độc Da cam và dị tật bẩm sinh
Dinh dưỡng và tuổi Vị thành niên
Dịch cúm chim ở gia cầm - Vấn đề cần nhìn lại - Nguyễn Đình Nguyên
Dịch Tả có phải do ăn mắm tôm?
Giải pháp nào cho vấn đề "Tiền mất tật mang"?
Giải pháp nào cho vấn đề “Tiền mất tật mang”? - Nguyễn Đình Nguyên
HIỆN TƯỢNG “THỤT DẦU”
Hướng dẫn an toàn thực phẩm trong gia đình
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet)
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet) - BS Nguyễn Đình Nguyên (Úc)
Khiêu vũ và chóng mặt
Khoa học thiếu thông tin và thông tin thiếu khoa học
Lentine và sức khỏe con người
Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm - Nguyễn Đình Nguyên
Lợi ích của bũa ăn điểm tâm sáng - BS Nguyễn Đình Nguyên
Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm
Một số câu hỏi thông thường của bệnh tiêu chảy do Tả
NGUYEN DINH NGUYEN
Ngộ độc (nước) củ dền - nỗi oan thị kính
Nhân hai trường hợp tử vong do tiêm kháng sinh loại ceftriaxone tại BV Đa khoa Tây ninh
Phân tích cấu trúc di truyền DNA: ứng dụng trong Y pháp nhận dạng - BS NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN
Phương pháp chuẩn để kiểm định 3-MCPD trong nước tương và các sản phẩm nước tương có gia hương vị hoặc các nước chấm làm từ đậu nành ở New Zeland - Nguyễn Đình Nguyên
Phản hồi của Nguyễn Đình Nguyên về ý kiến của Phạm Văn Linh “Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học”
Sữa và Nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa
Tai biến hôn mê sau gây tê kết hợp tuỷ sống-ngoài màng cứng: Một báo cáo lâm sàng đầu tiên trên thế giới
Tai biến liệt mặt sau một phẫu thuật có gây mê
Thuốc rẻ cho người nghèo
Thông báo khẩn cấp của FDA đối với người tiêu dùng ở Mỹ về sản phẩm kem đánh răng nhập khẩu từ Trung quốc - Nguyễn Đình Nguyên
Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III
Tại sao bệnh Cúm không thanh toán được mà cũng không chữa được?
Tản mạn về về bài viết “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy” của tác giả Nguyễn Văn Dũng
Ung thư tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ gãy xương - BS Nguyễn Đình Nguyên
Vaccine phòng chống cúm gia cầm A(H5N1) ở người, hứa hẹn?
Vài nét về Vi rút Cúm lợn (heo) (Swine influenza virus)
Vàng nhân não: Biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, nhưng có thể phòng ngừa được
Vì  sức khỏe người dân hay vì  sợ dư luận?
Vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR-II: tiêm dưới da hay tiêm bắp
Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Về quyết định “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” của Bộ Y tế
Về đợt dịch Tả: “Quan cần nhưng dân chưa vội”, nhưng “xin đừng vội trách đa đa”
Đo thân nhiệt (nhiệt độ) cho trẻ- thiết bị hiện đại có phải lúc nào cũng hữu ích? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết?
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đánh giá nguy cơ tác hại của thành phần 3-MCPD trong thực phẩm lên sức khoẻ con người
Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?
Định mức 3-MCPD an toàn nào được đặt ra cho sản phẩm nước tương?
Đổi tên “Cúm Heo”, thương thay thân phận Con Gà!


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn