Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm
Khoa học Y học là một trong những ngành khoa học đạt được nhiều thành tựu lớn và bước những bước tiến dài trong lịch sử khoa học. Không thể phủ nhận được những tiến bộ của khoa học ứng dụng trong việc chữa trị bệnh, đem lại tuổi thọ, nâng cao chất lượng đời sống và càng ngày khoa học y học càng đi sâu vào bản chất của bệnh ở mức độ phân tử.
Thế nhưng, không phải như thế là mọi việc đều ngã ngũ. Mức độ phức tạp của bệnh tật và mức độ phân hóa trong các phương thức chẩn đoán cũng như cách thức điều trị bệnh dường như càng tăng lên theo với mức độ phát triển của Y học hiện đại.
Càng ngày chúng ta càng phải nhận thấy rằng con người cũng như mọi thực thể hữu hay vô cơ đều là một phần tử của một môi trường, một quần thể nào đó; và tồn tại trong một mối ràng buộc hữu cơ chứ không phải là một thực thể biệt lập. Bệnh tật cũng nằm trong chiều hướng đó. Nó biến đổi theo mô hình khác nhau trong từng sắc dân, từng vùng địa dư, từng tập tục sinh sống, từng hình thái kinh tế, có vẻ như không thể biến mất đi được trừ một số bệnh được coi là thanh toán như đậu mùa (nhưng không có nghĩa tuyệt đối). Chính vì thế mà cho đến thế kỷ XXI mà có nhiều bệnh dù khoa học đã hiểu rõ bản chất từ lâu nhưng không thể nào đặt chúng nằm trong tầm kiểm soát được chẳng hạn như bệnh lao, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết... Đã thế nhiều bệnh gần như cả hơn thế kỷ trôi qua, nhưng nguyên nhân vẫn không sao tìm được, một bệnh khá phổ biến như đau dạ dày, giới khoa học gia vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp rõ ràng. Chính vì thế sự bất cập và tính phân hóa trong cách thức điều trị luôn là vấn đề đối với việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân thì vẫn mắc bệnh, và vẫn phải được chữa bệnh, nhưng không có được một phương thức điều trị đặc hiệu. Như người viết đã từng trình bày trong bài viết trước đây về hướng áp dụng Y học Thực chứng (Evidence Based Medicine, EBM) trong việc chữa trị bệnh hiện nay. Với cách thức này, người thầy thuốc luôn phải ở trong trạng thái động về mặt cập nhật kiến thức, về một người bệnh cụ thể và về một phương hướng điều trị cụ thể. Đặc biệt là đối với những bệnh không rõ nguyên nhân, hoặc nguyên nhân chưa xác định được, cơ chế gây bệnh chưa rõ ràng. Trong trường hợp đó, việc trông chờ vào những kết quả nghiên cứu truy tìm nguyên nhân thì quá muộn, do đó người thầy thuốc vẫn phải làm việc và đối mặt với chúng thường xuyên. Kinh nghiệm là một điều quý giá, nhưng trong một chừng mực nào đó mọi hành xử đều phải tuân theo một quy tắc nhất định. Kết cục có thể đúng, có thể sai, nhưng quy tắc thì không được nhầm lẫn và logic trong quá trình lập luận chẩn đoán và quyết định dùng thuốc phải có tính thuyết phục. Trong cách thức chữa bệnh hiện nay thì nhiều, bệnh trạng thì đa dạng nhưng tóm lại có thể chia làm hai dạng chính: dạng can thiệp bằng phẫu thuật hay còn gọi là điều trị ngoại khoa, và dạng điều trị bảo tồn, tức là điều trị nội khoa. Cách thức điều trị ngoại khoa thì việc chỉ định điều trị có lẽ rõ ràng và minh bạch hơn, vấn đề chỉ là thủ thuật và cách thức tiến hành như thế nào, điều này phụ thuộc vào tiến bộ và mức độ hiểu biết về bệnh. Điều trị nội khoa tức là điều trị không đụng chạm gì đến dao kéo; phương thức điều trị có thể là can thiệp bằng hóa chất, hoặc chỉ dùng những tác động ngôn ngữ (tâm lý), cơ và lý học hỗ trợ. Cách thức điều trị nội khoa gặp phải khá nhiều khó khăn vì đa phần những bệnh không tìm được nguyên nhân, không xác định được căn nguyên, cơ chế bệnh sinh. Nhưng điều trị thì vẫn phải điều trị, và người thầy thuốc lắm khi chữa bệnh nhân khỏi rồi mà không biết tại sao nó khỏi. Một trong những khâu khó khăn và phức tạp nhất trong điều trị nội khoa là việc sử dụng hóa dược hay còn gọi là điều trị bằng thuốc. Vì tính đa dạng và bất định của bệnh cho nên có một số ít bệnh có được một loại thuốc đặc trị, còn lại đều là điều trị tùy thời tùy tình huống và tùy đối tượng. Và vì thế mà thị trường dược phẩm càng ngày càng đa dạng, tốc độ này càng nhanh khi khoa học công nghệ cao được ứng dụng vào ngành Y tế. Tính đa dạng về loại hóa dược không chỉ do nhu cầu sử dụng thuốc mà nhiều khi do tình trạng thương mại hóa khoa học. Nhiều loại thuốc được sản xuất đại trà mà không có kiểm chứng, không được giới khoa học đánh giá nghiêm túc mà vẫn được lưu hành. Chính vì vậy đối với mỗi quyết định cho “đầu vào” và “đầu ra” của một dược phẩm cần phải qua một quy trình chuẩn hóa nhất định. Đầu vào của thuốc nói đến quy mô quốc gia, về quyết định cho nhập và lưu hành một loại dược phẩm trên thị trường toàn quốc. Đầu ra của thuốc là việc đưa thuốc vào sử dụng chữa trị cho bệnh nhân, quyết định này nằm ở mức độ một tổ chức hay một cá nhân điều trị. Để có thể đưa một dược phẩm vào lưu hành trên thị trường, cơ quan chuyên môn cần phải có một tổ chức hoặc một ủy ban chuyên môn có chức năng thẩm định giá trị thực của một dược phẩm. Tổ chức này là một tổ chức chuyên môn độc lập. Ngoài ra còn phải có bộ phận về kinh tế y học thẩm định giá trị kinh tế và hiệu năng chữa bệnh trên phương diện kinh tế ở cấp vĩ mô. Để đánh giá giá trị sử dụng của một loại dược phẩm cần phải có một tiêu chuẩn đánh giá. Cũng nên biết qua về một quy trình sản xuất thử nghiệm và đưa vào thị trường của một loại thuốc, từ đó mới có thể thẩm định được giá trị một cách đúng đắn. Dựa trên cơ chế bệnh sinh, bệnh nguyên của một quá trình hoặc một hiện tượng bệnh lý, người ta sản xuất ra một hóa dược có tính chất đối kháng hoặc ức chế hoặc tiêu trừ các biểu hiện bệnh lý đó. Thí dụ như kháng sinh có tác dụng tiêu trừ hoặc kiềm hãm tác dụng của vi khuẩn, thuốc giảm đau có tác dụng ức chế hệ thần kinh cảm giác trung ương hoặc ngoại vi, thuốc hạ sốt có tác dụng ức chế hoạt động tỏa nhiệt... Hóa dược bước đầu tiên là được bào chế, tổng hợp trong phòng thí nghiệm, sau đó được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trong môi trường phản ứng hóa học, gọi là thử nghiệm invitro. Sau khi thành công thì hóa dược này sẽ được đưa vào thử nghiệm trên mô sinh học biệt lập, tức là dùng các tế bào nuôi cấy bên ngoài. Bước kế đến là thử nghiệm trên mô hình động vật nào có cấu trúc chức năng và tương tác với loại hóa dược đó được cho là gần giống với con người nhất. Bước thử nghiệm sau cùng là đưa vào thử nghiệm trên cơ thể người ở những người tình nguyện tham gia nghiên cứu. Sau đó thuốc mới được đưa ra sử dụng trên thị trường. Điểm mấu chốt và quan trọng nhất là ở khâu thử nghiệm trên người, mà thông thường được gọi là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên kiểm tra với nhóm đối chứng (Randomized placebo controlled trials, hay RCT).
Một nghiên cứu RCT về tác dụng của một hóa dược thường chỉ được nghiên cứu trong một nhóm người với một tiêu chuẩn nhất định. Thí dụ khi nghiên cứu tác dụng của bisphosphonates có làm giảm nguy cơ gãy xương hay không, người ta cần phải nhắm vào đối tượng nào có nguy cơ cao với gãy xương thì mới có thể thấy được hiệu quả của chúng trong một thời gian nghiên cứu khá ngắn thường chỉ vài ba năm. Do đó đối tượng nghiên cứu thường chọn phải là phụ nữ mãn kinh, có kèm theo tình trạng loãng xương (osteoporosis) hay ít nhất là mật độ khoáng trong xương (bone mineral density, BMD) thấp, và một số điều kiện ràng buộc khác. Do đó khi kết quả cho thấy rằng một loại bisphosphonates như alendronate chẳng hạn có tác dụng làm giảm tỷ lệ gãy xương sống, thế nhưng nó chỉ mới được nghiên cứu tác dụng trên một nhóm đối tượng là phụ nữ mãn kinh có kèm theo loãng xương. Và thuốc này không thể được suy luận là có thể ngăn ngừa gãy xương do loãng xương trong mọi đối tượng mà kê đơn đại trà được.
Thế nhưng không phải mọi nghiên cứu RCT đều đưa đến kết quả theo ý muốn và nhiều khi nhiều nghiên cứu trên cùng một loại thuốc lại đưa ra những kết quả đối nghịch nhau hoặc không bổ sung được cho nhau. Cho nên giới khoa học đặt ra một tiêu chuẩn để đánh giá một loại dược phẩm. Nghiên cứu được công nhận là có giá trị nhất trong đánh giá tác dụng điều trị của một loại thuốc hiện nay là Nghiên cứu Siêu Phân tích (meta-analysis). Nghiên cứu này là một nghiên cứu tổng hợp các nghiên cứu RCT trên cùng một loại dược phẩm và cùng một mục đích nghiên cứu. Ưu điểm của nghiên cứu Siêu Phân tích là nó tập hợp được số đông các đối tượng nghiên cứu để có thể đánh giá được hiệu quả của thuốc một cách công bằng hơn, nghiên cứu này còn đòi hỏi phải tính đến cả những nghiên cứu RCT không được công bố, vì lẽ những nghiên cứu không công bố thường là đưa ra kết quả không như mong muốn. Sau nghiên cứu Siêu Phân tích, xếp hàng thứ hai là các nghiên cứu RCT được thiết kế đúng, hợp lý. Các nghiên cứu về dược phẩm không nằm trong hai dạng nghiên cứu trên đây không được coi là một nghiên cứu đúng để đánh giá hiệu quả điều trị của một dược phẩm. Ngay cả những nghiên cứu RCT cũng còn phải thẩm định về hiệu quả đích thực của nó, lấy ví dụ nếu nghiên cứu mà do chính hãng sản xuất thuốc nghiên cứu hoặc được hãng sản xuất tài trợ để nghiên cứu là cần phải đặt vấn đề về độ tin cậy của kết quả công bố. Một điều rõ ràng các nghiên cứu về thuốc, đặc biệt là thuốc mới, vì hạn chế về vấn đề thời gian nên chưa thể nắm hết được công năng cũng như tác dụng phụ và tai biến. Do đó việc tái cập nhật thông tin về từng loại thuốc hết sức quan trọng. Một nghiên cứu có thể cho kết quả tốt hôm nay, nhưng sau một thời gian theo dõi thì nó lại có biến chứng. Điển hình là nghiên cứu về Liệu pháp thay thế Nội tiết (Hormone replacement therapy, HRT) áp dụng điều trị cho phụ nữ bị mắc các triệu chứng kỳ mãn kinh, loãng xương. Sau hơn 20 năm nghiên cứu dù có kết quả tốt nhưng ngược lại nó có tác hại gây tăng tỷ lệ một số loại ung thư trong số những người tham gia nghiên cứu. Do đó hiện nay chương trình nghiên cứu này phải dừng lại và toàn bộ những người tham gia nghiên cứu phải vào giai đoạn theo dõi biến chứng. Như vậy đối với “đầu vào” của một loại dược phẩm, cần phải có một tổ chức chuyên môn cấp trung ương có nhiệm vụ độc lập thẩm định các giá trị của từng loại dược phẩm mới khi được chào hàng. Quy trình này không có cách nào khác là phải sử dụng kỹ năng chuyên môn, nghiên cứu hoặc thu thập thông tin để có thể có được một thông tin chính xác và trung thực về mặt khoa học. Sau khi tính đến giá trị của thuốc thì còn phải tính đến hiệu quả giá thành điều trị tức là giá trị sử dụng của thuốc đó. Điều này cần phải cân nhắc và đối chiếu đến mô hình bệnh tật, tần suất lưu hành của bệnh, giá thành của thuốc để xem có nhu cầu thực sự là cần phải dùng thuốc đó hay không. Quan trọng hơn cả là phải tính đến điểm cuối là bệnh nhân, liệu thuốc mới có hiệu quả ưu việt hơn hẳn mà tiết kiệm được giá chi trả so với một loại thuốc thường quy là có cùng tác dụng không? Chính vì thế mà nhiều loại thuốc mới được ra đời có thể được dùng ở một số nước đã lâu, nhưng ở một số nước khác lại không xác nhận cho phép lưu hành.
Qua những điểm nêu ở trên chúng ta có thể thấy được rằng dược phẩm đang lưu hành và chúng ta đang sử dụng hiện nay như là một thứ vũ khí mà chúng ta mới chỉ hiểu được một phần công năng của chúng. Trong khi đó cơ thể chúng ta không phải là “kẻ thù” và cũng không phải là “bãi thử vũ khí”, cho nên việc quản lý dược phẩm cần phải được phân cấp chặt chẽ và việc sử dụng dược phẩm để điều trị bệnh phải được coi là một quyết định hạn hữu và bất đắc dĩ nếu không còn giải pháp lựa chọn khác.
Phân cấp quản lý dược phẩm: Điều phải thống nhất với nhau rằng dược phẩm là một hóa chất chuyên dụng là một hàng thương phẩm đặc biệt, do đó thị trường lưu hành của nó cũng có nét đặc thù riêng. Chỉ những ai có chuyên môn và có giấy phép mới được lưu hành và phân phối thuốc, giống như chỉ có người có thẩm quyền mới được sở hữu vũ khí. Do vậy, thuốc chỉ được lưu hành ở các cơ sở chuyên môn về y tế, các nhà thuốc đủ điều kiện. Vì độc tính và tác hại của thuốc do đó thuốc phải được phân cấp theo mức độ: - Thuốc chỉ được lưu hành trong bệnh viện, các cơ sở khám bệnh như thuốc gây nghiện hay có độc tính cao. - Thuốc chỉ được bán theo đơn hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, thí dụ như thuốc điều trị bệnh tâm thể (tâm thần), thuốc nội tiết.
- Thuốc chỉ được bán theo đơn bác sĩ, thí dụ như kháng sinh, thuốc chống viêm corticoide.
- Thuốc chỉ được bán dưới sự chứng kiến của dược sĩ có thẩm quyền, thí dụ một số thuốc dùng ngoài da.
- Thuốc được bán tự do, nhưng cần phải có sự giải thích đầy đủ thí dụ như vitamin, hạ sốt.
Theo quy định và các cách phân cấp này, rõ ràng thuốc phải được quản lý và xuất bởi dược sĩ có thẩm quyền. Ngoài bệnh viện và nhà thuốc thì không một nơi nào được quyền phân phối lẻ thuốc cho bệnh nhân. Cơ số thuốc nằm trong danh mục quản lý cần phải được kiểm soát chặt chẽ, thuốc bán theo đơn bác sĩ cần phải khớp cơ số nhập vào và cơ số xuất ra để tránh tình trạng bán thuốc ngoài đơn của bác sĩ. Tại nhà thuốc và phòng mạch bác sĩ đều phải có bản lưu về đơn kê những loại thuốc bắt buộc phải có đơn. Hồ sơ lưu của nhà thuốc phải ghi rõ chi tiết bệnh nhân, chẩn đoán, loại thuốc, số lượng thuốc, ngày giờ xuất thuốc, tên bác sĩ kê đơn để có thể kiểm tra chéo với đơn lưu ở phòng mạch bác sĩ.
Tại bất kỳ một thời điểm nào, mỗi nhà thuốc đều phải có một dược sĩ cao cấp có giấy phép hành nghề túc trực để ký đơn xuất thuốc theo toa bác sĩ, và chịu trách nhiệm hướng dẫn dùng thuốc cặn kẽ cho bệnh nhân.
Vai trò của Trình dược viên?
Trình dược viên chẳng qua là người làm chức năng tiếp thị sản phẩm dược, việc cấm trình dược viên đến tiếp xúc với các cơ sở y tế, các bác sĩ điều trị để giới thiệu về thuốc hẳn là không có lý. Vấn đề ở chỗ là chức năng của Trình dược viên đến đâu. Trình dược viên hoàn toàn có chức năng và quyền hạn về việc quảng bá thông tin của loại thuốc của hãng dược phẩm được phép lưu hành trên thị trường. Giới thiệu một loại dược phẩm mới chưa được chuẩn y của cơ quan dược phẩm tối cao, hoặc giới thiệu các thông tin chưa được chuẩn y là vi phạm quy định. Ngoài chức năng thông tin, Trình dược viên không có một chức năng nào khác. Hướng dẫn điều trị
Mỗi một hiệp hội chuyên ngành cần phải có một hướng dẫn điều trị riêng và coi đó là cơ sở thẩm định chuyên môn và pháp lý. Những hướng dẫn chuyên môn này cần phải được tái thẩm định định kỳ để cập nhật thông tin mới.
Mỗi bác sĩ điều trị cần phải tuân thủ theo các hướng dẫn điều trị. Tất nhiên, bác sĩ không thể là một cái máy, cho nên trong mọi trường hợp, kết cục có thể sai nhưng gần như không được phép lập luận sai. Người thầy thuốc trước khi hạ bút kê đơn cần phải cân nhắc rằng trường hợp này có nhất thiết phải dùng thuốc này không? Thuốc này có áp dụng được cho bệnh nhân này hay không? (Người viết đã từng được chứng kiến một cháu sơ sinh 2 ngày tuổi được kê một loại thuốc mà ngay ở vỏ hộp có ghi rõ: “Thuốc này không được dùng cho trẻ em”). Có thuốc nào thay thế mà có cùng hiệu quả, ít tai biến hơn hoặc cùng hiệu quả mà ít tốn kém hơn cho bệnh nhân không? Ngược lại, bệnh nhân cũng cần xác định lại quyền hạn của mình, mỗi một toa thuốc bác sĩ kê đơn, mình phải hỏi rõ là tại sao phải dùng thuốc đó? Dùng thuốc đó có lợi gì và có hại gì? Các tai biến nào có thể xảy ra? Nếu không dùng thuốc đó thì kết cục có xấu hơn không? Theo dõi dùng thuốc phải như thế nào?
Một đề nghị là với những loại thuốc không nhất thiết phải kê đơn như thuốc bổ, thuốc hạ sốt thì có lẽ nên có luật bác sĩ không được kê đơn những loại thuốc này cho bệnh nhân. Những thuốc này không có tác dụng điều trị mà chỉ có tác dụng hỗ trợ, bệnh nhân có thể mua nhiệm ý tại nhà thuốc. Dược sĩ có trách nhiệm giải thích và chỉ dẫn cách dùng cho bệnh nhân. Như vậy có thể tránh được việc “bắt buộc” bệnh nhân phải tiêu tốn một lượng thuốc và một lượng tiền không cần thiết.
Tên gốc hay tên thương mại? Việc bắt buộc bác sĩ phải kê tên gốc của thuốc có lẽ là việc không cần thiết. Thế nhưng bác sĩ kê đơn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái đơn mình đã kê và bệnh nhân phải được giải thích đầy đủ và đó coi như là một sự thỏa thuận. Lấy thí dụ, cùng một loại kháng sinh A có hai tên thương mại do hai hãng thuốc khác nhau thí dụ là B và C. Khi người bệnh nhân được kê thuốc B thì họ cần được thông báo là có loại thuốc C cũng có tác dụng như thế, nhưng họ cần được biết là tại sao phải dùng B mà không dùng C. Giữa hai sự lựa chọn không có lựa chọn tối ưu, thì việc quyết định dùng B hay C là tùy thuộc vào bệnh nhân. Nếu mọi sự cố xảy ra sau đó ví dụ như bệnh nhân phải mua thuốc quá đắt không cần thiết mà họ không được giải thích trước đó thì trách nhiệm phải thuộc về người bác sĩ đã kê đơn. Gần đây lại nổi lên phong trào “bình bệnh án”, “bình đơn thuốc”, hy vọng đó không phải là chuyện để xoa dịu dư luận. Chắc hẳn mọi người làm công tác chuyên môn trong một cơ sở y tế, ai cũng biết rằng mỗi buổi sáng đầu giờ làm việc đều có giao ban khoa phòng, trao đổi thông tin điều trị, tình hình bệnh nhân; sau đó còn giao ban toàn Viện; và thường xuyên đều có hội chẩn toàn Khoa, liên Khoa, toàn Viện. Chuyện này có lẽ gần như thành một lệ thường quy cho ngành Y tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung từ lâu lắm. Và khi đã giao ban, bàn thảo về bệnh nhân nếu không “bình bệnh án” không “bình đơn thuốc” thì bình cái gì? Cho nên trong một cơ chế đa bộ phận chức năng, đa liên quan thì việc bảo đảm thực thi một chính sách chuyên ngành có tính thống nhất, kiên định, liên tục có lẽ không có biện pháp nào hay hơn là thực thi theo nguyên tắc và cần phải có biện pháp chế tài thật chặt chẽ. Cần phải có sự phân công trách nhiệm và chịu trách nhiệm rõ ràng. Cần phải có những tổ chức thanh tra độc lập, nghiêm minh. Mọi xử lý cũng phải nghiêm minh và công bằng. Tính dân chủ trong nghề nghiệp cũng phải được thực thi, điều đó còn cần phải thể hiện ở quyền của bệnh nhân và quyền công luận. Bệnh nhân hoàn toàn có quyền tìm hiểu thông tin và hoàn toàn có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm của mình một khi có yêu cầu. Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân cần phải được coi là một mối quan hệ giữa một bộ phận cung cấp dịch vụ và một bộ phận sử dụng dịch vụ. Cho nên trách nhiệm của thầy thuốc là phải thông báo rõ ràng tình trạng bệnh của bệnh nhân theo luật quy định, phải giải thích cho bệnh nhân tường tận quá trình khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị. Bệnh nhân cần phải được hiểu rõ và được giải thích tường tận quy trình đó. Việc bệnh nhân chấp nhận một giải pháp phẫu thuật hay dùng thuốc là quyết định của bệnh nhân dựa trên thông tin mà người thầy thuốc đưa ra. Và quan hệ đó coi như là một hợp đồng được pháp lý bảo vệ. Mọi tình huống phát sinh có thể dự đoán được nếu bệnh nhân không được thông báo trong quá trình chẩn đoán và điều trị, thì người thầy thuốc hoặc cơ quan cung cấp dịch vụ y tế phải chịu trách nhiệm. Nếu trong thương mại khách hàng được coi là “thượng đế”, thế thì quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ được coi như thế nào?
Một thực tế lạ lùng và lý thú là những vấn nạn trong ngành Y dược trong thời gian qua được đưa ra công luận không phải là do giới thanh tra có thẩm quyền trong ngành y tế họp báo mà 100% (nhưng không phải 100% các trường hợp báo chí đưa ra đều là hợp lý) là do phóng viên của các báo chí thực hiện, rồi lãnh đạo chuyên môn sau đó thừa nhận điều mà phóng viên báo chí đưa ra là đúng sự thật. Vậy vai trò của thanh tra chuyên ngành ở đâu? Cho nên vai trò của một tổ chức độc lập không có liên hệ về quyền lợi tham gia trong điều tra là một việc phải thừa nhận và hợp thức hóa. Đã đến lúc cần phải có hiệp hội bảo vệ bệnh nhân, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng được luật pháp bảo vệ hoạt động với vai trò độc lập.
Đánh giá chất lượng ngành Y tế? Điều tất yếu phải có trong tương lai là phải điện tử hóa toàn bộ hệ thống quản lý y dược trên toàn quốc. Tất cả phải được hòa mạng và có thể đối chiếu, tra cứu chi tiết về từng cơ sở y tế, cũng như từng đơn vị khám bệnh, cung cấp dược phẩm. Đó là một biện pháp tốt, nếu không nói là tốt nhất để có thể thẩm định chất lượng của người bác sĩ cũng như dược sĩ. Một khi đã được điện tử hóa, thì việc theo dõi, thống kê, thẩm định chất lượng điều trị là một việc không phức tạp vì mọi số liệu đều đã được lưu trữ trong mạng. Chỉ cần một thời gian ngắn với một vài cách kiểm tra ngẫu nhiên đơn giản có thể đánh giá được chất lượng khám chữa bệnh của người thầy thuốc.
Trên đây là điểm qua một số thực trạng nóng bỏng cần phải giải quyết, thế nhưng thật không công bằng nếu chỉ đổ lỗi cả cho người trực tiếp làm công tác chuyên môn. Những lỗi lầm về chuyên môn nếu do trình độ kém thì lỗi đó là lỗi ở cấp lãnh đạo và lỗi của đào tạo. Người lãnh đạo chuyên môn cần phải luôn nắm vững và chấn chỉnh cách thức làm việc của nhân viên mình. Lãnh đạo chuyên môn phải có trách nhiệm gửi nhân viên đi đào tạo hoặc đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ. Nhưng nguyên nhân sâu xa thì nguyên do nào để có những tình trạng như bác sĩ "chân ngoài dài hơn chân trong”, tình trạng lãng công ở bệnh viện, tình trạng bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc hay tình trạng “y đức mỏng” như báo chí từng phản ánh?
Một sinh viên Y khoa phải mất 6 năm để có thể ra trường đại học, thế nhưng mức lương cơ bản cũng bằng một người tốt nghiệp một đại học khác chỉ mất 4 năm. Nếu người bác sĩ đó tiếp tục học thêm (không qua một quá trình công tác nào) một mảnh bằng thạc sĩ hay đến cả tiến sĩ, mất thêm 2 đến 7 năm, nếu ra trường thì lương cũng bắt đầu từ mức lương cơ bản. Người viết bài này sẽ phải nhận một mức lương ở đâu nếu sau khi tốt nghiệp sẽ là một nhân viên nhà nước sau khi tiêu tốn hơn 20 năm ở trong trường đại học Y khoa, hết đại học đến nhiều lần sau đại học? Đành rằng đã chấp nhận phục vụ là không đòi hỏi, nhưng kiến thức và chất xám phải được đối xử công bằng. Nếu lương của một người làm công việc đem lại sức khỏe và cứu sinh mạng cho con người mà không bằng lương “làm cố” của một người công nhân làm việc chân tay thì đòi hỏi gì ở chất lượng và đạo đức trong công việc? Không nói ra, ai cũng hiểu là người làm công tác chữa trị bệnh nói riêng và hầu hết các ngành công chức nói chung hiện nay sẽ “chết đói” với đồng lương áp dụng hiện hành. Nhưng thực tế điều đó chưa thấy xảy ra, mà cũng chưa thấy có ai kêu ca vì đồng lương đó và cũng chẳng ai quan tâm là tại sao nhiều người, nhiều cấp lãnh đạo thuộc hàng cao cấp có nguồn thu nhập đến đáng ngờ!
Thực trạng “y đức xuống cấp” là điều đáng quan tâm và phải lên án, nhưng lỗi lầm và trách nhiệm không chỉ ở cá nhân, không chỉ ở một ngành mà có lẽ là trách nhiệm chung của các cấp lãnh đạo liên đới, liên ngành và của toàn xã hội vậy.
BS Nguyễn Đình Nguyên (Sydney, Australia)