Dịch Tả có phải do ăn mắm tôm?
Nguyễn Đình Nguyên
05/11/2007:
Theo phân tích trước của chúng tôi, mắm tôm nó cũng chỉ là một yếu tố nguy cơ có liên quan đến tiêu chảy cấp khi tiến hành điều tra dịch tễ học, nó không phải là căn nguyên như một số phát biểu của giới chức y tế có thẩm quyền thông qua báo chí rằng bệnh "tiêu chảy cấp tính nguy hiểm" là do ăn mắm tôm, vì thấy có đến 80% bệnh nhân nhập viện tiêu chảy này là do ăn mắm tôm.
Cách giải thích và diễn dịch không rõ nghĩa này đã vô tình coi như mắm tôm là tội đồ, là nguyên nhân đích thực của đợt dịch tiêu chảy này.
Chúng ta cần phải hiểu rõ là việc đa số người bệnh nhập viện đó có ăn mắm tôm, thì xem ăn mắm tôm là yếu tố nguy cơ cao trong vụ dịch này cũng chưa thể đủ kết luận một khi chưa có một nghiên cứu dịch tễ học nghiêm túc.
Đó là chúng ta còn chưa biết được rằng việc ăn mắm tôm của bệnh nhân nhập viện đó nó có còn đi kèm với thức ăn nào khác nữa hay không, chứ chẳng nhẽ thức ăn của bệnh nhân đó chỉ có độc nhất mỗi mắm tôm?
Cứ tạm cho giả định là 80% bệnh nhân nhập viện vì tiêu chảy cấp lần này có liên quan với ăn mắm tôm là kết quả của một nghiên cứu dịch tễ học nghiêm túc công bố đi, thì nó cũng không có nghĩa rằng mắm tôm là tội phạm, là căn nguyên, xin nhắc lại đó chỉ là yếu tố nguy cơ. Nhưng chúng ta chỉ biết được trong số những người bị tiêu chảy thì tỷ lệ có liên quan với ăn mắm tôm cao hơn những người bị tiêu chảy mà không do ăn mắm tôm.
Còn muốn biết tỷ lệ mắc tiêu chảy của những người ăn mắm tôm là bao nhiêu? Cần phải có một tính toán khác.
Biết được một yếu tố nguy cơ cũng chỉ giúp để nhận dạng bệnh nhân có nguy cơ cao đối với một tác nhân nào đó, và giúp có thể khoanh vùng dịch tễ nếu được, chứ nó không phải là nguyên nhân.
Ngày hôm qua 4/11, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Khắc Triệu đã công bố có 15% số mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tiêu chảy cấp tính là dương tính với vi khuẩn Tả.
Như vậy dù không cao, nhưng với con số đó, chúng ta đã có đủ bằng chứng xác định thủ phạm chinh của đợt dịch tiêu chảy cấp tính này là do vi khuẩn Tả, bất luận có thể tìm thấy được nhiều loại vi khuẩn khác trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân.
Cũng theo nhận định trước đây của chúng tôi là mắm tôm chỉ là một khâu rất rất nhỏ trong vai trò lây lan dịch “tiêu chảy cấp nguy hiểm” nói chung và Tả nói riêng.
Bởi vì nguồn lây nhiễm Tả không chỉ khu trú ở một thứ nhất định nào, nó không chỉ là ở mắm tôm mắm tép mà là toàn bộ các thực phẩm tươi sống, chế biến không kỹ, kể cả nguồn nước uống và nguồn nước tắm giặt. Chỉ cần tắm nước lã ở vùng bị ô nhiễm, người bệnh cũng có thể mắc bệnh vì nuốt phải nước ô nhiễm. Điều này rất dễ xảy ra ở những vùng vừa trải qua bão lụt như ở Việt Nam.
Cho nên, cũng không có gì là lạ khi tin báo hôm nay có nhiều người bị "tiêu chảy cấp tính nguy hiểm" (Tả???) "không do ăn mắm tôm". Lần này các chuyên gia lại nghi "các trường hợp mắc mới chủ yếu xảy ra ở những đám cỗ nghi do ăn những loại thức ăn như thịt bò, lợn bị nhiễm khuẩn". Đây là những phát biểu rất thiếu trách nhiệm, có thể lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, kinh tế của người dân. Dẫu cho có thật là thịt bò thịt lợn có nhiễm khuẩn Tả đi nữa, thì nó chẳng có gì là nguy hiểm nếu chấp hành nguyên tắc ĂN CHÍN UỐNG SÔI một cách nghiêm túc và triệt để.
Vấn đề là, một khi bệnh dịch đã lây lan việc xem nguồn phát tán chính của bệnh ở đâu không còn là vấn đề có ý nghĩa nữa, khi đó nguồn nước sinh hoạt, môi trường mới là mối quan tâm nghiêm trọng hàng đầu của việc lây lan dịch Tả.
Việc đối phó với sự lây lan của vi trùng Tả sẽ còn gặp khó khăn hơn khi bão lụt vừa mới và vẫn còn đang diễn ra ở Việt Nam.
Quay trở lại "thủ phạm" mắm tôm. Ông Bộ trưởng Y tế trả lời phóng viên:
Hỏi: Theo Bộ Y tế, 80% bệnh nhân tiêu chảy cấp hiện nay có liên quan đến việc sử dụng mắm tôm. Những hộ kinh doanh, hộ gia đình đang trữ mắm tôm phải xử lý thế nào?
Trả lời: Nếu người dân đem vứt lọ mắm tôm ra thùng rác thì không ổn, có thể lan truyền mầm bệnh ra môi trường. Chúng tôi đang soạn thảo văn bản hướng dẫn cách xử lý. Nếu mắm tôm vẫn còn niêm phong trong túi thì hãy để nguyên. Còn nếu định vứt đi thì người dân phải cho cloramin B vào lọ mắm trong một thời gian.
Chúng tôi không biết phát biểu của ông là phản ứng cảm tính hay có dựa trên cơ sở nào không? Nhưng thay vì nghĩ ra cách làm thế nào để tiêu huỷ mắm tôm (không phải như cái sáng kiến cho cloramin B vào lọ mắm tôm rồi vứt, có lẽ cả VN sẽ bốc mùi mắm tôm! Đơn giản là chẳng xử lý gì cả, chỉ cần không ăn mắm tôm và các thực phẩm tươi sống nữa thôi) thì cần phải tập trung vào việc ưu tiên số một là thanh tẩy môi trường, làm sạch nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ ô nhiễm và lây lan; ngoài việc quản lý tốt các bệnh nhân đã mắc bệnh tiêu chảy câp hiện nay (dù cho xét nghiệm có vi trung Tả hay không có vi trùng Tả, vì tỷ lệ bệnh nhân bị Tả xét nghiệm có vi trùng cũng không cao) theo chế độ quản lý dịch Tả.
Chương trình khẩn cấp truyền thông đại chúng về thông tin và cách thức sơ cứu người bệnh, giữ vệ sinh phòng chống lây lan là ưu tiên hàng đầu.
Một điều may mắn Dịch Tả là nghiêm trọng là nguy hiểm về phương diện kinh tế, ảnh hưởng sức lao động chứ không còn là mối đe doạ tử vong cao nữa. Hy vọng đợt dịch này sẽ sớm được khống chế.