Vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR-II: tiêm
dưới da hay tiêm bắp
Nguyễn Đình Nguyên
Vừa qua,
công ty dược Merk Sharp & Dohme (MSD, Mỹ)
có đưa vào sử dụng tại Việt nam 40.000 liều vắc-xin kết
hợp ngừa ba bệnh sởi-quai bị-sốt phát ban rubella (SQBPB), với
biệt dược là M-M-R™II (MMRII) hướng dẫn tiêm bắp thịt, chứ không
phải tiêm dưới da. Nhiều người quan ngại về sự
hướng dẫn sai lạc này có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của
vắc-xin.
Về nguyên
tắc, đối với các loại vắc xin được chế từ nguồn vi khuẩn chết
hoặc chỉ lấy độc tố vi khuẩn làm “mồi” để chế tạo thì tiêm bắp
thịt. Đối với các loại vắc-xin được chế tạo từ vi khuẩn gây bệnh
còn sống chỉ bị bất hoạt mức độ gây bệnh nặng thì chỉ định tiêm
dưới da. Nếu loại vắc-xin chỉ định tiêm bắp mà tiêm dưới da, thì
sẽ có thể có những tai biến tại chỗ như bị sưng hạt dưới da, có
thể tồn tại lâu, khó tiêu; ngược lại, với vắc-xin có chỉ định
tiêm dưới da mà tiêm bắp thịt thì hiệu quả của vắc-xin sẽ không
đạt được mức tối đa.
Nhưng trường hợp của vắc xin ngừa SQBPB, là vắc-xin có nguồn gốc từ vi khuẩn còn sống thì lại khác. Hiện nay trên thị trường dược, có hai công ty chế tạo loại vắc-xin SQBPB này đó là MSD với biệt dược M-M-R™II/ hay MMR-II® và Priorix® của GlaxoSmithKline (GSK).
Đối với MMRII của MSD ban đầu được chỉ định tiêm dưới da, trong khi đó Priorix của GSK có chỉ định tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tuy nhiên, trong một số hướng dẫn sau này của MSD, MMRII có thể sử dụng tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
Một trong những quan ngại của hai đường tiêm khác nhau cho cùng một loại vắc-zin là không biết hiệu quả của chúng có như nhau không và mức độ tai biến giữa hai đường tiêm ra sao. GSK đã tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên hai nhóm trẻ, tuổi từ 11-22 tháng: 166 trẻ được tiêm bắp và 162 trẻ được tiêm dưới da. Mỗi trẻ được dùng hai liều, cách nhau 6 tuần lễ. Kết quả là tiêm dưới da hay tiêm bắp vẵc-xin Priorix đều có mức độ đau và tai biến như nhau. Tuy nhiên, thử nghiệm lâm sàng này không được đăng tải ở đâu cả, và có khuyến cáo là tuỳ thuộc vào quyết định của cơ sở y tế có thẩm quyền quyết định khi nộp đơn xin visa nhập thuốc.
Một nghiên cứu lâm sàng khác nhỏ hơn, do các khoa học gia Hà lan, nghiên cứu vắc-xin MMR (không ghi rõ tên biệt dược, nhưng chúng tôi phán đoán là MMRII của MSD) trên 78 trẻ 12-18 tháng tuổi, chia đều hai nhóm: một nhóm cũng tiêm bắp và một nhóm tiêm dưới da. Kết quả cho thấy là hai cách thức tiêm có hiệu quả như nhau, tiêm dưới da cho thấy trẻ đau hơn, nhưng số liệu quá nhỏ, không đủ tin cậy. Các tác giả còn kết luận thêm là nếu nhỡ tiêm bắp thịt thì cũng không nhất thiết phải tiêm lại. Tuy nhiên nghiên cứu này có cỡ mẫu quá nhỏ, nên các kết luận trên không có đủ độ tin cậy.
Một trong những lo lắng của phụ huynh là trẻ em dưới hai tuổi phải trải qua rất nhiều kỳ tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên họ sợ trẻ bị đau. Các nhà khoa học Thuỵ điển đã tiến hành một nghiên cứu mức độ đau giữa hai thuốc Priorix của GSK và MMRII của MSD, xem hai thuốc nào tiêm bắp gây đau hơn. Các tác giả đã kết luận là vắc-xin MMRII của MSD gây đau khi tiêm cho trẻ nhiều hơn là vắc-xin Priorix của GSK.
Tóm lại, mặc dù các loại vắc-xin được chế biến từ nguồn vi khuẩn còn sống thì có chỉ định tiêm dưới da. Tuy nhiên, đối với vắc-xin kết hợp ngừa ba bệnh sởi-quai bị-ban đỏ lại có thể tiêm được cả hai đường dưới da và tiêm bắp.
Thế nhưng điều quan trọng hơn là khi đăng ký lưu hành thuốc với một quốc gia nào thì nhà sản xuất phải tuân thủ theo cách thức dùng mà cơ quan chủ quản sở tại cấp. Thí dụ, ở Mỹ, hiện nay MMRII của MSD được FDA phê chuẩn chỉ cho sử dụng tiêm dưới da, mặc dù thuốc này theo số liệu của MSD cho thấy có thể tiêm bắp được. Trong khi đó tại Úc, lại cho lưu hành Priorix của GSK và chỉ định có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.