Thuốc rẻ cho người nghèo
Nguyễn Đình Nguyên
Bài đã đăng trên Tuổi trẻ 29/12/2010
Vừa mới đây xảy ra sự kiện công ty dược F Hoffmann - La Roche AG (Roche), Thụy sĩ khiếu nại công ty dược Nanogen của Việt nam về việc vi phạm bản quyền sản xuất thuốc điều trị viêm gan siêu vi C, một sản phẩm mới của Nanogen có tên là Pegnano. Không đề cập đến việc có hay không vi phạm sở hữu bản quyền dược phẩm, một vấn đề được đặt ra từ sự kiện này là có một số ý kiến cho rằng vì lợi ích của người nghèo, các công ty dược địa phương có thể sản xuất các loại thuốc phiên bản (generic drugs) theo nguyên mẫu công thức của các thuốc gốc trong thời gian còn bản quyền, nhằm phục vụ số đông bệnh nhân. Đó cũng là nội dung được đề cập trong bài viết này.
Một vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt đó là bệnh tật gắn liền với sự nghèo đói. Các nước thứ ba có lượng dân số đông nhất trên thế giới mà cũng là vùng dịch tể của các bệnh dịch nghiêm trọng như HIV/AIDS, sốt rét, lao, viêm gan siêu vi v..v..thế nhưng lại không thể có đủ thuốc để điều trị cho người bệnh. Hầu hết các thuốc đặc trị cho các bệnh hiểm nghèo này là do các đại công ty dược của các nước giàu có sản xuất, nên giá thành rất đắt đỏ, mà có thể nói là người nghèo phải chờ chết vì không có tiền mua thuốc.
Nhu cầu bức thiết này đã được đưa vào nghị trình của WTO, các nước thế giới thứ ba yêu cầu được phép chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc thiết yếu có bản quyền từ các công ty mẹ. Mãi đến 2003 WTO mới chuẩn y vĩnh viễn quyền hạn này cho các nước thứ ba sau 10 năm thử nghiệm với việc áp dụng tạm thời.
Theo luật mới này, WTO cho phép các nước thứ ba ngoài sản xuất, còn được nhập các thuốc phiên bản của thuốc còn bản quyền nhằm để điều trị các bệnh nghiêm trọng hoặc các đợt dịch. Tuy nhiên, cũng theo luật định, các nước đang phát triển cần phải thông báo cho WTO các thuốc họ cần và tên các nhà sản xuất thuốc phiên bản để thông báo cho giới chức trách cấp quốc gia của các công ty mẹ của thuốc có bản quyền.
Rào cản này được tháo dỡ được coi như là một cái phao cứu mạng cho dân nghèo, thế nhưng họ lại phải đối mặt với một rào cản khác đó là hiệp định thương mại song phương và trong khu vực, mà trong hiệp định này có quy định về việc tôn trọng sở hữu bản quyền. Do đó, giới chức trách cấp quốc gia của các nước thứ ba cần phải có những đề xuất thay đổi chính sách được áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ.
Chẳng hạn như năm 2004, Malaysia đã ban hành một lệnh cấp quyền sử dụng của chính phủ, cho phép các công ty địa phương nhập các thuốc phiên bản điều trị HIV/AIDS từ hãng dược phẩm Cipla của Ân độ để phân phối trong các bệnh viện công. Nhờ vào lệnh đó mà đã lập tức giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ở đây giảm đến 80%, số lượng bệnh nhân được nhận thuốc điều trị tăng hơn gấp ba lần. Ngược lại, chính phủ Malaysia cũng đã chi một khoản bù lỗ 4% tính trên giá thành của thuốc phiên bản, cho các công ty thuốc gốc hiện đang có mặt trên thị trường nội địa.
Trong trường hợp của Zimbabwe thì chính phủ ban bố tình trạng sức khỏe khẩn cấp cho đối với vấn nạn HIV/AIDS. Đây là một trong những quy định tiên quyết cần phải được cấp giấy phép sử dụng thuốc phiên bản. Sau đó, ba công ty dược phẩm nội địa Zimbabwe được phép sản xuất các dòng thuốc phiên bản điều trị HIV/AIDS.
Như đã đề cập ở trên, một khi một quốc gia sử dụng quyền ưu tiên nhập hoặc sản xuất thuốc phiên bản của một công ty mẹ hiện đang lưu hành trong quốc gia đó thì một tỷ lệ phần trăm đền bù nhỏ được chính phủ duyệt cho công ty thuốc gốc. Tỷ lệ này dao động từ 0,5% như ở Indonesia đến 4% như Malaysia tùy theo quốc gia quy định.
Tuy nhiên, luật định mới của WTO cho phép các nước đang phát triển sử dụng dòng thuốc phiên bản cũng gây ra nhiều quan ngại đối với các quốc gia cũng như công ty sở hữu bản quyền thuốc gốc, nhất là vấn đề lạm dụng chính sách ưu tiên đó, các công ty sản xuất thuốc phiên bản tìm cách xuất khẩu sản phẩm phiên bản ra ngoài thị trường thế giới làm phá giá thuốc gốc. Điều đó gây ra thiệt hại kép cho các công ty mẹ bởi chính họ đã không những “biếu không” bản quyền mà còn mất cả một thị trường tiêu thụ do thuốc phiên bản quá rẻ mạt. Quan ngại thứ hai đối với các công ty mẹ là do thuốc phiên bản đã được sản xuất đại trà và giá thành rẻ mạt ở các nước thứ ba, nơi số lượng tiêu thụ luôn lý tưởng, nên thị trường của họ bị thu hẹp, làm cho tính cạnh tranh giữa các công ty mẹ trở nên khốc liệt hơn để được cấp phép, một trong những “thủ đoạn” đó là cạnh tranh không lành mạnh bằng cách phá giá.
Tóm lại, mỗi một con người trên trái đất có một quyền được Liên hiệp quốc công nhận đó là quyền được chữa bệnh. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển không đồng bộ giữa các nước đã và đang phát triển, người dân nước nghèo không có thể nào được chữa bệnh với giá thuốc “cắt cổ” của các công ty dược Tây phương. Để điều chỉnh sự bất cập này, WTO đã ban bố quyết định cho phép các nước thứ ba được ưu tiên sử dụng bản quyền từ các công ty gốc để sản xuất hoặc nhập các thuốc phiên bản. Thế nhưng, chính phủ sở tại cũng như các nhà chức trách chuyên môn cần phải có một số thay đổi trong chính sách quy định các điều khoản ưu tiên về y tế, cũng như trong các ký kết hợp tác song phương nhằm tránh khỏi sự ràng buộc về mặt sở hữu bản quyền này.