Cập nhật 10g 8/11/2007
Về đợt dịch Tả: “Quan cần nhưng dân chưa vội”, nhưng “xin đừng vội trách đa đa”
Vụ dịch “tiêu chảy cấp tính nguy hiểm” đang diễn ra ở khu vực miền Bắc và miền Trung trong 10 ngày qua. Tình hình chưa có xu hướng cải thiện mà còn có nguy cơ tiếp tục lan rộng. Tính đến nay đã có ít nhất hai người tử vong có xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Tả.
Mắm tôm nghiễm nhiên trở thành tội đồ và vật tế thần cho nguyên nhân của đợt dịch này vì trong những ngày qua đã có đến 80% số bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu chảy cấp tính này có từng ăn mắm tôm. Các cơ quan hữu quan tập trung vào đi kiểm tra an toàn vệ sinh sản xuất mắm tôm, tìm kiếm nguồn gốc sản xuất mắm tôm không hợp vệ sinh, sản phẩm mắm tôm không rõ nguồn gốc, tịch thu mắm tôm có nơi cả hàng trăm ký; giới chức trách y tế hiến kế tiêu huỷ mắm tôm. Mặt khác, phóng sự liên tục đưa tin rằng quan đã vội mà dân vẫn còn đủng đỉnh, “dịch chưa qua đèo mà sợ gì mắm tôm”!
Mắc xích bệnh tiêu chảy cấp tính bây giờ đang được hướng tới là Mắm tôm ßà Bệnh “tiêu chảy cấp tính nguy hiểm”. Khi công bố những điều này ra, nhiều gia đình sản xuất mắm tôm thản nhiên công bố là “cả đời nhà tôi sản xuất mắm tôm, dẹp sản xuất mắm tôm thì cả họ chết đói”; người tiêu dùng thì “ui dào, cả làng, cả tổng người ta vẫn ăn mắm tôm đấy thôi”. Giới chức và báo chí cho rằng người dân thiếu ý thức phòng chống dịch tiêu chảy.
Có lẽ không lấy gì ngạc nhiên là tại sao kể cả người tiêu dùng và người sản xuất đều có vẻ phớt lờ những lời cảnh báo của giới chức hữu quan, bởi lẽ những lập luận tuy không có chặt chẽ lắm của họ nhưng họ không chắc đã không có lý, đúng hay không thì chưa bàn đến. Còn những quy kết của giới chức y tế có thẩm quyền đó đã không đủ sức thuyết phục người dân, hẳn là phải có vấn đề.
Một chút vòng vo về bệnh cảnh
Tiêu chảy cấp tính là một hội chứng hay một biểu hiện bệnh lý mà người bệnh nhân đi tiêu ra phân lỏng trên 4 lần trong một ngày xuất hiện đột ngột.
Tiêu chảy cấp tính nguy hiểm là biểu thị mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tiêu chảy có phải là bệnh không?
Không, tiêu chảy chỉ là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gây bệnh.
Tiêu chảy có phải là dịch không?
Có thể có mà cũng có thể không. Tiêu chảy rải rác, lẻ tẻ thì thường xuyên, nhưng không phải tiêu chảy nào cũng gây thành dịch. Chỉ khi nào tiêu chảy xuất hiện hàng loạt trên cùng một hay nhiều vùng địa dư với cùng biểu hiện bệnh lý lâm sàng và lan truyền thì mới gọi là dịch.
Có bao nhiêu nguyên nhân gây tiêu chảy?
Nhiều lắm. Tựu trung lại, chia làm hai nhóm: Tiêu chảy nhiễm trùng và tiêu chảy không nhiễm trùng. Tiêu chảy không nhiễm trùng là những biểu hiện của rối loạn hấp thu ruột do chính tổn thương của ruột hay do một nguyên nhân nơi khác, và tiêu chảy không nhiễm trùng không lây lan và không gây thành dịch.
Tiêu chảy nhiễm trùng là tiêu chảy có thể gây thành dịch, nhưng không phải tất cả các nguyên nhân nhiễm trùng đều gây thành dịch.
Tiêu chảy nhiễm trùng chia làm nhiều nhóm: nhóm vi khuẩn (bacteria), nhóm virus (hay siêu vi trùng), nhóm do ký sinh trùng (amip, nấm). Tiêu chảy 3 nhóm này đều có thể gây thành dịch, nhưng do đời sống phát triển và tiến bộ khoa học kỹ thuật, chỉ còn một số các loại tác nhân trên có thể gây thành dịch hoặc đại dịch mà thôi.
Dịch tiêu chảy có phổ biến không?
Có. Như dịch tiêu chảy do virus, như do rotavirus chẳng hạn, hay xảy ra ở Việt Nam vào mùa đông xuan và xảy ra ở trẻ nhỏ.
Trong tất cả các tác nhân gây tiêu chảy, tác nhân nào là nguy hiểm nhất?
Vi trùng tả, tên khoa học là Vibrio Cholerae. Chia làm hai dòng chính, tả cổ điển (classical) và dòng Eltor. Dòng Eltor mới gây thành dịch. Mỗi dòng lại có nhiều phân nhóm (type), cho đến nay có hai loại Vibrio Cholerae O1 (Onawa 1) và O139 (Bengal) là hai chủng thường gặp gây thành dịch ở châu Á nhất.
Tại sao tiêu chảy do tả lại gây nguy hiểm nhất?
Đặc tính của tiêu chảy do tả nguy hiểm ở hai điểm, thứ nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh; thứ hai là đối với cộng đồng.
Đối với bệnh nhân, vi trùng tả gây bệnh khi vào đến ruột non, chúng phóng xuất độc tố tả (cholera toxin), những độc tố này nói nôm na như là những mũi khoan, có gắn máy bơm xả; chúng “khoan” hầu hết các bề mặt niêm mạc ruột (ở vùng đáy của gai ruột), và “bơm” nước từ trong tế bào ruột xối xả ra lòng ruột, gây nên tiêu chảy ồ ạt như tháo cống và bệnh nhân nôn ói toàn nước. Cho nên, dựa trên đặc điểm lâm sàng này mà ông bà ta ngày xưa đặt cho cái tên là bệnh Thổ Tả, thổ là nôn ói, tả là tiêu chảy, sau này nói ngắn lại là bệnh Tả. Cơ thể con người mình khoảng 65% là nước, trẻ em đến 70% hoặc hơn, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, có thể bị vắt kiệt toàn bộ nước kèm theo chất điện giải, làm cho bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc mất nước, rối loạn điện giải và tử vong nhanh chóng, nếu không kịp điều trị bù nước và điện giải cho bệnh nhân.
Đối với cộng đồng, vi trùng Tả này lây lan rất nhanh qua đường chất thải của bệnh nhân. Đặc điểm là vi trùng Tả rất chịu nước, kể cả nước muối ở biển, đặc biệt là biển ấm, chúng sống dai và lan nhanh. Thứ nữa, là không phải ai nhiễm phải vi trùng tả cũng đều có biểu hiện tả, chỉ có 25% số người nhiễm Tả có phát bệnh tiêu chảy mà thôi. Mà những người không mắc bệnh mà có nhiễm vi trùng tả mới là nguy hiểm, vì cơ thể người đó không phát bệnh, nhưng vi trùng tả sống được trong phân và phóng thích ra ngoài, có thể chỉ vì đi vệ sinh không rửa tay xà phòng vi trùng tả có thể phóng thích liền ra nguồn nước xả đó và lây lan. Đây là mối nguy hiểm lây lan lớn nhất nhưng chúng ta bất lực, không có cách nào kiểm soát được nguồn lây này cả.
Bệnh Tả và Dịch Tả có giống nhau không?
Dịch Tả là bệnh Tả đã lây lan từ một số ca bệnh lẻ tẻ ra trong cộng đồng người đó sinh sống.
Bệnh Tả có dễ mắc không?
Không dễ. Người bệnh phải “nuốt” một số loại chủng vi trùng tả có độc lực mạnh, với số lượng cực lớn (108-109), tức là từ 100 triệu đến 1 tỷ con vi trùng tả có độc lực mạnh đó mới có thể phát bệnh. Ngoài ra, vi trùng tả lại không chịu được nhiệt và khô cũng như môi trường acid. Vì thế một lượng vi trùng tả phải đủ nhiều để vượt qua được chướng ngại hàng rào acid ở trong dạ dày của bệnh nhân, xuống ruột rồi mới gây bệnh.
Vì vi trùng tả không chịu được nhiệt nên chỉ cần đun ở 70 độ C trong vòng 1 phút là nó đã “chầu ông vải” rồi. Các thức ăn sấy hoặc phơi khô, thì cũng không có chỗ cho vi trùng Tả dung thân.
Nhưng một khi đã có người mắc bệnh tức là sự hiện diện của vi trùng trong nguồn lây bệnh đã rất lớn.
Nhưng như đã nêu trên, vi trùng tả lại sống dai trong môi trường phân bệnh nhân, qua nước, và một khi đã có người mắc bệnh thì mức độ lây lan rất nhanh chóng, nếu không kịp quản lý đúng mức.
Vậy tả có lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành không?
Không trực tiếp mà chỉ gián tiếp qua tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân hoặc thức ăn bị lây nhiễm, vào miệng và mắc bệnh qua đường này.
Ăn thức ăn không nấu chin, mắm muối có bị mắc tiêu chảy cấp tính và có bị lây thành dịch không?
Câu trả lời có thể là không, có thể là có tuỳ nguyên nhân.
Bình thường nếu không có vấn đề gì, tất cả các loại thức ăn không bị thiêu ôi, nhiễm bệnh thì ăn sống cũng không sao cả.
Còn nếu có mắc thì cũng chỉ lẻ tẻ một bệnh hoặc một nhóm bệnh, thí dụ như cả một bữa cỗ bị tiêu chảy do ăn phải thịt nhiễm vi trùng thương hàn (salmonella) chẳng hạn, hay gọi là “ngộ độc thức ăn” đó. Nhưng nó có thể không thành dịch.
Vậy tại sao dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm thì phải không được ăn đồ ăn tươi sống, hoặc mắm tôm, rau tươi?
Không nhất thiết, chỉ thường liên quan đến dịch tiêu chảy mà nguyên nhân có thể phát tán theo nguồn nước, đặc biệt là Tả. Ngoài ra còn có dịch tiêu chảy do Thương hàn, phó thương hàn. Nhưng với dịch Tả là trường hợp đặc biệt quan trọng nhất.
Cho nên thường có trong đợt có bệnh Tả được xác định, và có dấu hiệu lây lan, thì biện pháp này mới cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để cho đến khi dịch được công bố là kiểm soát hoàn toàn, tức là không còn dịch Tả nữa.
Ngoài ra, ngoài vụ dịch Tả, các thức ăn tươi sống, thịt chó mắm tôm, mơ tam thể ăn tươi thoải mái. Còn chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện đương nhiên, không bàn ở đây.
Vấn đề như đã được nêu rõ ở trên, vì vi trùng tả nó sẽ lây lan bất cứ môi trường nào có nước lã, kể cả nước muối (vì có nhiều con vi trùng không sống được trong nước muối), cho nên cứ có nước lã là vi trùng tả có thể có mặt. Kể cả tay mình rửa nước bị nhiễm tả hoặc dấy phân bệnh nhân tả mà không khử trùng thì cũng là vật trung gian lây lan. Tóm lại thức ăn tươi sống và đôi tay “nhân gian” đều đóng vai trò như nhau trong việc lây lan bệnh tả. Tuy nhiên, như đã nêu, người mang mầm bệnh tả mà không có triệu chứng (người lành mang bệnh, healthy carrier), chiếm đến 75%, là nguồn phát tán bệnh tả thành dịch tả kinh khủng nhất.
Xin đừng trách đa đa
Nếu chúng ta nắm được hết câu chuyện vừa trình bày, thì liệu có thể nào trách cứ người dân vẫn luôn thờ ơ và bình chân như vại trước những lời cảnh báo nguy hiểm của giới chức y tế hay không?
Hãy lược qua một phát biểu của ông Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. Hỏi: “Đã hơn 10 ngày qua kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị tiêu chảy cấp, tình hình dịch bệnh ngày càng gay go. Ông có thể cho biết lý do?”. Đáp: “Chúng ta không thể ngờ một loại dịch bệnh chỉ thường xuyên xảy ra ở những nơi lạc hậu thì lại xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội. Điều đó cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ở đây đang rất báo động. Trong khi đó, người dân còn quá thờ ơ, chủ quan với sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đặc biệt là những người dân có thói quen ăn uống tại các quán ăn ngoài đường phố, hàng gánh rong, ăn các món sống, không ăn chín uống sôi...”
Làm thế nào có thể loại bỏ được một thói quen ăn uống của người dân (không chỉ ở Việt Nam) nếu không có một lý do thực chính đáng. Và một lập luận ngây thơ nhưng hoàn toàn có lý của người dân là chuyện “ăn sống, uống tươi”, là “chuyện thường ngày ở huyện”; và chuyện tiêu chảy cấp tính cũng là “chuyện xảy ra ở huyện thường ngày” như chính ông Cục trưởng xác nhận: “Trong số hơn 600 bệnh nhân vào viện, số xác định dương tính với tả khoảng...100. Còn bệnh tiêu chảy cấp, mỗi tháng VN có trên 70.000 người mắc bệnh. Cảnh báo tiêu chảy và tả thì biện pháp phòng chống như nhau”.
Như thế, thì chuyện tiêu chảy đâu có gì nghiêm trọng đâu mà người dân phải bỏ thói quen ăn uống tại các quán ăn ngoài đường phố, hàng gánh rong, món sống?
Cũng trong một bối cảnh, mắm tôm trở thành một “nghi can” số một của chứng “tiêu chảy cấp nguy hiểm” này, trở thành tiêu điểm của sự quy chụp, săm soi của các ngành liên đới.
Chung quy lại là tội danh chưa được xác định rõ ràng, cụ thể trong trường hợp bệnh dịch tiêu chảy cấp này, nguyên nhân đích thực là gì? Bất kể một loại bệnh nào, một khi chưa xác định được nguyên nhân thì việc điều trị và phòng chống luôn luôn gặp phải khó khăn, vì biết nguyên nhân gì mà chống! Ngay cả xác định được nguyên nhân, nhiều khi còn gặp phải khó khăn do nhiều yếu tố.
Cho đến thời điểm này, giới chức y tế có thẩm quyền vẫn không xác định được nguyên nhân của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm này là gì cả. Nếu như thế thì các công tác phòng chống mà không tỏ ra hữu hiệu thì không có gì ngạc nhiên.
Ông cục trưởng cho rằng: “Cảnh báo tiêu chảy cấp và tả thì biện pháp phòng chống như nhau”, không biết ông dựa trên cơ sở nào, và ông có làm đúng như vậy không? Vì mỗi tháng VN có trên 70000 người mắc bệnh tiêu chảy cấp từ trước đến nay sao không có cảnh báo. Còn nay mới chỉ có vỏn vẹn có 100 người được xác minh là có nhiễm Tả thì tại sao phải cảnh báo??? 70000 người mỗi tháng chẳng có gì nghiêm trọng thì 100 ca có gì là to tát đâu!!!
Nhưng thực tế nếu là tiêu chảy đã thành dịch mà do Tả thì câu chuyện nó phải khác và phải được nhìn nhận theo cách khác và thói quen thông thường phải được thay đổi tạm thời trong vụ dịch, bởi vì Dịch Tả là rất nghiêm trọng cho cộng đồng, nhưng may mắn là bằng những biện pháp vệ sinh cá nhân thông thường lại có thể giải quyết được phần lớn mức độ lây lan nhanh chóng. Cái lý nó nằm ở đó.
Cho nên, trong một bối cảnh có một bệnh nhân (chỉ cần một) trên 5 tuổi có biểu hiện kiệt nước hoặc tử vong sau một đợt tiêu chảy cấp tính, cần phải nghi ngay là liệu bệnh nhân này có phải tiêu chảy do nhiễm vi trùng Tả hay không. Bởi vì vi trùng tả là vi trùng gây tiêu chảy nguy hiểm nhất như đã nêu trên.
Khi có nghi ngờ, cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu để tìm tác nhân gây bệnh.
Một khi đã xác định được một bệnh nhân có vi trùng tả Vibrio Cholera được nêu trong danh sách có thể gây thành dịch, và đồng thời có nhiều bệnh nhân tại một vùng địa dư có triệu chứng lâm sàng giống tả thì được coi như là dịch Tả.
Về nguyên tắc dịch tễ học, đối với những ca bệnh đầu tiên, có thể dễ hơn trong việc tìm kiếm nguồn lây bệnh thông qua cách hỏi bệnh. Như trong trường hợp này, rất nhiều người có ăn mắm tôm. Mắm tôm cũng chỉ là một dấu hiệu tiếp xúc, vậy liệu ngoài mắm tôm, bệnh nhân còn ăn các loại thức ăn nào khác ngoài mắm tôm mà ở dạng tươi sống hay không? Và dĩ nhiên, mắm tôm đó hay các loại rau sống, đồ tươi sống đó xuất phát từ đâu. Đây mới là một mấu chốt quan trọng. Cần phải tìm đến đích đó để lấy mẫu xét nghiệm, để có thể sớm khoanh vùng nguồn khởi bệnh. Nhưng nhiều khi không thể nào tìm thấy được mầm bệnh cả, vì đơn giản có thể mầm bệnh nó không lây qua thức ăn đó, mà qua một thức ăn khác hoặc từ một nguồn bên ngoài dính qua tay bệnh nhân trong khi ăn, rồi bệnh nhân mắc phải.
Ngay cả tìm thấy được vi trùng tả gây bệnh trong mắm tôm đi nữa, thì cũng chỉ có nguồn mắm tôm đó mới chứa mầm bệnh chứ không phải tất cả các mắm tôm đều chứa mầm bệnh.
Một khi bệnh tả đã lây lan ra ngoài cộng đồng, vượt ra khỏi một khu vực cộng đồng rồi thì mầm bệnh đầu tiên đó nó không còn có ý nghĩa nữa, vì:
- mầm bệnh đã được phát tán theo đường phân và chất thải của bệnh nhân vào trong môi trường.
- quan trọng hơn là đã có thể có nhiều người nhiễm mầm bệnh không có triệu chứng và đây là nguồn phát tán vi trùng nguy hiểm hơn vì không biết họ là ai.
Và khi bệnh tả đã có dấu hiệu lây lan như thế biện pháp ngăn ngừa nhiễm bệnh tiếp tục cho cá nhân là thực hiện chế độ tuyệt đối ăn chin uống sôi, rửa tay sạch, tránh tụ tập đông người, tiệc tùng ăn uống. Về phía chuyên môn phải có chế độ giám sát và báo cáo bệnh mới một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ để kịp thời khu trú bệnh nhân, thực hiện chế độ khử trùng chất thải của bệnh nhân và khử trùng nguồn nước sinh hoạt trong vùng có bệnh để hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Như vậy chế độ thực hiện ăn chín uống sôi có thể coi là một pháp lệnh tạm thời có hiệu lực trong thời gian bệnh dịch Tả lây lan, áp dụng cho tất cả mọi người, đối với mọi loại thức ăn tươi sống không chế biến chứ không riêng gì mắm tôm. Ngay cả thức ăn qua chế biến cũng chưa an toàn không phải ở chỗ vi trùng có trong đó mà sự lây nhiễm xảy ra do tay chân người sử dụng không sạch.
An toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện thường xuyên liên tục. Mắm tôm cũng chỉ là một trong những khâu rất rất nhỏ đóng vai trò dung chứa mầm bệnh, nhưng mắm tôm nấu chính cũng trở thành một thức ăn an toàn. Nên một câu nói “hiên ngang” của một anh chủ quán: “… quán chúng em đã chuẩn bị né…tả rồi. Mắm tôm được nấu chín trước khi đưa ra phục vụ, cứ yên tâm đánh chén đi”. Hoàn toàn đúng đắn!
Việc đi kiểm tra vệ sinh sản xuất thực phẩm là chuyện cần thiết mọi lúc mọi nơi, nhưng không phải là khâu bức thiết như đối với mắm tôm hiện nay để ngăn ngừa lây lan dịch Tả, và nếu không nói là không có hiệu quả ngăn ngừa lây lan dịch Tả. Và kết quả trong một đợt kiểm nghiệm mẫu mắm tôm ở TP HCM, thấy có 9/18 mẫu mắm tôm không tìm thấy vi khuẩn tả, số còn lại chưa có kết quả, thì cũng là điều dễ hiểu thôi. Tìm thấy vi khuẩn Tả trong mắm tôm mới là chuyện khó hiểu hơn!
Chỉ vì thông tin từ giới chức y tế rồi truyền thông cho rằng mắm tôm (từ nghi phạm) là thủ phạm chính của đợt dịch tiêu chảy này, mắm tôm ở Thanh Hoá bị cấm lưu thông và cả làng mắm tôm đang điêu đứng vì áp lệnh đó.
Đã thế lại còn có những nhận định khác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm như: “đến hôm nay nguyên nhân gây bệnh dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ dừng ở mắm tôm, thịt hải sản sống, gỏi, nem chua nữa mà nhiều nguồn thức ăn khá an toàn như các bữa cơm gia đình, thực phẩm nấu chin (giò chả, thịt lợn),... đã bị nhiễm vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
Có chắc không, hay do tay chân của người bệnh bị nhiễm khuẩn? Nếu đọc qua nhận định này thì đến cả bữa cơm gia đình, thực phẩm nấu chín mà cũng không an toàn nữa thì còn gì để mà sợ. Không ăn thì chết đói, ăn đến thức ăn an toàn do gia đình chuẩn bị mà cũng bị nhiễm khuẩn thì có gì nữa để mà phải kiêng khem!
Ngay đến cả thông tin và nhận định của của giới chuyên môn cũng bất cập. Tại thời điểm 21: 22 giờ (VN) 06/11, một bản tin xác nhận là 2 bệnh nhân tử vong được xác định là có nhiễm vi khuẩn tả. Một bản tin khác, cách sau đó 2 giờ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, đến thời điểm này chưa có ca bệnh nào tử vong do tiêu chảy cấp nguy hiểm. Và: “Các trường hợp tử vong có nghi bị tiêu chảy cấp, sau khi xác định lại đều cho kết quả âm tính”. Mạn bàn về nhận định này của Bộ trưởng, theo đó, có nghĩa là bệnh nhân tử vong nhưng âm tính với tiêu chảy cấp, tức là bệnh nhân không có mắc tiêu chảy cấp mà bị mắc bệnh khác rồi tử vong. Nguyên nhân gì? Và bệnh đó có liên quan gì với dịch tiêu chảy cấp này đâu mà phải trình với Bộ trưởng?
Và cũng theo ông: “Đến thời điểm này dịch được công bố vẫn là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, có khoảng 15% bệnh nhân nhiễm phải khuẩn tả.” Thế nhưng, với loại vi khuẩn Tả, chỉ cần một bệnh nhân được xác định có nhiễm vi khuẩn Tả (Vibrio Cholerae O1) là dịch này phải được công bố là dịch Tả.
Tóm lại, với một bệnh cảnh dịch nghiêm trọng như vậy mà giới chức chuyên môn vẫn tiếp tục loay hoay với việc xác định là dịch tiêu chảy cấp do nguyên nhân gì không được thì trách gì người dân còn quá thờ ơ, thiếu cảnh giác với dịch “tiêu chảy cấp nguy hiểm”.
Chúng ta có thể không gọi đó là dịch Tả mà gọi đó là “dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm”, thì cũng không sao. Nhưng trong dịch tiêu chảy cấp tính chỉ có dịch Tả mới là nguy hiểm nhất, có liên quan đến sự lây lan rất mạnh qua nguồn nước thông qua chất thải của bệnh nhân mà thôi.
Mặc dù chúng ta thừa nhận là có 15% số bệnh nhân tiêu chảy cấp tính đó có nhiễm Tả nhưng cho đến thời điểm 4:30 6/11/07 (giờ EST), thì bà Dida Conor, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam tại Hà nội chỉ mới được thông báo là có dịch tiêu chảy cấp, và vẫn chưa nhận được báo cáo một trường hợp nào bị tả cả ("We have been informed about severe acute diarrhea," spokeswoman Dida Connor said. "We haven't had any confirmation of cholera." Tin Reuters, 06/11/07). Ngược lại, ông Bộ Trưởng Y tế lại có nhận định khác “Trả lời Tuổi Trẻ về dư luận Bộ Y tế chưa công bố rõ ràng nguyên nhân gây dịch, ông Triệu nói đây là loại dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, với 15% bệnh nhân mắc vi khuẩn tả, Tổ chức Y tế thế giới cũng tán thành thông điệp này” (Tuổi trẻ, 07/11/07). Như vậy có lẽ bà Dida Conor đã không được biết hoặc không được thông báo chuyện này, hoặc có một lý do nào khác.
Dù giới chức y tế hữu trách Việt Nam có không gọi đó là dịch Tả, thì thông tin trên thế giới đều gọi đó là dịch Tả rồi (Reuters, ProMed-mail, M&C).
Việc né tránh định danh nguyên nhân của vụ dịch tiêu chảy này sẽ gây một nguy cơ lây nhiễm không ít vì không thể quán triệt được ý thức người dân và không thể ban hành được pháp lệnh phòng chống dịch khẩn cấp khi cần thiết.
Cách thức làm việc của giới hữu trách còn như thế thì trách sao người dân bất tuân khuyến cáo, “Xin đừng trách đa đa!”
Nguyễn Đình Nguyên
Chúng ta những người dân, để tránh lây nhiễm bệnh Tả cho mình, và tạo nguồn lây lan cho gia đình và mọi người, khẩn thiết hiểu thấu và thực hiện những nguyên tắc đơn giản dưới đây:
Khẩu hiệu nằm lòng trong đợt dịch tiêu chảy cấp do Tả: “Rửa tay xà phòng. Ăn chín. Uống sôi. Không chắc thì thôi, không sử dụng!”
Dịch Tả là một dịch tiêu chảy nguy hiểm nhưng chúng ta có thể phòng chống và ngăn ngừa được bằng cách vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống. Trong thời gian dịch Tả đang xảy ra mọi người dân phải triệt để thực hiện: - Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. - Ăn thức ăn nấu chín kỹ, hợp vệ sinh. Tránh ăn các đồ ăn tươi sống chưa qua đun nấu, kể cả rau xanh, trái cây không có vỏ bóc hoặc thức ăn hàng quán không rõ có hợp vệ sinh hay không. - Không uống nước lã. - Tránh tụ tập nơi đông người, tiệc tùng ăn uống trong vùng có dịch. - Khi có triệu chứng tiêu chảy cần phải lập tức bù nước và dịch theo hướng dẫn và cấp tốc đến cơ sở y tế gần nhất, không điều trị tại nhà. - Khi trong gia đình có người bị tiêu chảy cấp tính thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ khử trùng tẩy uế theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Hiệu lực của biện pháp này cần phải được tuân thủ nghiêm túc và triệt để cho đến khi vụ dịch được công bố là dập tắt hoàn toàn. |