BẠN CÓ BIẾT?
Tác dụng của KHẨU TRANG và MẶT NẠ BẢO VỆ
Nguyễn Đình Nguyên
Phần II
CÁC LOẠI THIẾT BỊ BẢO VỆ LÂY LAN QUA ĐƯỜNG HÔ HÂP DÙNG TRONG Y TẾ
Hoạt động trong ngành Y tế là một trong những công việc có tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh thường trực từ nhiều nguồn khác nhau nhiều nhất. Tuỳ vào môi trường khác nhau mà có nguy cơ lây nhiễm khác nhau. Trong phòng thí nghiệm ngoài nguy cơ tiếp xúc với hoá chất, nhân viên còn có nguy cơ cao khi tiếp cận với các loại vi trùng nguy hiểm, có thể đưa họ tới một tình trạng phơi nhiễm toàn bộ (total exposure). Nguồn lây nhiễm trong khu vực bệnh phòng do bệnh nhân phóng thích các mầm bệnh lây lan, vi sinh vật…Lây lan bệnh nhiễm trùng trong bệnh viện (nosocomial infection) có một mô hình hoàn toàn khác với lây lan bên ngoài cộng đồng, và thường nặng nề hơn. Do đó tuỳ vào mỗi môi trường làm việc mà có những quy tắc sử dụng thiết bị bảo vệ khác nhau.
Đối với việc lây nhiễm qua đường không khí (air born), thiết bị bảo vệ trong ngành Y tế bao gồm mũ, mặt nạ, găng tay, khẩu trang, mặt nạ, áo quần đặc biệt, giày đặc biệt. Riêng về khẩu trang ba loại: khẩu trang, tấm che mặt và mặt nạ.
|
Khẩu trang phẫu thuật |
Các loại thiết bị dùng để bảo vệ trong các ngành nói chung đều phải được chuẩn hoá, thiết bị bảo vệ trong Y tế hiện tại trên thế giới được xác nhận là có tiêu chuẩn cao cấp nếu được chuẩn y của cơ quan NIOSH (National Institute for Occupational Safety & Health, Mỹ).
Các chỉ định sử dụng các loại khẩu trang và mặt nạ:
Khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn (standard surgical mask)
Chỉ định chung trong việc sử dụng khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn:
- Khi có tình trạng văng, bắn, phun các chất dịch cơ thể
- Khi ở gần các chất tiết từ khoảng cách 1.5 mét trở xuống
- Khi làm việc trong môi trường vô trùng, để tránh lây nhiễm cho môi trường
Nhiềàu Trung tâm kiểm soát bệnh tật và giới chuyên gia khuyến cáo không sử dụng khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn để ngăn ngừa các bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường không khí (như Lao, Than chẳng hạn…). Tuy nhiên điểm này còn đang bàn cãi, sẽ phân tích sau.
Vì thế loại này thiết kế không chỉ để bảo vệ cho nhân viên trong một số trường hợp mà còn để bảo vệ cho bệnh nhân, cho nên có tên là khẩu trang phẫu thuật. Trong môi trường phòng mổ là gần như vô trùng lý tưởng nếu không nói phải là “sạch” nhất. Ngoài việc tránh cho phẫu thuật viên bị nhiễm các chất dịch cơ thể của bệnh nhân thì một phần cũng tránh văng bắn dịch tiết mũi họng của nhân viên vào vết mổ hở cho bệnh nhân, và vào trong phạm vi phòng mổ.
Tấm che mặt (face shield)
Tấm che mặt (face shield) |
Dùng để bảo vệ các niêm mạc mắt, mũi, miệng khỏi bị lây nhiễm trong các thủ thuật hoặc công việc có liên quan đến tình trạng văng, bắn các chất mà các chất này có thể phóng thích vào không khí và trở thành phần tử treo trong không khí.
Mặt nạ (respirator)
Là một loại khẩu trang được thiết kế đặc biệt để lọc các phần tử nhỏ lan truyền theo đường không khí. Theo tiêu chuẩn NIOSH (National Institute for Occupational Safety & Health), các loại mặt nạ này phải có khả năng lọc vi khuẩn (BFE, Bacterial Filtration Efficiency) được 95% các phần tử có kích thước nhỏ hơn 0.3micromet (1milimet = 1000micromet). Hiện nay có hai loại mặt nạ đạt tiêu chuẩn này đó là HEPA (High efficiency particular air filter) và N-95. Hai loại này còn có khả năng không thấm nước.
|
Mặt nạ(respirator) HEPA và N-95 |
HEPA thì ngay tên đã nói lên được bản chất của mặt nạ rồi. Hiệu quả lọc của loại này rất cao, 99.97%. Còn tại sao gọi là N-95? Theo phân loại mặt nạ dựa trên hiệu quả lọc của nó: Tác dụng lọc được chia làm 3 nhóm: nhóm không kháng được chất dầu (not resistant to oil)- nhóm N, nhóm kháng chất dầu (oil resistant)-nhóm R, và nhóm không thấm dầu (oil proof)-nhóm P. Hiệu quả lọc nhóm gồm 3 mức: hiệu quả lọc 95%, 99% và 99.97%. Như vậy mặt nạ N-95 là loại mặt nạ không kháng được chất dầu và có hiệu quả lọc được 95% các phần tử quy định.
VẤN ĐỀ CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHỈ ĐỊNH SỦ DỤNG
Trên đây là những đặc điểm kỹ thuật về các loại thiết bị bảo vệ đường hô hấp được dùng trong y tế. Các sản phẩmï được đưa vào sử dụng hay khuyến cáo sử dụng, thì đối tượng sử dụng cần được thuyết phục là những thiết bị đó phải đạt tiêu chuẩn như mong muốn thôi chưa đủ, mà nó phải được chứng minh là nó có hiệu quả trong các điều kiện đó. Cho nên những chỉ định sử dụng đó cần phải phù hợp với thiết kế để đạt hiệu quả tối ưu. Và như thế thì cũng sẽ có tình trạng sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy cách không những không có hiệu quả ma có khi còn đem lại một phản tác dụng. Hệ quả này có áp dụng với trường hợp của chiếc khẩu trang sử dụng trong một số trường hợp để phòng lây bệnh hay không, đó là chủ đề bàn luận ở phần này.
Con đường hành trình từ chiếc khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn đến các mặt nạ cao cấp
Chuyện cái khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa sự thâm nhập một số chất vào con đường mũi họng thì không có gì đáng bàn cãi. Đối với loại vi khuẩn có tính chất lây lan mạnh khi phát tán trong không khí người ta sợ nhất là vi khuẩn Lao, nhất là trong môi trường bệnh viện đối với những bệnh nhân kháng thuốc. Nên con đường hành trình này nó gắn liền với “công cuộc chiến đấu” chống lại bệnh Lao của thế giới.
Nói đến bệnh Lao, chúng ta ít nhiều ai cũng có thể biết được nó và tầm nguy hiểm của nó, và cũng biết được công đầu là nhà Bác học Robert Koch (Đức) đã tìm ra tác nhân này, nên vi trùng gây bệnh Lao còn được gọi là vi trùng Koch. Nhờ phát hiện căn bản này của ông, mà sau đó các tiến bộ Y học có thể không chế được bệnh Lao một cách ngoạn mục. Thế nhưng, đến những thập kỷ 80 của thế kỷ XX thì bệnh lao lại bùng phát lên khắp nơi, làm cho giới Y học phải tái thẩm định lại các chương trình phòng chống lao [1]. Và vào năm 1990 Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh Truyền nhiễm (CDC) Mỹ đã có đưa ra hướng dẫn trong phòng chống bệnh Lao phối một sự thay đổi là khuyến cáo sử dụng “mặt nạ đặc hiệu” (particulate respirator) thay thế cho cụm từ “khẩu trang phẫu thuật” (surgical mask), và cho đến thời điểm đó khẩu trang phẫu thuật là được khuyến cáo sử dụng rộng rãi trong giới nhân viên y tế để ngăn ngừa phơi nhiễm (exposure) với Lao phối.
Điều rõ ràng và có tính hiển nhiên rằng các loại mặt nạ mới này có hiệu quả tốt hơn so với khẩu trang phẫu thuật. Nhưng liệu nó có tốt hơn trong việc phòng chống bệnh Lao (trên phương diện kiểm soát tỷ lệ mắc lao) so với khẩu trang phẫu thuật hay không thì lại là một chuyện khác, mà câu trả lời phải được rõ ràng.
Điều không đề cập đến ở đây là việc sử dụng khẩu trang cho những bệnh nhân bị Lao phổi khi cần di chuyển để tránh phóng thích nguồn bệnh ra ngoài, thì hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nhiều chương trình chống lao sau đó rộ lên, và các nghiên cứu cũng ra đời, trong đó có một số chương trình chống lao cho thấy đạt hiệu qủa (giảm tỷ lệ mắc) mà chẳng cần sử dụng gì đến cái “mặt nạ đặc hiệu” cả [2, 3, 4]. Và một sự biện minh (yếu ớt) cho việc thay đổi trong khuyến cáo này là: “các khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn có thể (nhấn mạnh của người viết) không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự hít phải các nhân dịch tiết rơi vãøi (droplet nuclei)” [5]. Trong khi đó việc kiểm chứng sự ưu việt của “mặt nạ đặc hiệu” thì rất đắt đỏ [6, 7], mà lợi ích để bảo vệ nhân viên y tế thì vẫn chưa được xác định [8, 9].
Trong một nghiên cứu của Laura Gammaitoni và Maria Clara Nucci [10], các tác giảđã sử dụng mô hình toán xác định để đo lường độ nhiễm lây qua đường không khí. Mụïc đích đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng Lao được đề xuất, tóm tắt về hiệu quả của các thiết bị bảo vệ đường thở như sau: Nếu sử dụng mặt nạ lọc khí loại (HEPA, High efficiency particular air filter) hoặc kết hợp với UVGI (ultraviolet germicidal irradiation) , thì có khả năng bảo vệ sự lây truyền Lao thể hiện khi tỷ lệ nhiễm trùng thấp, đặc biệt với mức độ phơi nhiễm ngắn. Khi tỷ lệ nhiễm trùng tăng lên, dù có dùng mọi biện pháp như tăng cưỡng như khử trùng, kể cả dùng mặt nạ và tăng thông khí cũng không thể nào làm giảm được nguy cơ lây lan xuống thấp. Và bài báo có kết luận thêm: “Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát bằng quản lý (nghĩa là nhận dạng bệnh, cách ly bệnh nhân tốt) là biện pháp hiệu quả nhất vì chỉ có vậy mới kéo theo sự giảm tỷ lệ nhiễm trùng được”.
Như vậy đối với một loại bệnh nhiễm trùng mà người ta cho rằng có nguy cơ lây lan qua đường không khí đáng sợ nhất là Lao thì các nghiên cứu cho thấy: chưa có cơ sở nào chứng minh khẩu trang loại tốt nhất (mặt nạ N-95, HEPA) là có hiệu quả hơn loại khẩu trang phẫu thuật để bảo vệ nhân viên y tế giảm nguy cơ nhiễm lao trong bệnh viện cả. Thứ hai trong các biện pháp áp dụng thì chỉ có biện pháp nhận dạng bệnh sớm, cách ly bệnh nhân tốt là phương thức tốt nhất để làm giảm tỷ lệ mắc Lao.
(Hết phần hai)
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III
NDN