BẠN CÓ BIẾT?
Tác dụng của KHẨU TRANG và MẶT NẠ BẢO VỆ
Nguyễn Đình Nguyên
Hơn một tháng qua, kể từ ca bệnh SARS đầu tiên được chẩn đoán ở Việt nam, vụ bùng phát về căn bệnh mới-tác nhân gây SARS đã trở thành một mối đe doạ mới đối với con người. Điều khó khăn và quan ngại lớn nhất là ở chỗ tác nhân gây bệnh hoàn toàn mới lạ, cho nên chúng ta chưa hiểu được hết bản chất của bệnh, nên hầu như không có phương hướng trong cách điều trị và phòng chống đặc hiệu. Mọi biện pháp điều trị đều là thăm dò, mọi biện pháp ngăn ngừa lây lan là áp dụng từ các nguyên tắc chung cho mọi bệnh truyền nhiễm có tính lây lan mạnh. Diễn biến vụ bùng phát khá phức tạp về hình thức lây truyền, nhưng dù sao cũng phát hiện rõ được một cách thức lây lan SARS là qua con đường tiếp xúc sát với các chất dịch tiết từ trong cơ thể của người bệnh. Cũng có thấy một số trường hợp nhiễm bệnh sau khi đến vùng có dịch đang lây lan. Liệu bệnh có lây lan theo con đường không khí (air-borne) hay không? Vẫn chưa có bằng chứng và chưa có câu trả lời.
Thế nhưng, thay vì là câu trả lời từ giới chuyên môn có thẩm quyền, thì đã có câu đáp đồng thanh rất rầm rộ, đồng điệu từ phía quần chúng, ngay cả giới chuyên môn-những người biết phòng xa. Chỉ cần đến Hà nội, Hồng Kông, Quảng đông hay bất cứ một nơi nào trong những nơi có SARS lưu hành, thì sẽ thấy không biết có phải mình đang ở trong bệnh viện dã ngoại khổng lồ hay không. “Người người khẩu trang, nhà nhà khẩu trang”. Khẩu trang trở thành một thứ ưa chuộng bất đắc dĩ hơn mọi loại trang sức khác, kể cả những ai dị ứng với cách thức che chắn “phản tự nhiên” này. Người ta có thể quên trang điểm, quên cạo râu mỗi buổi sáng, nhưng không thể quên cái khẩu trang, với hy vọng nó là một phương tiện cứu cánh để ngăn ngừa tác nhân SARS xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Có tác dụng hay không không rõ nhưng rõ ràng che chắn cũng còn hơn để trống.
Vậy cái khẩu trang nhỏ bé không hơn mười phân vuông mấy, có mãnh lực gì mà lại hấp dẫn mọi người đến như vậy? Bài viết này nhằm cung cấp các thông tin trên khía cạnh khoa học và các bằng chứng khoa học về chức năng và tác dụng của khẩu trang/mặt nạ và các loại được sử dụng hiện hành, đặc biệt trong lĩnh vực Y tế.
LỊCH SỬ CỦA CHIẾC MẶT NẠ/KHẨU TRANG BẢO VỆ
Khẩu trang hay các mặt nạ bảo vệ ngày nay ta dùng đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. Mặt nạ có hai chức năng chính là để cải trang tránh nhận dạng hoặc để bảo vệ. Dù gì đi nữa thì cho đến nay xuất xứ và cội nguồn của nó hầu như là không biết được, nhưng cũng đã có bằng chứng là mặt nạ đã xuất hiện từ thời tiền sử, con người dùng để nhại hình thù súc vật trong mục đích săn bắn. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy được mặt nạ cổ nhất có 20.000 năm tuổi trước Công nguyên.
Khẩu trang và mặt nạ cũng được áp dụng với mục đích phòng vệ trong xã hội văn minh cũng rất sớm. Mô hình mặt nạ sớm nhất trong mục đích bảo vệ có lẽ là ghi nhận của Leonard de Vinci, vào thế kỷ XV. Ông mường tượng ra một mảnh vải nhỏ nhúng nước che miệng mũi để chống lại hợp chất sulphide của arsenic (thạch tín) và bột đồng gỉ (verdigris) mà ông cho đó là một loại vũ khí hoá học.
Bằng phát minh đầu tiên cho chiếc mặt nạ có chức năng bảo vệ (gọi tắt là mặt nạ) ở Mỹ được cấp cho Lewis P. Haslett năm 1847. Ông đã thiết kế một mặt nạ có các bộ
|
Theodore A. Hoffman được cấp bằng phát minh về chiếc mặt nạ năm 1866. Các mặt nạ này rất ưu việt và được phe Đồng minh sử dụng sau Đức khi có chiến tranh hoá học. Bản in lại của Cục Bản quyền Mỹ No. 58,255; 25 Sep 1866. |
phận gồm một mạng vải len ẩm với một chỗ thoát hơi. Sau đó 1850, Benjamin I. Lane được cấp bằng phát minh về bình khí và kiếng bảo vệ mắt (goggle), miếng cao su che mũi. Sau đó John Stenhouse đã phát triển được một mặt nạ bằng đồng với miếng đệm có bộ lọc bằng than hoạt vào năm 1854. Giữa những năm Nội chiến Mỹ và Đại chiến thế giới thứ I, có hàng loạt các bằng phát minh nữa về các thiết bị bảo vệ như mặt nạ cho nhân viên cứu hoả, cho công nhân hầm mỏ. Mặt nạ của Theodore A.Hoffman, làm bằng vải bông và có mép viền co giãn để chống lại dạng khí phun.
Khẩu trang và mặt nạ cũng được dùng trong Y học khá sớm, nhưng đặc biệt rầm rộ khi ở giai đoạn hiện đại sau thời kỳ Louis Pasteur khi các bệnh nhiễm trùng lây lan theo đường không khí được biết đến nghiêm trọng nhất là vi trùng Lao, do Robert Koch phát hiện.
Phân loại các nguồn gây ô nhiễm qua đường hô hấp
Phải nói ngay rằng nguồn lây nhiễm qua đường hô hấp luôn tăng lên cùng với sự phát triển của hoá học và ứng dụng của hoá học vào trong cuộc sống của con người kể cả mặt tích cực (trong công nông nghiệp v.v..) và tiêu cực (chiến tranh hoá học). Và đó là các nguồn tác động nguy hiểm nhiều nhất vào đường hô hấp.
Về một nguyên tắc chung nhất tất cả những chất nào có phần tử (particle) nhỏ hơn 10micron (1micron=10-3mm) hay chặt chẽ hơn là dưới 5micron là có khả năng gây nhiễm vào đường thở.
Các chất đó thông thường ở dưới dạng: bụi, sương, khói, khí, bụi hữu cơ, vi sinh vật như nấm, vi khuẩn có kích thước nhỏ, phát tán trong không khí như vi khuẩn Lao, trực khuẩn Than, vi rút v.v…
Những người làm nông nghiệp là hay gặp các ô nhiễm đường hô hấp rất đa dạng do họ tiếp xúc với nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau trong tự nhiên cũng như do con người tạo nên. Các tác nhân đó như cỏ mốc, các gốc rơm rạ hay cây trồng mốc trong mùa màng, thường gây ra hội chứng Phổi của nhà Nông (Farmer’s Lung), hoặc Hội chứng nhiễm độc bụi hữu cơ (TODS, Toxic organic dust syndrome). Tổn thương phổi nhiều khi vĩnh viễn.
Các loại “bụi quấy rối” (nuisance dust): tức là các dạng phần tử treo trong không khí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, các loại bụi này không chứa bào tử, và hít vào có biểu hiện dị ứng, tái diễn, lâu ngày làm giảm trao đổi oxy và làm cho người ta có nguy cơ dễ mắc bệnh khác về phổi.
Các chất khí: như NO2, H2S, ammonia (NH3), CO2 và methane (CH4), các khí này đều sinh ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ phân bón tự nhiên hay hoá học.
Các hoá chất nông nghiệp: Thuốc trừ sâu diệt nấm, phân bón v.v…
Trong phòng thí nghiệm hoá học, sinh học, trong môi trường bệnh viện đều có nguy cơ bị ô nhiễm đường hô hấp thông qua các chất thải từ cơ thể bệnh nhân, tác nhân vi sinh vật do người bệnh phóng thích, hay các hoá chất dùng trong mục đích khử trùng, thí nghiệm.
Thông thường thì một nguyên tắc quan trọng nhất trong việc phòng chống ô nhiễm đường hô hấp là phải kiểm soát nguồn ô nhiễm bị phóng thích vào không khí, bằng cách sử dụng các chất ít độc hại hơn để thay thế, cô lập hoặc có hệ thống thông khí riêng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể đạt được những điều đó, như chỉ sử dụng ngắn, cấp thời một số hoá chất cần thiết,;những vùng bị ô nhiễm rộng; trong các môi trường đặc biệt như bệnh viện, vùng bị ô nhiễm. Nên việc mang một thiết bị bảo vệ đường hô hấp là cần thiết . Những thiết bị bảo vệ này được thiết kế đặc biệt để chuyên dụng cho từng mục đích và trong từng điều kiện môi trường khác nhau.
CÁC LOẠI THIẾT BỊ BẢO VỆ ĐƯỜNG HÔ HẤP SỬ DỤNG TRONG CÔNG, NÔNG NGHIỆP
Trong công nông nghiệp do chủ yếu tiếp xúc với các thành phần ở dưới dạng khí, do đó hầu như khẩu trang (mask) bình thường không có tác dụng mà phải dùng mặt nạ chuyên dụng.
Các loại mặt nạ này được chia làm hai loại chủ yếu: Mặt nạ lọc khí và Mặt nạ cấp khí.
Mặt nạ lọc khí chỉ được sử dụng trong điều kiện môi trường đủ dưỡng khí, khi vượt ra ngoài công năng của một mặt nạ lọc khí thì cần phải mang mặt nạ cấp khí.
Một số loại mặt nạ lọc khí
Công năng của các loại mặt nạ lọc khí:
- Mặt nạ lọc khí cơ học dùng một lần: chỉ dùng chống bụi, không dùng để chống hơi, độ cản trở hô hấp cao, khả năng bảo quản kém, khó chỉnh cho khớp
- Mặt nạ lọc khí cơ học: dùng như trên, có thể tái sử dụng bằng cách thay màng lọc, độ cản hô hấp trung bình, bảo quản trung bình
- Mặt nạ có bình hoạt chất lọc: dùng cản bụi, hơi, chỉnh khớp tốt, độ cản hô hấp trung bình
- Khẩu trang hơi: dùng cản bụi, hơi, khớp tốt, bảo quản trung bình, độ cản hô hấp trung bình
Bộ lọc khí có năng lượng: cản bụi, hơi, khớp tốt, độ cản hô hấp thấp
Mặt nạ cấp khí:
- Mặt nạ cấp khí có bình hoạt chất lọc: khi dùng thuốc trừ sâu, diệt côn trùng
- Mặt nạ hơi có thiết bị cấp khí: chống nấm trong môi trường xây dựng
- Mặt nạ thoát hơi hữu cơ, trùm mặt có bình hoạt chất lọc: loại này thiết kế chuyên dụng cho từng loại hơi khác nhau như: ammonia, CO.
- Các loại mặt nạ chống bụi, độc chất chuyên dụng cho môi trường: sơn, bào tử nấm, hàn điện, hàn khí.
Mặt nạ cấp khí
Lưu ý khi sử dụng các loại mặt nạ:
- Kiểm tra cỡ: Bất kỳ một kiểu thiết kế nào thì khi dùng đều phải thử xem nó có vừa khớp với mình hay không. Các loại mặt nạ này trước khi bán ra trên thị trường đều phải qua test chất lượng về độ khớp này. Khi mang vào các bờ viền của mặt nạ phải dán chặt vào quanh mũi miệng, tránh có những kẽ hở dù rất nhỏ. Ngay cả lông mặt cũng là một sự cản trở đáng kể và làm cho các mặt nạ kém độ khớp, râu không cạo một ngày cũng đã có vấn đề.
Bảo đảm nhất là khi mang lần đầu phải có chuyên viên về mặt nạ giúp mình thử, và nên theo các hướng dẫn của nhà sản xuất. Một cách dễ nhất để thử độ kín của mặt nạ là tiến hành một test độ khớp dương hoặc một test độ khớp âm. Test độ khớp dương: dùng lòng bàn tay chận kín van xả sau khi đã mang mặt nạ, cố sức thổi ra, nếu mình cảm thấy có hơi len qua da, ra ngoài mặt tức là có rò rỉ khí. Test độ khớp âm, thì mình phải bịt các bình chứa hoạt chất lại, xong hít mạnh vào, nếu mặt nạ bị hút lõm và dán vào mặt mình yếu hay mạnh tuỳ độ hít tức là mặt nạ kín, không có rò rỉ.
- Bảo quản: Các loại thiết bị mặt nạ loại tái sử dụng cần được bảo quản nơi khô, sạch và tránh tuyệt đối tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm. Phải thường xuyên lau sạch, cần phải thay màng lọc bình chứa hoạt chất sau mỗi lần sử dụng, kể cả khi đang sử dụng mà đã “nghe” mùi của hoá chất. Thay màng lọc bụi khi thấy có sự cản trở hô hấp. Tiện lợi nhất là nên dùng thiết bị không cần bảo quản là mặt nạ tinh lọc khí loại dùng một lần, nhưng khổ thay phổ công năng của nó lại hẹp.
(Hết phần một.)
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III