NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

"NGỘ ĐỘC” (NƯỚC) CỦ DỀN-NỖI OAN THỊ KÍNH

Gần đây, ở khu vực phía Nam đã có một số báo cáo về các trường hợp trẻ em bị "ngộ độc nước Củ dền” [1], và đã có khuyến cáo là không được dùng nước củ dền để pha sữa cho trẻ. Vậy câu chuyện như thế nào, có thực củ dền gây ngộ độc hay không, và sự thực đằng sau câu chuyện là gì, chúng tôi cố gắng thu thập tài liệu và giúp bạn đọc tìm hiểu cội nguồn của vấn đề, từ đó chúng ta có thể có một cái nhìn vấn đề đúng đắn và bao quát hơn.

Củ dền (Beetroot, beet)

Củ dền là cách gọi của người Việt nam có thể để chỉ một loại rau ôn đới có tên là Beetroot, hay còn được gọi là Beet. Ngoài ra có một số loại họ beet: Spinach Beet. Sea Beet. Garden Beet White Beet dùng để ăn lá, Sugar beet để chế biến đường, Mangel Wurzel để nuôi gia súc, hai loại này không ăn như rau.

Tên khoa học của Beetroot là Beta vulgaris

Củ dền có hình hơi tròn, màu tím đỏ sẫm như màu nước rau dền đỏ ở ta. Có lẽ vì thế mà ở nước ta nó được gọi là củ dền, và thành ngữ Anh có câu là đỏ như củ dền (red as a beetroot). Củ dền ở Việt nam được trồng ở các vùng có khí hậu mát như Đà lạt, giống được du nhập từ thời thuộc Pháp.

Thành phần dinh dưỡng của củ dền

Củ dền được coi là một nguồn thực phẩm giàu folate. 100g củ dền có chứa khoảng 50kcal năng lượng, 5 g lipid, 11g carbon hydrate, 2g sợi, và 1g protein, kali khoảng 312g, và đáp ứng được 4% nhu cầu VitA hàng ngày. Thêm vào đó củ dền được xếp vào trong nhóm rau củ có hàm lượng nitrate cao tương đối hơn so với các loại rau khác. Ngoài việc được sử dụng là nguồn thực phẩm rau, trong y học cũng đã có các nghiên cứu về tính năng chữa bệnh: như chữa đau đầu, thiếu máu, chứng vàng da, khô da, chứng hói đầu, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy. Nói chung, củ dền được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng (healthy food), vậy tại sao lại có chuyện ngộ độc củ dền hay nước củ dền?

Khảo cứu y văn trên thế giới, nhận thấy rằng người ta đã nghiên cứu vấn đề ngộ độc liên quan đến rau củ đã khá lâu, và những năm gần đây thỉnh thoảng cũng có nhắc đến chứ không rầm rộ như những thập niên 40s đến 70s.

Ngộ độc có liên quan đến rau củ người ta nói đến chính là ngộ độc chất nitrate có trong thành phần một số loại rau củ, trên lâm sàng gây ra hội chứng tăng Methemoglobin trong máu [2] (sẽ được viết tắt là MetHb) làm cho trẻ biểu hiện xanh tím và nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cũng cần nói thêm MetHb là một chứng không hay gặp trên lâm sàng, nhưng nếu gặp thì phổ biến ở trẻ em. Về nguyên nhân, người ta xếp thành hai nhóm nguyên nhân, (1) nhóm bệnh lý: di truyền do thiếu hụt enzyme đóng vai trò hoá giải MetHb là NADH MetHb reductase (loại II) và bệnh hemoglobin M (loại I) di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường (autosomal). MetHb do nhóm nguyên nhân này hiếm gặp hơn. (2) Nhóm thứ hai, phổ biến hơn là do tiếp xúc với hoá chất, hay còn gọi là ngộ độc hoá chất hoặc thuốc bao gồm các chất như nitrate-nitrites, cyanure, naphthalene, nitrobenzene, các thuốc như gốc sulfonamides, thuốc chống sốt rét, thuốc gây mê v..v…

Vậy nitrate là gì và tại sao nitrate có thể gây ngộ độc?

Nitrate (NO3) là một phân tử tan trong nước có thành phần là nitơ gắn với 3 gốc oxy, tạo ra do nitơ trong thành phần ammonia hoặc các nguồn khác kết hợp với nước bị oxy hoá. Thành phần nitrate trong tự nhiên hay gặp trong các loại thực vật (rau) ở một số loại cao hơn các loại khác, nồng độ còn tuỳ thuộc vào mức độ phân bón có ni tơ được sử dụng và các điều kiện trồng trọt như thế nào. Trong những thập niên gần đây người ta quan tâm hơn đến nồng độ nitrate trong nước uống, đặc biệt là nước giếng do ô nhiễm nước từ các nguồn phân bón, nitrate tích tụ rất lâu trong đất và nước ngầm.

Nguồn nitrate vào trong cơ thể có thể nói đến 85% nhu cầu nitrate của cơ thể hàng ngày là từ các loại rau [3] như cải bó xôi, cà rốt, xà lách. Tuy nhiên nồng độ nitrate trong rau củ tươi tương đối thấp, thường chỉ từ 1-2mg/kg và hiếm khi đạt đến 10mg/kg [4]. Nguồn thứ hai là nitrite được sử dụng để bảo quản thịt chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn gây chết người- Clostridium botulium, ngoài ra nitrite còn có tác dụng giữ nguyên đặc tính của thịt tươi, như màu và mùi. Nguồn thứ ba là từ nguồn nước bị ô nhiễm. Nitrate ô nhiễm nước đến từ các nguồn như phân bón, chất thải động vật, các bồn chứa nhiễm khuẩn, hệ thống xử lý tưới tiêu thành phố và chất lắng động từ xác bã thực vật. Hai nguồn đến từ rau củ và phụ gia thực phẩm được các nhà khoa học coi là khá an toàn, với điều kiện việc sử dụng nitrite làm chất phụ gia phải được quản lý chặt chẽ [5] . Trong khi đó nguồn nitrate từ nước là hoàn toàn tuỳ thuộc từng vùng, địa phương. Lượng Nitrate-nitơ trong nước tự nhiên 1mg/lít nước được coi là không bị ô nhiễm. Việc nitrate xâm nhập được vào nước giếng còn tuỳ thuộc vào tính chất của đất và sự hiện diện của thềm đá ngầm, cũng như độ sâu của giếng. Ở các tiểu bang của Mỹ lượng nitrate-nitơ cho phép trong nước uống tối đa là 10mg/lít (hay 10 phần triệu-ppm) [6].

Bình thường, bản thân Nitrate chỉ gây độc khi ở mức độ cao hơn nhiều so với nồng độ của nó có trong thực phẩm [7]. Mối nguy hiểm của nitrate trong nước và trong thức ăn là ở chỗ nó chuyển hoá thành các nitrite trước hoặc sau khi ăn vào. Chính nitrite này vào trong máu gây oxi hoá các huyết cầu tố bình thường tạo ra huyết cầu tố dạng Met không có kha ûnăng vận chuyển oxy (xem thêm chú thích 2).

Cho đến nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới thì hầu hết một người lớn trung bình mỗi ngày lượng nitơ-nitrate tiêu thụ vào qua đường tiêu hoá là từ 20-100mg, và hầu hết là từ nguồn rau như xà lách, cần tây, củ dền, cải bó xôi. Lượng nitrate nằm trong khẩu phần ăn hàng nói chung là không nguy hại. Một người ăn chay một ngày trung bình có thể thu nạp đến 250mg nitrate-nitơ [8].

Trong điều kiện bình thường trong đường tiêu hoá có khả năng làm giảm sự chuyển nitrate thành nitrite trong quá trình tiêu hoá, hoặc là nó bị chuyển hoá hoặc là nó bị đào thảùi ra ngoài ngay mà chưa kịp chuyển hoá. Cơ thể một người bình thường có các điều kiện phòng vệ sau để chuyển hoá và đào thải nitrate-nitrite:

  • Độ toan dạ dày thấp (pH<4)
  • Chế độ ăn có Vitamin C
  • Trong cơ thể có các enzymes: NADH Methemoglobin reductase, glutiathion reductase và glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) để chuyển hoá khử methemoglobin trong máu.

Như vậy ta có thể nói rằng trong một điều kiện bình thường thì việc tiếp xúc và thu nạp nitrate qua đường tiêu hoá hàng ngày với con người ta có thể coi như vô hại. Thế nhưng, đối với trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi do các tổ chức chưa hoàn thiện đặc biệt là hệ tiêu hoá, thì lại khác.

Trẻ em đặc biệt dưới 4 tháng tuổi được xếp loại nhạy cảm (dễ mắc) với chứng tăng MetHb máu . Sở dĩ như vậy là vì trẻ em nhóm tuổi này trong máu còn chứa nhiều dạng hemoglobin của thai nhi, loại này rất nhạy cảm với các tác nhân oxi hoá. Như đã nêu trong phần chú thích, bình thường trong cơ thể khoẻ mạnh trong máu cũng có chứa khoảng 1-2% [9] MetHb, nhưng sau đó chúng được hoá giải bởi enzyme NADH MetHb reductase, glutiathion reductase và G6PD. Các ezyme này có nồng độ rất thấp ở trẻ sơ sinh và được tổng hợp dần cho đến 4 tháng tuổi mới đạt được mức bình thường. Trong cơ thể trẻ em bình thường lượng MetHb có thể đạt đến 2-5%, thế nhưng nếu trên cơ thể trẻ thiếu máu rõ thì với một lượng thấp MetHb cũng có thể gây xanh tím và tử vong. Cũng có trẻ có thể dung nạp được lượng MetHb đến 5-8% mà không hề có xanh tím. Người ta cũng đã ghi nhận được một trẻ chỉ 10 ngày tuổi đã được cho ăn với một lượng thức ăn có chứa đến 100mg nitrate/kg thể trọng trong một khoảng thời gian 8 ngày mà không hề có xanh tím, lượng MetHb đo được trong máu cũng chỉ có 7.5% [10].

Trong cơ thể trẻ với nồng độ toan của dịch vị không đủ (ở trẻ nhỏ pH >4) và sự hiện diện các loại vi khuẩn chuyển nitrate ở đường hô tiêu hoá trên, làm tăng thêm tính nhạy cảm với MetHb vốn dĩ trên cơ thể đã nhạy cảm.

Như vậy có rất nhiều yếu tố làm cho một cơ thể trẻ nhỏ dễ bị chứng MetHb rồi, cộng thêm vai trò của Nitrate nữa cho nên các nhà chuyên khoa đã không thể xác định được đâu là nồng độ an toàn cho phép cơ thể trẻ dung nạp nitrate cả.

Ngộ độc nitrate liên quan với nước uống

Nhiều báo cáo gần đây cho thấy rằng trẻ em bị MetHb do uống sữa pha với nước giếng hoặc nước giếng khoan. Sau đó kiểm tra định lượng thấy thành phần nitrate trong nước giếng khá cao [11] Năm 1993 tiểu bang Winconsin Mỹ đã phải khuyến cáo dân chúng chỉ được dùng nước đóng chai để nấu ăn [9].

Ngộ độc nitrate liên quan với rau củ

Tiến hành kiểm chứng rộng rãi các tài liệu thì vẫn chưa tìm thấy được một trẻ nào bị chứng tăng MetHb trong máu chỉ do ăn phải rau củ không thôi cả. Ngộ độc nitrate xuất hiện thường xuất hiện cùng với nước uống hơn là chỉ ăn rau quả tự nhiên [12]. Các số liệu cũng cho thấy rằng một số yếu tố có tính bảo vệ trong thức ăn như vitamin C, vitamin K, mặc dù chúng ít hiệu quả hơn methylene blue nhưng những chất này cũng được dùng để điều trị chứng tăng MetHb máu [10]. Có một số các chất chuyển hoá xảy ra tự nhiên có thể ngăn cảùn sự hình thành hoặc tích tụ metHb trong hồng cầu, hoặc các nitrates trong cây trồng đã có thể nằm ở dưới dạng kết hợp hoá học làm cho chúng ít có khả năng chuyển hoá thành các nitrite trong đường tiêu hoá khi ăn phải hơn là các nitrate ở dưới dạng ion phân tử trong thành phần nước giếng. Yếu tố tiêu thụ trường cửu nước giếng có thể là quan trọng nếu đem so sánh với việc ăn uống rau quả không mấy thường xuyên. Và có thể là do yếu tố này hay yếu tố khác mà việc thành phần nitrate trong rau trong khẩu phần ăn của trẻ không đủ để gây tăng MetHb trong máu ngay cả ở những trẻ xếp vào nhóm nhạy cảm.

Trong một số điều kiện, các nitrate trong thực vật có thể đã chuyển hoá thành nitrite trước khi ăn vào, trong trường hợp này có thể sẽ gây hiện tượng tăng MetHb trong cơ thể nặng nề hoặc có thể tử vong. Đã có báo cáo có 2 trẻ 3 tháng rưỡi tuổi bị MetHb [13] sau khi ăn rau cải bó xôi (spinach), khi xét nghiệm rau chỉ có vết Nitrate, nhưng nitrite đạt đến nồng độ 2180 phần triệu (ppm). Cũng gần sau đó, người ta cũng phát hiện một trẻ nữa 2 tháng rưỡi tuổi, ở Đức bị MetHb do ăn cải bó xôi11. Trong những trường hợp này, thức ăn là rau tinh khiết chế biến tại nhà, được để lưu trữ nhưng không biết trong điều kiện nào, và rõ ràng là rau cải bó xôi đã trở thành "độc” trong quá trình lưu trữ do có hiện tượng chuyển hoá nitrate thành nitrite.

Schuphan [11] đã báo cáo rằng thành phần nitrite trong rau cải bó xôi sẽ tăng lên từ 3 lên đến 335mg trong mỗi 100g chất khô trong quá trình vận chuyển và bảo quản lá rau không chế biến. Phillips [14] cũng đã xác nhận hiện tượng này. Việc chuyển đổi từ nitrate sang nitrite trong lá rau dưới dạng không chế biến có thể là do hậu quả của vai trò của các enzyme chuyển hoá nitrate có trong rau hoặc vai trò của các vi khuẩn [15]. Tình trạng nhiệt độ môi trường giữ rau tăng lên trong quá trình vận chuyển cộng với tình trạng thiếu oxy do sắp và bó chặt rau quả lại cũng được cho là nhân tố làm tăng quá trình chuyển đổi từ nitrate sang nitrite này.

Một số nhà quan sát [16] cũng chỉ tìm thấy vết tích của nitrite trong các thực phẩm trẻ em đóng hộp được kiểm nghiệm dưới những điều kiện mà người ta cho rằng có thể là yếu tố kích thích việc chuyển đổi này. Phillips [17] đã minh hoạ rằng nitrite không thể tích tụ được trong thực phẩm đóng hộp dù đã mở hộp và được cất giữ trong tủ mát dưới điều kiện bình thường trong vòng 25 ngày liền. Sự khác biệt giữa cải bó xôi đóng hộp và loại tươi này có thể được coi như là do việc làm bất hoạt các enzyme, loại bỏ vi khuẩn, và mất nitrate trong quá trình trụng hấp và chế biến [14]. Brown và Smith cũng đã khuyến cáo rằng phần rau cải bó xôi không ăn hết cần phải bỏ đi [18].

Việc sử dụng rộng rãi thức ăn trẻ em đóng hộp là một bằng chứng hỗ trợ cho sự khác biệt này. Trong một ước tính sơ bộ, trong vòng 20 năm, Mỹ và Canada đã sử dụng trên 350 triệu hộp cải bó xôi và củ dền đóng hộp mà chưa gặp phải một trường hợp bị MetHb nào [19].

Một nghiên cứu vừa mới gần đây nhất [20] trên 7 trẻ bị chứng tăng MetHb trong máu có liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm rau. Điều đặc biệt đáng lưu tâm ở đây là tuổi trung bình của các trẻ này là 8.14 tháng (dao động từ 7-13 tháng tuổi). Trong số đó không có trẻ nào bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, tiêu chảy hay dùng các thuốc, cũng như không có bằng chứng gì mắc bệnh bẩm sinh tăng MetHb (tức là trẻ hoàn toàn không được xếp vào nhóm nhạy cảm hay có nguy cơ). Các trẻ này hầu hết ăn là loại rau hỗn hợp có chủ yếu là cải bó xôi trắng (silver beets), được cất giữ trong môi trường tủ mát.

Như vậy nghiên cứu này cho thấy rằng không phải chỉ có các đối tượng trẻ dưới 4 tháng mới mắc bệnh, và không phảûi chỉ ăn rau tươi thôi mà mẵc bệnh mà thường phải kết hợp với các yếu tố khác như: thức ăn lưu giữ không thích hợp.

Cũng trong nghiên cứu này, khảo sát đánh giá nồng độ nitrate trong một số loại rau được coi là có chứa nitrate ở nồng độ cao, đã cho trẻ ăn, cho thấy kết quả như sau:

Nồng độ ion nitrate (mg/kg)

Trung bình

Tối thiểu

Tối đa

Cải bó xôi trắng (silver beets)

2900

100

4800

Cải bó xôi (spinach)

2750

2100

3200

Rau diếp (lettuce)

1250

350

2700

Tỏi tây (leek)

850

50

1300

Cải bắp (cabbage)

900

500

1200

Bí đỏ

700

200

950

Đậu xanh (green bean)*

700

400

850

Cà rốt

-

0

200

* Giống như đậu cô-ve, haricot bean

Tuy nhiên nồng độ này thay đổi trong rau theo mùa trồng. Khảo sát này còn cho thấy nồng độ ion nitrate cao nhất trong rau là rau thu hoạch vào tháng 8, 9. Ví dụ: rau cải bó xôi trắng, ion nitrate đo được ở tháng 8 là 6300mg/kg, tháng 9 là 4800mg/kg nhưng ở tháng giêng chỉ có 100mg/kg.

Nồng độ nitrate trong các loại rau khác nhau tuy øtheo vùng, thí dụ như ở nghiên cứu này cho thấy cà rốt có chứa nitrate ở một nồng độ rất thấp, hầu như không đáng kể, nhưng ở các nước khác lại khá cao [21]. Và cũng một loại rau trong một nước trồng ở các vùng khác nhau cũng có nồng độ nitrate khác nhau [21]. Từ các đặc điểm này có thể liên hệ đến đặc tính của đất trồng, sử dụng phân bón nitrate.

Một nghiên cứu khác ở Thái lan [22] trên 33 loại rau bày bán ở các chợ thuộc tỉnh Chiang Mai thì thấy rằng 18/33 loại rau có nồng độ Nitrate cao, 15/33 có nồng độ Nitrate thấp, và 4 loại rau tự mọc không có dùng phân bón hoá học thì 3/4 loại tự mọc có nồng độ Nitrate cao như loại cao bày bán ở chợ. Nhóm nghiên cứu chỉ vẫn đặt giả thuyết về nguyên nhân là có thể do thành phần phân bón hoá học có chứa nồng độ Nitrate cao (loại Nitrate Kali), hoặc Nitrate nằm tồn lưu lại dưới đất. Một số loại rau có nồng độ Nitrate thấp là có thể do quá trình chuyển hoá sang protein xảy ra trong thực vật.

Trong khi đó một nguồn tiềm tàng có khả năng gây tăng MetHb trong máu ở trẻ em phát triển trong những năm vừa qua là việc ô nhiễm nitrate trong nước uống do việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp. Tầm vóc của việc nguy hại này vẫn luôn nằm ngoài khả năng đánh giá đúng mức cho đến khi có được các cuộc khảo sát có hệ thống về thành phần nitrate trong nước uống, đặc biệt là những vùng cho là có nguy cơ.

Tóm lại lược khảo qua y văn thế giới trong vòng trên 50 năm qua về chứng MetHb mắc phải ở trẻ em liên quan với thức ăn rau củ ta thấy các điểm nổi bật sau đây:

MetHb hay xảy ra ở các đối tượng trẻ em, nhất là nhóm nhạy cảm là nhóm dưới 4 tháng tuổi vì các lý do sau:

1.1: Cơ thể còn chứa nhiều huyết cầu tố bào thai, là loại nhạy cảm dễ bị chuyển thành MetHb

1.2: Do đặc tính chưa trưởng thành của cơ thể nên thiếu hụt enzyme khử MetHb

1.3: Nồng độ acid dạ dày kém toan nên nitrate dễ chuyển hoá thành nitrite

1.4: Tồn tại nhiều loại vi khuẩn có khả năng chuyển hoá nitrate trong đường tiêu hoá thành nitrite

1.5: Chế độ ăn thiếu các Vitamin khác kèm theo (C, K) là các chất giúp khử MetHb.

2. MetHb do ngộ độc Nitrate ở trẻ em đã được báo cáo từ lâu, các nguồn nitrate được xác nhận chủ yếu là từ nước uống bị nhiễm nitrate nhất là nước giếng, và được ghi nhận là phổ biến hơn nitrate trong thực phẩm.

3. MetHb do ngộ độc nitrate trong thực phẩm được xác nhận dưỡng như rất nhất quán là bắt nguồn từ các loại rau quả có chứa nitrate nồng độ cao, đặc biệt là cải bó xôi trắng, cải bó xôi; còn trong vòng bàn cãi là nước vắt cà rốt, củ dền. Nồng độ nitrate trong rau củ dưỡng như có liên quan với việc sử dụng phân bón, tưới tiêu. Tuy nhiên, bằng chứng đã cho thấy việc ngộ độc nitrate trong thành phần rau củ không phải do đơn thuần rau củ gây nên mà phải có các yếu tố gây tăng nồng độ nitrate trong chế độ ăn đi kèm như: rau tươi chuyên chở lâu, giữ lâu, sau khi chế biến rồi được lư u giữ trong tủ lạnh, hoặc dùng nước rau có hai yếu tố nguy cơ là nước có nồng độ nitrate cao, và các loại rau củ này luộc lên có khả năng làm tăng nồng độ nitrate vốn có.

4. Chưa có bằng chứng các rau củ có chứa nitrate đóng hộp gây ngộ độc.

Như vậy thuật ngữ sử dụng "ngộ độc nước củ dền hay ngộ độc củ dền” là không chính xác, và cách dùng như vậy sẽ gây một sự ngộ nhận sai lạc về củ dền, một loại thực phẩm có giá trị về dinh dưỡng. Việc bị ngộ độc nếu có cũng có thể không phải do đặc tính sinh học của củ dền gây nên, mà do nhiều yếu tố kết hợp lại, trong đó chủ yếu là sử dụng sai qui cách. Về mặt chuyên môn thì đây là một quy kết thiếu cẩn trọng, vội vã nếu không nói là thiếu chính xác trong khoa học.

Trên lâm sàng nếu xác định được có thành phần nitrate trong máu hay trong nước tiểu thì thuật ngữ sử dụng cũng chỉ nên dùng là "Ngộ độc Nitrate”, nếu chưa có bằng chứng mà trên lâm sàng chỉ có xanh tím, xét nghiệm máu có tỷ lệ MetHb tăng cao bất thường thì gọi là Chứng tăng MetHb trong máu (Methemoglobinemia).

Về nguyên nhân: MetHb ta thấy có các mối liên quan sau:

Các tác nhân khác

Mắc phải: Nước uống ô nhiễm nitrate } à Methemoglobinemia ß Bẩm sinh

(ngộ độc) Rau củ chứa nitrate

Như vậy nếu muốn quy kết là Ngộ độc Nitrate từ nguồn rau củ (ở đây là củ dền) thì các điều kiện cần và đủ là:

Phải loại trừ được các nguyên nhân bẩm sinh

Phải loại trừ được các tác nhân ngoại sinh khác gây tăng MetHb.

Định lượng được nồng độ nitrate trong nước uống nơi khu vực bệnh nhân sinh sống.

Và sau cùng là định lượng nồng độ Nitrate trong rau củ nghi ngờ là tác nhân (ở đây là củ dền). Nhưng như đã trình bày nó chỉ có giá trị quy kết ở các đối tượng không xếp vào nhóm nhạy cảm (trên 4 tháng tuổi).

Thay cho đoạn kết chúng tôi xin đưa ra lời khuyên thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con, trước hết là để tối ưu hoá vấn đề nuôi dưỡng trẻ em, sau nữa cũng là phương cách để giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bệnh lý do môi trường xung quanh gây nên.

1. Theo khuyến cáo cuả Tổ chức Y tế Thế giới [23], (a) tất cả trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn cho đến tối thiểu là 4-6 tháng tuổi. Bú mẹ hoàn toàn ở đây được hiểu là chỉ có sữa mẹ mà không có một thứ gì khác kèm theo kể cả nước lọc. Ngay cả trong mùa hè nóng nực, trẻ bú mẹ cũng không có nhu cầu thêm về nước [24]. Trong trường hợp hãn hữu phải cho bú sữa nhân tạo (không phải sữa mẹ) thì cần phải tham khảo ý kiến chuyên môn, và trẻ bú bình cũng không có nhu cầu nước thêm [24]. (b) Trẻ con chỉ nên cho ăn xam (tức ăn thêm các thức ăn khác ngoài sữa) từ 6 tháng tuổi trở lên (xin nhắc lại từ 6 tháng tuổi).

Như vậy chỉ bằng thực hành này thôi, ta đã loại bỏ được các nguy cơ cao làm cho trẻ bị mắc MetHb đó là: cơ thể trẻ dưới 6 tháng là cơ thể nhạy cảm với tình trạng MetHb, và tránh tiếp xúc được với nguồn nitrate-nitrite trong tự nhiên.

2. Khi dùng rau tươi chế biến thức ăn cho trẻ (đặc biệt các loại có chứa nitrate nêu trên) nên lưu ý: rau phải ăn tươi, chế biến xong ăn ngay; không giữ rau lâu ngày, bó chặt, hoặc chế biến rồi để lâu trong tủ lạnh thì dễ có nguy cơ bị ngộ độc nitrate.

3. Không nên sử dụng nước rau luộc các loại để làm thức uống (kể cả người lớn), vì đơn giản là nó không có giá trị về dinh dưỡng. Không những không lợi mà còn có thể "bất cập hại" là nước đó có thể nhiễm nitrate ở mức độ cao, hơn nữa khi đun sôi thì có thể làm cho nồng độ nitrate tăng lên.

Nước giếng, nhất là giếng khoan sử dụng để nấu ăn, pha sữa, tối ưu là nên được chuẩn độ nitrate

Khuyến cáo cộng đồng: Ở các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Úc, châu Âu v.v.., khi nguồn nước uống được kiểm tra thấy nồng độ nitrate-nitơ trên 10mg/lít thì:

1. Không được sử dụng nước này để pha sữa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

2. Phụ nữ có thai không được uống nước này.

3. Không nên coi là có thể loại bỏ được nitrate trong nước bằng cách đun sôi, làm như vậy là càng làm cho nồng độ nitrate tăng cao hơn.

4. Chú ý đến chứng MetHb (xanh tím) ở trẻ

5. Phát hiện và xử lý nguồn nitrate gây ô nhiễm nước.

Thiết nghĩ việc áp dụng những khuyến cáo này cũng phần nào làm giảm nguy cơ tiếp xúc với nguồn Nitrate-nitrites không những là tác nhân gây hội chứng xanh tím ở trẻ con, mà còn được quy kết là tác nhân của một số loại ung thư ở người.

NDN 07/2002

Ghi chú

[1] Xem tin trên báo Thanh niên số 19/07/02 và Thanh niên chủ nhật 21/07/02, hoặc tin trên mạng của Vnexpress www.vnexpress.net mục Sức khoẻ

[2] Methemoglobinemia là một tình trạng thành phần Sắt hoá trị 2 (Fe2+) trong huyết cầu tố bình thường bị oxi hoá thành Sắt hoá trị 3 (Fe3+) , chuyển Hemoglobin (Hb) của hồng cầu bình thường thành dạng methemoglobin (MetHb), và lượng MetHb này tăng lên trong máu. Do MetHb không có khả năng vận chuyển oxy (một chức năng của hồng cầu), cho nên nếu MetHb tăng quá mức thì trên lâm sàng gây ra hiện tượng da xanh tím do tình trạng thiếu oxy mô, do chuyển hoá yếm khí ở các cơ phận.

Bình thường thì trong máu cũng có một lượng MetHb nhất định, gọi là ngưỡng sinh lý (chiếm khoảng 1% nồng độ Hb trong máu). Các chất có khả năng oxi hoá lưu hành trong máu thông thường bị các enzyme (có sử dụng Vitamin C, các chất chứa sulfhydryl như gluthatione) làm bất hoạt. MetHb sau đó được chuyển hoá nhờ một số men (như NADH-methemoglobin reductase, NADPH-methemoglobin reductase) và các hệ thống enzyme có chứa Vitamin C và sulfhydryl.

Trên lâm sàng xảy ra hiện tượng xanh tím này khi trong máu lượng MetHb đạt tỷ lệ từ 5% trở lên (có tài liệu cho là 15%), tức là MetHb đạt con số tuyệt đối ở mức 0,5-1,5g/100ml máu. Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân không hề bị xanh tím có nồng độ MetHb trong máu cao lên đến trên 20-30%. Ngưỡng này ngoài xanh tím ra còn có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, yếu cơ. Và khi nồng độ MetHb tăng lên trên 45% thì khó thở, nhịp tim chậm lại, thiếu oxy, toan chuyển hoá, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim. Nếu MetHb trên 70% thì tử vong rất nhanh chóng

Việc xác định lượng MetHb trong máu, người ta sử dụng Oxid carbon-oxi kế (CO-oximetry). Nếu không có máy này thì có thể đo lường gián tiếp bằng cách ước lượng từ độ bão hoà oxy trong máu động mạch. Nhìn bằng mắt thường thì máu có maù sô-cô-la.

Chữa trị chứng này là có chỉ định tiêm tĩnh mạch Methylene Blue nếu: có hiện tượng xanh tím trên lâm sàng hoặc nồng độ MetHb cao từ 30% trở lên. Các điều trị triệu chứng được áp dụng.

[3] Gangolli SD, van den Brandt PA, Feron VJ, Janzowsky C, Koeman JH, Speijers GJ, Spiegelhader B, Walker R, Wisnok JS. Nitrate Nitrite, and N-nitroso Compounds. Euro J Pharmacol 1994;292(1):1-38.

[4] 12. Corre WJ, Breimer T. Nitrate and nitrite in vegetables. PUDOC Literature Survey No. 39, 1979.

[5] Food and Nutrition Policy conference "Nitrite as a Food Additive: State of the Science" in Washington, D.C., Dec. 10-11, 1997.)

[6] http://www.dnr.state.wi.us

[7] 10. Stewart, C. P., and Stolman, A.: Toxicology; Mechanisms and Analytical Methods, Vol. 2. New York. Academic Press, p. 787, 1961.

[8] http://www.gem.msu.edu/pubs/msue/wq19p1.html

[9] Jaffe ER, Heler P, Methemoglobin in man, Progress in Hematology, edited by Moore CV, Brown EB, Vol 4 New York: 1964 Grune and Stratton, 48-71

Gibson QH, Reduction of methemoglobin in red blood cells and studies on the cause of idiopathic methemoglobinemia in ifants, Pediatrics, 1964: 34, 78.

[10] Comblath, M., and Hartmann A. F: Methemoglobinemia in young infants. J Pediat, 33: 42 1, 1948.

Hammond, D., and Murphy, A.: The influence of exogenous iron on formation of hemoglobin in the premature infant PEDIATRICS, 25:362, 1960

[11] Methemoglobinemaia in an Infant in Winconsin, 1992, MMWR 1993: 43(12) 217-219. hoặc www.cdc.gov

[12] Jaffe, E. R., and Heller, P.: Methemoglobinernia in man. In Moore, C. V., and Brown, E. B., ed.: Progress in Hematology, Vol. 4, New York.. Grune and Stratton, pp. 48-71, 1964.

Gibson, Q. H.: Reduction of methemoglobin in red blood cells and studies on the cause of idiopathic methemoglobinemia. Biochem. J, 42:13, 1948.

[13] Committee of Nutrition, American Academic of Pediatrics, Infant Methhemoglobinemia: The role of Dietary Nitrate, Pediatrics 1970; 46(53): 475-478.

[14] Phillips, W E. J: Changes in the nitrate and nitrite contents of fresh and processed spinach during storage. J. Agr. Food Chem., 16: 88, 1968.

[15] Miller, R. A.: Observations on gastric acidity during first month of life. Arch. Dis. Child, 16.22, 1941.

[16] Wilson, J. K: Nitrate in foods and its relation to health. Agronomy J, 4 1:20, 1949.

Kamm, L., MCK6own, G. G., and Smith, D. M.: Food additives; New colorimetric method for the determination of the nitrate and nitrite content of baby foods. J. Ass. Official Agri. Chem., 48:892, 1965.

Canada, J. C.: Baby foods as Contributing Factor to Methemoglobinemia. Gerber Products Company Research Report. Unpublished report.

[17] Phillips, W E. J: Lack of nitrate accumulation in partially consumedjars of baby food. Canad. Inst. Food Technology J, 2:160, 1969

[18] Brown, J. R., and Smith, G. E: Nitrate accumulation and vegetable crops as influenced by soil fertility practices. Univ. Missouri Agr. Exot. Station Res. Bull. 920, April, 1967

[19] Stewart, R. A.: Gerber Products Company. Private Communication to Lowe, C. U.: Twenty Year Total U. S. Industry Production Data for Strained Spinach and Strained Beets, 1968.

[20] Sanchez- Echaniz J., Benito-Fernander J., Mintegui-Raso S., Methemoglobin and xonsumption of Vegetables in Infants, Pediatrics 2001; 107(5):1024-1028.

[21] Keating JP, Lelle ME, Strauss AW, Zarkowsky H, Smith GE, Infantile methemoglobin caused by carrot juice N Engl J Med., 1973; 288:824-826.

[22] Khesorn Nathanchit , Duangporn Winijkul, The nitrate and nitrites contents of vegetables marketed in Chiang Mai province, report at the 20th Congress on Science and Technology of Thailand, 1994.

[23] WHO, Global strategy for infant and young child feeding. Report by the Secretariat for the 54th World Health Assembley, Provisional agenda item 13.1, A54/7 9 April 2001.

[24] Ashraf RN, Jalil F, Lindblad BS., 1993, Additional water is not needed for healthy breastfed babies in a hot climate, Acta Paediatrica: 82:1007-11.


"Ngộ độc " (nước) củ dền - nỗi oan Thị Kính - BS Nguyễn Đình Nguyên
5/6 mẫu thử nghiệm phân và thịt chó có nhiễm phẩy khuẩn Tả, rồi sao nữa?
Biểu tượng của ngành Y khoa -BS  Nguyễn Đình Nguyên
CHUỘT VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG NGHIÊN CỨU Y SINH HỌC
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Các biện pháp trước mắt để làm giảm nồng độ 3-MCPD trong sản phẩm nước tương chế biến bằng phương pháp thuỷ phân
Cúm lợn và những điều cần biết
Cúm lợn: Hướng dẫn thực hành và Tài nguyên thông tin dành cho bác sĩ lâm sàng
Cần phải tập trung vào việc khử trùng môi trường, nguồn nước uống và sinh hoạt
Di sản của chiến tranh: Thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa chất độc Da cam và dị tật bẩm sinh
Dinh dưỡng và tuổi Vị thành niên
Dịch cúm chim ở gia cầm - Vấn đề cần nhìn lại - Nguyễn Đình Nguyên
Dịch Tả có phải do ăn mắm tôm?
Giải pháp nào cho vấn đề "Tiền mất tật mang"?
Giải pháp nào cho vấn đề “Tiền mất tật mang”? - Nguyễn Đình Nguyên
HIỆN TƯỢNG “THỤT DẦU”
Hướng dẫn an toàn thực phẩm trong gia đình
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet)
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet) - BS Nguyễn Đình Nguyên (Úc)
Khiêu vũ và chóng mặt
Khoa học thiếu thông tin và thông tin thiếu khoa học
Lentine và sức khỏe con người
Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm - Nguyễn Đình Nguyên
Lợi ích của bũa ăn điểm tâm sáng - BS Nguyễn Đình Nguyên
Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm
Một số câu hỏi thông thường của bệnh tiêu chảy do Tả
NGUYEN DINH NGUYEN
Ngộ độc (nước) củ dền - nỗi oan thị kính
Nhân hai trường hợp tử vong do tiêm kháng sinh loại ceftriaxone tại BV Đa khoa Tây ninh
Phân tích cấu trúc di truyền DNA: ứng dụng trong Y pháp nhận dạng - BS NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN
Phương pháp chuẩn để kiểm định 3-MCPD trong nước tương và các sản phẩm nước tương có gia hương vị hoặc các nước chấm làm từ đậu nành ở New Zeland - Nguyễn Đình Nguyên
Phản hồi của Nguyễn Đình Nguyên về ý kiến của Phạm Văn Linh “Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học”
Sữa và Nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa
Tai biến hôn mê sau gây tê kết hợp tuỷ sống-ngoài màng cứng: Một báo cáo lâm sàng đầu tiên trên thế giới
Tai biến liệt mặt sau một phẫu thuật có gây mê
Thuốc rẻ cho người nghèo
Thông báo khẩn cấp của FDA đối với người tiêu dùng ở Mỹ về sản phẩm kem đánh răng nhập khẩu từ Trung quốc - Nguyễn Đình Nguyên
Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III
Tại sao bệnh Cúm không thanh toán được mà cũng không chữa được?
Tản mạn về về bài viết “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy” của tác giả Nguyễn Văn Dũng
Ung thư tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ gãy xương - BS Nguyễn Đình Nguyên
Vaccine phòng chống cúm gia cầm A(H5N1) ở người, hứa hẹn?
Vài nét về Vi rút Cúm lợn (heo) (Swine influenza virus)
Vàng nhân não: Biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, nhưng có thể phòng ngừa được
Vì  sức khỏe người dân hay vì  sợ dư luận?
Vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR-II: tiêm dưới da hay tiêm bắp
Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Về quyết định “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” của Bộ Y tế
Về đợt dịch Tả: “Quan cần nhưng dân chưa vội”, nhưng “xin đừng vội trách đa đa”
Đo thân nhiệt (nhiệt độ) cho trẻ- thiết bị hiện đại có phải lúc nào cũng hữu ích? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết?
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đánh giá nguy cơ tác hại của thành phần 3-MCPD trong thực phẩm lên sức khoẻ con người
Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?
Định mức 3-MCPD an toàn nào được đặt ra cho sản phẩm nước tương?
Đổi tên “Cúm Heo”, thương thay thân phận Con Gà!


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn