Cần phải tập trung vào việc khử trùng môi trường, nguồn nước uống và sinh hoạt
Nguyễn Đình Nguyên
Nguồn thức ăn nấu chín kỹ không bao giờ chứa mầm vi trùng gây bệnh, nói cụ thể là vi trùng Tả, không bao giờ. Vi trùng Tả chỉ lây lan nếu chúng ta không giữ vệ sinh tay chân sạch sẽ, không nấu chín thức ăn. Kể cả mắm tôm, nếu nấu chin kỹ vẫn sử dụng được. Tại thời điểm này, chương trình truyền thông công cộng về thực hành chế độ vệ sinh cá nhân, ăn chin uống sôi, không ăn đồ ăn tươi sống, không uống nước lã; chương trình hành động khẩn cấp phát hiện nhanh điểm phát dịch mới, khu trú người bệnh, khử trùng, làm sạch nguồn nước sinh hoạt là những chìa khoá hàng đầu ngăn chận đợt dịch Tả này. |
Chỉ trong vòng một tuần lễ, con số bệnh nhân mắc “tiêu chảy cấp tính nguy hiểm” đã lên đến con số 791 (thời điểm báo đưa tin 20h 5/11/07) và đã lan ra 11 tỉnh thành. Con số nhận định của Bộ Trưởng Y tế là có 15% bị nhiễm vi khuẩn Tả, phát hiện ở 8 tỉnh.
Như vậy, cần phải khẳng định đây là một vụ dịch Tả thực sự chứ không thể cho rằng chỉ có một số là bị “tiêu chảy cấp nguy hiểm” và số còn lại là tiêu chảy thông thường chứ không phải bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm (không có bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm!) như báo chí đưa tin. Vì nếu không định danh đúng, việc ngăn ngừa phát tán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn .
Đối với bệnh Tả, không phải tất cả những ai nhiễm vi trùng Tả đều mắc bệnh tả, cũng không phải ai mắc bệnh Tả đều là nặng. Nếu bù dịch ban đầu căn bản đầy đủ, chỉ có 20% biểu hiện thể nặng. Cũng như vậy, không phải tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấp tính do Tả khi xét nghiệm đều phải tìm thấy vi trùng Tả.
Vi trùng Tả được coi là tác nhân gây tiêu chảy cấp tính nguy hiểm nhất trong tất cả các tác nhân gây tiêu chảy ở người. Bệnh rất nguy hiểm đối với tính mạng nếu không được điều trị đúng. Bệnh lây lan rất nhanh theo nguồn chất thải của bệnh nhân bị bệnh và lan truyền theo nguồn nước. Chính vì vậy, trong một vụ dịch tiêu chảy cấp tính, chỉ cần có một bệnh nhân được xác định có vi trùng Tả thì vụ dịch đó cần phải được định danh là Dịch Tả. Một khi định danh rõ ràng như vậy, người dân mới ý thức được tầm quan trọng của bệnh, giới chuyên môn sẽ nắm rõ và hành động đúng theo phương thức chống bệnh dịch cụ thể.
Tại thời điểm này, bệnh dịch đã lây lan nhanh, việc thanh tra các cơ sở sản xuất mắm tôm xem có nguồn gốc xuất xứ hay không, thu giữ hàng trăm ký mắm tôm là điều không cần thiết. Dù rằng có rất nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy do Tả có ăn mắm tôm, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mắm tôm của chúng ta đang chứa mầm Tả! Vấn đề tìm hiểu nguồn gốc chính của dịch phát ra từ đâu là quan trọng, nhưng chỉ ở đầu vụ dịch khi các ca bệnh đầu tiên, đó mới là xuất phát điểm. Và cũng chưa có một báo cáo từ giới chức y tế nào cho thấy nguồn mắm tôm nào bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Một khi bệnh dịch đã lây lan như hiện nay, nguồn xuất xứ của mầm bệnh không còn là vấn đề cấp thiết nữa, vì mầm bệnh đã phát tán, mà vi trùng Tả phát tán theo nguồn nước thông qua chất thải của bệnh nhân. Cũng cần nhớ rằng có rất nhiều người bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (cao đến 75%), và đó mới là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm nhất. Chúng ta không biêt và không thể quản lý được nguồn phát tán này.
Một nhận định khác của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm “đến hôm nay nguyên nhân gây bệnh dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ dừng ở mắm tôm, thịt hải sản sống, gỏi, nem chua nữa mà nhiều nguồn thức ăn khá an toàn như các bữa cơm gia đình, thực phẩm nấu chin (giò chả, thịt lợn),... đã bị nhiễm vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm”. Đây là một nhận định hết sức cảm tính và thiếu khoa học gây một dư luận hoang mang trong quần chúng.
Nguồn thức ăn nấu chin kỹ không bao giờ chứa mầm vi trùng gây bệnh, nói cụ thể là vi trùng Tả. Không bao giờ. Vi trùng Tả chỉ lây lan nếu chúng ta không giữ vệ sinh tay chân sạch sẽ, không nấu chín thức ăn. Kể cả mắm tôm, nếu nấu chin kỹ vẫn sử dụng được. Vi trùng Tả bị tiêu diệt ở nhiệt độ nước sôi, 100 độ.
Trong khi đợt lũ lụt trước chưa rút lui, cơn bão mới lại đổ bộ, đây mới là mối nguy cơ phát tán bệnh cao nhất do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Tại thời điểm này, chương trình truyền thông công cộng về thực hành chế độ vệ sinh cá nhân, ăn chin uống sôi, không ăn đồ ăn tươi sống, không uống nước lã; chương trình hành động khẩn cấp phát hiện nhanh điểm phát dịch mới, khu trú người bệnh, khử trùng, làm sạch nguồn nước sinh hoạt là những chìa khoá hàng đầu ngăn chận đợt dịch Tả này.
Nguyễn Đình Nguyên