Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet)
Nguyễn Đình Nguyên
Trong những năm gần đây nhờ tiến bộ về kỹ thuật tin học mà việc tiếp cận và trao đổi thông tin trở thành một chuyện không còn mấy khó khăn nữa. Mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm một thông tin liên quan đến mình cần tham khảo, hoặc trực tiếp trao đổi với nhau qua phòng bút đàm (chat room) thậm chí thoại đàm (voice chat), có cả hình ảnh trực tiếp. Theo đà đó mà kỹ thuật thông tin này đã đến từng ngõ ngách các lĩnh vực khoa học, Y học không là ngoại lệ. Cũng phải nhìn nhận ngay rằng nhờ kỹ thuật này mà Y học theo chiều hướng phục vụ cộng đồng, toàn dân, phổ cập thường thức Y học đã bước một bước tiến dài. Mọi người đều qua đó mà có thể tìm kiếm thông tin về sức khoẻ bệnh tật, lời hướng dẫn qua mạng hay qua trao đổi với các nhà chuyên môn thật chóng vánh. Có nhiều trang thông tin Y học cung cấp những thông tin rất hữu ích, thế nhưng không phải tất cả. Ngay cả trên một trang thông tin Y học tốt cũng có thể cung cấp một thông tin hay một lời hướng dẫn lại không dựa trên khoa học Y học chút nào. Các thông tin đó có thể là lạc hậu, có thể là không chính xác, hoặc có thể do cả những người không có chuyên môn sưu tầm và cung cấp.
Trên tinh thần đó lời khuyên ngắn này nhắn nhủ quý vị khi đi tìm kiếm thông tin “tư vấn” trên hệ liên mạng hết sức cẩn trọng, và nên lưu ý các điểm sau đây:
1. Nơi tốt nhất để bạn có thông tin về các vấn đề sức khoẻ bạn cần tìm chính là các bác sĩ, ít nhất là bác sĩ gia đình của bạn. Nên nhớ rằng mỗi cơ thể có biểu hiện một bệnh lý bằng nhiều hình thức, chứng trạng khác nhau, không có một trang Web nào làm được việc cung cấp thông tin cụ thể cho một nhu cầu cụ thể đó. Thiết tưởng “chỉ có người bệnh chứ không có bệnh” là rất đúng.
2. Không nên cung cấp các thông tin sức khoẻ cá nhân của mình qua hệ liên mạng.
3. Tránh sử dụng “phòng bút đàm” hay “thoại đàm” để tìm kiếm lời khuyên về sức khoẻ, vì nơi đó các thông tin thường không chuyên môn và bị làm sai lạc. Không nên liên hệ hai bệnh cảnh giống nhau đó để thử áp dụng trị liệu cho mình. Cùng lắm qua đó chỉ để tìm kiếm sự cảm thông chia sẻ- “đồng bệnh tương lân” mà thôi.
4. Phải điều nghiên một trang Web cẩn thận trước khi lấy thông tin xuống, bằng cách thức đặt ra các nghi vấn:
4.1 Nguồn gốc: Ai là chủ hoặc tạo lập nên “trang nhà” này? Chuyên môn cơ bản của họ là gì? Có phải trang nhà này được điều hành bởi các tổ chức Y khoa chuyên ngành nổi tiếng hay không?
4.2 Mục đích: Mục đích hay tiêu chí hoạt động của trang nhà đó là gì? Liệu trang nhà lập ra có nhằm mục đích quảng bá hay cổ xuý một quan điểm nhất định nào đó, hay rao bán một sản phẩm nào không? Trong trang nhà đó có chứa thông tin quảng cáo hay không?
4.3 Cấu trúc: Trang nhà có được tổ chức dưới hình thức dễ hiểu hay không? Các tranh ảnh, đồ thị hình hoạ có gợi ý giúp mình sáng tỏ vấn đề hơn không? Thông tin tìm kiếm có dễ dàng không? Các thông tin có kết nối với các trang thông tin khác có nội dung liên quan hay không? Thử kích hoạt các liên kết đó, nó có hoạt động hay không?
4.4 Ngày cập nhật: Kiểm tra ngày thông tin được đăng tải lên, ngày cập nhật, và xem chúng có phải là thông tin hiện hành không?
4.5 Mức độ hữu dụng: Đối tượng phục vụ của trang nhà là ai? Người bình thường hay các nhà chuyên môn? Thông tin có dễ hiểu hay không? Nó có áp dụng được với nhóm tuổi và nhu cầu của mình đang tìm kiếm hay không?
5. Điều cuối cùng nên nhớ là bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về những thông tin bạn tìm kiếm được này để kiểm chứng độ chính xác và tin cậy của thông tin. Và cũng chỉ có trao đổi trực tiếp với bác sĩ bạn mới có thể có được đáp ứng cụ thể cho nhu cầu cụ thể của bạn mà thôi.
N.Đ.N.
05/2002