CHỮA ĐAU NỬA ĐẦU BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Lương y Võ Hà
Đau nữa đầu còn gọi là migraine bao gồm những cơn đau kịch phát, tái diễn không theo chu kỳ nhất định, thường kèm theo những rối loạn về thị giác và rối loạn tiêu hóa. Đau nữa đầu là một cơn bệnh khó chịu đang hành hạ khoảng 20% dân số nhân loại, không phân biệt giới tính, nguồn gốc, tuổi tác. Bệnh đặc biệt trầm trọng đối với những phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 40.
Triệu chứng:
Bệnh nhân thường trải qua một giai đoạn suy sụp về tinh thần, buồn phiền, bứt rứt, biếng ăn, hoa mắt, buồn nôn. Những triệu chứng này có thể xảy ra liền trước cơn nhức đầu hoặc đồng thời với những cơn nhức đầu. Trong khi nhức đầu, bệnh nhân thường thấy buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, sợ những kích thích và muốn được yên tĩnh. Cơn nhức đầu xảy ra ở một bên đầu, bên phải hoặc bên trái và thường chỉ xảy ra ở một bên đó đối với mỗi bệnh nhân. Hãn hữu ở một số rất ít bệnh nhân cơn nhức đầu có thể xảy ra ở bên đối diện hoặc nhức cả hai bên.
Khi cơn nhức đầu xảy ra, các mạch máu ngoại biên ở vùng đầu có liên quan thường nổi rõ lên. Những khảo cứu của y học hiện đại cho thấy biên độ của sóng mạch gia tăng . Điều này phù hợp với hiện tượng mạch của bệnh nhân chuyển từ trầm huyền hoặc trầm tế sang thành huyền khẩn hoặc phù huyền sác lúc cơn đau dữ dội nổi lên. Một số nhà khoa học cho rằng những bệnh nhân đã bị đau nữa đầu nhiều năm thường dẫn đến áp huyết cao và tổn thương thận . Kết quả này cũng phù hợp với những lý luận về hư hỏa và âm hư của y học cổ truyền.
Thông thường ở bệnh đau nữa đầu, dù trong cơn đau hay sau cơn đau người bệnh đều cảm thấy đau nhói nếu bị ấn nhẹ vào hai huyệt phong trì và đồng tử liêu. Phong trì ở phía sau tai, chỗ lõm ở ngang chân tóc. Đồng tử liêu nằm ở chỗ hõm ở bờ ngoài đuôi mắt. Cả hai huyệt vị này đều nằm trên kinh Túc Thiếu Dương Đởm.
Biện chứng:
Theo nội kinh "Can khai khiếu ở mắt", huyền là mạch của Can Đởm. Vùng và huyệt vị bị tổn thương do kinh Túc Thiếu Dương Đởm chi phối. Do đó, ở bệnh nhân đau nữa đầu, triệu chứng quá vượng của Can Đởm rất rõ nét. Can âm hư, Can dương xung gây ra một số triệu chứng Can Đởm hỏa thịnh thuộc dương chứng. Biếng ăn, buồn nôn là do Can Đởm ( thuộc mộc) khắc Tỳ Vị (thuộc thổ) dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Đây là một biểu hiện mà y học cổ truyền gọi là Can phạm Vị. Theo học thuyết kinh lạc, Dương phải thường giáng và Âm phải thường thăng. Trường hợp này, kinh khí ở kinh Túc Thiếu Dương Đởm đã nghịch chuyển gây ra những dấu hiệu đặc trưng của thiếu dương chứng. Đó là đau đầu, hoa mắt, buồn nôn. Thiếu dương chứng thường được xem là những chứng bán biểu bán lý. Tuy nhiên, bệnh đã lâu, can huyết bị tổn thương nên thiên về lý. Hỏa đây là hư hỏa do âm hư mà ra.
Điều trị:
Trong bát pháp của y học cổ truyền thì phép hòa giải là phương pháp đối trị với những bệnh ở kinh thiếu dương nhằm sơ tiết can khí, giải biểu và điều hoà Can Tỳ. Đây là một bệnh mãn tính nên một điều quan trọng khác là phải bổ âm để tàng dương. Tuy nhiên trong bổ âm phải lưu ý đến kiện Tỳ vì những thuốc bổ âm tính mát có thể làm trệ Tỳ trong khi ở đây Tỳ Vị vốn đã suy yếu.
Bài thuốc:
Tiêu dao thang là một cổ phương có tác dụng hòa giải thường được dùng để chữa nhức đầu ở kinh Thiếu Dương. Thang dược này cũng thường được dùng để chữa những chứng bệnh suy nhược thần kinh, kinh nguyệt không đều, biếng ăn, khó ngủ, hay căng thẳng cáu gắt, đau tức hai hông sườn. Bài thuốc gồm: Sài hồ, Bạc hà, Sinh khương để sơ tiết Can khí, thư giải tà khí ở kinh lạc; Đương qui, Bạch thược để dưỡng huyết; Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo để kiện Tỳ hòa Vị.
Sài hồ 12 gr Bạch thược 12 gr
Đương quy 12 gr Bạch truật 12 gr
Phục linh 12 gr Bạc hà 4 gr
Cam thảo 4 gr Sinh khương 4 gr
(nướng qua)
Riêng vị Bạc hà phải bỏ vào sau cùng khi sắp lấy thuốc ra khỏi bếp. Sắc ba chén còn lại hơn nữa chén, uống thuốc lúc còn nóng. Chỉ cần uống một hoặc vài thang trước khi dùng những thang bổ âm ở phần sau.
Lý Âm Tiễn là một cổ phương có tác dụng bổ âm dưỡng huyết. Thục địa để bổ âm, Đương quy dưỡng huyết, Cam thảo hòa trung, Can khương sao đen, tẩm đồng tiện để liễm nạp dương khí ở trung và hạ tiêu, trừ hư hỏa.
Thục địa 16 gr
Đương quy 12 gr
Can khương 8 gr (sao ngoài đen, ruột ở giữa còn vàng, sao xong tẩm đồng tiện)
Cam thảo 4 gr (nướng)
Sắc ba chén còn lại gần một chén, chia làm hai lần uống trong một ngày, uống lúc thuốc còn nóng.
Tập Dương án của Hải Thượng Lãn Ông có ghi lại một phương thuốc đã chữa thành công cho một bệnh nhân nữ 34 tuổi bị nhức đầu trên 8 năm mà ông đã chẩn đoán là nhức đầu do âm hư khí uất.
Thục địa 320 gr Ngưu tất 80 gr
Đương quy 240 gr Ngủ vị 40 gr
Xuyên khung 120 gr (sao, tẩm đồng tiện)
Đây là một thang đại dược có phân lượng lớn, sắc đặc, chia ra uống làm vài lần trong một ngày. Y án có ghi rõ cách uống cho bệnh nhân nói trên. Uống sau khi đã làm việc được một lúc cho người nóng lên. Đối với người bệnh còn tương đối khỏe mạnh, cách uống này nhằm lợi dụng dương khí của người bệnh đang được phát động khi đang làm việc phối hợp với sức thuốc còn nóng để phát tán tà khí ở kinh lạc mà không cần những vị thuốc để giải biểu. Trong bài thuốc này Thục địa để bổ âm, Đương quy để dưỡng huyết, Xuyên khung để khai uất, sơ tiết Can khí, tẩm đồng tiện để giáng hư hỏa, Ngưu tất dẫn thuốc trở xuống, Ngủ vị để liễm nạp dương khí.
Thuốc Nam:
Rau má 12 gr Hương phụ 8 gr (sao, tẩm đồng tiện)
Thảo quyết minh 12 gr (sao thơm) Vỏ bưởI 8 gr (phơi khô, sao)
Rễ nhàu 12 gr
Sắc ba chén còn lại gần một chén chia làm hai lần uống trong một ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
Trong bài này, Rau má, Thảo quyết minh để bổ âm dưỡng huyết. Vỏ bưởi, Hương phụ để sơ Can, khai uất, kiện Tỳ. Rễ nhàu có thể thông kinh hoạt lạc và điều hòa thần kinh giao cảm nên rất hiệu quả trong những chứng nhức đầu.
Điều trị không dùng thuốc:
Theo y học cổ truyền, mỗi loại cảm xúc âm tính dẫn đến tổn thương một loại khí nhất định trong cơ thể con người, chẳng hạn "Tư thương Tỳ", "Khủng thương Thận", "Nộ thương Can". Tuy nhiên bất cứ một cảm xúc âm tính nào tác động lâu ngày đều ảnh hưởng đến Can khí, dẫn đến Can khí uất. Can khí uất là một đặc trưng của bệnh đau nữa đầu. Do đó những cảm xúc âm tính nói chung – còn gọi là "stress" - có liên quan chặt chẽ đến cơn đau nữa đầu. “Stress” có thể là yếu tố kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm những cơn đau. Ngược lại, những biện pháp làm thư giãn thần kinh & cơ như tập dưỡng sinh, luyện thở, ngồi thiền… sẽ trực tiếp hóa giải "stress" và làm sơ tiết Can khí nên có thể làm thưa dần, làm nhẹ đi, và cuối cùng làm chấm dứt hẳn những cơn đau nữa đầu. Ngoài ra, theo quy luật "thần tĩnh tất âm sinh", việc thư giãn, nhập tĩnh không những làm thư giãn khí uất mà còn có tác dụng sinh âm, bổ âm, nên đáp ứng được yêu cầu thứ hai của việc điều trị bệnh đau nữa đầu.