Chữa tiểu không tự chủ ở phụ nữ bằng liệu pháp tự nhiên
Lương y VÕ HÀ
Tiểu không tự chủ (TKTC) dễ xảy ra ở nhiều phụ nữ lớn tuổi. Căn bệnh không nguy hiểm nhưng gây trở ngại trong sinh hoạt và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Liệu pháp tự nhiên có thể đáp ứng tốt với nhiều trường hợp TKTC do tuổi tác hoặc do sinh đẻ gây yếu nhược cơ hoặc rối loạn hoạt động vùng sàn chậu.
Tiểu không tự chủ ở phái nữ.
Có không ít phụ nữ phải trải qua tình trạng són tiểu, TKTC, nhất là phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ sau khi sinh con. Căn bệnh không nguy hiểm nhưng gây trở ngại trong sinh hoạt và ức chế về mặt tâm lý ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.
Theo ông Mary Pat FitzGerald, MD., nhà niệu tiết học ở trường Đại học Loyola, Chicago, cứ mỗi 4 người phụ nữ lớn tuổi có 1 người bị các chứng rối loạn hoạt động vùng sàn chậu, bao gồm TKTC. TKTC là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài theo đường tiểu tự nhiên ngoài ý muốn của đương sự. TKTC có thể chỉ là một vài giọt nước tiểu thoát ra khi ho, hắt hơi, khi cố sức, cũng có thể là tính trạng dễ mót tiểu, không nhịn được đi tiểu, tiểu trong lúc ngủ hoặc bao gồm cả những trường hợp trên. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, do đặc điểm cấu trúc của cơ thể, việc thai sản và rối loạn nội tiết ở thời kỳ mãn kinh, bệnh xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn và nghiêm trọng hơn ở nam giới. TKTC có liên quan đến hoạt động của các cơ và thần kinh kiểm soát việc đi tiểu. Khi mót tiểu, lớp cơ ở thành bàng quang co thắt đẩy nước tiểu vào đường tiểu. Đồng thời, cơ vòng quanh niệu đạo giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài. TKTC xảy ra khi cơ bàng quang co thắt thình lình và cơ vòng không mạnh đủ để bóp chặt đường tiểu theo ý muốn khiến nước tiểu thoát ra ngoài. Ở những người béo phì, áp lực ổ bụng gia tăng sẽ làm xấu thêm tình trạng TKTC. Ngược lại, sự giảm cân sẽ làm căn bệnh nhẹ đi. Những hoạt động không kiểm soát của lớp cơ bàng quang cũng xảy ra khi có sự thương tổn thần kinh ở tuỷ sống hoặc ở não ở một số bệnh tật như Parkinson’s, Alzheimer’s, đột quỵ. Người già không nhất thiết xảy ra TKTC. Tuy nhiên, quá trình lão hoá hoặc ít vận động khiến các cơ yếu, nhão sẽ làm nặng thêm TKTC. Đặc biệt, sự căng thẳng tâm lý, kể cả những ức chế, khó chịu do TKTC gây ra thường làm xấu thêm tình hình.
Bổ trung ích khí thăng dương, gia tăng trương lực cơ bắp.
Theo Đông y, Tỳ chủ về cơ nhục, Tỳ chủ thăng khí. Do đó, các chứng són tiểu, TKTC ở phụ nữ thường do Tỳ hư, khí hư hạ hãm, trương lực co thắt các cơ vùng bàng quang suy yếu. Phép chữa chủ yếu bao gồm Kiện tỳ bổ khí, thăng dương, sáp niệu.
Bài thuốc: Bổ trung ích khí gia giảm. Bài thuốc gồm Hoàng kỳ 24g, Đảng sâm 16g, Bạch truật 12g, Đương quy 24g, Cam thảo 4g, Trần bì 4g, Sài hồ 8g, Thăng ma 12g, Tang phiêu tiêu 8g, Sơn thù du 12g Kỷ tử 12g, Khiếm thực 12g, Hoài sơn 12g. Sắc uống. Mỗi ngày 1 thang, mỗi đợt từ 10 đến 15 thang.
Nếu hay đau lưng gia thêm Thục địa 12g, Đổ trọng 8g, Tục đoạn 8g; Khó ngủ gia Táo nhơn (sao đen) 8g; Nhức mỏi tay chân gia Phòng phong 8g, Tần giao 8g.
Lưu ý: Không dùng bài thuốc nầy trong các trường hợp thấp nhiệt tích trệ gây viêm nhiễm bàng quang, niệu đạo thường biểu hiện qua các hình thức nước tiểu vàng, tiểu gắt, tiểu rát.
Liệu pháp thư giãn & quán tưởng chữa TKTC.
Một nghiên cứu[i] vừa được công bố tại cuộc hội thảo thường niên của Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ vào cuối tháng 4/2009 vừa qua đã cho biết liệu pháp thư giãn, quán tưởng phối hợp với bài tập co thắt các cơ vùng sàn chậu có hiệu quả tốt trong các chứng són tiểu, tiểu không tự chủ ở nữ giới.
Bác sĩ Aaron Michelfelder, Giáo sư bộ môn y học gia đình trường Đại học Loyola là người chủ trì cuộc nghiên cứu về tác động của liệu pháp thiền đối với TKTC. Ông cho rằng yếu tố tâm lý có vai trò rất quan trọng trong TKTC ở phái nữ. Tư tưởng và tâm lý sẽ tác động đến phần thể xác. Nếu kiểm soát được tư tưởng sẽ dẫn đến kiểm soát được phần vật chất và cải thiện được tình trạng bệnh lý. Sau khi được giải thích về cơ chế của căn bệnh, những bệnh nhân của ông được cung cấp 1 băng casstte hướng dẫn bài tập thở sâu, thư giãn và quán tưởng. Đây là 1 chương trình tự chữa trị tại nhà. Người bệnh thực hành 2 lần mỗi ngày. Liệu trình thường là 2 tuần. Bà Anna Raisor, một bệnh nhân 53 tuổi của ông cho biết “Trước khi đến với cuộc thử nghiệm, tôi phải thay miếng thấm (saturtared pads) từ 7 đến 8 lần mỗi ngày. Tôi đã rất sợ mỗi lần có việc phải đi ra ngoài. Hiện nay, tôi đã khỏi đến 98% tình trạng són tiểu. Liệu pháp đã giúp tôi nhận ra sự liên kết giữa não và bàng quang và giúp tôi kiểm soát được căn bệnh khó chịu nầy.”
Năm ngoái, một nghiên cứu[ii] của bác sĩ Jean Hay Smith, thuộc trường Đại học Y Otago ở Wellington, New Zealand, qua khảo sát 6.181 phụ nữ cũng cho biết những bài tập co thắt cơ vùng sàn chậu có tác dụng ngăn chận và cải thiện những triệu chứng són tiểu hoặc TKTC ở những phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh.
Trên thực tế, những người TKTC có thể tuần tự thực hành 2 bước đơn giản sau:
- Thư giãn. Ngồi kiết già, bán già, xếp bằng trên phản hoặc ngồi trên ghế chân chạm đất. Tập trung tư tưởng vào hơi thở. Hít thở bằng mũi. Hít vào sâu đến bụng dưới, thở ra từ từ cho đến cuối hơi trong khi buông lỏng toàn thân. Thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào. Tuần tự từ hơi thở nầy đến hơi thở khác. Cách thở nầy sẽ giúp người bệnh thư giãn vừa thần kinh và cơ bắp, tiến đến sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động của bàng quang, cũng là yếu tố giúp việc quán tưởng được thuận lợi. Thực hành từ 5 đến 10 phút mỗi lần. Mỗi ngày 2 lần lúc bụng trống.
- Co thắt và quán tưởng. Sau mỗi lần tập thư giãn có thể tập tiếp bài tập co thắt và quán tưởng. Ngồi trên phản, thẳng lưng, có thể hơi ngả ngưòi về phía sau, 2 bàn tay tựa trên 2 đầu gối. Hít vào sâu, nín hơi và co thắt mạnh từ 3 đến 5 lần các cơ vùng sàn chậu, nhất là cơ vùng sinh dục trước khi thở ra và buông lỏng toàn thân (co thắt giống như nín nhịn khi đang đi tiểu). Thở điều hoà vài phút trước khi làm lại lần thứ hai hoặc thứ ba. Khi co thắt, chú ý chuyển động thu vào trong, hướng lên trên và nén chặt. Có thể quán tưởng đang ngồi truớc một đống sỏi, hút vào và nén chặt một viên sỏi nhỏ vào âm hộ mỗi lần co thắt. Tập trung sự chú ý vào lớp cơ bao quanh niệu đạo, không quan tâm đến các cơ khác. Không tập trong khi đi tiểu. Khi đã tập quen, người bệnh có thể gia tăng số lần co thắt và cường độ co cơ qua thời gian. Nghiên cứu ở Mỹ cho biết, tuỳ theo người, kết quả luỵện tập thường đến sau từ 2 đến 8 tuần.