TƯ DUY TÍCH CỰC CHO SỨC KHOẺ, HẠNH PHÚC VÀ SỰ HOÀ HỢP
Lương Y VÕ HÀ
Mỗi lời nói hoặc ý nghỉ đều tạo ra những xung lực có thể gây ra những tác động vật lý trực tiếp trên những cấu trúc vật chất của bản thân và môi trường chung quanh. Do đó, việc xây dựng nên những tư duy tích cực hướng đến tình thương và sự hoà hợp có ý nghĩa rất lớn đối với sức khoẻ và cuộc sống.
Thông điệp từ những tinh thể nước.
Nước là một loại vật chất đặc biệt cho sự sống của con người. Nước cấu tạo hơn 70% thành phần của cơ thể. Do đó, nghiên cứu sự biến đổi của nước trong những điều kiện nhất định có thể khám phá một số quy luật hữu ích cho sức khoẻ và đời sống con người. Kể từ năm 1994 ở Nhật Bản, Tiến sĩ Masaru Emoto và những cộng sự của ông đã ứng dụng kỹ thuật nhiếp ảnh cao cấp để quan sát sự biến đổi của nước dưới tác động của trường năng lượng con người, của từ ngữ, âm thanh hoặc ý niệm. Những kết quả nghiên cứu nầy đã được tổng kết và in thành sách, được xuất bản dưới nhan đề "Những thông điệp từ nước” (Messages from water). Đối với từ ngữ, một hàng chữ hoặc một cụm từ với ý nghĩa cụ thể được in ra qua xử lý vi tính, dán vào thành lọ thuỷ tinh chứa nước và để qua đêm. Đối với âm nhạc, ông đặt những lọ nước cần thí nghiệm vào giữa hai chiếc loa phát một loại nhạc trong vài giờ. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã nhỏ những giọt nước cần thí nghiệm trên hàng trăm vật chứa khác nhau và mang đặt vào phòng lạnh 2 giờ đồng hồ. Sau khi nước đã kết tinh, những giọt nước nầy đã được phóng đại lên từ 200 đến 500 lần để được chụp ảnh. Qua quan sát những hình ảnh người ta nhận thấy:
Những tinh thể nước trông xấu xí, méo mó, tán loạn được chụp thấy sau khi cho nước tiếp xúc qua đêm với thông tin"thật đáng ghét, muốn giết cho mày chết"(you make me sick, I will kill you) (H.1)
Những tinh thể nước có hình lục giác và màu sắc tươi sáng sau khi cho nước "đọc” thông tin "yêu thương và cảm tạ" (love, appreciation) (H.2)
Sau khi "nghe" "biệt ly khúc" của Chopin tinh thể nước như bị phân tán, tách rời (H.3)
Những tinh thể nước như bị giải thể khi "nghe" nhac rock and roll (H.4)
Những hình ảnh kết tinh gần giống nhau và giống như H.2 khi cho nước "nghe" những từ có ý nghĩa yêu thương và cảm tạ nhưng bằng những ngôn ngữ khác nhau Nhựt, Anh, Đức (H.5) (H.6) (H.7)
Hình 8 và Hình 9 là những hình chụp cho thấy sự tương phản giữa nước bình thường lấy từ hệ thống cấp nước của Thành phố Tokyo (H.8) và cũng nước ấy nhưng sau khi đã được 500 sinh viên truyền cho ý niệm tinh khiết và cảm tạ (H.9) Cuộc thí nghiệm diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày 02 tháng 02 năm 1997 với 500 sinh viên chuyên ngành vật lý ba động của GS Masaru Emoto. Các sinh viên từ những địa điểm khác nhau trên khắp nước Nhật nhưng cùng một lúc nghỉ đến ly nước đặt trên bàn làm việc của GS Emoto và truyền cho nước ý niệm "nước đã trở nên tinh khiết rồi, xin cảm ơn.".
Nước bình thường được lấy ở đập Fujiwara Dam (H.10) cũng loại nước nầy nhưng sau khi được tham dự một buổi lễ cầu nguyện (H.11).
Qua đối chiếu, chúng ta thấy nước ở trạng thái tự nhiên khi được đông đặc không có hình thù gì rõ rệt. Tuy nhiên sau khi đón nhận những thông tin tốt đẹp, yêu thương với cường độ và thời gian thích hợp nó lại hiện ra những nét kết tinh đẹp đẻ. Ngược lai, những thông tin tiêu cực như oán hận, sầu khổ sẽ dẫn đến những hình ảnh thô kệch, xấu xí. Đặc biệt những thí nghiệm được thể hiện qua hình 8 và 9 đã cho thấy những ý tưởng hoặc lời nói của cá nhân có ảnh hưởng đến thế giới giới bên ngoài và không bị ngăn cách bởi giới hạn về không gian và thời gian. Nếu hiểu được điều nầy chúng ta thấy rằng mỗi người sinh ra đều đã có sẳn trong tay một chìa khoá quý giá. Đó là ý thức, là sức mạnh của tư tưởng có thể được sử dụng để cải thiện cuộc sống chung quanh mình.
Ảnh hưởng của tư duy đối với sức khoẻ của con người
Bên cạnh việc quan sát những tinh thể nước, GS Emoto cũng nghiên cứu những biến đổi của những vật chất khác dưới tác động của tư duy hoặc lời nói. Trước nhất là sự thay đổi của cây trồng. Trong một thí nghiệm về trồng hoa hướng dương, từ túi đựng hạt lúc chưa gieo đến chậu đựng cây hoa và trong xô nước tưới hoa, ông đều phân ra làm hai loại, một loại được viết lên từ "cám ơn" và loại kia là từ "đồ ngu". Đồng thời ông cũng nói lên những lời tương ứng với mỗi chậu hoa trong khi chăm sóc hoa mỗi ngày. Kết quả cho thấy những cây hoa được tác động bởi tư tưởng “cám ơn" phát triễn tốt hơn, cành lá sum suê hơn. Trái lại, những cây hoa được tác động bởi ý nghỉ “đồ ngu" có thân và cành mãnh mai, lá thưa và quăn queo. Trong một thí nghiệm khác đối với hạt cơm, ông đã chứa cơm trong ba chiếc thố bằng sành như nhau. Ông tập trung sức chú ý của mình và nói với cái thố thứ nhất "cám ơn bạn", nói với thố thứ 2 "đồ ngu”, và để yên không nói gì cả đối với thố còn lại. Đến ngày thứ ba, ông nhận thấy thố thứ nhất lên men nhưng có mùi thơm dễ chịu. Đối với thố thứ hai cơm chuyển sang màu đen và bốc mùi ôi khó ngửi. Trong thố thứ ba cơm chuyển sang màu xám và bốc mùi chua. Chưa hết, ông mang cả ba chiếc thố đến một lớp học sơ cấp và nhờ các em học sinh trong lớp lần lượt nhìn vào mỗi thố và nói lời "cảm ơn". Không lâu sau đó cả 3 thố cơm đều bốc mùi thơm dễ chịu, kể cả thố cơm đã bị ôi. Từ kết quả nầy ông cho rằng ngay cả đến những tế bào đã bị hư hoại cũng có thể được hồi sinh nếu được quan tâm chăm sóc với những lời lẽ ân cần, với những tư duy tích cực. GS Emoto cũng kể lại một minh chứng khác qua câu chuyện của ông Shinichiro Terayama. Shinichiro Terayama nguyên là Giám Đốc Hiệp Hội Y Học Nhất Thể Nhật Bản (Japan Holistic Medical Society). Ông đã từng bị ung thư thận. Sau đó, ông đã tập thói quen thức dậy sớm, lên sân thượng của toà nhà chung cư nơi ông ở và thực hành nghi thức chào mặt trời. Trong khi chiêm ngưỡng vầng thái dương từ từ ló dạng vào lúc bình minh mỗi buổi sáng, ông ý thức rõ cuộc sống là quà tặng của thiên nhiên và nói lời "cám ơn" đối với cuộc sống. Đặc biệt, ông hướng sự chú ý của mình vào tổ chức bị ung thư và nói lời "tri ân" với những tế bào ở đó. Ông dần dần bình phục. Cuối cùng ông đã được xác nhận đã khỏi bịnh ung thư. Thực ra nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới cũng đã từng ứng dụng những âm, những từ đặc thù cho mục đích chữa bệnh, thanh tẩy thân tâm hoặc tiến hoá về tâm linh. Âm Ohm trong Yoga. Những Mantras được kết hợp bằng những chữ Phạn trong Phật giáo Tây tạng. Những âm Hư, Ha, Hô, Hi, Suy,Hu trong Lục tự khí công hoặc những tượng số từ một đến tám trong liệu pháp tượng số bát quái của Y Dịch học Trung Quốc. Ở đây những nghiên cứu của GS Emoto lại hướng đến những từ hoặc những suy nghỉ biểu lộ tình thương và sự tri ân, hai tiêu chí quan trọng cần được thể hiện, không chỉ vì sức khoẻ và hạnh phúc cá nhân mà còn nhằm kiến tạo một thế giới hoà bình và hoà hợp.
Từ xa xưa ông bà chúng ta đã biết được giá trị quan trọng của lời nói trong đời sống hàng ngày. Lời nói có thể làm cho hoà hợp thì cũng có thể gây ra tai hoạ. "Hoạ tòng khẩu mà xuất". Do đó," trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần". Lời nói có thể làm cho "hưng bang" cũng có thể làm cho "tán bang". Tuy nhiên theo những ý nghĩa nầy lời nói cũng chỉ là phương tiện để diễn đạt tư tưởng. Ngày nay, những nghiên cứu của khoa học lại cho thấy bên cạnh sự chuyển tải tư tưởng, lời nói và ngay cả những suy nghỉ không phát ra thành lời tự bản chất đã là những "rung động”, những "trường" nên có khả năng tạo ra một " lực". Những suy nghỉ cũng giống như những âm thanh hoặc những loại ánh sáng đều liên quan đến những sóng điện từ với những tần số hoặc bước sóng khác nhau mà khoa học ngày nay đã đo đạc hoặc ghi nhận được trên những biểu đồ. Máy đo điện tim, máy đo điện não, máy phát hiện nói dối … là những ví dụ. Nói chung trong cuộc sống hàng ngày những lời động viên chia sẽ, những thái độ tri ân, những lời cảm tạ, hoặc ngược lại, những thái độ hằn học, những lời nguyền rũa không phải chỉ có hiệu ứng tâm lý đơn thuần mà còn tạo ra những xung lực khác nhau có thể gây ra những tác động vật lý trực tiếp trên những tổ chức, những tế bào nhất định của bản thân và của đối phương, dù ở gần hay ở xa. Đối với những người có ý chí mạnh hoặc đối những ý tưởng có được sự cộng hưởng ý chí của nhiều người hoặc được lập đi lập lại nhiều lần thì tác động lại càng lớn. Những điều nầy trùng hợp với những lý luận về khí, thiện khí hoặc sát khí của ngành khí công cổ đại phương Đông. Thiện khí có thể cứu người và sát khí có thể hại người. Qua nghiên cứu, nhiều nhà khoa học khác nhau ở phương Tây cũng đã thống nhất rằng thân thể con người không phải chỉ là những cấu trúc thể chất bằng phân tử mà gồm cả những trường năng lượng. Từ năm 1939, ông Kirlian, một kỹ sư người Nga đã dùng máy ảnh có gắn thêm kính lọc đặc biệt để chụp được ảnh những trường năng lượng sinh vật với những màu sắc khác nhau. Người ta cũng biết rằng một phần của trường năng lượng nầy luôn bức xạ ra bên ngoài, thẩm thấu vào không gian và những vật thể chung quanh. Trường nầy luôn dao động tuỳ theo quá trình tư duy, điều kiện sức khoẻ và tình trạng tâm lý, cảm xúc của con người. Đối với những con người có sức khoẻ tốt và ý chí mạnh, trường nầy có hiệu ứng lưu giữ tại hiện trường từ 10 đến 15 phút mới mất đi.
Trong một quyển sách nói về cách sống dẫn đến minh triết và bình an, bà Darshani Deane có kể lại một câu chuyện về cái chết của một đứa bé do người mẹ đã vô tình gây ra. Câu chuyện như sau: Có hai vợ chồng trẻ đang cải lộn với nhau. Họ đã sử dụng những thái độ và ngôn từ thô bạo nhất. Sau một lúc cải vả, người chồng đã đóng sầm cửa lại và bỏ đi. Người vợ vẫn tiếp tục lãi nhãi chửi rũa một lúc lâu cho đến khi bế đứa bé lên cho bú. Vài giờ sau khi bú, đứa bé 3 tháng tuổi bổng xám ngắt, làm kinh và chết. Cuộc khám nghiệm sau đó cho biết đứa bé chết vì bị nhiểm độc …Y học cho biết khi giận dữ những tuyến nội tiết trong cơ thể sẽ tiết nhiều độc tố làm nhiểm độc máu. Ở đây, trước mắt, người mẹ có thể chịu đựng được nhưng đứa con 3 tháng tuổi đã không qua khỏi. Dù giải thích như thế nào, bằng lý thuyết về trường điện sinh học, về khí hoá hoặc về các độc tố thì hiệu ứng xấu của sự tức giận và của những lời nói cay độc vẫn là điều cần quan tâm.
Tóm lại, lời nói hoặc suy nghỉ thiện hay ác, tích cực hay tiêu cực đều có tác động rất lớn trên cơ thể của bản thân và cuộc sống quanh ta. Do đó, việc xây dựng và hình thành những thói quen tư duy tích cực nhất là những tư duy hướng đến tình thương, tri ân và sự hoà hợp sẽ rât hữu ích cho sức khoẻ và cuộc sống.