Nước súp gà, một phương thuốc chống cảm cúm, tăng sức đề kháng
Lương y VÕ HÀ
Phối hợp với một số gia vị và rau, quả, củ thường dùng, súp gà là một món ăn bổ dưỡng có thể tăng sức đề kháng và ngăn chận những đáp ứng viêm thường xảy ra trong các chứng cảm, cúm, là nguyên nhân dẫn đến đau họng, và tăng tiết đờm dãi.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cho đến nay, dù khoa học đã có những tiến bộ vượt bực, hầu hết các loại bệnh cảm cúm do siêu vi gây ra vẫn chưa có những phương thuốc để điều trị triệt để. Việc phòng chống những chứng cảm mạo hoặc những cơn dịch do siêu vi gây ra vẫn phải dựa vào những biện pháp để tăng cường sức miễn dịch và giải quyết các triệu chứng. Do đó, những thầy thuốc Đông, Tây luôn quan tâm tìm kiếm những biện pháp để gia tăng sức đề kháng giúp cơ thể dễ chống lại những yếu tố gây bệnh, nhất là những bệnh theo mùa, Trong những nổ lực trên, bên cạnh những yếu tố về ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng và năng vận động thân thể, một số nhà khoa học phương Tây đặc biệt lưu ý đến những phương thuốc tự nhiên[i] đã được biết đến từ lâu từ kinh nghiệm dân gian như hoa cúc, kỷ tử, nước súp gà.
Nước súp gà phòng chống cảm cúm.
Từ lâu đời, kinh nghiệm dân gian đã biết dùng nước súp gà, cháo gà như là một phương thuốc bổ dưỡng giúp người bệnh mau lại sức, rút ngắn thời gian điều trị, đặc biệt là làm giảm các triệu chứng do cúm hoặc cảm lạnh gây ra. Theo Đông y, thịt gà vị ngọt, tính ấm, bổ hư ôn trung, ấm dạ dày, cường gân cốt. Gần đây, nhiều nghiên cứu của y học phương Tây cũng đã xác nhận giá trị chữa bệnh của nước súp gà.
Cảm lạnh thường gây ra các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Những trưòng hợp cúm thường phối hợp với đau cơ, sốt, nhức đầu. Kết quả nghiên cứu[ii] của bác sĩ Stephen Rennard thuộc trường Đại học Nebraska, Mỹ cho biết nước súp gà giúp làm tan những chỗ sung huyết, phù nề, làm loãng dịch tiết và giảm tình trạng nghẹt mũi. Một số nghiên cứu sau đó cũng cho thấy những hoạt chất trong súp gà có tác dụng ngăn chận những đáp ứng viêm thường xảy ra trong các chứng cảm, cúm, là nguyên nhân dẫn đến đau họng, và tăng tiết đờm dãi. Các nhà khoa học còn cho biết nước súp gà có thành phần của cysteine, một amino acid có thể phối hợp với những sinh tố C, E và chất selenium trong tác dụng chống oxy hoá. Cysteine còn có tác dụng kích thích tế bào bạch cầu trong hoạt động miễn dịch, đặc biệt là có khả năng làm loãng và đánh tan những chỗ ngăn nghẹt do đờm dịch đọng lại ở bộ máy hô hấp.
Các nhà nghiên cứu[iii] cũng lưu ý đến những rau quả và gia vị mà kinh nghiệm của các bà mẹ phương Đông thường sử dụng trong những món súp gà. Khoai tây, cà rốt, tiêu, hành lá, . . không chỉ làm ngon miệng, kích thích tiêu hoá mà còn cung cấp thêm những chất sinh tố, chất khoáng và chất chống oxy hoá để tăng cường tác dụng kháng viêm hoặc sát trùng đường hô hấp. Ngoài ra, súp gà, cháo gà được tăng cường những gia vị cay ấm và ăn ngay lúc còn nóng có tác dụng làm ra mồ hôi, điều mà y học phương Đông gọi là giải cảm ở giai đoạn đầu khi bệnh còn chưa vào sâu trong cơ thể.
Ông Rennard còn đề cập đến hiệu ứng TLC (tender, loving, care). Ông cho rằng tình thương, sự quan tâm của người bà, người mẹ trong gia đình qua việc chăm chút, sửa soạn món súp cũng góp phần giúp người bị cảm cúm dễ vượt qua các triệu chứng hoặc nhanh hồi phục.
Cũng nên nói thêm, thịt gà, súp gà tính ấm có tác dụng tăng cưòng dưong khí có thể kích hoạt phong nhiệt. Do đó, những trường hợp bị ung nhọt, người có nội phong, cao huyết áp cần cẩn thận khi dùng.