Tai sao ăn kiêng mà không thấy giảm cân?
Lương y VÕ HÀ
Không phải ăn kiêng mà chính ăn uống lành mạnh phối hợp với vận động thân thể mới là yếu tố quyết định trong phòng chống béo phì.
Được biết, béo phì đang được xem là 1 đại dịch của thế kỷ. Béo phì làm gia tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh khác nhau từ bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp đến một vài loại bệnh ung thư. Để đối phó với tình trạng nầy, nhiều người đã cố gắng tiết giảm lượng calori ăn vào hàng ngày như 1 biện pháp căn bản để giảm cân và chống béo phì. Tuy nhiên, một thắc mắc thường gặp là “tại sao tôi ăn không bao nhiêu, đã ăn giảm calori nhưng tình trạng béo phì vẫn không thay đổi hoặc chỉ giảm không đáng kể ?”
Một nghiên cứu[i] của các nhà khoa học trường Đại học Oregon Health & Science (OHSU) mới vừa được phổ biến đã phần nào làm sáng tỏ cơ chế nầy. Chế độ ăn giảm calori đơn thuần không có khuynh hướng làm giảm cân.
Theo kết quả nghiên cứu được phổ biến trên số tháng 4 của tạp chí American Journal of Physiology -- Regulatory, Integrative and Comparative Physiology, biện pháp giảm calori đơn thuần khó làm giảm cân do cơ thể tự có cơ chế bù trừ năng lượng dẫn đến việc giảm hoạt động thể chất đáp ứng với việc tiết giảm calori. Do đó, để đạt được hiệu quả giảm cân cần có sự phối hợp giữa ăn giảm calori và ý chí vượt qua tâm lý ngại vận động, ít vận động.
Trong nghiên cứu trên người ta đã cho 18 con khỉ cái được ăn chế độ nhiều mỡ trong nhiều năm. Sau đó, số khỉ được cho ăn trở lại chế độ tiêu chuẩn bình thường, ít mỡ và tiết giảm 30% calori. Trong vòng 1 tháng, số khỉ được theo dõi và đánh giá tình trạng hoạt động thể lực cũng như cân nặng. Vào cuối tháng thử nghiệm, kết quả khảo sát đã cho thấy không có sự giảm cân nhưng lại có sự giảm đáng kể tình trạng hoạt động thân thể. Giảm hoạt động thể hiện ngay khi có sự giảm năng lượng ăn vào. Mức độ giảm hoạt động nầy càng tăng lên ở tháng thứ 2 khi người ta giảm thêm calori trong chế độ dinh dưỡng.
Song song với nhóm khỉ trên, nhóm khỉ đối chứng được nuôi dưỡng với chế độ ăn bình thường (không giảm calori) và được huấn luyện tập vận động 1 giờ mỗi ngày trên 1 máy tập trong nhà lại giảm được cân nặng.
Tiến sĩ Judy Cameron, Giáo sư trường Đại học OHSU phát biểu “Nghiên cứu nầy cho thấy có 1 cơ chế tự nhiên duy trì năng lượng đáp ứng với những sự tiêu hao hoặc tiết giảm calori. Đối với con người cũng như loài vật, thức ăn không phải lúc nào cũng có sẳn và cơ thể hình như đã phát triển 1 chiến lược để thích ứng với những sự dao động nầy.” Việc giảm calori dễ dẫn đến khuynh hướng tự nhiên giảm vận động thể lực để bảo toàn năng lượng. Do đó, giảm calori đơn thuần sẽ không đi đến giảm cân nếu không có biện pháp vận động thể lực tích cực đi kèm.
Ngoài ra, những khảo sát về ăn kiêng còn cho thấy càng về sau, cơ thể càng bớt đáp ứng với những đợt ăn kiêng, người bệnh sẽ mất cân chậm hơn lúc ăn kiêng nhưng lại lên cân nhanh hơn khi ăn trở lại.
Hiện nay, trong điều kiện nhịp sống nhanh mức độ cạnh tranh cao của cuộc sống hiện đại, stress là 1 nguyên nhân quan trọng dễ dẫn đến tăng cân, béo phì là do sự thay đổi trong hoạt động nội tiết. Theo 1 nghiên cứu ở trường Đại học Georgetown[ii], sự thay đổi nầy cùng lúc có thể tạo ra 3 tác động độc lập nhau và tương tác nhau. Đó là ăn nhiều, phát triển nhiều mỡ và không thích vận động. Không chỉ ăn nhiều, những thay đổi trong hoạt động nội tiết do stress gây ra còn làm cho con người ngại vận động và những mô mỡ phát triển nhiều hơn dù với cùng 1 lượng thức ăn như người bình thường.
Như vậy, stress và ăn kiêng đều có tác động tiêu cực đến béo phì. Ngược lại, vận động đều đặn và hợp lý, trung bình 30 phút mỗi ngày tạo ra một tác động kép vừa có tác dụng chống stress, điều hòa hoạt động nội tiết vừa trực tiếp tiêu hao năng lượng để chống béo phì.
Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng chống bệnh tật không phải ở chỗ có ăn giảm calori hay không mà là nên ăn nhiều thực phẩm thô có nhiều chất xơ và nhiều vi chất dinh dưỡng hơn là ăn giảm calori nhưng lại ăn nhiều thực phẩm tinh lọc, ít chất xơ và nhiều chất béo bão hoà.