NHỮNG BÍ THUẬT "HUỜN TINH BỔ NÃO" TRONG TRUYỀN THỐNG DƯỠNG SINH PHƯƠNG ĐÔNG
Lương Y Võ Hà
Theo y học cổ truyền, tinh khí là phần tinh hoa của ngủ tạng lục phủ, là gốc của thân người. Mọi phương pháp dưỡng sinh đều chú trọng đến việc giữ tinh, tránh làm cho tinh hao khí tán. Đặc biệt trong một số trường hợp, những thanh thiếu niên, những người sống độc thân, ly thân, tu sĩ… thì yêu cầu dưỡng sinh về mặt tình dục còn bao hàm ý nghĩa giải toả được những ức chế sinh lý và thăng hoa năng lực tính dục để tăng cường sức khoẻ và phát triển trí tuệ.
Quan niệm về tình dục trong y học cổ truyền.
Tình dục là một nhu cầu tự nhiên của con người. Nam nữ đến độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi khi sự phát dục đầy đủ tất sẽ phát sinh ham muốn, sẽ xảy ra mộng tinh. Sinh hoạt tình dục hợp lý có thể khai thông tình chí, làm cho Can khí được sơ tiết, tâm huyết được thông suốt và tinh thần phấn chấn. Ngược lại, việc tiết dục lâu ngày có thể dẫn đến Can khí uất kết, khí huyết ứ trệ không đạt được mục đích dưỡng sinh. Trong cuộc sống hôn nhân, sinh hoạt hoạt tình dục không những duy trì nòi giống mà còn góp phần quan trọng trong việc làm cho âm dương hoà hợp, kết nối 2 tâm hồn và bảo đảm hạnh phúc lứa đôi. Do đó, việc bế tinh hay giữ tinh mang ý nghĩa dưỡng sinh không phải là tuyệt dục hoặc kềm hảm tình dục mà là không phí phạm tinh lực. Ông Tưởng Giới Tân, một đại y gia thời nhà Minh, Trung Quốc, đã viết "Dục không được cấm, cấm làm tinh kiệt. Tinh bất khả kiệt, kiệt sẽ tản hết. Tinh có thể sinh khí. Tinh nhiều thì khí vượng. Khí vượng thì tinh thần vượng. Tinh thần vượng thì người khỏe. Người khoẻ sẽ ít bệnh".
Nhu cầu thăng hoa năng lực tính dục.
Theo y học cổ truyền, tinh khí là phần tinh hoa của ngủ tạng lục phủ, là gốc của thân người. Tinh khí được tạo thành từ tinh tiên thiên ở tạng thận và tinh hậu thiên chuyển hoá từ thức ăn. Người xưa ví tinh như chì vì nó trầm trọng dễ lọt mất, lại ví như cọp vì tính nó hung hăng khó hàng phục. Ở người biết tu dưỡng, sinh hoạt tình dục điều độ, một phần tinh lực có thể được chuyển thành khí để giúp cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần thêm minh mẩn. Điều nầy được gọi là "huờn tinh bổ nảo". Trái lại ở những người đam mê tửu sắc, thường nghỉ đến sự hoan lạc thì thần sẽ làm cho khí chuyển hoá thành tinh, kích động dục tình khiến tinh thêm hao, thể xác suy yếu và tinh thần mờ tối. Do đó có câu nói "chơn nhơn luyện tinh hoá khí, phàm nhơn hoá khí làm tinh". Mọi pháp dưỡng sinh đều chú trọng đến việc giữ tinh, tránh làm cho tinh hao khí tán. Đặc biệt trong một số trường hợp, những thanh thiếu niên, những người sống độc thân, ly thân, những tu sĩ… thì yêu cầu dưỡng sinh về mặt tình dục còn bao hàm ý nghĩa giải toả được những ức chế sinh lý, giữ được cân bằng tâm lý, không bị ám ảnh về mặt tình dục và có khả năng thăng hoa năng lực tính dục để tăng cường sự khoẻ mạnh về thể xác cũng như sự minh mẫn về tinh thần. Nói cách khác thăng hoa được năng lực tính dục là một yếu tố quan trọng dẫn đến “sự thoải mái hoàn toàn về các mặt tinh thần, thể chất và xã hội"* chưa kể đến việc có thể tái hấp thu tinh lực để tăng cường sức khoẻ và tuổi thọ. Đây là ý nghĩa quan trọng của nhu cầu thăng hoa năng lực tính dục trong bối cảnh xã hội hiện nay khi mà con người phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ, từ thời trang, phim ảnh đến sách báo, đĩa, mạng.... Ngoài ra, những kỷ thuật nầy - căn bản là những kỷ thuật thiền - còn có công năng cường tinh, bổ thận để điều trị những chứng rối loạn sinh dục kể cả những rối loạn do trầm cảm, do căng thẳng tâm lý gây ra.
Sự khác biệt giữa những kỹ thuật giao hợp gián đoạn và huờn tinh bổ não.
Ngày xưa những kỷ thuật luyện tinh hoá khí chỉ liên quan đến những truyền thống của Đạo Lão, của nhưng đạo sĩ hoặc chơn nhơn xuất thế. Họ cho rằng những hiểu biết nầy chỉ dành cho những bậc thức giả, những người cần sự phát triển về tâm linh và sự hợp nhất với vũ trụ. Nếu để những kỷ thuật nầy rơi vào tay những người không có căn cơ hoặc không có trình độ đạo đức thích hợp sẽ chỉ gây hại cho xã hội. Do đó những kỷ thuật luyện tinh hoá khí thường chỉ được khẩu truyền trực tiếp từ người thầy đến từng đệ tử. Hoạ hoằn có được ghi chép thì cũng dưới dạng ẩn ngữ để người ngoài không thể biết được. Vì vậy huờn tinh bổ não đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau, thâm chí lệch lạc không đúng với tinh thần của đạo dưỡng sinh. Phần đông đã nhầm lẫn giữa giao hợp gián đoạn và huờn tinh bổ não. Van Gulik một nhà nghiên cứu nổi tiếng của phương Tây về tình dục học phương Đông cũng cho rằng phương pháp huờn tinh bổ não chỉ là một hình thức giao hợp gián đoạn (Coitus Interruptus). Quan điểm nầy có lẽ bắt nguồn từ những tác phẩm Tố Nữ Kinh hoặc Ngọc Phòng Bí Quyết, những quyển sách cổ của Trung Quốc viết về nghệ thuật phòng trung. Trong Tố Nữ Kinh khi được tham vấn về nghệ thuật làm tình sao cho thân thể vẫn giữ được cường tráng, Bành Tổ* đã nêu lên nguyên tắc "đa ngự tiểu tiết” hoặc "giao nhi bất tiết" tức giao hợp nhiều lần hoặc giao hợp với nhiều người nhưng giữ không cho xuất tinh hoặc xuất tinh chỉ một lần. Điểm chủ yếu trong giao hợp gián đoạn là người Nam chủ động ngưng động tác giao hợp khi gần đến giai đoạn xuất tinh. Điều nầy nhằm mục đích tiếp tục kéo dài thời gian giao hợp sau đó. Một hình thức giao hợp gián đoạn khác cũng thường được nhắc đến là khi đến thời điểm khẩn trương người Nam nhanh chóng rút dương vật ra ngoài và dùng hai ngón tay trỏ và giữa nhập chung ấn vào vùng huyệt Hội âm đồng thời hít vào thật mạnh để ngăn chặn xuất tinh. Những biện pháp nầy dẫn theo các hệ quả: (1) Người Nam luôn trải qua sự tập trung và căng thẳng tâm lý để chế ngự bản thân trong lúc giao hợp nhằm tránh việc xuất tinh. (2) Việc ngưng giao hợp khi chưa đến điểm xuất tinh sẽ giữ lại một sự sung huyết nhất định ở vùng hạ tiêu kèm theo sự căng cơ và căng thẳng thần kinh tương ứng. (3) Hoạt động thần kinh, sự sung huyết và tính cường cơ kéo dài trong giao hợp gián đoạn luôn kéo theo sự tiêu hao năng lượng . Đây là diều tương phản với quá trình thư giản để bảo toàn năng lượng của hườn tinh bổ não. (4) Mục đích của giao hợp gián đoạn là hoan lạc và hoan lạc kéo dài. Đó là tư tưởng, là thần. Thần tất sẽ kéo theo khí. Khí sẽ hoá thành tinh tiêu thoát lúc nầy hoặc lúc khác theo đường hạ căn mà không thể thăng hoa lên não được. Đây là ý nghĩa "phàm nhơn hoá khí làm tinh". Như vậy, giao hợp gián đoạn không có tác dụng hoá khí. Hơn nữa, những kỷ thuật nầy về lâu về dài có thể gây ra tình trạng khí trệ huyết ứ tác động xấu đến sức khoẻ nếu người thực hành không có các biện pháp thư giãn triệt để. Người xưa đã ví huờn tinh bổ não như một quá trình luyện đan. Đan điền là lò nấu luyện. Sau mỗi lần chưng, cất là một lần được bồi bổ. Ở những người trẻ, khoẻ hiệu quả của một thang “đại dược” là sự tĩnh mĩnh và phấn khích có thể cảm nhận được ngay giống như vừa dùng xong một liều Sâm dược. Ngược lại, sau mỗi giao hợp gián đoạn hoặc ít hoặc nhiều vẫn có sự hao tán khí lực và sự kém thoải mái về tâm lý.
Phương pháp huờn tinh bổ não của đạo gia.
Hoàn toàn ngược lại với những kỷ thuật giao hợp gián đoạn, trong phương pháp huờn tinh bổ não từ tư tưởng đến thực hành đều không liên quan gì đến ý niệm sắc dục hoặc động tác giao hợp. Huờn tinh bổ não là những phương pháp thiền định nhằm chuyển hoá cảm xúc và tái hấp thu năng lượng. Đó là quá trình dùng tư tưởng (thần) để chuyển hoá tinh thành khí để khí lại nuôi thần (bổ não). Nguyên tắc chung là dùng ý niệm tập trung tinh lực tại Đan điền và dùng ý chuyển khí đi vòng quanh cơ thể theo hai mạch Nhâm Đốc gọi là vòng Tiểu châu thiên để qua đó nuôi dưỡng thấm nhuần khắp các phủ tạng kinh lạc. Sách Dưỡng chơn tập mô tả chu trình nầy như sau "Kẻ biết tu dưỡng thì đem thần hoả và tinh thuỷ ngưng lại một chỗ như con rắn với con qui, quấn quít lấy nhau, hợp thành một khối, chẳng dễ lìa nhau, lâu dần hết sức tịnh mới sinh động, chơn hoả đốt chưng, kim tinh phát hiện, xoi quan thấu đỉnh, thấm dưới rưới trên. Đây là đạo thâm căn cố đế, cửu thị trường sinh”. Theo ý nầy, ngồi lặng yên định tĩnh, quan sát Đan điền. Lâu dần cực tịnh sẽ sinh động, tinh lực phát khởi, dù không có dâm niệm nhưng cơ quan sinh dục tự máy động hoặc căng cứng. Đó là lúc phát sinh "đan dược”. Lúc nầy hành giả hít một hơi thở nhẹ nương theo mạch Nhâm xuống Đan điền, dùng ý chuyển khí từ Đan điền qua Trường cuờng theo mạch Đốc đi lên thẳng đến Bách hội. Từ Bách hội thở ra từ từ đưa khí trở lại Đan điền để hoàn tất một vòng hoá khí. Tiếp tục làm lại nhiều vòng cho đến khi bộ phận sinh dục trở lại bình thường.Trên thực tế, để tạo được hiệu ứng hoá khí, hành giả thường phải trải qua giai đoạn ngồi thiền và tập luyện chuyển khí theo vòng Tiểu châu thiên. Khi việc luyện tập trở thành phản xạ có điều kiện thì mỗi lần có cảm xúc về tình dục hoặc khi bộ phận sinh dục căng cứng, chỉ cần ngồi vào tư thế toạ thiền, mắt khép hờ, đầu lưỡi chạm nhẹ nuớu răng trên, tâp trung vào vùng Đan điền thì việc hoá khí sẽ tự động diễn ra cho đến khi hoàn tất. Trong thời gian đầu, nhất là đối với những người trẻ, tinh lực dồi dào nhưng công lực hoá khí còn kém, có thể dùng một biện pháp tích cực hơn. Tập trung tư tưởng vào những hơi thở ngắn và hít vào liên tục. Hít vào (hít) trong khi chuyển ý từ huyệt Hội âm lên Đan điền. Sau khi thở ra (hà) lại tiếp tục hít vào . Quá trình hít hà cũng chính là quá trình chuyển tinh hoá khí tương ứng từ vùng Hội âm lên Đan điền. Hít hà liên tục cho đến khi vùng sinh dục mềm nhủn bình thường. Lúc bấy giờ để hoàn tất phần hoá khí hành giả có thể thực hành khoản 3 vòng Tiểu châu thiên như đã mô tả ở phần trên.
Thông thường mức độ hóa khí sẽ tuỳ thuộc vào tuổi tác, năng lực tính dục và công lực tu tập của mỗi người. Có những trường hợp vận luyện vòng Tiểu châu thiên có hiệu quả, sức khoẻ tăng tiến, tinh lực dồi dào nhưng lại không giữ được tinh. Tinh vẫn xuất ra trong khi ngủ. Triệu chứng nầy được gọi là di thất. Di thất xảy ra vì luyện thần chưa đủ. Chi cần gia tăng thời lượng ngồi thiền lên là được, đặt biệt là cần ngồi thiền khoảng 5 đến 10 phút liền trước khi đi ngủ. Luyện thần giúp gia tăng công lực, gia tăng khả năng hoá khí. Điều quan trọng khác và cũng là điều mật nhiệm trong phép huờn tinh bổ não là chính nhờ luyện thần mà hành giả không bị mộng tinh. Nhiều người không hiểu được điều mật nhiệm nên đã bỏ ngang việc ngồi thiền hoặc luyện khí công khi xảy ra tình trạng nầy. Ngồi thiền đủ, thần sẽ minh. Thần minh sẽ giúp cho người tập thức tĩnh và ngồi vào tư thế kịp thời mỗi khi bộ phận sinh dục căng cứng trong giấc ngủ. Trong Tĩnh toạ Châu thiên pháp, vận hành Tiểu châu thiên giúp khai thông kinh mạch, tăng cường chơn khí và gia tăng tinh lực. Tuy nhiên có giữ được tinh có hoá thành khí được hay không phải do nơi thần. Thần là chủ đạo. Theo quy luật "niệm dứt thì thần lại, niệm động thì thần đi”, tất cả các phương pháp ngồi thiền đều có tác dụng luyện thần và dưỡng thần. Tuy nhiên, đạo gia vẫn có một cách luyện thần trực tiếp và khá đơn giản thông qua đôi mắt. Đó là cách tập trung nhìn chăm chú vào một điểm đen. Đây cũng là một bài tập thiền cơ bản của Yoga có tên là Trataka. Bài tập nầy giúp phát triển ý chí, gia tăng khả năng tập trung tư tưởng và dồn tinh lực lên bộ não. Cách thực hành như sau. Vẽ một vòng tròn đen có đường kính từ 1cm đến 1,5cm trên một tờ giấy trắng. Dán tờ giấy trên tường cách chỗ ngồi khoảng 1m đến 1,5m sao cho vòng tròn đen nằm ngang tầm mắt. Ngồi trong tư thế toạ thiền. Có thể ngồi kiết già, bán già hoặc xếp bằng. Eo hơi thót lại. Lưng thẳng. Vai buông lỏng. Cằm hơi thu vào. Hai tay đặt lên hai đùi. Ngồi thoải mái, tập trung sức chú ý vào vòng tròn đen. Lúc đầu tập mỗi lần khoảng 5 phút. Thời gian sẽ từ từ nâng lên theo khả năng.
Một số truyền thống hoá khí khác.
Tất cả những nhà nghiên cứu tâm linh đều cho rằng sức mạnh tình dục tiềm tàng một mảnh lực huyền bí có thể giúp nâng cao sức khoẻ và trí tuệ của con người. Những đạo sư Yoga cho rằng năng lực tính dục có thể biến đổi thành tinh chất ojas, một yếu tố cần thiết để giúp hành giả đạt đến tâm thức đại đồng. Chính ojas sinh ra khí lực, sức mạnh và sự hấp dẫn, không những để đạt đến sự cao thượng mà còn giúp con người thành công trong mọi lãnh vực nhất là lãnh vực sáng tạo của trí tuệ. Do đó, hầu hết những tu sĩ Mật tông của Ấn độ giáo và Phật giáo đều có thực hành công phu mở luồng hỏa hầu Kundalini để giúp thăng hoa năng lực tính dục và nâng cao tâm thức. Đối với các tông phái khác, nếu không luyện hỏa hầu, không vận châu thiên thì việc giữ gìn chánh niệm là yếu tố quan trọng. Đồng nhất với quan điểm của đạo gia, tất cả mọi trường phái tâm linh, tôn giáo đều không có khuynh hướng đè nén những cảm xúc tình dục mà phải thăng hoa nó. Trong quá trình hành thiền, những nhà sư Phật giáo luôn chú trọng việc tĩnh giác trong từng sát na một để phát hiện và quan sát tiến trình sinh, diệt của mọi loại cảm xúc để qua đó đối trị và thăng hoa nó. Đối với Yoga, đạo sư Sri Goenka đã nói về cách xử lý những ham muốn tình dục như sau "sự bộc lộ hay đè nén những cảm xúc nầy đều có hại. Mỗi khi anh thấy sự thèm khát nổi lên anh hãy quan sát nó, tự nó sẽ mất đi năng lực đối với anh”. Cách quán sát nầy tự nó cũng có công năng chuyển hoá tinh thành khí. Sri Aurobindo, một đạo sư Yoga khác cũng đã từng dạy đệ tử "hãy quan sát với một tâm thức nhân chứng thì các con sẽ ngạc nhiên mà thấy rằng sự kích thích đó sẽ tan biến đi rất mau và sức mạnh tình dục mạnh mẻ đang phát triển sẽ được thăng hoa biến đổi thành năng lực cho bản thân".
Như vậy ta nhận thấy có một sự tương đồng rất lớn trong quá trình chuyển tinh thành khí. Tất cả các phương pháp đều phải thông qua năng lực của thiền. Một số phương pháp thiền có thể không bàn về khí hoá, không nói đến kinh lạc nhưng khi thiền đã đạt đến một trình độ nhất định thì thần sẽ minh, khí sẽ thịnh, chân khí gia tăng và chu thiên sẽ tự thông. Đây là một qui luật khí hoá tự nhiên. Tuy nhiên những cách nầy chỉ thích hợp cho những tu sĩ. Những tu sĩ có cuộc sống thanh tịnh, có thời gian tu tập nhiều, định lực cao. Do đó thiền có thể giúp chuyển hoá cảm xúc, thăng hoa tinh lực và cuối cùng là sự thư giãn triệt để để mang lại sự thoải mái trọn vẹn. Ở người bình thường, cuộc sống bận rộn lại va chạm nhiều cám dỗ, năng lực thiền có giới hạn sẽ khó đạt được hiệu quả. Những trường hợp nầy phương pháp chuyển tinh hoá khí của đạo gia sẽ thích hợp hơn.
* Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế Giới, sức khoẻ là sự thoải mái hoàn toàn về các mặt tinh thần, thể chất và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật.
** Bành Tổ là một nhân vật thời cổ đại của Trung Quốc. Tương truyền Bành Tổ sống đến gần 800 tuổi có 19 vợ và 900 tì thiếp.