Ăn giảm muối, vấn nạn bị xao lãng
Lương y VÕ HÀ
Một nghiên cứu mới đây đã cho biết chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân tim mạch tuân thủ được chế độ ăn giảm muối. Mặt khác, mức khuyến cáo muối ăn mà một số nước đưa ra hãy còn cao, chưa đáp ứng được với yêu cầu làm giảm số người tử vong vì đau tim và đột quỵ.
Tiềm năng hạ thấp nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã xác định ăn nhiều muối dễ dẫn đến áp huyết cao. Điều nầy đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ. Những poster mang dòng chữ “Tăng huyết áp và muối, hai kẻ giết người thầm lặng” trong chiến dịch phòng chống cao huyết áp của Việt Nam và thế giới đã nói lên tầm quan trọng nầy của việc ăn giảm muối. Muối thường được đề cập trong chế độ ăn giảm muối là muối ăn sodium chloride (NaCl) kể cả nhiều loại muối khác có cùng gốc Sodium (Na) tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như monosodium glutamate, sodium citrate, sodium bicarbonate. . . Một báo cáo[i] được phổ biến trên tạp chí British Medical Journal cho biết chỉ cần giảm bớt mức tiêu thụ muối ở mỗi người khoảng 5g mỗi ngày cũng sẽ làm giảm được 23% tỷ lệ tử vong do đột quỵ và khoảng 17% bệnh tim. Tiến sĩ Robert Eckel, Giáo sư Y khoa trường Đại học Colorado Denver cho rằng mọi người đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc cần phải ăn giảm muối. Báo cáo mới nhất của Viện Y học Mỹ vào tháng 2.2010 gọi cao huyết áp là một căn bệnh đang bị xao lãng (a neglected disease)[ii] và kêu gọi những biện pháp tích cực hơn trong chiến lược ăn giảm muối.
Hiện nay, trung bình người Âu Mỹ ăn khoảng 10g muối mỗi ngày. Nếu cứ 3 người đột quỵ có 1 người chết và 5 người bệnh tim có 1 người tử vong thì việc tuân thủ chế độ ăn giảm muối có thể cứu được hàng triệu người mỗi năm.
Cần những nổ lực phối hợp hữu hiệu hơn.
Nhiều người cho rằng điều quan trọng của việc ăn giảm muối là mỗi người hãy tự chế không dùng thêm muối tại bàn ăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở Mỹ cho biết có đến 70% muối ăn được tiêu thụ là từ thức ăn có sẳn, không phải do dùng thêm tại bàn ăn. Tiến sĩ Joanne Murphy, thuộc Hiệp Hội Đột Quỵ nước Anh cũng cho rằng phần lớn muối ăn được tiêu thụ hàng ngày là từ những thực phẩm công nghiệp. Khoảng ¾ lượng muối nầy có sẳn trong thức ăn khi mua vào. Do đó, điều cần thiết trước nhất là sự hợp tác của những nhà sản xuất giảm bớt lượng muối ăn trong từng sản phẩm kèm theo những quy định chặt chẻ yêu cầu phải ghi rõ và chính xác số lượng muối trên bao bì hoặc nhãn mác. Tại Anh, Cơ Quan Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Gia Anh quốc FSA[iii] (Food Standard Agency) đã đặt chỉ tiêu phối hợp thúc đẩy việc giảm muối ở từng ngành hàng, từng sản phẩm một. Chẳng hạn, từ nay đến năm 1012, mỗi 100g thịt xông khói phải giảm từ 3,5g xuống còn 3g muối; nước sốt cà chua từ 2,4g xuống còn 1,8g; bánh mì từ 1,1g còn 1g . .
Theo các chuyên viên FSA, việc vận động giảm muối ở Anh đã có tiến triển. Mức 8,6g ở người lớn hiện nay là đã giảm được 1g so với thời điểm 2001. Tuy nhiên, quả là con đường còn dài mới đạt được chỉ tiêu 6g. Bà Alex Callaghan, chuyên viên về chánh sách thuộc Hiệp Hội Tim mạch nước Anh cho rằng “Chúng ta đã đi những bước đi của con sên. Với tốc độ hiện nay, phải đến năm 2015 mới đạt được chỉ tiêu 6g/ngày và có thể sẽ đặt một thế hệ mới vào nguy cơ áp huyết cao và bệnh tim mạch.”
Những chỉ tiêu được khuyến nghị.
Theo một số chuyên gia về tim mạch, ngoại trừ một số người làm việc nặng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú có thể cần đến 2g mỗi ngày, người bình thường chỉ cần khoảng 500mg ! Trên thực tế, việc ăn nhiều muối chỉ là một thói quen được tập nhiễm lâu ngày mà không phải là một nhu cầu thực sự của cơ thể.
Tại Anh, Giáo sư Graham MacGregor, Tổ chức Thoả Thuận Hành Động Giảm Muối vì Sức Khoẻ CASH[iv] (Consensus Action on Salt and Health) phát biểu “Những bằng chứng mới nhất mà chúng tôi có được đều cho thấy mức khuyến cáo đưa ra phải thấp hơn hiện nay”. Ông cho rằng con số 6g được những chuyên viên của chánh phủ Anh đưa ra từ 1994 đã cho thấy là không còn phù hợp. Theo ông, con số nầy phải là 4g hoặc thấp hơn.
Những kết quả trên của các nhà khoa học Anh cũng phù hợp với những nghiên cứu ở Mỹ. Khuyến cáo mới nhất của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ[v] (AHA) là người khoẻ mạnh nên giới hạn 2,3g/ngày, người Mỹ gốc Phi, người trung niên, người già và bệnh nhân cao huyết áp không nên dùng quá 1,5g/ngày. Một khảo sát vừa mới được báo cáo tại cuộc hội thảo khoa học lần thứ 10 của AHA về các loại bệnh tim và đột quỵ đã cho biết dù đã được hướng dẫn, khuyến cáo, những nổ lực ăn giảm muối trong số các bệnh nhân tim mạch vẫn rất khó khăn. Chỉ khoảng 1/3 số lượng bệnh nhân tuân thủ được lượng muối đề nghị.
Người Việt ăn nhiều muối, tiềm năng và thách thức.
Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết người Việt chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 đến 22 g mỗi ngày trong khi lượng khuyến cáo không quá 5g. Nước mắm là 1 loại đặc sản của Việt Nam. Hiếm có bữa ăn nào mà không có chén nước mắm trên bàn ăn. Nhiều món ẩm thực của ta cũng sẽ thiếu đi hương vị nếu không có loại nước chấm riêng đi kèm. Chưa kể đến 1 món mặn thường bao gồm trong cơ cấu bữa ăn Việt nam, chỉ món nước chấm cũng đủ làm cho bữa ăn của chúng ta vượt xa về độ mặn so với bữa ăn của nhiều nước phương Tây. Không lạ khi dân ta có khuynh hướng ăn nhiều muối. Do đó, bên cạnh những biện pháp giảm muối từ những thực phẩm chế biến sẳn, cá nhân và gia đình nên lưu ý đến việc giảm muối trong nêm nếm. Điều này cho thấy tiềm năng làm giảm những căn bệnh cao huyết áp và nguy cơ đau tim, đột quỵ ở nước ta vẫn còn rất lớn với điều kiện phải có những bước phối hợp giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng, kể cả sự chuyển biến từ công nghệ thực phẩm.
[i] Salt really does boost health risks.http://news.health.com
[ii] Report calls high blood presssure “a neglected disease”.http://news.health.com
[iii] Call for action on salt level. http://news.bbc.co.uk
[iv] Daily salt intake allowances were set too high. http://news.bbc.co.uk
[v] Heart failure patients may have trouble following low sodium diets. http://americanheart.mediaroom.com