Những điều cần chú ý khi uống thuốc thang
BS Hoàng Ðình Lân
Thuốc thang là một dạng thuốc thường dùng của y học cổ truyền. Cách dùng chủ yếu có hai phần là sắc thuốc và uống thuốc. Làm theo đúng lời dặn của thầy thuốc thì phát huy đúng tác dụng, dùng sai có khi có hại.
Sắc thuốc:
Biết cách sắc thuốc sẽ có bát thuốc ngon không biết sắc thuốc sẽ bị trào, bị cháy. Nước sắc thuốc phải là nước sạch, nước máy đổ vào ấm ngập khoảng 1 tấc là vừa, khi đun có thể dùng lửa to (vũ hoả) và lửa vừa (văn hoả).
Với thuốc cần lấy khí để chữa ở biểu như thanh nhiệt với các vị có tinh dầu thường dùng lửa to, sắc nhanh để giữa tác dụng của thuốc. Với các vị thuốc để chữa các bệnh hoả thì lúc đầu dùng lửa to cho chóng sôi sau đó chuyển sang lửa vừa để sôi âm ỉ cho ra hết chất thuốc. Các thuốc có độc như ô đàu, phụ tử phải sắc kỹ để giảm độc. Song cần chú ý:
-Một số vị là khoáng vật như thạch cao, quy bản, mẫu lệ cần đập vỡ nhỏ và sắc trước.
-Có những vị thuốc cho vào túi vải để sắc nhằm tránh kích thích của thuốc ở họng hay đường tiêu hoá như hoạt thạch.
-Có những vị thuốc phải cho vào sau như bạc hà, sa nhân thường dùng cho các thuốc thơm.
-Có những sắc riêng như nhân sâm, tê giác hoặc có những vị thuốc hoà tan sau khi đã sắc xong các vị thuốc khác như mật ông.
Uống thuốc:
Uống thuốc có ảnh hưởng nhất định đến hiệu lực của thuốc, cần chú ý đến: thời gian uống thuốc.
Bệnh ở thượng tiêu thì ăn rồi uống thuốc, bệnh ở trung, hạ tiêu thì uống thuốc rồi ăn, bệnh ở kim mạch tứ chi thì uống vào sáng sớm, lúc chưa ăn cơm. Với bệnh ở xương tuỷ thì uống lúc no vào buổi tối. Nói chung nên uống thuốc trước khi ăn một giờ. Một thang thuốc thường chia uống làm hai lần hoặc ba lần, nếu bệnh cấp thì uống hết trong một lần. Thuốc giải cảm uống xong cần tránh gió. Thuốc hàn chữa bệnh nhiệt thì uống lúc ấm nóng, thuốc nhiệt thì uống lúc nguội. Với thuốc có tính độc nên uống liều nhỏ trước để đảm bảo an toàn. Trong thời gian uống thuốc cũng cần kiêng kỵ một số thức ăn làm giảm tác dụng của thuốc như những thức ăn khó tiêu như thịt mỡ... không ăn thịt chó khi uống thuốc có cảm thảo, hoàng liên, cát cánh, ô mai.
Tóm lại, ngày nay thầy thuốc cổ truyền chúng ta cần biết sử dụng đông dược như cổ nhân dạy :"Dụng dược như dụng binh", "Lương y như lương tướng", nắm được nghệ thuật phối ngũ, biết được bài thuốc vị nào là quân, vị nào là thần, vị nào là tá và sứ. Nắm được các điều trên chúng ta sẽ đạt được kết quả điều trị mong muốn và phát huy được thế mạnh của nguồn dược liệu cổ truyền và kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền của ông cha ta để lại.