KẾT HỢP ĐÔNG TÂY Y CHỮA SỐT XUẤT HUYẾT DO MUỖI TRUYỀN
Tác giả : GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Sốt xuất huyết do muỗi truyền (SXHMT) lần đầu tiên xuất hiện thành dịch tại miền Bắc nước ta vào năm 1969. Chỉ riêng tại quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng - số dân 70.598), trong vòng 2 tháng đã có gần 900 người phải nhập viện điều trị với các bệnh cảnh: sốt cao đơn thuần (kèm đau nhức), sốt kèm xuất huyết dưới da, sốt kèm chảy máu cam, chảy máu lợi, sốt kèm trụy mạch (shock) không có triệu chứng xuất huyết và sốt có kèm chảy máu đường tiêu hóa (nôn và hoặc phân có máu), đau bụng, gan to và đau vùng gan. Lúc đó người ta đã dùng một bài thuốc Đông y có tên Tiểu sài hồ thang cho 91,2% tổng số bệnh nhân nhập viện, dùng đơn thuần 51,3%, kết hợp với Tây y (truyền dịch) 39%, truyền dịch đơn thuần 9,7%. Kết quả điều trị khỏi 93,4%, không có tử vong tại chỗ.
SXHMT theo cách nhìn của y học hiện đại (Tây y)
Ta biết chắc chắn SXHMT là do virus Dengue các type 1, 2, 3, 4 (ở Đông Nam Á thường là type 3) truyền qua người thông qua một vật chủ trung gian là muỗi A. aegypti.
Một trong hai nguy cơ lớn nhất gây tử vong trong SXHMT là chảy máu (đường tiêu hóa). Nguy cơ này thường dễ được nhận diện, chủ yếu do giảm tiểu cầu, phải truyền máu tươi (giàu tiểu cầu) mới ngăn chặn được tình trạng chảy máu ào ạt. Song điều trớ trêu và cũng là nghịch lý và nguy hiểm nhất là chỉ có sốt cao và trụy mạch - còn gọi là shock đơn thuần, mà không hề kèm chảy máu nội tạng hoặc mất nước khỏi cơ thể. Sỡ dĩ như vậy là vì, khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng bệnh SXHMT - do nhiễm trùng lần thứ hai bởi virus đặc hiệu - thì trong máu người bệnh xuất hiện một loạt các yếu tố phức hợp miễn dịch hòa tan trong máu như thụ thể của yếu tố hoại tử u, interferon gamma và interleukin 2. Tất cả những yếu tố này đều có thể tương tác lên tế bào nội mạc của các thành mạch máu, làm tăng tính thấm thành mạch khiến các dịch, điện giải, kể cả các protein phân tử nhỏ vốn chứa trong lòng mạch thoát vào khoang ngoài mạch, làm đảo lộn sự phân bố các dịch bên trong cơ thể. Hậu quả là lượng máu tuần hoàn giảm, một nguyên nhân quan trọng và trực tiếp gây ra shock - ta thường gọi là shock sốt xuất huyết, mặc dù cơ thể không hề mất nước hoặc mất máu. Mặt khác, shock do giảm thể tích tuần hoàn còn trầm trọng thêm do sốt cao nhiều ngày (gây háo nước), nhịn đói (do khô kiệt các dịch tiêu hóa vì sốt cao), khát kèm nôn khiến máu càng bị cô đặc (trong SXHMT, hematocrite tăng là một dấu hiệu shock bắt đầu).
Do vậy, hạ nhiệt và chống háo nước là yêu cầu điều trị hàng đầu nhằm ngăn ngừa shock xuất hiện.
Cái nhìn của Đông y về SXHMT
Theo thuyết “vận khí” của Trung y, trong trời đất có 6 khí lưu hành là phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm), táo (khô) và hỏa (nóng). Bình thường thì mùa xuân ấm, hè nóng, thu mát... Nhưng nếu mùa thu nóng khô thì sinh ra ôn bệnh, nếu nhiều người cùng mắc thì gọi là ôn dịch.
Tà khí ôn nhiệt ở đây là táo và hỏa (nóng và khô), là những yếu tố vật lý của điều kiện môi trường được xem có tác động trực tiếp đến quá trình bệnh lý SXHMT, khiến sốt càng tăng, háo nước càng trầm trọng. Cũng theo luận thuyết Đông y, “tà khí” (có thể xem tương đương với khái niệm virus của Tây y) xâm nhập cơ thể sẽ tác động tới huyết phần, gây “bức huyết vọng hành” nghĩa là làm đảo lộn phân bố dịch trong nội bộ cơ thể, tương đương với khái niệm Tây y “dịch trong lòng mạch thoát vào khoang ngoài lòng mạch” như phân tích ở phần trên. Huyết ngưng trệ ở bì phu gây xuất huyết dưới da, đau nhức. Huyết ngưng trệ ở can (gan) làm “can hỏa” bốc lên gây chảy máu cam, máu lợi... Huyết tắc ở can (xung huyết gan, gan to ra) và ở vị (dạ dày) nên “bức xuống đại tràng” gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Cũng theo ngôn ngữ Đông y, “tà khí” có xu hướng đi vào trong ẩn náu gây tác hại (xung huyết và xuất huyết nội tạng), nên một yêu cầu quan trọng trong điều trị là phải “đuổi tà khí” ra ngoài, khôi phục lại huyết phần.
Shock ở đây, theo Đông Y có thể do “nhiệt cực phản hàn” hoặc “dương quá thịnh thì cách âm”, nghĩa là sốt cao nhiều ngày sinh háo tân dịch (háo nước) dễ đưa đến trụy mạch. Do vậy, một yêu cầu cơ bản là giải nhiệt sớm và chống háo nước sẽ giúp ngăn ngừa được shock.
Phải chăng Tiểu sài hồ là một thang thuốc có thể thỏa mãn được những yêu cầu nói trên?.
Tiểu sài hồ thang (dùng dưới dạng thuốc sắc) là bài thuốc Đông y kinh điển của Trương Trọng Cảnh, gồm 6 vị:
1. Sài hồ 30g: Hạ nhiệt, hạ can hỏa.
2. Hoàng cầm 16g: Thanh nhiệt tối đa (phối hợp với sài hồ).
3. Sa sâm 12g: Giải nhiệt, thông tiểu.
4. Cát cánh 20g: Thanh cơ biểu, ra mồ hôi, chỉ khát.
5. Sinh khương 4g: Tăng huyết áp, kiện vị, tiêu thông bì phu.
6. Cam thảo 4g: Tiêu viêm giải độc, lợi tiểu.
Thiết nghĩ, trong SXHMT, tuy cách lý giải có khác nhau về “ngôn ngữ” giữa Đông và Tây y, song cả hai “trường phái” đều có một mục tiêu chung là giải nhiệt và chống háo nước, mà phần đóng góp cơ bản là thang sài hồ; Tuy nhiên khi có dấu hiệu shock thì nhất thiết phải truyền dịch tĩnh mạch, còn khi có xuất huyết thì phải truyền tiểu cầu và/hoặc truyền máu tươi. Phải chăng đây là một ví dụ đáng hấp dẫn về kết hợp Đông Tây y hợp lý cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Chú thích ảnh: Cát cánh.