Y HỌC CỔ TRUYỀN QUAN NIỆM VỀ TỲ VỊ NHƯ THẾ NÀO?
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn
Trạng thái sinh lý, bệnh lý đường tiêu hóa từ xa xưa đã được y học cổ truyền (YHCT) lưu tâm nghiên cứu. Trong hệ thống cấu trúc - chức năng (ngũ tạng lục phủ) của cơ thể mà YHCT gọi là tạng tượng, tỳ vị là 2 cơ quan có nhiều điểm gần gũi với hệ thống đường tiêu hóa của y học hiện đại (YHHĐ).
Vị được sách cổ mô tả là một cơ quan rỗng, trên tiếp với thực quản, dưới thông với tiểu trường, miệng trên gọi là "bí môn", miệng dưới gọi là "u môn", bí môn còn gọi là "thượng quản", u môn còn gọi là "hạ quản", cả ba vùng gọi là "vị quản". Thức ăn từ miệng qua thực quản rồi vào vị, được vị làm chín nhừ, cho nên vị gọi là "đại thượng", là cái kho lớn, cái "bể chứa đồ ăn".
Tỳ là một cơ quan đặc nằm bên trái của vị có chức năng hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng, YHCT gọi là có công năng vận hóa. Tỳ và vị hợp tác với nhau để hoàn thành chức năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn và chuyển vận chất dinh dưỡng. Tỳ vị được quy nạp theo hành "Thổ" trong hệ thống ngũ hành (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy) của triết học cổ đại phương đông. "Thổ" là mẹ đẻ ra vạn vật cũng giống như tỳ vị có chức năng hấp thu, chuyển vận chất dinh dưỡng để nuôi các bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, vai trò của tỳ vị trong hệ thống tạng tượng của YHCT là đặc biệt quan trọng.
Trong lịch sử của YHCT, nhiều y gia đã rất chú trọng vào tỳ vị khi chữa bệnh, dần dần hình thành một trường phái học thuật nổi tiếng gọi là trường phái "bổ thổ" với học thuyết "tỳ vị" mà đại diện lỗi lạc nhất là Lý Cảo hay còn gọi là Lý Đông Viên (1180-1251). Ông là một trong 4 danh y đời Kim, Nguyên ở Trung Quốc, là người đặt cơ sở cho học thuyết "tỳ vị" của YHCT. Trên cơ sở nhận xét "hữu vị khí tắc sinh, vô vị khí tắc tử (còn vị khí thì sống, mất vị khí thì chết) của sách Nội Kinh, ông cho rằng trong ngũ tạng lục phủ tỳ vị là tối quan trọng đối với hoạt động sinh lý của cơ thể, từ đó ông đề xuất chủ trương "nội thương tỳ vị, bách bệnh do sinh" (trăm bệnh đều do tỳ vị bị tổn thương), đồng thời ông viết cuốn "Tỳ vị luận" để truyền bá học thuyết của mình. Tư tưởng chủ đạo của ông là "Thổ vi vạn vật chi mẫu, tỳ vị sinh hóa chi nguyên" (đất là mẹ của vạn vật, tỳ vị là gốc của sinh hóa). Vì vậy, khi trị bệnh ông chủ trương "ôn bổ tỳ vị" và đã sáng chế ra phương thuốc trứ danh "bổ trung ích khí thang" còn lưu truyền đến ngày nay. Học thuyết tỳ vị có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của YHCT.
Vậy thì tỳ và vị trong tạng tượng học của YHCT có phải là lá lách và dạ dày trong giải phẫu học của YHHĐ? Trên thực tế, những kiến thức về giải phẫu đã được đề cập rất sớm trong các y thư cổ như "Tố vấn" "Linh khu". Hải Thượng Lãn Ông trong sách "Y gia quân miện" đã chép rất nhiều kiến thức nói về giải phẫu cơ thể con người được gọi là "nội cảnh đồ". Thế nhưng học thuyết "tạng tượng" lại không hoàn toàn dựa vào giải phẫu học, nó là một học thuyết được xây dựng dựa trên 2 quan điểm lớn của YHCT là "nhân thể là một chỉnh thể" (cơ thể con người là một thể thống nhất). Theo các quan điểm này, YHCT cho rằng việc tách riêng rẽ từng cơ quan bộ phận trong cơ thể là khiên cưỡng, không đúng vì nó không thể tồn tại độc lập với các cơ quan bộ phận khác của toàn thân và dù có đứng ở vị trí này hay vị trí khác của từng bộ phận cũng phải luôn luôn có cái nhìn tổng thể. YHCT không phân chia giải phẫu học và sinh lý học thành hai bộ phận riêng lẻ mà kết hợp chúng thành một bộ phận giải phẫu sinh lý học gọi là tạng tượng.
Như vậy, nội dung của tạng tượng học bao gồm hai phần: một là các cơ quan bộ phận hợp thành hệ thống; hai là các chức năng của chúng. Cả hai hợp thành hệ thống cấu trúc - chức năng và qua sự kết hợp đó nảy sinh ra các chức năng lớn của cơ thể. Nói đến giải phẫu học trong tạng tượng học, YHCT không phân chia thành từng bộ máy như trong YHHĐ mà kết hợp tất cả các cơ quan bộ phận cùng thực hiện những chức năng nhất định thành những hệ thống. Tạng tượng học không phải là giải phẫu học, mặc dù bản thân nó có hàm chứa nội dung của giải phẫu học.
Bởi thế, theo học thuyết tạng tượng của YHCT, tỳ và vị không phải là lách và dạ dày trong giải phẫu học của YHHĐ. Có thể hiểu chúng chỉ là 2 cái tên dùng để chỉ 2 hệ thống cấu trúc - chức năng của cơ thể trong mối liên hệ hữu cơ với các hệ thống khác. Từ đó có thể thấy chức năng của từng bộ máy giải phẫu như hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn... không lệ thuộc duy nhất vào một tạng tượng nào, trái lại chức năng của tất cả các tạng tượng đều góp phần thực hiện chức năng của các bộ máy trên. Ví dụ: chức năng tiêu hóa của bộ máy tiêu hóa cần phải có vị để thu nạp làm ngấu nhừ thức ăn, có tỳ dễ hấp thu, chuyển vận, có đại trường để truyền tống chất cặn bã, có tâm để cung cấp nhiệt, có thận để dự trữ.. Như vậy, toàn thân chứ không phải từng tạng tượng cùng phối hợp thống nhất thực hiện các chức năng của mọi bộ máy giải phẫu học.
Tuy nhiên, cho đến nay nhiều tài liệu YHCT cũng như trong nhận thức của nhiều thầy thuốc YHHĐ vẫn tồn tại một sự ngộ nhận cho rằng, tạng tượng học trong YHCT giống như giải phẫu học trong YHHĐ. Từ đó, họ không thể hiểu một cách chính xác nội dung tạng tượng học, thậm chí coi đó là giải phẫu học thô sơ, thiếu sót, nhiều sai lầm do khả năng nghiên cứu có giới hạn nhất định của các thời đại trước. Và nếu như vậy thì cần gì phải học tập thừa kế vì đã có giải phẫu học hiện đại rất tinh vi, đầy đủ, chính xác. Lẽ đương nhiên, phải thừa nhận rằng học thuyết tạng tượng quả thật là độc đáo nhưng khi đi sâu vào các cấu trúc của tạng tượng thì vẫn dừng lại ở trực quan, thiếu rất nhiều chi tiết về giải phẫu học, tế bào học, sinh lý, sinh hóa để đào sâu vào cơ sở vật chất và quá trình vận động của chúng trong từng tạng tượng. Bởi vậy, chủ trương kết hợp YHHĐ với YHCT để làm phong phú thêm nội dung của học thuyết tạng tượng là một điều rất cần thiết.