HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ MINH MẠNG THANG? BÀI "NHÂT DẠ NGŨ GIAO": ĐẠI BỒ TẠNG THẬN, DÙNG LÂU NGÀY TAI, MẮT SÁNG TỎ
BS. NGUYỄN VĂN DƯƠNG
(Tiếp theo kỳ trước)
11. Xuyên khung
Theo tài liệu cổ, xuyên khung có vị cay, tính ôn vào 3 kinh can, đởm, tâm bào, có tác dụng hoạt huyết, đuổi phong, giảm đau, nhức đầu, hoa mắt, bán thân bất toại, chân tay co quắp, các chứng bệnh phụ nữ: kinh nguyệt không đều, sụt, bế nên dùng vị này.
12. Xuyên tục đoạn
Còn gọi là sâm nam, đầu vù, người xưa thường cho rằng vị này có tác dụng nối được gân xương đã đứt (Tục: nối, Đoạn: đứt). Sở dĩ gọi là Xuyên tục đoạn vì tục đoạn này được lấy ở tỉnh Tứ Xuyên. Theo tài liệu cổ, có vị đắng, cay, tính hơi ôn vào 2 kinh can và thận có tác dụng bổ can thận, nối gân xương, giảm đau, chữa đau lưng rất đặc hiệu. Vị này thường đi đôi với Bắc Đỗ trọng, làm bài thuốc càng tăng hiệu quả.
13. Xuyên đỗ trọng
Gọi là Đỗ trọng vì xưa kia có người họ Đỗ tên Trọng vào rừng tình cờ lấy vị thuốc này sắc uống, khỏi được bệnh đau lưng, do đó mà đặt tên luôn là Đỗ trọng. Theo tài liệu cổ, có vị ngọt hơi cay, tính ôn hòa vào 2 kinh can và thận có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, dùng chữa đau lưng, đi tiểu nhiều, chân gối mềm. Liều dùng từ 5 - 12g sắc hay dầm rượu cũng được.
14. Trần bì
Tức là vỏ quýt phơi khô, vỏ quýt phơi để càng lâu càng tốt, dân gian vẫn nói: "Nam bất ngoại Trần bì, nữ bất ly Hương phụ", có nghĩa là chữa bệnh nam giới không thể thiếu Trần bì, nữ giới không thể không dùng Hương phụ. Theo tài liệu cổ, Trần bì có vị cay, đắng, tính ôn vào 2 kinh tỳ và phế, có tác dụng tiêu thực, hóa đờm, ăn uống không tiêu, nôn mửa, sốt rét, trừ đờm. Liều dùng từ 4 - 12gr.
15. Cam kỷ tử
Còn gọi là Câu kỷ tử: Khởi tử, Địa cốt tử. Theo tài liệu cổ, Khởi tử có vị ngọt, tính bình vào 3 kinh phế, can và thận, có tác dụng bổ can thận, nhuận phế táo, cường dương, mạnh gân cốt, chữa mắt mờ, di mộng tinh. Kỷ tử trong dân gian được coi là vị thuốc bổ toàn thân để chữa cho người bại thận, suy nhược, gầy yếu, tinh khí quá kém, ngoài ra còn trị trong những trường hợp bị đái đường, ho lao, viêm phổi. Liều dùng 6 - 15gr dưới dạng thuốc sắc hay dầm rượu.
16. Thục địa
Còn gọi là Địa hoàng, Sinh địa. Thục địa được nấu từ củ sinh địa. Theo tài liệu cổ, Thục địa có vị ngọt, tính ôn, vào 3 kinh tâm, can, thận có tác dụng dưỡng âm, bổ thận, làm đen râu tóc, tiêu khát, âm hư, ho suyễn. Trong dân gian, Thục địa và Sinh địa đều là thần dược (vị thuốc rất quý) vì Thục địa bổ tinh tủy, nuôi can thận, sáng tai mắt, đen râu tóc, trị lao thần khổ trí, tim hư bại thận,... đều nên dùng. Thuở xưa Trương Trọng Cảnh - vị danh y nổi tiếng - rất trọng vào vị Thục địa để trị bệnh, ông cho rằng khi gặp trọng bệnh nên giữ lấy phương bắc tức thận thủy, thận hỏa và chính ông là người đã sáng chế ra 2 bài Lục vị và Bát vị, 2 bài thuốc thánh để tiếng lại cho muôn đời, sau có người vì quá mến tài nghệ của ông, gọi thân mật là Trương Thục Địa cũng không ngoài hàm ý trên. Liều dùng: từ 9 - 15gr.
17. Đại đảng sâm
Còn gọi là Phòng đảng sâm, Xuyên đảng sâm, Lộ đảng sâm. Theo tài liệu cổ, Đảng sâm có vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh phế và tỳ, có tác dụng bổ trung ích khí, sanh tâm chỉ khát, dùng để chữa tỳ hư, ăn không tiêu, chân tay yếu mỏi, phế hư sinh ho; công dụng gần như Nhân sâm, Đại đảng sâm ở đây có nghĩa là Đảng sâm loại thật lớn. Đông y coi Đảng sâm có thể dùng thay thế Nhân sâm trong các bệnh thiếu máu, da vàng, bệnh bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu cóAnbumin, chân phù đau, còn dùng làm thuốc bổ dạ dày. Người ta gọi Đảng sâm là nhân sâm của người nghèo vì có mọi công dụng của nhân sâm nhưng giá tiền chỉ bằng 1/5 Nhân sâm. Ngày dùng 6 - 12gr có thể tăng đến 30gr dưới dạng sắc thuốc, có thể dùng từ 7 ngày đến 14 ngày trong trường hợp quá suy nhược.
18. Đan sâm
Còn gọi là Huyết sâm, Xích sâm. Theo tài liệu cổ, Đan sâm có vị đắng, tính hơi hàn, vào 2 kinh tâm và can, là thuốc chữa bệnh thiên về phụ nữ, phụ nữ da vàng ăn uống thất thường, khớp xương sưng đau, vị này còn có công năng trục huyết cũ, sinh huyết mới, vừa an thai sống, vừa cho ra thai chết, chỉ huyết, cầm máu, điều kinh bổ huyết, có thể thay thế bài Tứ vật khi cần (Xuyên khung, Đương quy, Thục địa, Bạch thược). Cổ nhân thường nói "Nhất vị đan sâm kiêm tứ vật chi công" là như vậy. Liều dùng từ 6 - 12gr sắc uống.
19. Đại táo
Còn gọi là Táo tầu, táo đen, táo đỏ, Đại táo ở đây là quả lớn. Theo tài liệu cổ, Đại táo có vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh tỳ và vị, có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng tim, an thần, điều hòa vinh vệ. Hòa giải các vị thuốc khác. Thường dùng hiện nay trong hầu hết các đơn thuốc, phổ biến nhất là trong đơn thuốc ngâm rượu đại bổ. Thang thuốc sắc từ 2 đến 4 quả, thuốc ngâm từ 5 - 10 - 20 quả. Hiện nay ở Việt Nam đã chế được táo nhưng hương vị vẫn không bằng táo chính Trung Quốc. Các vị thuốc trong bài "Nhất dạ ngũ giao" đều có bán ở các tiệm thuốc Đông - Nam dược.