VIAGRA CỦA VUA CÀN LONG
(Tiếp theo và hết)
THƯỢNG HỒNG
Ngay từ thời kỳ đầu khi nhà Thanh mới tràn vào chiếm đất Trung, Nguyên, họ đã mang theo và trọng dụng những nhà sư Tây Tạng, Mông Cổ, mà dân Hán quen gọi là các Lạt Ma - như nói ở phần đầu - Những vị này có cách tu hành rất kỳ bí, họ thường đi vân du thiên hạ hơn là trụ tại các chùa chiền. Và trong dân gian thường truyền tụng rằng họ có nhiều pháp thuật, đặc biệt là thuốc uống và các kiểu chữa bệnh.
Tuy nhiên, các mặt khác thì chưa thấy, chỉ có một loại dược thảo được truyền miệng trong dân gian, xem như một thứ thần dược dành riêng cho đàn ông. Thuốc A-tô-cơ.
Vậy A-tô-cơ là gì?
A-tô-cơ vốn là tên một hợp chất dược thảo của người Mông Cổ. Theo một tài liệu ghi nhận được trong dân gian vùng ngoại Mông vào thời ấy, thì để chế ra A-tô-cơ, các Lạt Ma đã tổng hợp các chất: Nhụy hoa Cúc tuyết (vốn chỉ mọc ở vùng băng giá và nở hoa vào đúng khi thời tiết, vùng đất băng giá tuyết lạnh nhất) - hạt sen chôn vùi dưới tuyết hằng trăm năm - mật hoa của một cỏ dại ẩn mình hằng chục năm dưới tuyết lạnh, chỉ nở hoa khi vươn lên khỏi mặt tuyết (vài chục năm mới ngoi lên được một lần, và thường chỉ nở hoa về đêm) - nhân sâm - cộng thêm với tinh hoàn hải cẩu và máu của một loài chim trĩ không đuôi của vùng biên thùy Mông Cổ (loài chim này tương truyền có chu kỳ tình dục lạ đời và dài lâu nhất hành tinh: mỗi cuộc giao phối thường kéo dài từ đầu mùa trăng cho đến cuối mùa, con đực, con cái dính nhau trên cây, sau đó mỏi chân rơi xuống sông, suối trôi đi vài trăm dặm vẫn dính lấy nhau cho đến khi kết thúc cuộc ân ái).
Còn có một truyền thuyết khác, liên quan đến một loại dược tửu có tên là "Cúc hoa băng lân tửu". Tương truyền vào thời Anh Minh hoàng đế (vị vua mở đầu nhà Mãn Thanh), một vị quốc vương Triều Tiên đã gởi biếu một loại rượu đặc chế từ 1.000 bông cúc tuyết, mà cách pha chế được đính kèm: bông cúc tuyết hiếm hoi lắm mới nở khi có ánh mặt trời, nên vừa ra hoa nào phải vội hái ngay và đem ủ trong một lọ bằng bạch ngọc, sau đó đóng kín nắp lọ rồi vùi sâu dưới tuyết. Những đóa hoa cúc ủ kín này đúng 1.000 ngày sẽ lên men và thành một chất rượu cực kỳ thơm ngon, bổ dưỡng. Phải ủ thêm 1.000 ngày nữa mới đem dùng. Chúng có tên là Cúc hoa băng lân tửu. Từ Anh Minh hoàng đế truyền sang vua Khang Hy, qua Ung Chính rồi đến Càn Long. Chính vua Càn Long là người phát huy tối đa tác dụng của loại dược tửu này, khi ông được các Lạt Ma thêm vào rượu các "thần dược" nêu trên và biến nó thành A-tô-cơ, còn gọi là A-tô-cơ hoàn, vì chúng được tinh chế ở dạng viên, để có thể dễ lưu giữ và dễ dùng. Mỗi khi cần (thường là trước lúc "lâm hạnh") Càn Long ngậm một viên và tác dụng kéo dài cả đêm. Tác dụng của thuốc rất mạnh, chỉ những người có sức khỏe tốt mới dùng được, uống vào tăng khoái cảm, đến độ xung trận như dũng tướng, và "đánh đâu thắng đó". Nhưng, nếu yếu sức lạm dụng nó, thuốc sẽ "vật" đến mức tàn phế, bất lực vĩnh viễn. Nghe nói, có một bà phi của vua do nhầm lẫn, tưởng uống thuốc ấy cả nữ cũng "khỏe ra" nên lén dùng chỉ một thìa nhỏ, vậy mà đã nổi điên, náo loạn cả cấm cung và sau cùng tự cào cấu, xé nát cả mặt mày, thân thể, chết thảm.
Có lẽ do tính chất "dao hai lưỡi" của A-tô-cơ hoàn, nên từ đó vua Càn Long nghiêm cấm các Lạt Ma không được sản xuất dư ngoài số lượng nhà vua ra lệnh.
Sâm thử
Không chỉ A-tô-cơ. Vua Càn Long còn có một phương thuốc tăng lực, trường dục khác, rất độc đáo. Đây là một bí mật mà mãi khi Càn Long băng hà mới được tiết lộ. Cũng do các Lạt Ma sáng chế. Gọi là Sâm thử, tức chuột sâm.
Thế nào là chuột sâm?
Phương thuốc này thật ra đã có từ thời nhà Tần. Các Lạt Ma được Càn Long mách nước, đã ra công nghiên cứu thêm và chế riêng cho vua dùng: Những con chuột bạch ngay từ nhỏ đã được nuôi bằng củ nhân sâm. Suốt đời chúng chỉ sống với sâm nên béo tròn và sung mãn khác thường. Chúng truyền giống cho nhau và khi con chuột cái mang thai, chúng bị cho vào ngâm chung với Cúc hoa băng lân tử.
Cách dùng như sau: Đúng 365 ngày ngâm rượu, xác con chuột cái mang thai sẽ được vớt ra tán nhuyễn, vo viên và sấy khô, lưu trữ trong lọ ngọc và dùng dần. Mỗi lần chỉ một viên, song kết quả thì giông bão cũng còn thua cường độ, hải cẩu cũng xếp sau về độ sung mãn và bền lâu.
Cũng có cách nuôi chuột bạch bằng sâm khác với cách trên: Thả chuột vào vườn nhân sâm tươi, biệt lập chúng trong khu vực đó, để chúng tự do ăn những củ sâm còn sống, cho đến lúc chuột trưởng thành, động dục, thì bắt đem ngâm rượu như nói trên. Hoặc đem chưng cách thủy và ăn như người ta ăn gà ác tiềm. Tuy cách sau không "bốc" bằng cách trước, nhưng có công dụng hỗ trợ: Ắn thịt chuột sâm để bổ khỏe tăng lực, còn uống viên sâm thử thì để tăng dục khi "lâm trận".
Với hai phương thuốc này (A-tô-cơ hoàn và sâm thử) vua Càn Long trở thành vô địch. Khi ông còn sinh tiền lệnh cấm phổ biến bí mật hai loại thần dược này rất nghiêm ngặt nên những lời đồn đại càng lan rộng. Về sau, dù có bị tiết lộ ra, nhưng những huyền thoại về nó vẫn không hết. Mãi đến cuối các triều đại Mãn Thanh, thời thái hậu Từ Hy, A-tô-cơ vẫn còn đắc dụng. Nghe đồn bà Tây thái hậu này đã cho tinh luyện riêng để dùng (chắc là gia giảm vài vị thuốc nào đó trong toa để thích nghi với cơ thể phái nữ), và chừng như nhờ nó nên bà Từ Hy mới tung hoành ngang dọc chốn tình trường (cũng như chính trường).
Chẳng biết các nhà y học nghĩ sao về hai phương thuốc nêu trên đây? Riêng tôi, khi rà lại sử sách, tôi thấy, A-tô-cơ và sâm thử không hề là chuyện hoang đường...