MẪU NGƯỜI THẦY THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN ĐƯỢC ĐÀO TẠO TRONG TƯƠNG LAI?
NGUYỄN HƯNG
(Thực hiện)
Vừa qua, tại Viện Y Dược học TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc hội thảo về "Định hướng mục tiêu và chương trình đào tạo y học cổ truyền" do Hội Y Dược học, Viện Y Dược học tổ chức. Cuộc hội thảo này là một trong những bước chuẩn bị cho việc thành lập Trường Đại học Y Dược học cổ truyền (ĐHYDHCT) sắp tới. Tham gia hội thảo có các nhà quản lý ngành Y tế, các bác sĩ, lương y ở Viện, Trường, Hội... Hội thảo chú trọng đến các vấn đề như mô hình tổ chức trường ĐHYDHCT như thế nào, các chương trình và phương pháp giảng dạy để đạt mục tiêu và mẫu người thầy thuốc YHCT sẽ như thế nào?
Dưới đây, phóng viên SK&ĐS ghi nhận một số ý kiến tham luận của các đại biểu trong hội thảo.
GS. Trần Văn Kỳ (Viện YD học TP. Hồ Chí Minh): "Công tác đào tạo người thầy thuốc YHCT đã trở nên vô cùng bức xúc".
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 30% tổng số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền. Thành tích đó đáng tự hào. Thế nhưng, rất ít trong số hàng ngàn thầy thuốc YHCT không được đào tạo, họ chỉ được truyền miệng từ gia đình hoặc người thân. Do vậy, việc đào tạo trở nên bức xúc phải trở thành một nội dung hàng đầu trong chính sách quốc gia về y dược học. Đào tạo thầy thuốc YHCT phải có kiến thức YHCT giỏi hơn kiến thức y khoa hiện đại. Về chương trình, cần chọn lọc, không phải cái gì cũng dạy...
Lương y Trần Khiết (Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh): "Đội ngũ giảng dạy cho Trường ĐHYDHCT phải tinh thông".
Đội ngũ giảng dạy cho trường phải tập hợp cho được các quý cụ lương y có trình độ chuyên sâu, có kinh nghiệm trong giảng dạy. Tập hợp các thầy giỏi về đa khoa, có thầy chuyên về một khoa, hai khoa. Các thầy cần được Bộ Y tế, tỉnh Hội, thành Hội giới thiệu và Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Khoa giáo Trung ương để cử tuyển vào biên chế hay hợp đồng.
Với đối tượng là lương y cao tuổi, cần chú ý là phải có chính sách đãi ngộ phù hợp với tâm tư nguyện vọng trong sinh hoạt của mỗi người mới quy tụ được; nếu cần cử cán bộ đến tiếp cận, kế thừa.
GS. Huỳnh Minh Đức (Đại học Khoa học xã hội - nhân văn): "Tránh nhai lại rồi tán rộng ra những tài liệu" mì ăn liền?
Hoặc chúng ta sẽ nhai lại rồi tán rộng ra từ những cuốn sách mì ăn liền, nhiều nhất là của Trung Quốc hiện đại kiểu như quyển châm cứu học, y học khái luận... và một số sách của Việt Nam hiện có trong tay. Hoặc chúng ta phải đọc thật nghiêm túc để thấu triệt các bộ sách kinh điển. Nếu nhai lại, tán rộng ra các kiến tầm thường bằng Việt ngữ và tiếng Hoa hiện đại thì các bác sĩ YHCT mà chúng ta đào tạo trong tương lai sẽ là một người lý luận lòng vòng và chữa bệnh theo lối Tây y nửa vời. Do vậy người bệnh sẽ không đến với họ mà sẽ đến với các bác sĩ Tây y chính cống hoặc lương y giàu kinh nghiệm. Rốt cuộc, họ (bác sĩ YHCT kiểu dạng nói trên) chỉ chữa bệnh nhân danh YHCT chứ không phải là YHCT. Vì lý do đó, học chữ Hán là điều kiện cần cho ngành Y học cổ truyền mà chúng ta mong muốn.
BS. Phạm Hưng Củng (Vụ trưởng Vụ YHCT Bộ Y tế): "Cần gấp rút thành lập các Trường Đại học YDHCT".
Ngay như nước Mỹ, nơi có nền y học hiện đại tiên tiến cỡ nhất thế giới cũng đã có 3 trường ĐHYDHCT, Hàn Quốc có 8 trường, còn Trung Quốc thì đã có 31 trường trong đó có 5 truờng cấp quốc gia. Nhìn lại nước ta, một nước tự hào về một nền YHCT to lớn có bề dày lịch sử nhưng lại chưa thành lập một trường ĐHYDHCT nào cả là điều không thể chấp nhận. Do đó, cần gấp rút thành lập các trường ĐHYDHCT, trên cơ sở đó tiến tới thành lập Học viện Quốc gia về YDHCT.
Cần phải đầu tư để "trường ra trường", "lớp ra lớp". Phương pháp giảng dạy tôn trọng nội dung phương pháp cổ truyền, lõi là "cổ" nhưng đậm nét hiện đại.
BS. Đinh Việt Thức (Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ Bộ Y tế Tp. Hồ Chí Minh): "Cần xây dựng chương trình giảng dạy đủ sâu và rộng".
Việc giảng dạy lồng ghép YHCT và y học hiện đại như hiện nay đang làm tạo nên sự ngộ nhận không hay về YHCT, sinh viên ra trường sẽ không đủ về chuyên môn, thiếu tính thuyết phục với người bệnh. Vì thế cần phải xây dựng chương trình đủ sâu và rộng. Muốn cho sâu, cần bố trí thời gian học cho đủ, tạo điều kiện cho sinh viên học chữ Hán. Những bộ sách kinh điển gối đầu giường như Kinh dịch, Nội kinh, Nan kinh, Thương hàn luận, Tạp bệnh luận... sinh viên cần được thông suốt. Muốn cho rộng, thì YHCT phải được giới thiệu như một tổng thể hoàn bị và toàn diện.