Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
GS. HOÀNG BẢO CHÂU
Y học cổ truyền với viêm khớp dạng thấp (còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp, viêm đa khớp mạn tính tiến triển, thấp khớp teo đét, bệnh khớp sác cô (charcot), thấp khớp mạn tính dính và biến dạng.
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một bệnh hay gặp nhất trong các bệnh về khớp - gần đây người ta coi VKDT là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố: tác nhân gây bệnh (còn chưa rõ), cơ địa (trung niên, đa số là nữ) di truyền. Ngoài ra còn yếu tố thuận lợi khác (những yếu tố phát động bệnh) như suy yếu, mệt mỏi, chấn thương, bệnh truyền nhiễm, lạnh và ẩm kéo dài.
Trên lâm sàng bệnh chia làm hai giai đoạn.
1. Giai đoạn khởi đầu chủ yếu là viêm 1 khớp trong đó 1/3 viêm một trong các khớp nhỏ ở cổ tay, bàn ngón, ngón gần), đau sưng rõ, ngón tay thường hình thoi, cứng khớp buổi sáng (10 - 20%), bệnh kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn rõ rệt.
2. Giai đoạn rõ rệt (toàn phần) chủ yếu ở khớp nhỏ ở bàn, ngón, cổ tay hoặc bàn ngón cổ chân. Cũng thường có ở khớp gối khớp khuỷu. Các khớp khác xuất hiện muộn. Viêm thường đối xứng, phần mu tay sưng hơn phần lòng bàn tay, hạn chế vận động, cứng khớp buổi sáng, sau tăng về ban đêm, ngón tay hình thoi nhất là các ngón 2, 3, 4.
Diễn biến của bệnh: Viêm tiến triển tăng dần nặng dần; phát triển thêm các khớp khác. Các khớp viêm dần dần biến dạng, dính, bàn ngón tay dính, biến dạng ở tư thế nửa co và lệch trục về phía xương trụ, khớp gối dính ở tư thế nửa co. Teo rõ rệt cơ ở quanh khớp có tổn thương như cơ giun bàn tay, cơ liên cốt. Có 1/4 trường hợp có giai đoạn hui bệnh rõ rệt. Triệu chứng toàn thân biểu thị một trạng thái bệnh mạn tính: gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, thiếu máu. Tổn thương ở nội tạng rất hiếm gặp. Y học cổ truyền xếp VKDT vào phạm vi chứng tý.
Ở giai đoạn đầu thuộc phạm vi phong hàn thấp tý. Đó là do ở tuổi trung niên lúc cân cơ đã bắt đầu suy yếu (tuổi 50 can khí suy), nay lại thêm tay, chân làm việc quá ngưỡng mệt mỏi hoặc chấn thương, trên cơ sở suy yếu này hàn thấp phong thâm nhập vào lạc mạch ở vùng khớp cơ mệt mỏi gây nên. Phép chữa trong giai đoạn này là khu phong tán hàn trừ thấp thông lạc. Thường dùng các bài thuốc sau:
Khương hoạt 6gr, phòng phong 6gr để khu phong trừ thấp, sinh khương 5 lát để tán hàn, đương quy 6gr để dưỡng huyết, xích thược 6gr khương hoàng 6gr để hành huyết, hoàng kỳ 6gr, quế chi 6gr để ôn thông kinh lạc, cam thảo 4gr, đại táo 2gr để điều hòa các vị thuốc. Viện y học cổ truyền VN đã dùng phương thuốc sau: xấu hổ 16gr, thổ phục linh 12gr dây đau xương 12gr, dây gắm 12gr, thiên niên kiện 12gr, kê huyết đằng 12gr, hy thiêm 12gr, ngưu tất 12gr.
Thuốc có thể giảm đau làm bớt sưng song chưa giải quyết được hiện tượng cơ co làm vận động của khớp bị hạn chế. Theo quan sát của tôi nguyên nhân của khớp vận động bị hạn chế là do các yếu tố trên đã làm khớp có vi di lệch, biểu hiện cụ thể là điểm đau ở đầu xương trên khớp (có thể tìm thấy được - huyệt a thị) mà trên phim chụp bằng tia X khó phát hiện ra. Vì vậy, phải dùng biện pháp xoa bóp để phục hồi vị trí các xương. Cách làm cụ thể là: cố định phần gốc của khớp, kéo giãn ngón tay, từ từ vận động bị động để cơ khớp phục hồi vị trí. Nếu làm tốt thì không còn điểm đau nữa và khớp có thể vận động dễ dàng hơn, phần vận động hạn chế giảm đau hoặc hết. Sau đó hướng dẫn bệnh nhân cài 10 ngón tay vào nhau, đẩy thẳng ra phía trước (hoặc lên đầu), lòng bàn tay hướng ra ngoài (hoặc lên trên) để điều chỉnh lại sự hài hòa của các gân cơ co ruỗi các ngón tay.
Về biểu hiện sưng nóng trong giai đoạn đầu hoặc thời kỳ tiến triển của bệnh, y học cổ truyền cho là các tà khí ở trong lạc mạch lâu hóa hỏa gây nên, lúc đó ở ngoài có hàn, ở trong có nhiệt. Phép chữa sẽ là giải biểu hàn thanh lý nhiệt. Viện y học cổ truyền Việt Nam đã dùng phương thuốc sau: Quế chi 8gr bạch thược 12gr để điều hòa dinh vệ, ma hoàng 8gr, phụ tử 4gr, gừng 5 lát để tán hàn thông lạc, bạch truật 12gr để trừ thấp, phòng phong 12gr để khu phong, tri mẫu 12gr để tư âm thanh nhiệt, cam thảo 4gr để điều hòa các vị thuốc. Châm cứu có thể góp phần giảm sưng giảm đau. Châm các huyệt a thị, các huyệt gần khớp đau là chính và dùng phép tả. Khi màu da chỗ khớp đã xạm xuống tiếp tục dùng xoa bóp như trên.
Ở giai đoạn rõ rệt, thời kỳ lúc bệnh, thường có teo cơ biến dạng khớp, viện y học cổ truyền Việt Nam dùng phương thuốc sau: để bổ can thận, khu phong tán hàn trừ thấp thông lạc: đương quy 12gr, thục địa 12gr, hà thủ ô 12gr; để dưỡng can: đỗ trọng 12gr, ngưu tất 8gr để bổ thận, độc hoạt 12gr, hy thiêm 12gr, thổ phục linh 12gr, kim ngân 6gr để khu phong, trừ thấp, can khương 4gr để khử hàn, đảng sâm 12gr để ích khí, quế chi 8gr để ôn thông kinh lạc, xuyên khung 8gr; kê huyết đằng 12gr để hành huyết, cam thảo để điều hòa các vị thuốc. Nếu chỉ có biến dạng song chụp phim Xquang chưa thấy dính khớp, tiếp tục dùng xoa bóp như trên để phục hồi chức năng khớp hoặc châm cứu để giảm đau.
Nói chung phương pháp điều trị cổ truyền có tác dụng tốt với giai đoạn chưa có dính khớp, ít kết quả với giai đoạn đã có dính khớp. (Phần y học hiện đại dựa vào tài liệu của GS. Trần Ngọc Ân, điều trị bằng thuốc kinh nghiệm của Viện y học cổ truyền Việt Nam, xoa bóp kinh nghiệm lâm sàng của bản thân).