Không uống nước tiểu để chữa bệnh tim
Hỏi: Tôi 68 tuổi, luôn hồi hộp, sợ hãi, có lúc lên cơn mạch đập 90-100 lần/phút, đôi lúc bị cắt đoạn mạch, đau lưng, đau ngực, khó thở. Tôi đã đi khám và được kết luận là hở van tim hai lá, hơi hở van 3 lá. Có người khuyên uống nước tiểu của chính mình vào buổi sáng để chữa bệnh, xin hỏi có nên không?
Ông có biểu hiện bệnh lý thuộc hệ tim mạch, có cơn tim đập nhanh, có lúc có ngoại tâm thu thì cần xác định xem có bệnh lý tổn thương thực thể ở tim (bệnh van tim, suy vành tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, dày thất trái do tăng huyết áp) hoặc biểu hiện của rối loạn chức năng thần kinh giao cảm (cường giao cảm) hay không. Để làm điều này, ông nên đi khám ở bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và điều trị hợp lý.
Trước mắt, ông có thể dùng thuốc để điều trị những triệu chứng hồi hộp, có cơn tim nhanh (mạch nhanh), có lúc tim đập không đều. Nếu mạch không chậm, huyết áp không quá thấp (<100/60mmHg) và không có tiền sử bệnh hen phế quản thì có thể dùng thuốc nhóm chẹn bêta giao cảm chọn lọc theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc vừa có tác dụng chữa bệnh vừa để phòng biến chứng loạn nhịp tim (đột tử), nhưng cần nghỉ dùng thuốc khi mạch quá chậm hay huyết áp thấp. Ngoài việc dùng thuốc, ông nên kiêng dùng các chất dễ kích thích tim mạch như thuốc lá, bia, rượu, cà phê, chè đặc.
Cho đến nay, việc sử dụng nước tiểu chữa bệnh chỉ là đồn đại; nếu có người sử dụng thì cũng chỉ là theo kiểu liều thử chứ chưa thấy có công trình khoa học nào chứng minh được thật sự ra sao. Vì vậy ông không nên uống nước tiểu, dù của chính mình để tự chữa bệnh; có khi bệnh tim không khỏi mà còn nảy sinh bệnh mới.
TS. Ngô Xuân Sinh, Khoa học & Đời sống