ÐÔNG Y ÐỐI PHÓ VỚI DỊCH BỆNH
Tác giả : Thạc sĩ QUAN THẾ DÂN (Khoa Ðông y - BV. Thống Nhất)
Cuộc chiến của con người chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm thật vô cùng gian nan. Nhiều khi phần thắng tưởng chừng đã nghiêng về phía loài người với những vũ khí như kháng sinh, vaccin. Thế nhưng khi gặp một loại dịch bệnh mới như SARS, cúm gà. thì các vũ khí cũ lại không có tác dụng, trong khi vũ khí mới thì chưa có. Trong bối cảnh đó, nhiều kinh nghiệm của Ðông y về phòng chống dịch bệnh vẫn tỏ ra có ích.
1. Lịch sử nhận thức về bệnh truyền nhiễm của Ðông y
Trương Trọng Cảnh và Thương hàn luận: Trương Trọng Cảnh được tôn sùng là một vị thánh trong Ðông y, sống vào thời Ðông Hán, cách chúng ta 1.700 năm. Thời ấy nhân dân đói khổ, dịch bệnh liên miên, người chết nhiều vô kể. Ngay gia tộc nhà ông có hơn 200 người thì trong 10 năm đã chết mất 2/3, trong đó chết vì thương hàn là 7/10. Thời kỳ ấy chữ "Thương hàn" được hiểu theo 2 nghĩa: Nghĩa hẹp là chỉ những bệnh do khí lạnh gây nên, nghĩa rộng là để chỉ tất cả các bệnh do thời tiết gây ra. Xúc động trước nỗi đau khổ của người dân, Trương Trọng Cảnh đã chú tâm nghiên cứu y học, trước tác nên tác phẩm kiệt xuất "Thương hàn tạp bệnh luận". Ông nghiên cứu diễn biến của nhóm bệnh viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó đưa ra lý thuyết lục kinh, mô tả 6 bước diễn biến của bệnh và các bài thuốc tương ứng để chữa trị, trong đó chú trọng dùng các vị thuốc nóng như Quế, Phụ tử để phù dương cứu nghịch. Những bài thuốc của ông đã trở thành khuôn mẫu trong Ðông y vì tính chặt chẽ, giản dị, hiệu quả; có giá trị cho đến ngày nay.
Ngô Hữu Tính và Dịch lệ: Ngô Hữu Tính sống vào cuối đời Minh, cách đây trên 300 năm. Ông suốt đời để tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, tham khảo tất cả các sách vở về truyền nhiễm từ xưa tới nay, cộng với kinh nghiệm bản thân để soạn ra cuốn Ôn dịch luận. Khác với người đi trước, Ngô Hữu Tính cho rằng nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm không phải do khí hậu gây nên, mà do một loại dị khí ở trong khoảng trời đất gây ra. Thứ dị khí này gọi là "lệ khí", có tính truyền nhiễm rất cao, bất luận già trẻ mạnh yếu, hễ tiếp xúc với nó thì mắc bệnh. Ðây là một bước tiến rất quan trọng trong nhận thức về bệnh truyền nhiễm của Ðông y. Từ khái niệm lệ khí tới nhận thức về vi trùng của châu Âu chỉ còn một khoảng cách ngắn. Khái niệm lệ khí mở đường cho sự phát triển vượt bậc của các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm trong thời nhà Thanh, hình thành nên học thuyết Ôn bệnh.
Ôn bệnh: Các thầy thuốc đời Thanh cách đây trên 200 năm, tiêu biểu là Diệp Thiên Sĩ, Ngô Cúc Thông... đã tập hợp nhiều kinh nghiệm chữa bệnh truyền nhiễm của Ðông y hơn nghìn năm thành học thuyết ôn bệnh. Ôn bệnh quan niệm bệnh do tà khí ôn nhiệt gây nên, xâm nhập vào người theo từng tầng từ ngoài vào trong là Vệ Khí Dinh Huyết. Khi phát bệnh chủ yếu là nóng tổn thương phần âm dịch, khi chữa trị cần bảo tồn tân dịch. Ðiều quan trọng là các thầy thuốc đã nhận thức được tính hay lây nhiễm của tà khí nên đề ra nhiều biện pháp vệ sinh để phòng ngừa.
2. Tà khí và Chính khí
Như vậy quan niệm về nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm của Ðông y đã có sự tiến bộ từ đời này qua đời khác. Ban đầu Ðông y quan niệm 6 thứ khí hậu bên ngoài đều có thể gây bệnh: Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng), Thấp (ẩm), Táo (khô), Hỏa (nóng). Sáu thứ khí này khi nhập vào cơ thể sẽ gây bệnh, trong đó quan trọng nhất là Phong và Hàn. Ðể tránh bệnh cần thuận theo mùa, tránh các thứ khí trên. Dần dần, các thầy thuốc đã nhận thức nguyên nhân gây bệnh là một thứ khí độc không phải trong 6 thứ khí hậu thông thường, gọi là lệ khí, ôn tà; Thứ khí này tràn tới đâu sẽ gây dịch bệnh tới đó. Ðể phòng bệnh, cần phải vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
Ðông y gọi sức khỏe của con người là Chính khí. Chính khí mạnh thì tà khí không thể xâm nhập. Tà khí muốn gây bệnh cho người phải xâm nhập vào tầng cơ thể ngoài cùng là Vệ. Vệ khí là một bộ phận của Chính khí. Nếu lớp Vệ này khỏe mạnh thì con người sẽ không bị mắc bệnh. Vì vậy cần phải tích cực rèn luyện thân thể, ăn uống đầy đủ để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, giữ cho chính khí khỏe mạnh, tức là Vệ khí được chắc chắn thì sẽ chống lại được mọi loại bệnh truyền nhiễm. Như vậy là về quan điểm dự phòng, Ðông y đã đi trước Tây y hàng trăm năm. Chúng ta không phủ nhận vai trò của vaccin trong phòng bệnh, nhưng đứng trước mỗi dịch bệnh mới, khi vaccin còn chưa có, thì vai trò của vệ sinh và sự tự đề kháng của mỗi người là vô cùng quan trọng.
3. Một số bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh truyền nhiễm giai đoạn đầu
- Quế chi thang
Quế chi 12g, Bạch thược 12g, Cam thảo 8g, Gừng tươi 12g, Ðại táo 12 quả.
Ðây là bài thuốc rất nổi tiếng của Trương Trọng Cảnh, có tác dụng chữa các bệnh truyền nhiễm giai đoạn đầu, ra ít mồ hôi, sốt nhẹ. Tất cả các vị trên băm nhỏ, cho 2 bát nước sắc lấy một bát, uống nóng. Sau khi uống ăn kèm một bát cháo nóng để giúp thuốc có tác dụng tốt hơn.
- Tang cúc ẩm
Tang diệp (lá dâu) 12g, Cúc hoa 8g, Hạnh nhân 10g, Liên kiều 10g, Bạc hà 6g, Cát cánh 12g, Cam thảo 6g, Rễ cỏ tranh 12g.
Ðây là bài thuốc của Ngô Cúc Thông, một thầy thuốc nổi tiếng của phái Ôn bệnh. Dùng để trị các bệnh truyền nhiễm phong ôn mới phát, sốt chưa cao, miệng hơi khát. Cho thuốc với 2 bát nước, sắc lấy 1 bát, uống ngày 2 lần.
- Ma hạnh thạch cam thang gia vị
Ma hoàng 8-12g, Hạnh nhân 10g, Thạch cao 40g, Cam thảo 10g, Ngư tinh thảo (Rau dấp cá) 20g.
Ðây là bài thuốc nổi tiếng của Trương Trọng Cảnh để điều trị các bệnh truyền nhiễm đã vào đến Phế gây sốt cao, khó thở. Bài này đời sau gia thêm rau dấp cá có tác dụng kháng sinh mạnh. Ma hoàng cho đun trước, hớt bỏ bọt, sau đó cho 3 bát nước sắc lấy 1 bát.
Như vậy từ xa xưa, Ðông y đã có nhận thức khá đầy đủ về các dịch bệnh truyền nhiễm, từ nguyên nhân gây bệnh đến cách phòng ngừa và dùng các phương thang để chữa trị. Theo quan điểm Ðông - Tây y kết hợp, trong giai đoạn mà Tây y cũng chưa có cách gì để chữa các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra thì việc dùng các bài thuốc Ðông y sẽ có nhiều tác dụng hỗ trợ tốt.
Chú thích ảnh: Trương Trọng Cảnh.