ÐÔI ÐIỀU VỀ Y HỌC DÂN GIAN

Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN (Khoa Ðông y - Viện quân y 108)

Ðến nay hẳn không ai phủ nhận y học dân gian là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền y học cổ truyền nước nhà. Nhưng thế nào là y học dân gian? Ðặc trưng của nó là gì? Vai trò xu hướng phát triển ra sao?... Những vấn đề này, ngay cả trong giới chuyên ngành, không phải ai cũng đã tường tận. Bởi vậy, tình trạng hoặc nhấn mạnh một cách quá đáng hoặc quá coi thường một bộ phận trong kho tàng kinh nghiệm chữa bệnh quý báu của cha ông âu cũng là điều dễ hiểu. Trong bài viết này, chúng tôi xin được mạnh dạn trình bày một số vấn đề cơ bản để bạn đọc có thể tham khảo và bàn luận.

Y học dân gian là gì?

Có thể hiểu y học dân gian (folk-medicine) là toàn bộ những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động, ra đời từ thời kỳ công xã nguyên thủy, trải qua các thời kỳ phát triển lâu dài trong những chế độ xã hội có giai cấp và tiếp tục tồn tại trong thời đại hiện nay.

Y học dân gian còn được gọi là kinh nghiệm dân gian, y học bình dân (để phân biệt với y học bác học), y học truyền khẩu (để phân biệt với y học thành văn)... Những khái niệm này xuất hiện từ khi nào không rõ, nhưng có lẽ sớm nhất cũng chỉ từ đầu thế kỷ XX. Trên thực tế, khái niệm y học dân gian rất ít được sử dụng, mà chủ yếu là dùng các cụm từ "kinh nghiệm chữa bệnh dân gian", "môn thuốc dân gian", hay chìm lẫn trong các khái niệm y học dân tộc, y học cổ truyền, Ðông y...

Y học dân gian ra đời và phát triển như thế nào?

Ngay từ thuở nguyên sơ, khi còn ở thời đại đồ đá, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, bệnh tật bảo vệ cuộc sống, người xưa đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc và biết sáng tạo ra những cách chữa bệnh không dùng thuốc. Ví dụ, ban đầu củ gừng, củ tỏi... chỉ được dùng với mục đích nấu nướng để làm thay đổi và đa dạng hóa mùi vị, tạo ra những thức ăn ngon miệng, nhưng dần dần về sau người ta nhận thấy chúng còn có khả năng làm ấm bụng và dễ tiêu, làm hết đi lỏng do ăn phải những đồ sống lạnh..., và thế là bắt đầu một cuộc hành trình dài - từ trong lòng đất - củ gừng và củ tỏi đã theo con người lên bàn ăn, đi vào tủ thuốc của từng gia đình, đồng thời công dụng chữa bệnh của chúng được thử thách qua thời gian và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Theo đà phát triển của lịch sử, kho tàng kinh nghiệm dân gian phòng chống bệnh tật ngày càng phong phú và đa dạng. Cùng với sự ra đời của chữ viết, người xưa đã biết ghi chép, tổng hợp và đúc rút ra những quy luật về mối quan hệ giữa cơ thể con người và bệnh tật cùng phương thức sử dụng kho tàng kinh nghiệm chữa bệnh đã có, từ đó dần dần hình thành nên nền y học thành văn mang đậm tính bác học và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nền y học dân gian không còn đất để phát triển mà ngược lại, như một dòng nước ngầm chảy âm thầm trong lòng đất, nó vẫn tiếp tục có sức sống mãnh liệt, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, không ngừng phục vụ nhân dân và đắp bồi cho nền y học thành văn.

Y học dân gian có đặc điểm gì?

Trước hết, y học dân gian luôn mang đậm tính thực tiễn và có mối quan hệ hết sức mật thiết với đời sống sinh hoạt của nhân dân lao động. Bởi lẽ, sự ra đời, tồn tại và phát triển của nó là do nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và lưu giữ từ đời này sang đời khác. Dường như nền y học này tham gia vào đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân lao động với tư cách như là một thành phần, một nhân tố cấu thành của những sinh hoạt đó. Hai chữ "dân gian" (trong dân) trong tên gọi của nó cũng đã đủ nói rõ điều này.

Thứ hai, đó là tính truyền miệng (truyền khẩu) hay nói cách khác truyền miệng là phương thức tồn tại chủ yếu của y học dân gian, khi chưa có chữ viết thì đó là phương thức duy nhất, nhưng ngay cả khi văn tự đã xuất hiện và nền kinh tế rất phát triển thì phương thức truyền khẩu vẫn là chủ yếu với tư cách là một trong những phương thức sáng tạo của hoạt động khoa học không chuyên gắn liền với hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, y học dân gian mang đậm tính văn hóa vì nó chính là một bộ phận không thể thiếu của kho tàng văn hóa dân tộc, nhất là nền văn học Việt cổ, so với y học thành văn nó dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa hơn. Xét về mặt nguồn gốc thì ở bất cứ dân tộc nào, y học dân gian cũng mang bản sắc đậm đà của nền văn hóa dân tộc đó.

Thứ tư, y học dân gian rất gần gũi với tự nhiên và dễ phù hợp với sinh lý tự nhiên của cơ thể con người. Phương thức dùng thuốc và không dùng thuốc của nó rất gần gũi với những sinh hoạt hàng ngày, thậm chí nhiều khi rất khó phân biệt đâu là phần can thiệp của y học và đâu là phần hoạt động sống thường nhật.

Cuối cùng, y học dân gian là một nền y học mang đậm tính đại chúng, tính phổ biến. Hầu hết các kinh nghiệm dân gian đều rất dễ dùng, dễ kiếm, đơn giản và rẻ tiền. Vì tính chuyên môn hóa không cao nên mọi người đều có thể nhận thức và vận dụng một cách dễ dàng.

Nội dung của y học dân gian?

Có thể nói, y học dân gian là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, nhưng nội dung chủ yếu vẫn không ngoài hai vấn đề lớn có quan hệ hữu cơ với nhau: dưỡng sinh và trị liệu, hay nói đầy đủ là phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Khó có thể kể hết các biện pháp mà y học dân gian sử dụng nhưng tựu trung cũng không ngoài hai nhóm lớn: dược vật liệu pháp (dùng thuốc) và phi dược vật liệu pháp (không dùng thuốc). Dược vật liệu pháp bao gồm nhiều dạng thuốc như thang, cao, đơn, hoàn, tán, tửu dược, trà dược... và nhiều phương thức sử dụng như uống, bôi, xông, xoa, đắp, dán... Phi dược vật liệu pháp cũng là cả một kho tàng kinh nghiệm hết sức phong phú, từ những thủ thuật cụ thể như châm cứu, xoa bóp, cạo gió, giác hơi... đến các phương pháp tập luyện như khí công, dưỡng sinh... và những kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm gội, ngủ nghỉ, chọn nơi ở, dưỡng thai, sinh hoạt tình dục...

Vai trò của y học dân gian

Ra đời do yêu cầu bức thiết của thực tiễn cuộc sống và được lưu truyền giữ gìn trong nhân dân nên y học dân gian có một vai trò rất đặc biệt trong việc phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho con người. Ngay cả khi nền y học thành văn đã hình thành và phát triển, y học dân gian vẫn lặng lẽ tồn tại và được sử dụng khá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đắc lực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cá nhân và cộng đồng.

Ở làng xã Việt Nam, hầu như nhà nào cũng trồng dăm ba "cây nhà lá vườn" vừa để làm rau ăn, gia vị hàng ngày, vừa để dùng làm thuốc khi đau ốm, hầu như người nào cũng biết một vài bài thuốc đơn giản hoặc đôi ba môn đánh gió, cạo gió, xông, chườm, tẩm quất, day bấm huyệt..., hầu như bà nội trợ nào cũng biết cách nấu, cách dùng một số món ăn - bài thuốc theo kinh nghiệm cổ xưa truyền khẩu... Ðiều đó cho thấy, y học dân gian có một vị thế không nhỏ trong đời sống thường nhật của nhân dân ta, nhất là trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, y học dân gian còn có một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền y học thành văn, mà trước hết nó là một bộ phận cấu thành không thể thiếu và là cơ sở của nền y học cổ truyền nói chung. Không ít những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian đã được phân tích, chứng minh, chỉnh lý và nâng cao dưới ánh sáng của khoa học kỹ thuật hiện đại và được áp dụng một cách rộng rãi, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng một nền y học hiện đại.

Cho đến nay, ở nước ta, y học dân gian đã được quan tâm phát hiện, bảo tồn và khai thác, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết, thậm chí là khá cấp bách như: thống nhất quan điểm, đấu tranh khắc phục một số quan niệm cực đoan (hoặc quá coi thường y học dân gian do hiểu biết còn nông cạn, hoặc quá nệ cổ mà đề cao nền y học này một cách quá đáng); Khẩn trương phát hiện, sưu tầm và bảo tồn kho tàng tri thức y học dân gian, tránh nguy cơ thất truyền đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở cộng đồng các dân tộc thiểu số; Tích cực tổ chức nghiên cứu chứng minh, thẩm định các kinh nghiệm dân gian trên cơ sở khoa học và không làm mất đi bản sắc của chúng... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Con người khó lòng biết hết được kho tàng kinh nghiệm từ hàng ngàn năm dồn lại và ngày nay vẫn đang tích lũy thêm lên. Khoa học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể giải mã hết được những bí mật của tạo hóa. Vì vậy, bên cạnh khoa học bao giờ cũng tồn tại kinh nghiệm sống của con người được tạo nên bởi bề dày của sự tiến hóa và bề dày của lịch sử từng dân tộc, trong đó không thể thiếu vắng nền y học dân gian.

Chú thích ảnh: Con nấc mẹ dán ngọn trầu không.

 

BÌNH LUẬN ĐÔNG Y
Bài khí công “bát đoạn cẩm” là gì?
Bí quyết cai thuốc lá mà không tăng cân
Cai nghien ma tuy tai cong dong bang cham cuu
Chứng ra mồ hôi
Cách dùng ngải cứu chữa bệnh
Cách nhận biết mật gấu thật
Cây cảnh ngày Tết cũng là thuốc chữa bệnh
Cảm lạnh theo đông y
Cẩn thận khi day, bấm huyệt ở hiệu cắt tóc, gội đầu
Dùng vị trung dược cần kiêng ăn những gì?
Dịch cân kinh biến người yếu thành khỏe
Hiểu như thế nào về minh mạng thang bài "nhất dạ lục giao sanh ngũ tử"
Hiểu như thế nào về minh mạng thang? bài "nhât dạ ngũ giao": đại bồ tạng thận, dùng lâu ngày tai, mắt sáng tỏ
Hiểu như thế nào về minh mạng thang? bài "nhầt dạ lục giao sanh ngũ tử": bổ thận, bổ thần kinh, khí Huyết gia tăng, tăng cường sinh lực…
Hiểu như thế nào về minh mạng thang? bài "nhầt dạ ngũ giao": đại bổ tạng thận, dùng lâu ngày: tai, mằt sáng tỏ
Hiểu như thế nào về minh mạng thang? bài "yếu cốt thống dược tửu"
Hoa quả tác động khác nhau lên phụ nữ và nam giới
Hàn the gây hại sức khoẻ như thế nào
Hướng mới trong điều trị bệnh thận bằng y học cổ truyền
Không uống nước tiểu để chữa bệnh tim
Kết hợp Đông - Tây y chữa sốt xuất huyết
Lá cây sống đời không thể chữa bách bệnh
Mười động tác luyện tập để phòng và chữa đau lưng câp
Mất ngủ và y học cổ truyền
Mấy câu chuyện về bản chất của châm cứu
Mẫu người thầy thuốc y học cổ truyền được đào tạo trong tương lai?
Một số kinh nghiệm phòng chống mất ngủ
Nghề bắt rắn - nghề chữa bệnh bằng thảo mộc ở lệ mật và con rằn trong y học dân gian
Nguyên liệu làm bánh chưng cũng là thuốc quý
Người bình thường có nên dùng thuốc bổ Đông y ?
Nhân sâm kỵ thuốc chữa bệnh tim
Những vị và phương thuốc Nam
Những điều cần chú ý khi uống thuốc thang - BS Hoàng Ðình Lân
Nước quả bưởi làm tăng độc tính của nhiều thuốc
Phát hiện nấm cổ linh chi khổng lồ ở Việt Nam
Phát hiện quần thể cây sơn tra bắc mới ở Quảng Nam
Phân biệt đông trùng hạ thảo thật và giả
Phòng chống các căn bệnh không lây nhiễm bằng trái cây và rau củ
Phòng chống suy giảm tình dục bằng nhân sâm
Phòng chữa nếp nhăn trên da mặt bằng bài thuốc dân gian
Phụ nữ mang thai nên thận trọng với nhân sâm
Sắc thuốc thang đúng cách
Thiên nhiên - liều thuốc giảm đau hữu hiệu
Thiền sư dạy người đời phương thuốc chữa bệnh nóng giận, phiền não, đau buồn…
Thuốc cổ truyền Việt Nam điều trị ung thư
Tác dụng không mong muốn của thuốc cổ truyền
Tắm thuốc - phương pháp chữa bệnh độc đáo của Đông y
Vai trò đông y dược trong việc dự phòng
VIAGRA của vua Càn Long
Viện Y Dược học Dân tộc áp dụng phương pháp mới điều trị nghiện ma túy
Y học cổ truyền quan niệm về tỳ vị như thế nào?
Y học cổ truyền và giâc ngủ
Y học cổ truyền với viêm khớp dạng thấp
Đoán bệnh qua bàn tay
Đôi ðiều về y học dân gian
Đông dược cũng có tác dụng phụ
Đông y dược - dự phòng - chữa trị - dự báo sars
Đông y ðối phó với dịch bệnh
Đồng Nai áp dụng thành công cai nghiện bằng châm cứu
Ứng dụng thuốc y học cổ truyền vào điều trị đái tháo đường type 2

 

THƯ MỤC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài thuốc Đông Y
Bình luận Đông Y
Dược thiện
Thảo Dược
Trang Võ Hà
Trà dược
Tài dược
Tự chữa bệnh
Xoa bóp trị liệu
Điều trị Đông Y