ÐÔNG Y DƯỢC - DỰ PHÒNG - CHỮA TRỊ - DỰ BÁO SARS
Tác giả : Lương y HUYÊN THẢO (Tiếp theo và hết)
SARS CÓ TRỞ LẠI ÐẦU NĂM GIÁP THÂN?
Theo GS. Tiều Tư Tường ở Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật tại Bắc Kinh: Hội chứng SARS thuộc phạm trù "ôn dịch" của Ðông y học, nhưng không giống "xuân ôn" và "phong nhiệt" (Trung y tạp chí 9/2003).
"Ôn dịch" là một dạng "ôn bệnh" - Một bệnh cấp tính, do cảm phải "ôn tà" trong 4 mùa gây nên, triệu chứng thiên về nhiệt và dễ thương âm. Ôn bệnh có nhiều loại: Mùa xuân dễ phát "xuân ôn" và "phong nhiệt"; Hạ dễ phát "thử ôn" và "thấp ôn"; Thu hay có "ôn táo"; Ðông dễ phát "đông ôn"; Phương nam nhiều "thấp nhiệt", phương bắc hay mắc "táo ôn" và "hàn ôn". "Ôn dịch" cũng là một dạng "ôn bệnh", nhưng có tính lây nhiễm cực nhanh và dễ gây thành dịch.
Hiện nay, phương pháp dự báo dịch bệnh theo quan điểm "Thiên nhân hợp nhất" của Ðông y đang được giới khoa học quan tâm đặc biệt. "Thiên nhân hợp nhất" (còn gọi là "Thiên nhân cảm ứng", "Thiên nhân tương ứng") có nghĩa là: Trong vũ trụ tồn tại một số phép tắc chung, mang tính phổ quát, chi phối tất cả các hình thái vận động: từ sự vận hành của các thiên thể, sự biến động của thời tiết khí hậu, sự biến đổi của sinh vật và phi sinh vật... cho đến sự phát sinh bệnh tật và dịch bệnh.
Như chúng ta đã nói ở phần trước, bệnh tà (vi trùng, virus...) là sản vật của một thời gian, một trạng thái khí hậu hoặc một hoàn cảnh đặc định nào đó. Vì vậy, sự xuất hiện của bệnh tà có liên quan mật thiết đến sự thay đổi của khí hậu. Ðặc biệt dịch bệnh thường phát sinh vào những thời điểm mà khí hậu có biến động mang tính tại biến. Dựa trên các quan sát thiên, khí tượng và tình hình dịch bệnh, ngay từ xưa các nhà Ðông y học đã rút ra kết luận: Mỗi năm thường có 2 giai đoạn dễ phát ôn bệnh. Trong đó, một giai đoạn bệnh tương đối nhẹ, chỉ phát ra dưới dạng "nhiệt bệnh", còn một giai đoạn bệnh phát nặng - trở thành "ôn dịch".
Căn cứ vào các thiên nói về Ngũ vận lục khí trong "Hoàng Ðế Nội kinh", kết hợp với tình hình ôn dịch thực tế, sách "Ôn bệnh điều biện", của danh y Ngô Cúc Thông, thời nhà Thanh (TQ) đã đưa ra cả một "lịch dự báo ôn dịch" hàng năm như sau: Năm Tý, năm Ngọ: Ôn dịch phát ra từ tiết Thu phân đến Tiểu tuyết. Sửu, Mùi: Từ Xuân phân - Tiểu mãn. Dần, Thân: Từ Ðại hàn - Xuân phân. Mão, Dậu: Từ Xuân phân - Tiểu mãn và từ Tiểu tuyết - Ðại hàn. Thìn, Tuất: Từ Ðại hàn - Xuân phân. Tỵ, Hợi: Từ Tiểu tuyết - Ðại hàn.
Theo nhà nghiên cứu Phó Cảnh Hoa ở Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh, một sự kiện đáng chú ý là dịch SARS năm Quý Mùi đã phát ra đúng với những dự báo của Ðông y học. Ông phân tích: "Xét theo vận khí, năm 2003 là năm Quý Mùi theo Nông lịch. Tuế vận là Hỏa. Nửa năm đầu, khí Thái âm Thấp thổ tư thiên, trong đó Khí thứ hai (từ tiết Xuân phân - Thanh minh - Cốc vũ - Lập hạ) "chủ khí" và "khách khí" đều là Thiếu âm Quân hỏa - "đại hỏa đương lệnh". Hỏa khí thái quá thì ôn dịch lưu hành. Vùng phía Nam vận đến sớm hơn nên bệnh phát trước. Sang đến khí thứ 3 (từ Tiểu mãn - Tiểu thử) - tháng 6-7 Dương lịch: thấp khí đại thịnh, dịch bệnh lánh xa."
Nếu như SARS còn quay trở lại theo "lịch dự báo ôn dịch" trên, thì trong năm Giáp Thân, bệnh có nhiều khả năng phát sinh vào ngay đầu năm (trong thời gian từ tiết Từ Ðại hàn - Xuân phân), nghĩa là vào khoảng từ 21/01/2004 - 20/03/2004.
Xin nêu một số kinh nghiệm của người xưa để tham khảo và thử chiêm nghiệm, dự phòng!