Bác sĩ vui tính trả lời (phần 1)
1.Tại sao xương sống lại toàn những đốt, uốn cong mà không phải là một đoạn dài thẳng như xương ống chân?
Suốt đời người lao động chân tay và trí óc, dù ở tư thế ngồi, đứng hay đi lại, cột sống đều chịu mọi trọng tải lớn và có ý nghĩa sống còn đối với cơ thể.
Xương sống là cột trụ của thân mình, là cột cái của bộ khung xương. Các xương sườn tạo thành lồng ngực, các bắp thịt ngực và bụng đều bám vào xương sống. Tay chân, qua các xương đòn, xương chậu, đều tựa vào cột sống. Cột trụ đó vững vàng và uyển chuyển, nhờ một chồng 33 đốt sống, được đệm giữa bằng những đĩa sống có tính đàn hổi. Các đĩa đệm này có tác dụng chống ma sát và giảm xóc khi lao động, đi lại, chạy nhảy… Các dây chằng và bắp thịt nhỏ bện cho cột sống thêm bền.
Cột sống là trung tâm phát đi mọi cử động của thân thể. Nhờ cột sống uốn dẻo mà cơ thể kịp thời duy trì được thế thăng bằng.
Cũng như hộp sọ bảo vệ bộ não, cột sống là cái ống xương rắn chắc bảo vệ tuỷ sống từ não nối xuống. Qua các lỗ giữa các đốt sống, tua tủa những hệ thần kinh từ não tuỷ toả ra toàn thân. Hệ thần kinh như một mạng dây điện, đảm bảo thông tin thông suốt, chỉ huy bộ máy cơ thể hoạt động điều hoà. Tuỷ sống là gốc mang bộ rễ thần kinh, phát ra các phản xạ. Vì thế bấm nắn sống lưng gây ra các phản xạ làm giảm đau mãi tận các phủ tạng trong sâu. Và tổn thương cột sống sẽ làm căng cứng bắp thịt, mặt khác một điểm đau ở xa cũng ảnh hưởng đến tư thế cột sống.
Hình thành những đường cong
Ở người khỏe mạnh, sức nặng của thân hình ở tư thế đứng thẳng uốn cột sống thành hình chữ S. Nhưng điều này chỉ thấy khi nhìn nghiêng, còn nếu nhìn trước mặt ta sẽ tưởng như cột sống thẳng băng. Nhờ uống khúc rồng rắn như thế, cột sống trở nên mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu nổi trọng tải lớn, khối lượng vận động nặng.
Ở trẻ mới đẻ, cột sống tương đối thẳng. Khi bé biết ngẩng đầu, đoạn cột sống cổ cong ra trước để đỡ cái đầu. Khi biết ngồi, hình thành đoạn cong ngực. Khi biết đứng và đi, đến lượt đoạn sống hông cong ra trước, và đoạn sống cùng - cụt cong ra sau.
Các đoạn cong ở cổ và ngực cố định lúc 7 tuổi. Đoạn cong thắt lưng muộn hơn, đến 12 tuổi mới hoàn thành. Con trai từ 13 tuổi xương sống dài ra rất nhanh, và trưởng thành ở tuổi 25. Giai đoạn này ở con gái là từ 8 đến 18 tuổi.
Vì sao cột sống dễ vẹo?
Ở lứa tuổi đang lớn, bản thân các đốt sống và gân cơ, gân chằng còn non yếu nên cột sống rất dễ uốn vặn, vẹo, lệch. Bộ xương các em nhiều chất hữu cơ, dần dần sụn mới đắp vôi thành xương cứng cáp. Nó dẻo dang, gãy chóng liền, nhưng mềm, dễ cong vẹo. Không giữ tư thế ngay ngắn, khuôn xương đang đúc nhất định sẽ còng quèo và lớn lên, xương rắn lại rồi thì không sửa sai được nữa.
Ngồi học lâu gây căng thẳng một số bắp thịt (nhất là trong lứa tuổi nhỏ thích tung tăng thoải mái). Mười năm trên ghế nhà trường là thời kỳ sống lưng đang đúc thành khuôn và rất dễ cong vẹo.
Thống kê sơ bộ cho thấy bệnh vẹo lệch cột sống học sinh ở nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Ở lớp một, 100 em mới có 3-4 em bị tật này; lớn lên lớp chín lớp mười có tới 20 em. Theo độ tuổi, bệnh càng phổ biến và nặng. Mới vẹo, khi đứng nghiêm cột sống lại nắn thẳng. Nặng hơn thì nhìn ngoài cũng thấy lệch. Về sau thành tật, sẽ không điều chỉnh được nữa.
Khi cột sống biến dạng, lưng có thể gù, còng, ưỡn, cả cột sống hay từng đoạn cong vẹo hình chữ C hay chữ S (thuận hay ngược), lệch vai…
Nguyên nhân gây vẹo cột sống
1. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến vẹo cột sống chính là việc dùng bàn ghế không hợp lứa tuổi. Cũng bàn ghế ấy, sáng lớp chín ngồi, chiều lớp bốn. Các em lớp dưới ngồi bàn ghế lớp trên lút tận cổ, vươn lệch vai, mắt dán vào sách vở. Một số em phải đứng hay quỳ mà viết. Về nhà, có em ngồi học trên giường, ngồi bệt xuống đất, kê lên đùi mà viết, lấy ghế chõng, bàn thờ làm bàn…
Dạng cong xương sống hình chữ S ngược chiếm số đông, do các em ngồi bàn cao và hay nghiêng ngó về bên trái. Số ít bị gù lưng vì ngồi bàn thấp quá, ngực bẹp do tì vào mép bàn (cũng như thợ đóng giày lõm ngực do tì dụng cụ).
2. Hệ xương cơ còn yếu, tổ chức chống đỡ lỏng lẻo, khi các em ngồi, đứng, làm việc gì lâu, quá sức thì dễ mệt và lệch tư thế.
“Chưa học bò đã lo học chạy”, bé đã phải ẵm em (chị vẹo sườn, em còng xương sống), gồng gánh quá sớm, xách một bên tay, gánh không trở vai, thói quen ngồi nghiêng một phía, bị điếc phải vặn mình để chõ tại nghe cho rõ… cũng là những nguyên nhân làm vẹo lệch sống lưng. Ấy là chưa kể tới ảnh hưởng của các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu thở, bại liệt, lao cột sống…
Tác hại của vẹo cột sống
Nếu cột sống còng quèo, trọng tâm thân thể lệch thì ngồi lâu sẽ bị mệt mỏi, học khó vào. Tim, phổi bị chèn ép, sinh thiếu thở, cản trở tuần hoàn, chậm lớn, lực cơ bị giảm sút. Lâu dần bị chứng đau lưng, các đốt sống mòn vẹt, thoái hoá, xơ cứng. Lớn lên, các em bị lệch hình khó mà lao động giỏi, không đủ sức khoẻ học nghề hay làm nghĩa vụ quân sự…
Làm thế nào để khỏi vẹo cột sống?
1. Sử dụng bàn ghế phù hợp với vóc người:
- Bàn bằng 46% chiều cao đứng của thân thể, ghế bằng 27%.
- Bàn ghế dùng cho lớp học sinh lớp nhỏ cần có thiết bị điều chỉnh chiều cao, ánh sáng lớp học phải đầy đủ.
2. Rèn luyện thói quen ngồi học ngay ngắn:
- Ngồi với 4 điểm tựa: hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn.
- Mắt cách mặt bàn 25-30 cm, tuỳ lứa tuổi.
Như thế trọng tâm thân thể phân phối đều, bắp thịt đỡ căng, tuần hoàn thuận tiện, dáng điệu đẹp mắt, cơ thể thoải mái, trí tuệ tập trung…
3. Thể dục thể thao: thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, các môn thể dục thể thao kết hợp thở không khí sạch, bơi lội… làm cho sống lưng mềm dẻo, vững chắc và chỉnh lại dáng cong vẹo.
LTS: Cuốn sách "Bác sĩ vui tính trả lời" của bác sĩ Lã Vĩnh Quyên là tập hợp những giải đáp cho các câu hỏi của thanh thiếu niên về các vấn đề liên quan tới sức khỏe và con người. Mục đích của tác giả là giúp các bạn trẻ hiểu biết thêm về cơ thể mình, biết cách sống vui-khỏe-sạch, phòng ngừa ốm đau và tự cứu chữa các bệnh thông thường.