Bác sĩ vui tính (phần 19)
Tại sao khi ngủ hay nghiến răng? Như thế có phải là số vất vả và sẽ chết non không?
Quan niệm như thế là mê tín đấy! Việc nghiến răng có hại chăng là nó làm mòn men răng, nhai kém, có thể viêm quanh răng, viêm tuỷ răng. Một cái hại nữa là nó gây phiền hà cho người nằm bên cạnh, phải rùng mình thao thức vì những tiếng ken két trong đêm thanh vắng.
Đây không phải là “thói xấu chơi” của hai hàm răng, vì thủ phạm chính là dây thần kinh số năm. Dây này đi từ mỏm tháp màng não cứng xuống, điều khiển hoạt động của các cơ nhai (cơ chân bướm trong, cơ chân bướm ngoài), làm cho hàm răng dưới co khít, đung đưa, cà vào hàm răng trên. Hiện tượng nghiến răng xảy ra khi vỏ não, vốn đang ức chế khi ngủ, vì lý do nào đó bỗng kích thích ở điểm chỉ huy dây thần kinh số năm.
Bạn nào hay ăn quà vặt, đêm nằm mơ tưởng đến cái kẹo, củ khoai nướng, nhất là lại thèm những của chua ê răng thì về đêm hay nghiến răng, vì điểm nghiến răng trên vỏ não bị kích thích mạnh vẫn tỉnh và hoạt động ngay cả khi bạn ngủ say thiếp. Giun sán quấy trong bụng cũng dội lên óc, kích thích nghiến răng vào ban đêm. Lâu dần, vòng cung phản xạ nghiến răng được định hình, thành một thói quen khó sửa.
Để bỏ được tật này, bạn hãy bỏ thói quen ăn quà vặt, ban ngày thì kiềm chế mình không nghiến răng. Đi khám bệnh, xét nghiệm nếu thấy ký sinh trùng đường ruột thì phải chịu khó uống thuốc tẩy.
Trong việc điều trị, thầy thuốc có thể cho thuốc an thần nhẹ (bromua, meprobamat, gacdenan), vitamin B1 hoặc chỉ định châm cứu. Có thể dùng một số loại cây nhà lá vườn làm thuốc ngủ như lá vông nấu canh, hạt sen, ngó sen… Dân gian hay cho trẻ ăn những thứ nhai mỏi miệng để thôi nghiến răng, đồng thời cũng đệm cho răng khỏi mòn khi nghiến.
Giấc mộng báo điềm lành - dữ, có đúng không?
Thức, ngủ và mơ là ba trạng thái hoạt động bình thường của bộ não. Giấc ngủ của người khỏe mạnh gồm một chuỗi nối tiếp những khoảng ngủ say và chiêm bao. Thời gian dành cho các giấc mơ mỗi đêm chừng 100 phút. Nếu một người hễ bắt đầu ngủ mơ màng liền bị đánh thức dậy, không bao lâu người đó khó tránh khỏi bệnh tâm thần. Sau những đêm “nhịn mơ”, người ta thường mơ kéo dài để “trả nợ”, hệt như sau khi mất ngủ, ta phải ngủ bù cho lại sức.
Mộng xảy ra khi nửa thức nửa ngủ. Mọi điều trong giấc mơ đều là những cái ta đã từng trải, đã cảm xúc, được ghi vào óc ta. Do trong lúc ngủ, vỏ não không đủ tỉnh táo để đoán định nên những sự thật đi vào chiêm bao thường chắp vá lộn xộn, méo mó, vô nghĩa và phi lý. Một nhà bác học định nghĩa: Người chiêm bao là một người điên đang nằm ngủ.
Như vậy, không thể nói rằng giấc mộng báo trước một điềm dữ hay lành. Sự việc xảy ra và giấc mơ nếu có giống nhau thì cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nếu bạn mơ thấy đỗ thủ khoa nhưng lười học bài thì ắt là thi trượt. Còn nếu mộng thấy “điềm gở” thì cũng không việc gì phải lo.
Sách "Hoàng Lê nhất thống chí" có kể chuyện nàng Ngọc Hoan mơ được thần ban cho một tấm gấm dệt đầu rồng. Quan hoạn Chu Xuân Hán cho là điềm sinh chúa mới, bèn vờ nhầm tên, đưa nàng vào cung chúa Trịnh Sâm. Sau đó Trịnh Tông ra đời. Dù là “con đẻ” của một điềm báo mộng cực kỳ vinh hiển, hậu vận của Tông vẫn hẩm hiu, chúa Trịnh Sâm vẫn “phế Tông lập Cán”.
Cậu bé Coxchia (nhà bác học Xioncopxki hồi nhỏ) có lần đang đêm mê hoảng do bị ám ảnh bởi một bức tranh quỷ sứ. Bà mẹ liền đến nhà lão bán chim Ianco mua bức tranh đó về đốt cháy trước mặt cậu và nói: “Những điều khủng khiếp của con đang cháy đây này! Tất cả chỉ là chuyện mà người ta bịa ra để doạ những người dốt nát, răn đe những kẻ xấu bụng đừng làm việc ác mà thôi!” Từ đó Coxchia không đọc và không tin những chuyện địa ngục nữa, cũng hết hoảng hốt vì những giấc mơ quái gở.
(còn tiếp)