Bác sĩ vui tính (phần 20)
Tại sao lại bị bóng đè? Có phải là do yếu bóng vía hay không?
Không phải vì ban ngày đua với bóng của mình trong nắng hay dưới ánh đèn, hoặc dẫm lên bóng đầu người khác mà ban đêm bạn bị bóng đè đâu. Đây thực ra là một hiện tượng mộng mị.
Khi bị bóng đè, người ta sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu. Nếu biết là mình đang bị bóng đè nghĩa là người ta vẫn còn tỉnh một nửa. Dòng điện não ghi được trong giấc mơ này cho thấy, hoạt động vỏ não nhanh, các tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng do tăng chuyển hoá, tóm lại là chẳng khác gì lúc thức. Thế nhưng con ngươi của mắt tít lại như đang ngủ, các giác quan không tiếp xúc với bên ngoài, các bắp thịt không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế.
Trong giai đoạn ngủ chập chờn và hay mộng, những kích thích yếu lại gây ra đáp ứng mạnh. Vì vậy, chỉ cần một bàn tay đặt lên ngực khi nằm ngửa, một cái cúc áo chật, hoặc không khí nhiều CO2 trong một buồng ngủ, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội.
Thường “bóng” chỉ đè những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, hoặc người khoẻ nhưng một lúc nào đó còn một điểm yếu trong tinh thần.
Để đề phòng bóng đè, bạn đừng đọc loại truyện ma quỷ, kiếm hiệp. Tư thế nằm ngủ phải thoải mái: Nằm nghiêng phải, chân hơi co, tay duỗi, làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.
Tại sao một số em bé mới đẻ mà vú đã có sữa ? Các tuyến nội tiết có vai trò gì ?
Trường hợp những em bé (có thể là con trai) vừa lọt lòng đã có cặp vú nở, tiết ra sữa hẳn hoi là có thật. Đó là do nội tiết tố sinh dục nữ với nồng độ cao trong máu mẹ thâm nhập vào dòng máu thai nhi gây nên.
Chỉ huy việc tiết sữa chính là tuyến yên, một trong các tuyến nội tiết trong cơ thể. Viện sĩ I. P. Paplop đã làm thí nghiệm cắt đứt dây thần kinh vú của con dê cái hoặc cắt vú thỏ cái ghép vào vùng tai thỏ. Kết quả là những cái vú này vẫn chảy sữa như thường. Đây là hiện tượng một chất nội tiết của tuyến yên theo dòng máu đã đến kích thích hoạt động của tuyến sữa.
Ngay ở giới thực vật chưa có thần kinh, các tế bào đã có những tương tác hoá học nguyên thuỷ: Những sản phẩm của sự trao đổi chất tuần hoàn trong cơ thể tạo nên mối liên hệ giữa các cơ quan và tổ chức.
Ở người, sự điều hoà hoá học đó do tuyến nội tiết đảm nhiệm. Mỗi tuyến sản xuất ra những chất nội tiết có tác dụng chuyên biệt, đổ vào mạng lưới tuần hoàn máu để gây ảnh hưởng đến những bộ phận rất xa nhau (tạo nên mối liên hệ thể dịch toàn thân). Tuy chỉ có một lượng rất nhỏ nhưng các nội tiết tố có vai trò xúc tác rất lớn, thúc đẩy các chức năng sinh lý, ổn định các chỉ tiêu lý hoá của môi trường bên trong cơ thể.
Hệ nội tiết là một hệ thống thông tin hoá học, bao giờ cũng kết hợp với hệ thông tin bằng xung điện của thần kinh. Nó còn giữ tính tự động cổ truyền tuy vẫn phục tùng vỏ não. Hệ thần kinh thể dịch đảm bảo sự phối hợp hài hoà của toàn bộ máy cơ thể, để thống nhất đối phó với môi trường sống luôn luôn biến động.
Trong hệ nội tiết có những tuyến nội tiết đơn thuần như tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng. Bên cạnh đó lại có những tuyến vừa nội tiết vừa ngoại tiết như tuyến tụy, tuyến tinh hoàn.
Nhiều tuyến hoạt động thường xuyên, nhưng cũng có tuyến chỉ làm việc theo “thời vụ” như rau thai, hoàng thể (bảo vệ thai). Có tuyến chỉ phát huy tác dụng trong một đoạn đời, rồi nghỉ (như buồng trứng).
Nếu thiếu các tuyến nội tiết hoặc các tuyến này bị trục trặc thì điều gì sẽ xảy ra?
Các bệnh tuyến thượng thận làm cho con trai dậy thì sớm, con gái mọc râu, huyết áp cao vọt hoặc thấp, đái nhiều, da sạm, kém thích nghi với các yếu tố kích động.
Một số tuyến nội tiết quyết định sinh mạng. Nếu bị cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên, con vật thí nghiệm sẽ mệt xỉu, lượng máu, huyết áp, nhịp thở và nhiệt độ đều giảm. Nó sẽ bị những rối loạn chuyển hoá trong máu rồi chết trong vài ngày. Còn nếu bị mất tuyến cận giáp trạng, con vật sẽ bỏ ăn, run giật, co cứng, thở rống và chậm. Sau nhiều cơn bệnh thăng giáng, nó bị co thắt thanh quản, trụy tim mạch và không sống được qua một tuần lễ.
Việc u tuyến yên (do thừa nội tiết) tạo nên những người khổng lồ, đái ra chất đường và chết non, hoặc những người không cao nhưng tay chân bàn cuốc, mặt to, cằm bạnh… Trái lại, việc tuyến yên bị chèn ép (do thiếu nội tiết) tạo ra những người tí hon, lanh lẹ, thông minh, làm xiếc tài. Một anh chàng tí hon năm 19 tuổi được ghép tuyến yên cạnh động mạch cánh tay, và sau 8 năm anh ta đã cao lên được 15,6 cm.
Nếu bị suy nhược tuyến giáp trạng, đứa trẻ chỉ lớn bề ngang, đần độn, da phù cứng, tim đập chậm, hạ thân nhiệt. Các bệnh tuyến giáp còn gây bướu cổ, lồi mắt, run tay, tim đập nhanh…
Nếu bị cắt cả tuyến giáp trạng và tuyến yên, những con nòng nọc đến chết vẫn là nòng nọc, không thể thành ếch nhái được. Tuy nhiên, nếu ta thả thuốc thyreoidin (tinh chất chiết từ tuyến giáp) vào nước (70 độ C trở lên) có nòng nọc thì chỉ ít lâu sau, chúng sẽ đứt đuôi, nhảy lên bờ và hoá thành ếch nhái trưởng thành.
Gà trống thiến nếu được ghép buồng trứng thì sẽ mất bộ mã, thun mào, kêu cục cục, chịu khó chăn đàn con y như mái mẹ. Việc thay tinh hoàn vào buồng trứng làm cho ả gà mái gáy te te, mọc cựa, to mào, thích làm đỏm và sinh kiêu căng.
Những phép phù thuỷ kể trên chẳng qua là do sự thay đổi trong hoạt động của các tuyến nội tiết.
(còn tiếp)