Bác sĩ vui tính trả lời (phần 40)
Nếu cho rằng người và động vật là “ký sinh trùng” của cây cỏ thì có ngoa không? Không có cây xanh thì sự sống có tồn tại không?
Năm 1771, tại phòng thí nghiệm, nhà hóa học Anh Prisly thả một con chuột vào cái chuông thủy tinh kín. Ít ngày sau, khi đã hít cạn dưỡng khí và thả đầy thán khí, chuột bị thiếu thở mà chết. Trong một thí nghiệm khác, nhà khoa học đặt vào trong chuông một chậu con trồng một cây bạc hà, kết quả là 9 ngày sau, chuột vẫn sống và cây bạc hà mọc cao. Sự kiện này gây chấn động trong giới khoa học. Người ta yêu cầu Prisly làm lại thí nghiệm. Rủi thay, cả tuần lễ sau đó trời đầy sương mù ảm đạm. Cây bạc hà vẫn nảy nhanh, nhưng con chuột thì tắt thở.
Mãi sau này, khoa học mới cắt nghĩa được nguyên nhân thất bại của Prisly: Phải có năng lượng mặt trời thì cây xanh mới biến thán khí thành chất bột, đường và giải phóng ra dưỡng khí. Đó là phát minh vĩ đại về tác dụng quang hợp của cây xanh.
Sau này, nhà sinh lý học thực vật K. Timiriazep lại khám phá thêm rằng: Dưới tác dụng của tia nắng đỏ, lá xanh hút hết thán khí; dưới tác dụng của tia nắng vàng và tím, cây chỉ hút được ít thán khí. Còn dưới tác dụng của tia nắng xanh, hầu như cây không hút thán khí.
Nếu không có cây cối, sự sống không thể khai sinh và duy trì được, trái đất này chỉ là một sa mạc khô cằn. Nhà khoa học Rabinovic cho rằng “nếu cây cối biết nghĩ, nó sẽ cho chúng ta là kẻ ăn bám, giống như việc chúng ta nhận định con giun là một ký sinh trùng”.
Người, động vật và nhà máy đều tiêu thụ dưỡng khí, thải ra thán khí. Các nhà khoa học cho rằng số dưỡng khí của trái đất chỉ đủ dùng cho khoảng 500 năm nữa, nếu ta cứ tiếp tục phá rừng như hiện nay. Sự hô hấp sẽ ngừng vì cạn dưỡng khí, ứ đọng thán khí nếu như cây xanh không nối vòng sinh thái bằng một quá trình ngược lại: Lấy thán khí để phục hồi dưỡng khí. Hằng năm cây cối khắp hoàn cầu đã tiêu thụ khoảng 550 tỷ tấn thán khí để giải phóng ra 400 tỷ tấn dưỡng khí.
Cây xanh không chỉ cho con người không khí để thở mà còn là nguồn thức ăn nuôi sống chúng ta. Cho đến nay, khoa học hiện đại vẫn chưa có khả năng dùng nguyên liệu vô cơ để tổng hợp thành các chất hữu cơ (đường, mỡ, đạm). Trong khi đó, các loại thực vật lại hút nước, khí trời và các chất vô cơ để chế biến ra chất hữu cơ, động vật chỉ việc chiếm lấy mà đồng hóa. Dù ta ăn rau hay ăn thịt thì nguồn dinh dưỡng đó đều có nguồn gốc từ thực vật.
Mỗi năm, cây cối trên trái đất, kể cả thực vật đơn bào dưới đáy biển, đã sản xuất chừng 400 tỷ tấn đường, phải dùng đến 400 triệu đoàn tàu trọng tải 1.000 tấn mới chở hết. Nếu mỗi tàu dài 200 mét thì chúng sẽ nối nhau quấn 2.000 vòng trái đất.
Trong các con tàu vũ trụ, người ta nuôi một số cây rong clorenla trong phòng bay (có khả năng sinh sản nhanh) để trừ thán khí và chế biến thành thức ăn. Nước tiểu của các nhà du hành được dùng bón ngay cho cây. Như vậy, họ đã tạo được trong tàu vũ trụ một chu kỳ sinh thái khép kín giống như trên mặt đất, đỡ phải tiếp tế thức ăn và giải quyết chất thải trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp.
Cây xanh đã tích lũy năng lượng mặt trời, năng lượng giấu trong lòng đất để dành cho công nghiệp và sinh hoạt con người. 98% năng lượng loài người đã dùng là có nguồn gốc sinh khối (năng lượng sinh học). Gần 70% năng lượng ta dùng là than đá và dầu mỏ, cũng từ cây cối mà ra, gần 30% là năng lượng tái sinh do cây xanh hiện nay sản xuất. Mỗi năm, thảm thực vật trên hành tinh chúng ta cung cấp một số năng lượng bằng 20 vạn nhà máy thủy điện Cubisep (công suất mỗi năm 10 tỷ Kw/h. Tuy nhiên, loài người chỉ dùng hết 0,35% số năng lượng ấy.
Cây bạch đàn có tiết ra đất những chất độc hại không? Nó có công dụng gì trong y học?
Cây bạch đàn có nhiều loại: bạch đàn đỏ, bạch đàn trắng, bạch đàn chanh, bạch đàn liễu. Theo phân tích của ngành lâm nghiệp, bạch đàn liễu chứa nhiều tinh dầu, trong đó 80% là chất độc xineon. Chất này làm cho thảm cỏ dưới tán bạch đàn bị chết héo, vi sinh vật trong đất cũng bị tiêu diệt. Một nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy, bạch đàn tạo ra một lớp thảm mục axit nghèo ba dơ trao đổi. Tán lá bạch đàn thưa, không đủ cản nắng nên đất dưới chân nó bốc hơi mạnh, khô. Vì vậy, việc trồng bạch đàn trên đồi trọc sẽ gây bất lợi cho đất. Tuy nhiên, nếu được trồng nơi đất trũng có nhiều nước, đất phèn, đất cát, dọc đường đi thì nó không gây hại gì cho các cây cỏ khác.
Về mặt làm sạch môi trường sống và bảo vệ sức khỏe chúng ta, cây bạch đàn đáng tuyên dương công trạng. Nó hút nước trong lòng đất rất mạnh nên cải tạo được khí hậu ẩm thấp, lam sơn chướng khí. Mùi thơm của lá bạch đàn xua đuổi muỗi, giúp chống bệnh sốt rét.
Y học đã dùng tinh dầu bạch đàn làm thuốc xoa, xông hơi, nhỏ mũi, xi rô, cồn thuốc sống, thuốc tiêm chữa các chứng ho, cảm sốt… Chất Piperiton trong tinh dầu bạch đàn còn được dùng để chế cao xoa bóp và thuốc tẩy sán.
Cây bạch đàn từ Australia di thực sang nước ta cách đây hơn nửa thế kỷ. Từ chỗ chỉ có mặt ở vùng Đò Cấm (Nghệ An), hiện nay nó đã phủ xanh nhiều đồi trọc các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Thái…
(Còn tiếp)