Bác sĩ vui tính trả lời (phần 2)
Các bắp thịt được phân công, phối hợp ra sao?
Thời trước, khi hăm doạ nhau, người ta thường xắn tay áo lên. Những vận động viên thể thao cũng tự hào vì có đôi vai nở hay những bắp tay nổi “con chuột”. Họ coi đó là một tiêu chuẩn của sức tráng kiện. Thực ra, những biểu hiện bề ngoài đó chưa phải là mục đích cuối cùng của thể dục thể thao. Mọi hoạt động của ta đều có sự phối hợp của cả cơ thể, ví dụ để bơi thuyền bạn cần có cả đôi cánh tay chắc và sự hoạt động nhịp nhàng của cơ lưng và chân. Vì vậy, cái cần phải đạt được là sự phát triển toàn diện của toàn bộ hệ xương cơ trong cơ thể, trước hết là để đảm bảo sự ăn khớp của bộ giò khoẻ và cột sống vững vàng.
Để tập luyện cho đúng và có được sự phát triển thân hình toàn diện, bạn cần biết công dụng của từng bắp thịt trong người. Sau đây là những bắp thịt quan trọng cho sức khỏe con người, cho vẻ đẹp của cơ thể:
1. Cơ bụng
Mọi môn vận động đều liên quan đến loại cơ này. Nếu nó kém phát triển thì không thể nói đến chuyện tập luyện thành công được. Nhiều người thường hãnh diện về bắp tay hộ pháp của mình nhưng khi lên xà ngang, họ lại không nhấc nổi đôi chân. Nguyên nhân là do cơ ở bụng của họ yếu. Những người mới tập luyện đều thấy cơ bụng chính là chỗ yếu nhất của mình. Các bắp thịt ở bụng là bức thành bảo vệ các phủ tạng như gan, dạ dày, ruột, thận…, giúp cho tiêu hoá, hô hấp. Có một thành bụng vững chắc, phụ nữ sẽ sinh nở dễ dàng.
Bụng có cơ thẳng và cơ chéo:
- Cơ thẳng giúp ta khép đùi vào bụng và ngồi xổm hay ngồi bó củi. Cơ này ở người bình thường không nhìn thấy được, chỉ qua tập luyện công phu (cử tạ, quyền anh...) mới có được những múi nổi trên đường rốn.
- Cơ chéo giúp ta xoay người sang trái hay sang phải, cuộn người lại. Bạn có thể sờ thấy cơ này nếu đặt tay vào trước bụng, ở bên sườn.
Mọi môn thể thao đều giúp phát triển cơ bụng, nhất là ném đĩa và các động tác uốn người, xoay nghiêng…
2. Cơ hoành
Cơ hoành là cái lá chắn ngăn giữa ngực và bụng, một cơ dẹp rộng nhất cột sống mà chỉ những nhà phẫu thuật mới nhìn thấy nó. Nếu nó mà ì ra, không co giãn thì ta khó mà thở ra hít vào được. Cơ hoành hoạt động làm tim được ép nghẹt, đập nhịp nhàng hơn, gan được “vuốt ve” xoa bóp, nhu động của ruột, dạ dày thêm mạnh.
Anh bộ đội mới tập hành quân vũ trang, nếu chưa quen sẽ thấy đau xóc, đau tức ngang sườn. Đó là vì cơ hoành của anh yếu quá, không giữ cho gan, ruột dưới bụng và tim, phổi trên ngực được chặt. Kết quả là khi chạy chúng xóc lên xóc xuống, làm rão cả dây chằng phủ tạng. Em hãy tập chạy, nhảy, bơi thuyền, hoặc giản đơn hơn, mỗi sáng tập thở 10-15 phút là đủ củng cố cơ hoành.
3. Cơ thang
Nếu trên lưng em mà đếm được đủ các gai của đốt sống có nghĩa là em gầy quá, cơ thang kém nở nang. Không có cơ thang, xương bả vai của ta sẽ không ép được vào lồng ngực mà dô ra một cách thảm hại, ta không thể ngả đầu ra sau lưng được.
4. Cơ rộng
Cố quành tay ra sau, ta đụng phải cơ rộng. Nếu liệt cơ này thì khó mà quặt tay ra sau hoặc chủ động hạ tay xuống (khi không có sức kéo tự nhiên của trọng lực).
Cơ rộng và cơ thang củng cố tư thế đứng thẳng của thân hình, làm cho dáng đi được uyển chuyển, tạo một tư thế không gây trở ngại cho hoạt động của phổi và tim.
5. Cơ ngực
Bộ ngực của lực sĩ đầy đặn là do cơ ngực phát triển. Nhờ cơ ngực vững chắc, ta leo dây dễ dàng. Nhà đô vật có lợi thế kéo ngã đối phương với sức mạnh ép vào của cơ ngực.
6. Những bắp thịt lưng, cổ dọc theo cột sống.
Đó là những bắp thịt ở sâu, không thích phô trương sự nở nang của nó, nhưng có vai trò quan trọng không kém. Chúng quyết định hình dáng chữ S và vị trí ngay ngắn của đầu. Khi cúi đầu, lưng còng xuống, khi ngẩng đầu, lưng thẳng ra, lồng ngực nở hơn, phổi được căng nở thoái mái. Hãy cảm ơn những bắp thịt của cột sống giúp ta cúi ngẩng dễ dàng!
Tư thế ngay ngắn khi ngồi, nằm, đi, đứng làm cho các bắp thịt lưng đỡ căng thẳng, mệt mỏi, tạo nên đường cong đẹp của thân hình. Và những động tác gấp lưng, tập xà, nằm chống tay thẳng chân, v.v… có tác dụng phát triển sự cơ động của cột sống.
7. Cơ mông
Đó là một bắp thịt to khoẻ nhất cơ thể, mà những trẻ “bụng ỏng đít teo” không có. Cơ mông yếu thì bạn khó mà kéo được đùi ra sau hay dạng chân ra.
8. Các cơ đùi
- Cơ đùi trong giúp ta quay tròn chân, chạy, nhảy, đi bộ.
- Cơ hai đầu giúp ta co chân lên được.
- Cơ bốn đầu cho phép ta duỗi chân ra. Những cơ đùi này đặc biệt phát triển khi tập ngồi và cử tạ.
9. Cơ bàn chân
Không có nó thì bạn không thể chạy, nhảy được. Nhờ bắp chân nở nang, những anh chàng lùn đi xem kịch cũng cao lên được ít nhiều và kiễng chân lâu mà không mỏi.
10. Cơ đen-ta ở vai
Nhờ nó, bệnh nhân có thể giơ tay cho y tá tiêm bắp thịt và mũi tiêm sẽ “ngọt ngào” ở một bắp vai dày. Những người lái đò, người gồng gánh và những người nông dân thường có cơ đen-ta rất nở nang.
11. Các cơ bắp tay
- Cơ hai đầu làm nổi “con chuột” ở cánh tay là cơ gấp.
- Cơ ba đầu ở sau tay là cơ duỗi.
Với cơ bắp tay mạnh, khi vật tay bạn sẽ thắng và khi leo dây bạn sẽ tới đích cao. Cử tạ, bơi thuyền, leo dây là những môn vận động tay tốt nhất.
(còn tiếp)