Bác sĩ vui tính trả lời (phần 35)
Có phải từ đống rác rưởi có thể thu hồi được khối của quý không?
Hằng ngày, thế giới thải ra hàng chục triệu tấn rác. Nếu chỉ nghĩ đến chuyện vứt đi thì qua năm tháng, chất thải sẽ chồng chất, tìm đâu ra chỗ chứa! Vì vậy, việc tái sử dụng chất thải không chỉ nhằm tiết kiệm mà còn là một giải pháp xử lý chất thải.
Hà Lan đã dành cả một hòn đảo rộng chừng 2 km2 làm chỗ đổ rác chung cho ba nước Hà Lan, Bỉ, Anh. Rác ở đây sẽ được chở tới nhà máy chế biến hoá chất, phân bón. Thành phố Bantimo nhờ bán vụn kim loại, vụn thuỷ tinh và khí tổng hợp từ rác mà thu được 1,5 triệu USD mỗi năm.
Rác được nghiền qua máy. Sau đó, người ta dùng khí nén hoặc nước để tách các loại vật liệu nặng, thường là kim loại, thủy tinh, đá và đất sét. Vụn kim loại đen được hút bằng nam châm. Thuỷ tinh, kim loại màu (nhôm) cần có những thiết bị phức tạp hơn mới thu hồi được. Từ rác hữu cơ, người ta rút ra nhiên liệu lỏng hay khí đốt để sưởi ấm, thắp sáng…
Hiện ở Mỹ có hơn 20 nhà máy điện dùng rác làm nhiên liệu. Theo các chuyên gia Mỹ, một kg rác cho 1.200-1.400 Kcal nhiệt. Từ một tấn rác, có thể thu được 400 kg nhiên liệu lỏng. Hơn nửa triệu tấn rác sinh hoạt mà nước Mỹ thải ra mỗi năm cung cấp khoảng 73 triệu tấn than, bằng 15% nhu cầu than của công nghiệp Mỹ.
Ở Pháp, rác được nghiền, lọc, rắc vi khuẩn lên men trong bể ngầm hai lần. Sau đó, họ tăng nhiệt độ, hạ độ ẩm xuống 18%, phơi khô, ép thành bánh nhiên liệu. Mỗi năm, các nhà máy ở Lavan dùng 10.000 tấn bánh nhiên liệu được chế từ 16.000 tấn rác, tiết kiệm được 3.000 tấn dầu hoả. Rác trở thành ngành kinh doanh lớn thứ bảy ở Pháp, với doanh số 10 tỷ franc.
Từ bể phân và rác, có thể lấy được khí sinh vật để thắp sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh không?
Tại các nước phát triển, các bà nội trợ chỉ việc mở khoá vòi khí đốt và châm lửa, thế là có lửa nấu ăn: sạch, gọn và tiện biết chừng nào! Khỏi tốn chỗ chữa củi, than, mà đỡ công nhóm bếp, đỡ cay mắt và khói bay, bồ hóng. Tuy nhiên, đằng sau cái vòi khí đốt đơn sơ ở thành phố là cả một nền công nghiệp đồ sộ: những nhà máy chưng than phức tạp, những mỏ khí đốt sâu hàng nghìn mét, một hệ thống ống dẫn khí chằng chịt song song với mạng lưới dây điện, mạng lưới đường ống nước dùng nước thải đắt tiền…
Để có chất đốt, các nước nghèo đành phá rừng lấy củi, ném rơm rạ vào bếp. Đốt bao cây cỏ, chỉ để nấu chín một niêu cơm thật lãng phí. Lẽ ra, những chất hữu cơ này phải được bồi hoàn cho đất, để giữ độ phì nhiêu, tạo nên những mùa màng tốt, cung cấp cái ăn và nguyên liêu công nghiệp. Đốt rừng lấy củi còn dẫn tới những tai hoạ khôn lường về sinh thái và khí hậu.
Xã Quỳnh Giang tuy còn nghèo nhưng đã tìm ra lối thoát riêng cho mình. Người ta cho phân và nước tiểu từ một hố xí và một chuồng lợn, cùng với rác rưởi chảy vào một bể chứa đậy kín. Những thứ này sẽ phân huỷ, tạo thành khí đốt methan. Khí được dẫn vào nhà dùng để đun bếp, thắp đèn, chạy tủ lạnh.
Mô hình này giải quyết tài tình đồng thời bốn vấn đề lớn của thời đại: năng lượng, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh phòng bệnh và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào những vùng nông thôn còn nghèo của thế giới thứ ba.
Bể khí sinh vật đầu tiên của Việt Nam đã được xây dựng ở Thượng đình (Hà Nội). Bể nhỏ, chỉ sản xuất được 1,5-2 m3 khí đốt mỗi ngày.
Sau này, Bộ Ngoại thương thí nghiệm xây loại bể ủ sinh vật kiểu BMT2, tạo khí đun bếp không có muội. Mỗi bể có thể tích 8-10 m3, đủ khí dùng trong sinh hoạt cho một gia đình 5-7 người. Xã Tương Giang (Tiên Sơn, Hà Bắc) rất gương mẫu trong việc áp dụng kỹ thuật này. Trong xã có hàng chục hầm khí sinh vật hoạt động tốt từ nhiều năm nay. Một gia đình dăm người nuôi 3 con lợn, hoặc 1 trâu bò, lấy phân đổ vào hầm ủ khí, sẽ có một lượng khí methan đủ nấu 3 bữa ăn, thắp sáng một đèn măng sông cải tiến 60 W, dành rơm rạ nuôi trâu bò hay lợp nhà. Ba năm sau đủ khấu hao.
Tại TP HCM, Xí nghiệp dược phẩm 408 xây hầm lên men 60 m3, mỗi ngày phân giải 1,2-1,5 tấn phân gia súc, được 40 m3 khí methan để cấp nhiệt cho những lò chưng cất, chạy máy nổ và nén khí tích vào chai gió.
Tại Hà Nội, người ta cũng mới thử xây hầm khí sinh vật cỡ nhỏ 0,5 m3. Những hầm này có thể thay thế hố xí thùng và hố xí hai ngăn, lại sạch sẽ hơn nhiều. Các chất thải từ lò lợn, xí nghiệp chế biến nông sản… cũng có thể ném vào hầm ủ khí sinh vật.
Nhiều cụm bể khí sinh vật lớn cũng đang được thí nghiệm xây dựng.
(còn tiếp)