Bác sĩ vui tính trả lời (phần 10)
Cái răng bé xíu mà sao cứng khỏe? Răng mọc vào tuổi nào là bình thường? Không mọc răng khôn là người… khôn hay dại?
Tục ngữ có câu: “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa” nói lên khá rõ tác dụng sinh lý của răng. Sau khi thức ăn được đổ vào bộ máy tiêu hoá qua cửa miệng, trước hết nó được xé, nghiền trong cái cối xay bằng xương là hai hàm răng.
Cái cối này thật bền, xay dăm bảy chục năm mới long vài chiếc. Động lực của nó là sức co 400 kg của các cơ nhai. Một cái răng khôn chịu tải tới 64 kg, răng cửa yếu nhất cũng chịu nổi 32 kg. So với răng thì xương ổ răng còn chịu tải gấp rưỡi, gấp đôi.
Giáo sư E. Harit đã tiến hành chiếu điện để nghiên cứu răng các vua chúa Ai Cập sống cách đây 35 thế kỷ và kết luận rằng, răng của vợ vua Seti đệ nhị còn tốt nguyên. Đó là vì bà này vốn con nhà nông, thời gian ăn các món nấu nhừ trong hoàng cung chưa đủ để làm cho hỏng răng như đối với các vua dòng dõi Ramxe đệ tam.
Răng chịu khó lao động nên cứng, khoẻ. Tuy nhiên, răng cũng rất biết tiết kiệm sức. Răng cửa lõm bên trong để tiện cho việc cắn, cắt thức ăn ở cạnh răng. Răng nanh dùng làm cữ cho hàm đưa đẩy. Răng hàm có thân phình, mặt nhai thu hẹp để khi nhai sức ép của răng giảm bớt. Rõ ràng là hình thù và cấu trúc của răng được tính toán hợp lý để có một sức trụ vững vàng với một khối lượng tổ chức nhỏ.
Bạn đừng vì thấy răng khỏe mà nghĩ rằng chúng không cần được bảo vệ. Nếu lạm dụng sức răng, dùng nó làm kìm nhổ đinh thì có ngày mẻ răng đấy! Đừng bắt chước cô Marie Macca (Pháp) khi trổ tài cắn vào dây cáp để lôi khẩu đại bác 12 tấn đi xa 50 m. "Chiến công” này lẫy lừng thật, nhưng sau đó răng cô bị tê bại mất nửa giờ đấy.
Quá trình mọc răng
Em bé 6 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng sữa. Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Chiếc răng sữa cuối cùng (thứ 20) là răng hàm số 2, mọc khi bé được 30 tháng tuổi. Khi mọc răng sữa, bé hay ngứa lợi, chảy rãi, thích cắn ngón tay, bạ cái gì cũng đưa vào miệng. Nếu bị viêm nhiễm, bé có thể sốt, co giật. Vài ngày sau răng trồi lên, sức khoẻ của bé lại bình thường.
Từ 6 đến 12 tuổi là thời kỳ rụng răng sữa, thay bằng răng vĩnh viễn, và mọc thêm 8 răng hàm lớn. Còn răng khôn thường mọc ở lứa tuổi từ 18 đến 25. Quá trình mọc răng vĩnh viễn diễn ra khá suôn sẻ, ít bị các tai biến như khi mọc răng sữa. Răng vĩnh viễn mọc sớm nếu răng sữa bị sún hoặc nhổ sớm.
Việc răng sữa mọc sớm hay muộn quá hai tháng, răng vĩnh viễn quá một năm là coi như không bình thường. Chẳng hạn, Tạp chí Răng hàm mặt Bordeaux (Pháp) năm 1949 có nêu trường hợp một em bé mới đẻ đã mọc đủ răng cửa. Người ta phải hút sữa mẹ cho em bú, mài răng để bé khỏi cắn vú. Trái lại, có em hơn 1 tuổi mới mọc răng sữa. Một số bé thì chỉ chậm mọc chiếc răng sữa đầu tiên, còn các răng sau đều “tranh thủ” mọc đúng thời gian.
Răng người hiện đại có gì khác so với răng người cổ đại?
Các nhà khoa học đã nghiên cứu răng của những người cổ thuộc thời kỳ đá mới và kết luận rằng, răng các cụ tổ to và khoẻ hơn răng các con cháu ngày nay. Đặc biệt, răng hàm lớn của họ rất to, mặt nhai hình vuông, ít núm răng. Răng của họ hay mòn theo chiều ngang, nhiều cái mòn mất 1/3. Đó là vì người xưa thường ăn những thứ cứng và nhai nghiền kỹ hơn bây giờ.
Từ khi có lửa, thức ăn được nấu chín nhừ. Thời hiện đại, có nhiều thức ăn được chế biến sẵn, răng được nhàn rỗi nên hàm người có xu hướng bé đi. Răng khôn bị chật chỗ, và cũng chẳng cần đến răng khôn nữa.
Hiện nay có 1/5 đến 1/6 số người không mọc đủ 4 chiếc răng khôn, hoặc hoàn toàn không có răng khôn. Nhiều bác sĩ nha khoa cho rằng không có răng khôn mới là người khôn, người văn minh hiện đại. Tuy nhiên không phải bác sĩ nào cũng nhất trí với điều đó. Bằng chứng là người cổ Lam Điền cũng không có răng khôn, mà họ đâu phải là người hiện đại.
Những chiếc răng khôn ngày nay lại thường mọc... dại, nhất là răng khôn hàm dưới. Chúng hay mắc nghẽn trong cành cao xương hàm hoặc mọc lạc chỗ, trụ lại nghiêng. Răng khôn càng mắc nghẽn lâu càng gây nhiều rắc rối. Nó đội răng hàm bên cạnh lên, làm lợi sưng phồng, có thể hằn cả vết của răng hàm trên. Vùng quanh chân răng khôn trũng xuống, thức ăn giắt vào, khó rửa sạch. Túi quanh răng nung mủ, vỡ ra, khiến cho nhiễm trùng lan sang miệng, sưng amiđan, viêm hạch, viêm tắc nghẽn tĩnh mạch, sưng các bắp thịt chung quanh, viêm xương hàm, nhiễm trùng máu, chèn ép dây thần kinh... Do đó, người cũng bị sốt, há miệng khó, nuốt đau, phát hạch. Trong trường hợp này, phải đợi cho nguội hiện tượng sưng nóng, rồi nhổ phắt cái răng khôn mọc dại ấy đi mới tai qua nạn khỏi.
Khi được 16 tuổi, bạn hãy đi khám răng để phát hiện kịp thời những chiếc răng khôn bị chật chỗ. Cần nhổ mầm răng đi để sớm trừ hậu hoạ.
(còn tiếp)