Bác sĩ vui tính trả lời (phần 15)
Tai người có gì tài giỏi? Có nên xâu tai để đeo hoa tai không?
Truyện ngắn “Mắt và tai” của nhà văn Bianki kể rằng: Có cô Thiên Nga kiêu ngạo lúc nào đầu cũng ngẩng cao, ngước đôi mắt u huyền… Thấy chú Hải Ly lầm lũi vác cành cây ngoài bãi sông, cô nàng khinh khỉnh nói: “Mù dở như chú, thợ săn tay không cũng dễ túm cổ bỏ vào bị!” Ba lần Hải Ly báo là có tiếng động, Thiên Nga vẫn bảo: “Chỉ khéo bịa thôi!” - “Tạm biệt, cô bạn ở lại với đôi mắt tinh, tôi xin đi với đôi tai thính!”. Hải Ly dứt lời, lặn nhanh xuống nước an toàn. Thiên Nga chưa kịp vỗ cánh đã bị súng săn bắn gục.
Đôi tai cần cho cuộc sống như vậy đấy! Hãy bắt đầu câu chuyện cái tai từ ngoài vào trong.
Vành tai
Vành tai nhiều cơ, nhiều kiểu, chẳng ai giống ai. Tuy nhiên, hình dáng tai cũng di truyền, “giỏ nhà ai quai nhà ấy”. Có tai chuột, tai voi, lại có tai vểnh, tai cụp, tai bẹp. Ông cha ta cho tai to là đẹp. Hiện nay nhiều nơi còn tục căng tai. Vì thế, người Văn Lang xưa đeo những cái khuyên nặng tới 300 g (những chiếc khuyên này đã được tìm thấy ở các ngôi mổ cổ giai đoạn Phùng Hưng - Đồng Đậu). Ngày nay, ngành phẫu thuật chỉnh hình có thể cắt sửa những cái tai xấu kiểu.
Đông y có khoa châm tai, cho rằng tai là hình người lộn ngược, có nhiều huyệt, có thể châm cứu các huyệt để chữa bệnh ở khắp các bộ phận cơ thể. Còn Tây y cho rằng vành tai có nhiệm vụ hứng âm thanh. Các rãnh và nếp gấp sụn tập trung âm thanh lại (nếu đổ sáp lấp các rãnh này thì sức nghe sẽ kém hẳn).
Tai súc vật có thể cụp lại khi ngủ yên, dỏng lên khi hướng về tiếng động, ve vẩy để giũ bụi, xua ruồi muỗi. Còn vành tai người thì cứng đơ. Muốn hướng về tiếng động, ta đành phải quay cả cổ. Thế nhưng người lại “trên tài” súc vật, có thể khum bàn tay lên tai nhằm mở rộng vành tai, nghe cho rõ một bản nhạc du dương và bịt tai lại để tẩy chay những lời không đẹp hoặc tiếng ồn.
Tai con giúp người ta làm đẹp nữa. Mà chàng trai cô gái nào chẳng ưa trang điểm? Các cụ đời Hồng Bàng đã biết lấy đá, thuỷ tinh xanh làm nên những cái khuyên tai bốn mấu, đẽo gọt tỉ mỉ, gắn nhạc đồng. Nhiều bạn gái được mẹ xâu lỗ tai để đeo khuyên. Nhưng do xâu tai bằng kim không sát trùng, sau đó lại không biết giữ vệ sinh nên nhiều trường hợp tai bị nhiễm trùng, nung mủ. Hiện nay đã có các loại "súng" bắn lỗ tai vừa không đau vừa hợp vệ sinh. Các bạn gái nếu muốn mình duyên dáng hơn với đôi hoa tai cũng đừng dại mà xâu lỗ tai bằng gai hay nong bằng cuống chiếu nữa nhé.
Ráy tai có ích hay có hại?
Vành tai rót âm thanh vào ống tai. Ống tai được khéo léo bố trí đâm xiên để tiếng động mạnh, vật nhọn khỏi chọc thẳng vào màng nhĩ. Có khi ống tai bị ráy lấp đầy. Chất này chẳng phải do óc, mà do các tuyến ráy tai tiết ra. Có người ít ráy, không cần phải lấy. Có người ráy tiết nhiều thành nút bịt ống tai. Đó là do họ ăn những món nhiều chất béo, cholesterin, do tuyến ráy bị kích thích bởi vi trùng, nấm, bụi và do thói quen hay ngoáy tai… Ráy tai nhờn, chứa chất cholesterin, là lớp bọc bảo vệ ống tai và màng nhĩ.
Trong ráy tai có những chất kháng sinh, có thể ngăn cản vi trùng, nấm mốc vào tai phá hoại. Ngày xưa, dân gian lấy ráy tai bôi vào đinh râu mới mọc để tiêu độc, đó là họ đã biết dùng kháng sinh của ráy tai để trị tụ cầu trùng.
Có bạn thích ngoáy tai luôn luôn, lâu dần thành thói quen. Càng ngoáy, tai càng tiết nhiều ráy tai. Nếu bạ cái gì cũng lấy ngoáy (như tăm, đanh ghim) thì có thể làm nhiễm trùng, sinh nhọt tai (rất đau) và thủng màng nhĩ.
Có trường hợp sau khi tắm, tai bạn ù rồi điếc đặc. Thủ phạm thường là cái nút ráy, nó trương phềnh, bịt lấp ống tai. Có thể chữa bằng cách: Lấy bơm tiêm phụt nước ấm rửa trong tai. Nếu nó vẫn “ngoan cố” thì nhỏ glyxerin bôrát 10 giọt, mỗi ngày 3 lần. Vài ngày sau ráy mềm ra, lấy tăm bông quệt vài lần là hết điếc.
Lỗ tai có khi thành cái bẫy bắt ruồi (thích ăn mủ thối tai) hay những con thiêu thân khi các em học đêm. Nếu thấy lục đục trong tai, hãy nhỏ vài giọt glyxerin bô-rát 1%, rồi nghiêng tai cho côn trùng chui ra.
Thủng màng nhĩ còn nghe được không?
Giữa tai ngoài (vành tai, ống tai) và tai giữa có màng nhĩ ngăn cách. Màng nhĩ như mặt trống căng làm cho tiếng rung lên. Khi màng nhĩ dày quá, không động đậy, sinh nặng tai thì phải chọc thủng màng nhĩ cho âm thanh lọt vào. Nhiều em bé bị viêm tai cũng thường phải chích màng nhĩ để tháo mủ. Màng nhĩ thủng mà các bộ phận khác còn nguyên thì vẫn nghe được, tuy không thính bằng lúc màng nhĩ còn nguyên lành.
Tai giữa tiếp nhận âm thanh rồi truyền qua một chuỗi ba xương nhỏ li ti, hoạt động dưới sự điều khiển của các bắp thịt tí hon. Trong các phương pháp tập luyện cổ truyền của phương Đông có cách úp bàn tay bập bùng ở lỗ tai cốt tập luyện thể dục các cơ xương này.
Các cơ xương tai giữa có nhiệm vụ chêm chống, bảo vệ tai trong khỏi chấn động mạnh, điều chỉnh mức căng của màng nhĩ theo độ trầm bổng của âm thanh. Khi sóng âm thanh mạnh quá, màng nhĩ được "đỡ đòn" để bớt rung động, và để tai trong bớt chói. Khi bị thối tai lâu, khớp các xương này cứng lại, gây nghễnh ngãng ít nhiều.
Thử bịt lỗ tai rồi áp chiếc đồng hồ lại gần tai, bạn vẫn nghe tiếng tích tắc. Đó là vì âm thanh truyền được qua xương. Cuối đời, nhạc sĩ Đức thiên tài Beethoven bị điếc. Ông đã cắn thanh sắt cắm vào hộp đàn để nghe tiếng nhạc rung qua hàm răng. Mô hình này đã gợi ý cho thầy thuốc đương thời chế tạo cái cần thính giác để tăng sức nghe phần nào cho một số người điếc tai giữa.
(còn tiếp)