Bác sĩ vui tính trả lời (phần 43)
Mùi và hương có ý nghĩa gì trong cuộc sống?
Nếp sống vệ sinh hay bẩn thỉu tạo cho mỗi người một mùi đáng yêu hay đáng ghét. Mùi da dẻ là sự pha chế theo tỷ lệ khác nhau các axit béo hoặc hơi do các tuyến tiết ra nhằm giữ ẩm cho da. Chính cái hơi người không ai giống ai ấy lại có tác dụng xua đuổi vi trùng.
Hơi người (cũng như dấu tay) có đặc tính cá nhân, được dùng để nhận dạng. Trong khoa học hình sự, người ta hứng lấy mùi da dẻ của người lạ vào trong lọ. Mùi này có thể lưu giữ được trong 20 năm. Liên Xô (cũ) đã chế được một loại thuốc mỡ axit bôi lên bệ cửa để ghi hơi người qua dấu giày. Lại có loại máy phân tích được mùi trong căn phòng mà nhận biết người từng ở đó đã ăn gì, sờ vào vật gì, mắc bệnh gì, chỉ cần anh ta có mặt trong phòng 45 phút. Chó có thể nhận dạng được người và vật nhờ cái mũi (mũi chó có khả năng phân biệt nửa triệu mùi khác nhau).
Vai trò của mùi trong đời sống động vật
Tuyến ngực mỗi loài kiến tiết ra một mùi riêng biệt để làm tín hiệu liên lạc. Những con kiến gặp nhau thường chạm râu, đánh hơi. Thấy kẻ lạ, chúng liền đánh đuổi ra khỏi tổ. Kiến thợ gặp kiến con thường ghé vào "hôn hít", nếu là cùng đàn thì xúm đến chăm sóc, nuôi dưỡng. Mùi kiến chết là một tín hiệu cho lũ kiến thợ khênh đi chôn. Những chàng kiến nào còn sống nhưng không may dính phải mùi xác chết, dẫu có vùng vẫy mấy cũng bị lôi ra "bãi tha ma". Hễ trốn thoát, chúng lại bị bắt, cho đến khi hả hết hơi xác chết mới được tha về.
Quan sát kỹ, bạn sẽ thấy thỉnh thoảng kiến ta lại ép bụng xuống đất. Đó là kiến đang tiết ra một giọt chất thơm để đánh dấu đường. Bạn cũng chớ phạt con chó săn thính mũi của mình về cái tội hay đái bậy. Chẳng qua là nó muốn dùng mùi khai nước tiểu để đánh dấu đường đi cho khỏi lạc đó thôi. Nếu dấu bị xóa mất, đàn kiến đi sau sẽ dừng lại, chạy nhớn nhác, hung hăng, báo động chiến đấu.
Con ong khi đến gần một đám hoa nhiều mật ngon thường mở cái nắp ở cuối bụng để tỏa chất thơm ra, “đánh điện” cho bầy ong bạn đến hút nhụy. Chính hương thơm của mật ong cũng quen thuộc và hấp dẫn đàn ong. Trong truyện cổ Grim, chú ong đã giúp hoàng tử Ngốc nhận ra người yêu mình trong ba chị em giống nhau như đúc bằng cách chạm vào môi nàng, vì nàng có uống mật ong.
Trong giới sinh vật, mùi là tín hiệu để nhận dạng, tìm mồi, tránh kẻ địch, giao duyên, tóm lại là bản năng tự vệ và duy trì nòi giống. Nếu con thỏ không ngửi thấy mùi hổ để sớm cao chạy xa bay thì chúng ta sẽ không còn nhân vật thỏ trong các câu chuyện kể. Bông hoa nhờ gửi hương cho gió mà nhắn được bướm ong về thụ phấn. Có những con ngài đực rất thính mũi, có thể đánh hơi thấy ngài cái cách xa tới 3 km để tìm gặp nhau. Con người khôn khéo đã lấy ngay “bùa yêu” ấy để làm bẫy, diệt những con sâu bướm phá hoại mùa màng.
Một nhà côn trùng học đã dành 30 năm nghiên cứu và chiết xuất được 20 mg chất gipton từ 50 vạn con bướm cái chưa thụ tinh. Lượng chất thơm này của một con bướm cái có khả năng tập hợp 1 triệu con bướm đực quanh vùng có bán kính vài km. Vì vậy, nó được dùng làm mồi nhử để bẫy bướm.
Mùi hương trong cuộc sống con người
Với người, hương hoa làm cho cuộc sống đẹp, bữa ăn thêm ngon. Rau thơm, gia vị tuy ít nhưng thỏa mãn nhu cầu tâm lý (không kém quan trọng so với nhu cầu sinh lý). Mùi thơm trong nấu nướng như mùi phi thơm, mỡ rán, riềng ớt... có tác dụng át mùi tanh, khêu gợi cảm giác thèm ăn và giúp tiêu hóa tốt. Người ta ăn bằng miệng và cả bằng… mũi. Việc ngửi và nếm thường được phối hợp, tạo nên cảm giác ngon miệng. Ta thường nói “hương vị”, “mùi vị”, nghĩa là mùi và vị gắn liền. Va ni trong kẹo, mứt tết không có vị gì, nhưng mùi thơm của nó như có vị ngọt.
Cảm giác về mùi đôi khi mang tính chủ quan. Nhiều người Việt Nam không chịu nổi mùi phó mát, nhưng lại thích mắm tôm, một thực phẩm mà người nước ngoài không dám đụng tới do mùi của nó. Người Đức rất ghét thói quen ăn tỏi sống của người Nga. Vì thế mà Pie Đại đế có lần quở trách viên ngự sử Macarop vì ông này vô ý thở ra mùi tỏi vào mặt quý khách nước ngoài.
Không chỉ có mặt trong bữa ăn, mùi vị còn bao quanh chúng ta ở khắp nơi. Đó là hương hoa cau, thiên lý ở hiên nhà, mùi lá bưởi, hoa hương nhu đượm suối tóc người thương, mùi bánh chưng, giò lụa trong không khí những này Tết.
Các nhà kỹ nghệ Nhật Bản do hiểu biết tinh tế thị hiếu khách hàng, đã sản xuất ra những chiếc quạt thơm. Từ những chiếc quạt này thổi lên làn gió biển đượm mùi cá và rong rêu, hay làn gió núi tỏa hương gỗ thông thoang thoảng.
Hiện đã có những cuốn phim thể hiện mùi của cảnh vật. Máy chiếu phim được trang bị những ống chứa khí nén và những dung dịch mùi khác nhau. Trên phim, bên cạnh đường ghi âm thanh còn có thêm một đường mùi nữa. Các tín hiệu của đường mùi sẽ điều khiển việc mở đóng các van của ống chứa khí nén. Mùi trong phim nhấn thêm cái ấn tượng tổng hợp vào nhiều giác quan, người xem phim thưởng thức bằng mắt, bằng tai và bằng… mũi.
Mùi thơm tho của da dẻ sạch sẽ là một biểu tượng sức khỏe. Hương tinh của hương lài, lá bưởi gội đầu, của cỏ thơm trong nồi nước tắm chính là những vị thuốc và chất kháng sinh thảo mộc xức trên da, và hơi thuốc xông vào tận phổi. Tại các rừng thông, mùi tinh dầu thông cũng thanh trùng không khí cho những người bệnh ở các nhà điều dưỡng cạnh đó, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh phổi nhiễm trùng.
Cách xông giải cảm của ông bà ta xưa cũng giống với phương pháp khí dụng của Tây y hiện đại. Cao “Sao Vàng” chính là một cách dùng mùi để chữa bệnh.
Một bệnh viện huyện ở Liên Xô đã gợi ý dùng mùi thơm cây cỏ để tạo nên phản xạ ngủ có điều kiện cho bệnh nhân. Để ru ngủ, người ta bơm vào buồng bệnh nhân hương thơm của rễ cây thạch xương, kinh giới, sau đó đánh thức họ bằng mùi bạc hà, ngải cứu. Bệnh nhân khi xuất viện được tặng một lọ nước thơm thảo mộc, mỗi lần muốn ngủ thì hít vào như tự đánh thuốc mê…
Các thầy thuốc hồi trung cổ đi chống bệnh dịch thường choàng những bộ áo da dê rộng thùng thình, nai nịt tất găng để mùi bệnh tật, tà khí khỏi xâm nhập. Ngoài ra, họ còn đeo trên mặt nạ một đệm cỏ thơm để khử hơi uế tạp.
Ngoài các mùi lành còn có những mùi độc. Chẳng hạn, mùi nấm mốc và một số phấn hoa có thể gây dị ứng cho con người. Mùi lành hay mùi độc đều là những phân tử hóa chất bay hơi, hằng ngày tác động lên da và bộ máy hô hấp của chúng ta.
(còn tiếp)