Bác sĩ vui tính trả lời (phần 12)
Gan là một nhà máy hoá chất lớn nhất cơ thể, điều này nghĩa là gì?
Thiếu cái dạ dày hoặc bị cắt đi phần lớn não, con người có thể vẫn sống, nhưng ta sẽ chết nếu mất cả buồng gan. Gan là cơ quan lớn nhất của cơ thể, là cả một nhà máy hoá chất tổng hợp. Mọi thức ăn được tiêu hoá ở ruột đều qua tĩnh mạch cửa tới gan, được chế biến lại rồi mới vào máu, đi nuôi dưỡng cơ thể. Mỗi ngày, các tế bào gan sản xuất khoảng 1 lít mật lỏng. Mật được cô đặc 10 lần và dự trữ trong túi mật. Một nửa số mật này sẽ được đẩy vào tá tràng (đoạn trên ruột non) để góp phần tiêu hoá mỡ. Ở đây, muối mật cắt nhỏ thức ăn béo, giúp men ruột phân giải thành axit béo và glycerine. Mật còn là thuốc nhuận tràng thường xuyên, chống táo bón và sát trùng nhẹ đường ruột. Nếu chẳng may bị tắc mật (do sỏi hay viêm ống dẫn mật), người bệnh sẽ gầy và mắc nhiều bệnh do thiếu vitamin D, E, K vốn hoà tan trong mỡ.
Trong bào thai, gan là mẹ đẻ ra lứa hồng cầu đầu tiên. Khi con người ra đời, hồng cầu là con của tuỷ xương, nhưng gan vẫn còn làm công việc điều hoà sinh tử của hồng cầu. Hồng cầu già chết, gan “hoá phép” cho huyết cầu tố biến thành sắc tố mật để thải theo đường ruột.
Gan chế biến các thức ăn như thế nào
Gan có thể biến mỡ thành đường, cũng có thể biến đường thành mỡ và tích trữ những chất dinh dưỡng đó. Chẳng hạn, gan cá thu là một kho dầu, có thể ép ra làm thuốc. Bạn nào bị còi xương chắc chẳng lạ gì những thìa hay viên dầu gan cá thu. Gan cá mập chiếm đến 1/3 trọng lượng thân thể và 90% thành phần của nó là mỡ.
Các thức ăn bột, đường khi tới ruột được phân giải thành đường đơn glucoza. Chúng được lưu hành trong máu với một lượng đủ dùng (1-1,6 g/l). Lượng glucoza còn lại được nhập kho ở gan dưới dạng glycogen. Khi bạn đói hay vận động thân thể nhiều, cần được bồi dưỡng thêm đường, tuỵ tạng sẽ bài tiết ra insulin, tương tự như việc viết một cái séc gửi đến ngân hàng gan. Lập tức gan xuất ra máu một lượng glycogen để biến trở lại thành glucoza. Lượng glycogen này tương ứng với con số insulin ghi trong séc. Khi gan bị cắt, lượng đường trong máu tụt xuống rất nhanh.
Thức ăn đạm sau khi tiêu hoá được phân giải thành các axít amin, sau đó tới gan để được tổng hợp lại thành đạm của máu. Gan cũng lo xa, tích trữ đạm và chủ động xuất ra theo nhu cầu. Các sản phẩm chuyển hoá đạm được gan trung hoà thành urê không độc, thải ra theo nước tiểu.
Gan - người lính gác bảo vệ cơ thể
Mọi chất tiêu hoá vào máu và phân phối cho toàn thân đều qua trạm kiểm soát gan. Cơ quan an ninh này vây bắt, tiêu diệt vi trùng, khử các loại chất độc rồi tống khứ chúng ra theo mật, ném vào buồng phân. Nhờ gan mà những độc tố hình thành trong ruột khi vi trùng lên men thối đã trở nên vô hại. Rượu uống vào được đốt cháy ở gan, đến khi chạy tới tế bào thì sức độc tàn phá đã giảm.
Gan còn sản xuất vitamin K có công dụng cầm máu, thiếu nó thì khi bị đứt tay một tí bạn cũng sẽ bị chảy máu không ngừng.
Dân gian dùng câu "to gan lớn mật" để chỉ sự dũng cảm. Đó là một sự phù hợp lý thú giữa quan niệm dân gian và chân lý y học! Anh chàng Gan quả là dũng cảm trong nhiệm vụ bảo vệ con người. Nó có thể hy sinh khi phải giáp chiến với một kẻ địch mạnh. Chẳng hạn những hợp chất chì, thuỷ ngân… nếu vào cơ thể quá liều thì cơ quan bị nhiễm độc nặng chính là gan. Cách đây mấy thế kỷ, khi mổ tử thi của một ông nghị thành phố Venise chết vì tiệc tùng quá chén, nhà giải phẫu Moganhi nổi tiếng đã nhận thấy gan ông này bị ngộ độc rượu và trở nên teo tóp, xơ cứng, nổi cục.
Mọi chất hoá học vào người đều là gánh nặng cho trạm kiểm nghiệm gan, chưa kể đến việc nó có thể là chất độc. Vì vậy, bạn cần phải ăn uống điều độ, cảnh giác với những món ăn lạ, chỉ dùng thuốc khi cần thiết và thật đúng liều lượng. Có như thế, ta mới bảo vệ được gan, để gan làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Gan đã bị tổn thương thường rất khó chữa, tái tạo hay thay thế, vì cấu trúc và công việc của gan vô cùng phức tạp.
Toàn thế giới mới thử nghiệm vài trăm ca mổ ghép gan. Tuy nhiều ca thành công nhưng tất cả người bệnh đều chẳng sống thêm được bao năm. Bác sĩ Iu. Lopukhin (Liên Xô cũ) đã làm gan nhân tạo, tức là thay gan bằng một ống thuỷ tinh hữu cơ đựng than đá hoạt tính (hoặc nhựa trao đổi ion) để lọc chất độc trong máu. Tuy vậy, các thiết bị y học cồng kềnh và rắc rối này mới chỉ làm được một phần nhỏ trong số các chức năng đa dạng của gan.
(Còn tiếp)