BÁC SĨ VUI TÍNH TRẢ LỜI


Bác sĩ vui tính (phần 27)

Cơ thể con người có đối xứng không?

Nhìn vào gương, ta thấy thân hình có vẻ hoàn toàn đối xứng, hai tay, hai chân, hai lỗ mũi, một cái miệng cân đối ở giữa mặt. Chỉ có đường ngôi là cố ý rẽ lệch một bên, đó là một sự mất cân xứng nhân tạo.

Tuy nhiên, đặc điểm của thế giới sinh vật là không đối xứng. Ví dụ: Chất hữu cơ anilin tổng hợp thì có cả hai dạng phân tử quay phải và quay trái, nhưng trong cơ thể sống chỉ tồn tại một dạng phân tử anilin quay trái mà thôi. Hai bàn tay về đại thể rất cân xứng, nhưng về chi tiết, đường nét thì lòng bàn tay phải khác hẳn lòng bàn tay trái.

Qua cái bề ngoài đối xứng, cơ thể giấu kín sự mất cân đối bên trong. Quả tim chỉ có một, cũng không tròn trĩnh mà lại còn đặt lệch sang trái. Có một buồng gan thì lại xếp bên phải. Lách và tuỵ tạng cũng ở trạng thái này. Phổi phải to hơn phổi trái và có nhiều thuỳ hơn. Hai bán cầu não có hình dạng tương tự, song nửa óc phải có những trung tâm chỉ huy các chức năng khác với chức năng do nửa óc trái phụ trách.

Bình thường, huyết áp ở hai cánh tay có thể chênh lệch nhau 10 mm thuỷ ngân. Khi mắc bệnh, huyết áp hai tay so le tới 50 mm thuỷ ngân, nhất là trong bệnh nhiễm độc thai nghén.

Nhìn chung, nửa người bên phải mạnh hơn nửa trái. Tai phải thính hơn, hàm bên phải nhai nhiều và khỏe hơn, chân tay phải cũng cứng cáp hơn chân tay trái.

Quả thận trái hay bị ứ nước và viêm bể thận hơn quả thận phải do các mạch máu quanh thận trái được bố trí khác thận phải. Tử cung thường vặn từ trái sang phải, làm cho dây chằng rộng bên trái căng hơn, cản trở tuần hoàn máu, do đó chân trái hay bị phù hơn chân phải.

Mắt phải thường tinh hơn mắt trái. Khi tập bắn súng hoặc soi kính hiển vi, ta dễ thấy hai mắt không đồng đều và có những khả năng rất khác nhau. Nheo mắt phải thấy ngượng, khó khăn và không kín bằng mắt trái. Nhưng mở mắt phải mà ngắm thì dễ bắt mục tiêu và bắn trúng hơn là nhắm mắt phải, ngắm bằng mắt trái. Rõ ràng là mắt phải tinh hơn nhiều.

Phòng thí nghiệm tâm lý học của Đại học tổng hợp quốc gia Vinhius (Liên Xô cũ) cho mỗi người thử nhìn ba vật thể khác nhau lần lượt bằng mắt phải, rồi mắt trái, cuối cùng là bằng cả hai mắt nhìn độc lập với nhau (cách một tấm ngăn giữa hai mắt). Kết quả là ở tất cả mọi người, mắt phải đều xác định vật thể tốt hơn mắt trái. Ngay cả trong trường hợp để tín hiệu đập vào mắt trái trước tiên, chúng cũng phải chuyển sang mắt phải đọc xong đã, rồi mắt trái mới kịp định thần chú ý. Chỉ khi nào vỏ não tin rằng kênh bên phải bỏ trống, nó mới chuyển sự chú ý sang nửa phần não trái, và mắt trái bắt đầu nhìn tốt lên, ngang với mắt phải. Kết luận rút ra là bán cầu não phải nhận thông tin thị giác nhanh nhạy hơn bán cầu não trái.

Một em bé đi theo cha kiếm củi trong rừng, chẳng may bị lạc. Người cha trở lại chỗ gặp con lần cuối cùng, rồi cứ xiên tay trái mà đi, và quả nhiên tìm thấy con. Thả một người lang thang không nhằm đi tới đâu cả, bao giờ bước chân vô định cũng hướng người đó về bên trái (đấy là nói đa số, đối với những người thuận tay phải). Bạn thử bảo một người nhắm mắt (hay bịt khăn đen vào mắt) rồi đi thử mà xem! Chính vì chân phải khoẻ hơn chân trái, đẩy xuống đất mạnh hơn nên đã lái người sang trái.

Chân tay bên phải được phân công “tác chiến”, hoạt động nhiều nên mập khỏe, linh hoạt hơn chân tay trái làm nhiệm vụ cố thủ. Nhưng có một giả thuyết cho rằng ưu thế của nửa người phải là do một lực sinh ra khi trái đất quay. Chứng cớ là cá voi ở bắc bán cầu có nửa người bên phải phát triển hơn nửa trái. Số người thuận tay trái ở bắc bán cầu chỉ có khoảng 3%, nhưng ở nam bán cầu lại rất nhiều, ví dụ ở Nam Phi tới 26%.

Vì sao nhiều người thuận tay phải?

Nghiên cứu 12.000 tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm cổ nhất là từ 15.000 năm trước Công nguyên và mới nhất là năm 1950, các nhà y học kết luận rằng 93% loài người thuận tay phải. Thói quen này không hề thay đổi suốt chặng đường dài của lịch sử loài người.

Con người nguyên thuỷ vừa lao động kiếm sống vừa phải tự vệ chống thú dữ. Khi gặp tai hoạ, lo lắng hay làm lụng vất vả thì trống ngực đánh thình thình. Bất giác anh ta ép bàn tay trái vào ngực để trấn an. Còn tay phải cầm dao đá để phòng bị hoặc tấn công. Trong bảo tàng lịch sử còn lưu những bức tranh cổ vẽ người tay phải ném thú, tay trái chắn ngang ngực. Người xưa có kinh nghiệm rằng trong những cuộc đâm chém nhau giữa các bộ lạc, những vết thương vào ngực trái (trúng tim) thường đưa đến cái chết. Và họ làm ra những cái khiên, cái mộc để đỡ đòn. Và tất nhiên, tay trái cầm khiên, mộc bảo vệ trái tim thuận lợi hơn là tay phải. Từ đó, hai tay có sự phân công, tay trái chuyên phòng thủ, tay phải chuyên tấn công (ném đá, phóng lao, đâm dao, chém kiếm…). Tay phải do hoạt động và dùng sức nhiều hơn nên trở nên nở nang, linh hoạt, chính xác hơn tay trái chuyên thụ động chống đỡ.

Trong lao động và sinh hoạt cũng thế. Khi ta ăn, tay trái có mỗi một việc bưng bát, còn tay phải cầm đũa “luôn tay” và cơm, múc canh. Khi viết, tay trái chỉ tì giữ vở trên bàn, để tay phải cầm bút viết lia lịa. Khi giã cua cũng thế, tay phải giành phần nặng hơn, khi mỏi mới nhờ tay trái tương trợ phần nào. Tay phải đảm đương nhiều việc, chăm làm, năng động hơn, nên to, khoẻ, thành thạo, khéo léo hơn tay trái.

Ở con người, do có mối liên quan chặt chẽ giữa óc và tay, giữa lao động và ngôn ngữ nên những trung tâm cơ động trên vỏ não điều khiển bàn tay phải lại nằm gần trung tâm lời nói (ở bán cầu trái của đại não). Nếu chẳng may bị chảy máu não trái thì nửa người phải sẽ bị bại liệt, và cũng không nói, không viết, không đọc được. Còn nếu tổn thương não phải thì nửa người trái liệt, song vẫn nói, vẫn viết được như thường. Kinh nghiệm ở các vườn trẻ, lớp mẫu giáo cho thấy, đối với những cháu thuận tay trái bẩm sinh, nếu cứ uốn nắn một cách thô bạo thì có thể gây những rối loạn về nói năng ở trẻ.

Tuy ở đa số nhân loại, tay phải khỏe hơn nhưng đối với những người thuận tay trái, tay trái của họ cũng khoẻ và khéo léo không kém gì tay phải của người bình thường. Những bức hoạ thiên tài của Leonard de Vinci là kiệt tác của một người thuận tay trái. Luis Pasteur, nhà bác học khai sinh ra ngành vi sinh học, và giáo sư Hồ Đắc Di cũng thuận tay trái. Ở thế vận hội 1980, trong bốn nhà vô địch đấu kiếm thì ba người cầm kiếm tay trái.

Một nhóm các nhà y học Pháp cho rằng, người thuận tay trái có phản xạ nhanh hơn người thuận tay phải. Họ cắt nghĩa rằng mạng lưới thần kinh đi từ não xuống tay trái bằng con đường ngắn hơn là xuống tay phải. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, mọi công cụ lao động, máy móc, vũ khí… đều được chế tạo phù hợp với đa số những người thuận dùng tay phải. Vì thế, thiểu số những người “trái khoáy” sẽ gặp trở ngại khá nhiều.

Tuy nhiên, bạn nào thuận tay trái bẩm sinh cũng không nên quá lo ngại. Việc tập luyện kiên trì và đúng cách sẽ giúp bạn thành thục dần trong việc sử dụng tay phải. Tốt nhất là nên tập làm việc bằng cả hai tay, tay nào cũng thuận. Nhà phẫu thuật dùng thạo cả hai tay thì động tác mổ sẽ nhanh gọn hơn nhiều.

Những người bị thương hay bị liệt tay phải đã tập cho tay trái đảm nhiệm thành thạo công việc của tay phải, thậm chí tay trái còn làm bằng hai. Cánh tay cụt của Hoa Xuân Tứ, bàn chân của Nguyễn Ngọc Ký có thể viết, cuốc đất, làm thủ công… khéo léo không kém những bàn tay lành lặn.

(còn tiếp)


Bác sĩ vui tính

Anh lính bạch cầu tiêu diệt tên vi trùng xâm lược như thế nào?
Bạn bị đau họng, mẹ bạn cho là sưng cục thịt thừa
Chúng ta khoẻ hay yếu so với thuỷ tổ là người vượn? Sau này, khi lên ở Sao Kim, Sao Hỏa, Mặt Trăng, cơ thể người ta có biến đổi gì không?
Các bắp thịt được phân công, phối hợp ra sao?
Cái răng bé xíu mà sao cứng khỏe? Răng mọc vào tuổi nào là bình thường? Không mọc răng khôn là người… khôn hay dại?
Có bao nhiêu vị? Tại sao người ta lại nếm bằng lưỡi mà không phải bằng ngón chân như ruồi ?
Có phải nhân loại đang khát nước không? Làm gì để có nước sạch đủ dùng?
Có phải sinh vật nào cũng thở bằng phổi không?
Có phải từ đống rác rưởi có thể thu hồi được khối của quý không?
Có thể xét nghiệm tóc mà biết bệnh không?
Cơ thể chống nóng lạnh ra sao để thân nhiệt luôn ở khoảng 37 độ C?
Cơ thể con người có đối xứng không?
Cồn - một nhiên liệu lỏng thay thế xăng.
Gan là một nhà máy hoá chất lớn nhất cơ thể, điều này nghĩa là gì?
Hệ sinh thái của ao có tự làm sạch môi trường nước tù đọng không?
Khai thác những mạch nước nóng trong lòng đất để làm gì? Suối khoáng nóng có phải là nước thần không?
Làm thế nào mà người giữ được thăng bằng?
Mùi và hương có ý nghĩa gì trong cuộc sống?
Mũi biết mùi như thế nào ?
Người bị mất một phần ba diện tích da có thể tử vong. Da dùng làm gì mà quan trọng thế?
Người cùng đi hai chân như gà, tại sao bàn chân người khác bàn chân gà?
Nếu cho rằng người và động vật là “ký sinh trùng” của cây cỏ thì có ngoa không? Không có cây xanh thì sự sống có tồn tại không?
Ruột thừa có thừa không?
Tai người có gì tài giỏi? Có nên xâu tai để đeo hoa tai không?
Thịt lợn sau khi ăn vào đã biến hoá thành thịt của bạn như thế nào? Ăn óc bò có sinh “đầu bò”, bướng bỉnh không?
Tại sao bác sĩ lại khuyên các em nhỏ cứ nô đùa thoả thích ngoài nắng để đỡ tốn tiền mua dầu cá uống trị bệnh còi xương ?
Tại sao chúng em cứ khổ mãi về cái khổ người cao, thấp, béo, gầy, so le với chúng bạn?
Tại sao con người lúc nào cũng phải hoà mình với thiên nhiên mới có sức khoẻ?
Tại sao khi chạm vào lửa, ta liền rụt tay lại? Làm sao để bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng có hại từ bên ngoài?
Tại sao khi ngủ hay nghiến răng? Như thế có phải là số vất vả và sẽ chết non không?
Tại sao khi ngủ phải nhắm mắt, ban ngày mắt cứ chớp luôn? Tại sao người bạch tạng thích đeo kính râm đen kịt? Mắt cần bóng tối để làm gì?
Tại sao lúc máy bay hạ cánh, tai thường ù và đau?
Tại sao lại bị bóng đè? Có phải là do yếu bóng vía hay không?
Tại sao những chị lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới đều béo tốt, hồng hào và lớn phổng lên?
Tại sao quả tim cứ đập mãi, đến chết mới chịu nằm yên?
Tại sao ta có hai mắt mà không có một hoặc một nghìn con mắt? Đôi mắt đặt ở hai bên thái dương như đôi tai có được không?
Tại sao tóc chỉ mọc trên đầu và trẻ em, phụ nữ có râu lại bị xem là “trái khoáy”?
Tại sao xương sống lại toàn những đốt, uốn cong mà không phải là một đoạn dài thẳng như xương ống chân?
V.A là gì? Tại sao người lớn không phải nạo “nấm họng” như trẻ em?
Vân tay là gì, tại sao vân tay của mọi người lại không giống nhau?
Y học đã làm được những gì để thay thế các bộ phận tàn tật của cơ thể, ngoài chân tay giả, tim phổi nhân tạo, máy trợ thính…
Đôi tay lắp ráp thế nào mà có thể với tới mọi chỗ trên thân mình?


LIST SÁCH

Khảo sát tình dục học - BS Hồ Đắc Duy
Sách 230 bệnh tật trẻ em
Sách 365 lời khuyên sức khoẻ
Sách Bác sĩ vui tính trả lời
Sách commic - 50 cau hoi HIV - AIDS
Sách Cấp Cứu
Sách Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Sách Giải phẫu thẩm mỹ
Sách Giấc ngủ trẻ em
Sách Giới tính tuổi hoa
Sách Sức khoẻ phụ nữ
Sách Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
Sách Tăng huyết áp - Đào Duy An
Thắc mắc biết hỏi ai


LINK THAM KHẢO