Bác sĩ vui tính (phần 31)
Tại sao con người lúc nào cũng phải hoà mình với thiên nhiên mới có sức khoẻ?
Thiên nhiên là cái nôi của sự sống. Con người nếu muốn khỏe mạnh đều phải sống hòa mình với thiên nhiên. Thực tế cho thấy, những người lao động, vui chơi giữa thiên nhiên thoáng đãng luôn cường tráng, mạnh khỏe. Còn những người sống cuộc đời cấm cung thì yếu ớt như một cái cây cớm nắng.
Dù thiên nhiên có phần khắc nghiệt, cơ thể người đã thích nghi với nó từ lâu. Giữa biển cát Sahara hiếm nước, nhiệt độ trong bóng râm lên đến 45 độ C mà những bộ lạc du mục Tubu vẫn sống. Họ chỉ ăn những quả chà là mà về già răng vẫn chặt, đi bộ mấy chục km mà nhịp tim, huyết áp cứ như lúc mới khởi hành.
Còn sức khỏe những ông hoàng trong cung cấm thì sao? Thế tử Trịnh Cán lúc ẵm ngửa đã mắc chứng cam. Danh y bốn phương về “hầu mạch”, thuốc thang tốn kém kể có trăm nghìn thang mà bệnh không qua khỏi, cuối cùng chết yểu. Chúa Trịnh Sâm thì sợ nắng, sợ gió, thường ở luôn trong thâm cung, nến thắp suốt đêm ngày. Sập ngự trong phủ chúa có trướng thuỷ tinh che kín. Kiệu chúa cũng che rèm thuỷ tinh. Vậy mà bệnh cũ của chúa cứ luôn luôn tái phát.
Lenca, nhân vật trong truyện của M.Gorki , là một chú bé bị thọt hai chân, suốt ngày ở trong một cái hố giữa căn hầm, luôn luôn gặng mẹ lau cửa sổ để được nhìn thấy nắng. Ước mơ lớn nhất của chú là được mua một chiếc xe lăn để ra chơi ngoài trời và tậu được một ngôi nhà giữa cánh đồng thoáng đãng.
Người bệnh liệt giường rất thèm ra ngoài trời, thèm được vận động thân thể trong thiên nhiên phóng khoáng. Và cái cảm giác vui sướng ấy dường như làm quên lãng những đau đớn và mối lo bệnh hoạn. Nhà bác học Pavlop sau khi trải qua cuộc phẫu thuật đã xin một chậu nước rồi nhúng tay trong đó, làm nước chảy giữa những kẽ ngón tay. Ông giải thích: “Tôi làm hồi lại cái cảm giác sung sướng khi đi tắm biển, vì làm vậy sẽ giúp tôi vượt được tình trạng yếu đuối do bệnh tật gây nên”.
Thiên nhiên, trong những trường hợp này, có giá trị như những liều thuốc bổ.
Có phải cơ thể ta buổi chiều khác ban mai? Vi trùng cũng gây bệnh theo mùa? Tại sao nên phẫu thuật buổi sáng? Tại sao người già hay chết và trẻ em hay sinh vào ban đêm? Tại sao hai người cùng bị đầu độc mà một người sống, một người chết?
Cơ thể ta ban mai hơi khác buổi chiều, mùa hè không giống mùa đông. Tuỳ giờ trong ngày, mùa trong năm… các hằng số sinh học có xê dịch ít nhiều. Trong một ngày, thân nhiệt biến đổi từ tối thiểu đến tối đa và ngược lại. Lượng máu tuần hoàn, huyết áp, tần số mạch và nhịp thở cũng như tính kháng điện của da, tính đàn hồi của cơ bắp, và cả tầm vóc của con người cũng dao động theo giờ. Buổi chiều, thân thể ta thấp hơn buổi sáng nhưng về khả năng vận động chính xác lại cao hơn. Sự hưng phấn thần kinh tối đa, sức nín thở lâu nhất xuất hiện lúc 11-12 giờ , 16-18 giờ và tụt hết mức vào các giờ: 8,10, 14. Sự rối loạn những nhịp sinh học này sẽ gây nên mệt mỏi, suy nhược.
Trong cơ thể ta ít nhất có tới 150 quá trình sinh hoá-sinh lý biến đổi nhịp nhàng theo những chu kỳ dài ngắn. Một nhịp tim đập trên điện tâm đồ tính từng giây, mỗi chu kỳ kinh nguyệt xảy ra hàng tháng, nhưng ngày mãn kinh lại là một thời điểm của cả trăm năm cuộc đời.
Nhịp hoạt động của các chức năng, nhịp biến đổi của các chất chuyển hoá là những chiếc đồng hồ bên trong, giúp cơ thể ước đoán chính xác thời gian để sống đồng điệu với môi trường thiên nhiên, vũ trụ. Các nhịp sống ấy là những hằng số có tính chủng loại, nhưng cũng có tính đặc thù cá nhân, nghĩa là xê dịch chung quanh một con số bình thường. Chẳng hạn, theo phân tích của giáo sư N.Phence, nếu mỗi nhịp nhạc trong tác phẩm nhạc của Traicopxki kéo dài 3 giây thì ở Betoven là 5 giây, ở Mozar là 6 giây…
Mỗi chất chuyển hoá trong cơ thể đều có những giờ cao điểm và thấp điểm nhất định trong ngày. Bằng máy tính điển tử, người ta có thể lập mô hình cấu trúc thời gian của cơ thể. Vào buổi sáng sớm, cơ thể chúng ta ở tình trạng axit, đến ba giờ chiều dần dần trở nên kiềm, và tới ba giờ sáng hôm sau lại chuyển sang axit. Đó là vì nồng độ ion hydro trong các mô tăng giảm trong 24 giờ. Tương tự, máu ban đêm loãng hơn; và các hồng cầu lắng nhanh nhất lúc 9, 10 giờ sáng.
Dịch vị tiết nhiều vào ban ngày. Vì vậy bạn nên ăn 50-60% khẩu phần trong ngày trước 2 giờ chiều. Buổi tối, dạ dày uể oải, khó mà tiêu nổi những thứ bổ béo; ăn những món này chỉ thêm nặng bụng mà thôi. Người đau dạ dày khổ nhất lúc 3 giờ chiều, khi mà dạ dày co bóp mạnh và axit clohydric bài tiết ra nhiều nhất.
Gan giàu chất đường dự trữ lúc 3 giờ sáng, nghèo nhất lúc 3 giờ chiều. Nó đổi đường tiêu dùng thành đường dự trữ lúc 6 giờ tối và đến 9 giờ đêm thì mức đường tiêu dùng trở nên thấp nhất. Đây là giờ “hạn” của những người bệnh tiểu đường. Lúc này, mức đường tiêu dùng có thể cạn tới mức 0,12%, gây hôn mê, co giật, có khi tử vong. Với những người thiếu máu, giờ “hạn” là 16-18 giờ chiều, lúc tuỷ xương chậm sản xuất hồng cầu, huyết sắc tố hạ xuống mức thấp nhất.
Vào sáng sớm, sau một giấc ngủ say, sự chuyển hoá trong cơ thể thấp hơn buổi chiều, mạch đập cũng khoan thai nhất (lúc cơ thể nghỉ ngơi, tim chỉ làm việc cầm chừng cũng đủ duy trì cuộc sống tối thiểu). Nhưng cũng chính vì thế mà máu ứ đọng ở phổi. Vào 2-4 giờ sáng, mao quản phổi nhạy cảm nhất với histamin nên co thắt mạnh. Vì thế, những bệnh nhân hen, viêm phổi thường khổ vào buổi sáng vì những cơn ho.
Tuy nhiên, các ca mổ nên tiến hành vào buổi sáng, lúc mà các hệ thống sinh tồn của con người đang hoạt động với công suất cao. Theo F.Hanburg, nếu phẫu thuật ghép các cơ quan được tiến hành lúc 6 giờ 30 sáng thì bộ phận ghép rất ít bị thải loại.
(còn tiếp)