Bác sĩ vui tính trả lời (phần 14)
Có phải sinh vật nào cũng thở bằng phổi không?
Muốn sống, cơ thể phải trao đổi khí với bên ngoài, hút dưỡng khí và thải thán khí. Các loài vật thở theo nhiều kiểu. Động vật không xương như giun, sâu bọ thở trực tiếp qua mặt da. Các loài côn trùng có một hệ thống lỗ thở rải rác khắp thân mình. Cá thở bằng mang. Từ ếch nhái đến động vật cao cấp thì mang "lặn" vào sâu, biến thành phổi.
Thở là hút không khí vào. Dưỡng khí được các hạt máu đỏ đón lấy và rồi được chuyên chở đến tận các tế bào, đốt các chất dinh dưỡng thành năng lượng để đảm bảo cho bộ máy hoạt động. Còn thán khí (CO2) sinh ra sau khi đốt cháy thì được máu trả về phổi để thở ra ngoài không khí.
Hai buồng phổi là hai túi lớn gồm 300 triệu túi nhỏ hình chùm nho, nếu rải ra thì rộng tới 450 m2. Có thế mới trao đổi khí được nhiều, đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Mỗi lá phổi lại có một màng phổi để gói ghém phổi cẩn thận, đặt trong lồng ngực, có xương sườn bảo vệ an toàn. Phổi đặt lên trên cơ hoành, một bắp thịt dẹt, rộng nhất cơ thể, ngăn cách ngực với bụng.
Bản thân phổi không biết… thở. Phổi chỉ bị động co giãn, làm các động tác hít vào hay thở ra tùy theo lồng ngực và cơ hoành căng lên hay xẹp xuống. Bao giờ không khí trong các túi phổi cũng ép cho phổi nở ra chiếm hết thể tích lồng ngực. Bạn cần lưu ý, khi cấp cứu cho người bị một vết thương xuyên lồng ngực cần phải bưng kín chỗ thủng, kẻo không khí vào đầy khoang màng phổi, làm phổi co rúm lại vĩnh viễn.
Các bắp thịt giữa xương sườn và cơ hoành co giãn, trực tiếp gây ra động tác thở. Đàn ông hay thở kiểu bụng, tức là khi hút vào thì bụng nở do cơ hoành hạ xuống. Cơ hoành hạ xuống 3-4 cm thì không khí vào được thêm 1-1,2 lít. Đàn bà hay thở kiểu ngực, tức là khi hút vào, lồng ngực phồng lên. Lúc thức hay ngủ, dù cố ý hay vô tình, ta vẫn thở nhịp nhàng. Trẻ mới đẻ thở mỗi phút 60 lần, từ 16 tuổi trở lên mỗi phút 16-18 lần. Con tắc kè 30 phút mới thở một lần (nó quá cảnh giác, muốn ngụy trang không cho kẻ thù phát hiện ra nó, ngay cả qua hơi thở).
Nhịp thở, hay sự co giãn nhịp nhàng của các bắp thịt hô hấp, chịu sự chỉ huy của các trung tâm hô hấp. Trung tâm này bị thán khí kích thích từng đợt. Đố bạn nín thở được quá vài phút đồng hồ đấy! Nếu nhịn thở, thán khí ứ đọng trong máu sẽ kích thích trung tâm hô hấp. Trung tâm này điều khiển các cơ thở làm việc để thải thán khí ra, thế là bạn lại thở. Bạn có muốn hít vào mãi cũng không được, vì thán khí giảm đi trong máu sẽ ngừng kích thích trung tâm hô hấp, và các cơ thở lập tức ngừng làm việc.
Đứa bé trong bụng mẹ không thở. Phổi mẹ làm nhiệm vụ hô hấp cho cả bào thai. Nhưng khi kẹp và cắt cuống rốn, trẻ sơ sinh bị đứt liên lạc với mẹ và thiếu dưỡng khí. CO2 ứ đọng lại sẽ kích thích trung tâm hô hấp, và tiếng khóc chào đời chính là tiếng thở đầu tiên, là sự khánh thành, đưa vào hoạt động hai lá phổi sơ sinh.
Ngoài hô hấp, phổi còn làm những công việc gì?
Ngạt thở là một nhục hình. Chỉ cần việc thở bị cản trở ít phút là con người sẽ bị tức ngực, mắt trợn ngược, cổ như bị thít chỉ, càng giãy giụa càng ngạt, ruột gan lộn tùng phèo… Hô hấp quả là nhiệm vụ tối quan trọng của phổi, nhưng nó không chỉ có một việc hít thở mà thôi.
- Bài tiết: Trong luồng khí thở ra, ngoài CO2 còn có hơi nước và các chất bay hơi khác. Hằng ngày, 250 ml nước được thải qua phổi. Trẻ em thở nhanh, nhất là khi sốt, càng mất nước nhiều. Khi thân nhiệt tăng lên 1độ C, các bạn phải uống thêm 250 ml nước mới tránh khỏi suy sụp tuần hoàn. Chớ có nhịn khát đấy!
- Điều hòa thân nhiệt: Cùng với hơi thở, hơi nóng trong người cũng bay theo. Vì thế khi trời rét quá, các bạn cần đeo khẩu trang, giữ ấm ngực, phòng cảm lạnh và bảo vệ hai lá phổi.
- Chuyển hóa chất béo: Cùng với gan, phổi cũng tham gia chuyển hoá chất mỡ, phân thành các axit béo. Nó tổng hợp các loại mỡ phức tạp, làm ra chất căng bề mặt để giữ cho phổi khỏi xẹp. Nó đốt cháy 25% axit béo thành CO2, tạo ra năng lượng, phân phối các chất béo cho các nơi và trữ trong kho.
- Tuần hoàn: Phổi chỉ chiếm 0,7% cân nặng cơ thể mà chứa tới 20-30% khối lượng máu tuần hoàn. Hai buồng phổi, với hệ mạch máu dày đặc, là một kho lớn dự trữ máu ngay cạnh tim. Phổi rất xốp và các mạch máu của nó mềm mại, chun giãn. Hồ chứa máu này lúc vơi lúc đầy, tuỳ tình hình, để điều hoà lưu lượng tuần hoàn. Nhờ thế mà nước trong người không ứ đọng, sinh phù thũng. Khi lượng máu tuần hoàn không đủ hoặc ngừng tuần hoàn mà chưa kịp truyền máu, chỉ việc nâng cao hai chân để dồn 500 ml máu ngoại biên về phổi. Thế là tim lại tiếp tục hoạt động. Động tác đơn giản này đã cứu sống các bệnh nhân.
- Bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật: Mạng lưới mao mạch bao la của phổi không chỉ trao đổi khí mà còn là một cái sàng chắn lại mọi thứ cặn bã, các tế bào ung thư di căn… để các men tiêu đạm và các đại thực bào ở phế nang tới giết sạch chúng và thu dọn chiến trường.
Các cục máu nhồi, các di căn ung thư thích đóng đô ở phổi nhiều hơn ở các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, các đại thực bào phế nang (lực lượng bảo vệ phổi) sẽ xuất trận. Đó là những bạch cầu lớn, 30% là "quân địa phương", 70% được điều động từ các nơi qua đường máu. Chúng chống lại mọi cuộc xâm lược của vi trùng, virus, nấm men, bụi bặm…
Ngoài ra, phổi sản xuất nhiều chất và men làm co mạch, giúp cho quá trình cầm máu. Nó cũng là nguồn lớn nhất cung cấp chống đông máu heparin. Nhiều chất có hoạt tính sinh lý quan trọng, làm tăng giảm huyết áp, điều hoà vi tuần hoàn, giãn phế quản, gây dị ứng… cũng được sản xuất tại các mô phổi.
Kẻ thù của phổi là khói thuốc lá. Nó làm cho mỡ phổi viêm xơ, mất tính đàn hồi. Ngược lại, tập thở, luyện khí công làm phổi nở nang, bền dẻo.
(còn tiếp)