Bác sĩ vui tính trả lời (phần 6)
Người bị mất một phần ba diện tích da có thể tử vong. Da dùng làm gì mà quan trọng thế?
Da là tấm gương của sức khoẻ, vệ sinh và sắc đẹp. Chỉ cần bỏng trợt 1/3 diện tích da đã gây những rối loạn nghiêm trọng trong cơ thể, có thể nguy đến tính mạng. Ngày xưa, khi y học chưa hiểu hết các chức năng sinh lý của da, một nghệ sĩ sân khấu đã chết do hoá trang sơn kín người.
Những nhiệm vụ của da
- Hô hấp: Nếu ta thử cắt đi hai lá phổi ếch, thì ếch ta vẫn sống một thời gian. Nhưng nếu thả chú ếch khoẻ vào chảo mỡ, ếch sẽ chết rất nhanh. Đó là vì ếch thở bằng da. Đối với con người, lá phổi đã đảm nhiệm việc hô hấp thay cho bộ da nhưng vẫn còn 1% sự trao đổi khí được thực hiện qua da. Ở 300 độ C, mỗi ngày da thải ra 7-9 g khí thải, hít vào 3-4 g dưỡng khí. Hô hấp qua da càng tăng khi thời tiết nóng, khi lao động nặng hay khi tiêu hoá thức ăn.
- Bài tiết: Khi đổ mổ hôi nhiều, bạn đi tiểu ít, nước tiểu vàng và đặc. Mỗi giờ làm việc nặng, da thải khoảng 350 cm khối mồ hôi, nghĩa là nó đã cộng tác với thận bài tiết 1/4 khối lượng nước hằng ngày. Nếu gan hay thận yếu, da sẵn sàng tương trợ chúng để loại trừ các chất gây bệnh. Y học đã lợi dụng sự bài tiết thuốc qua da để dùng thuốc uống trị bệnh ngoài da. Mồ hôi chính là một thứ nước tiểu pha loãng. Nhưng nếu mồ hôi chảy quá nhiều, người sẽ sút cân vì mất nước, muối (có thể tới 18-25 g/ngày), mất vitamin, đạm, chất béo, axít bay hơi…
- Tiếp nhận và truyền cảm giác: Da là cửa ngõ của cơ thể, qua đó hệ thống huyết mạch, thần kinh, kinh lạc… đặt các trạm tiền tiêu để liên hệ với bên ngoài, đảm bảo sự thống nhất của cơ thể với ngoại cảnh. Nếu vô ý giẫm phải gai hay chạm lửa, lập tức ta rụt chân hay co tay lại. Có sự cảnh giác kịp thời đó là nhờ phản xạ tự vệ mau lẹ của thần kinh. Bộ óc khôn ngoan đã đặt trên khắp mặt da một hệ thống các trạm nhận cảm mà y học gọi là các cơ quan phân tích. Các cơ quan này truyền tín hiệu tình báo về não, để trung ương thần kinh hạ lệnh cho các bắp thịt và các tuyến đối phó lại. Trên mỗi cm2, các nhà giải phẫu tế bào học đã đếm được tới 100 điểm đau, 1-2 điểm nóng, 12-15 điểm lạnh, 25 điểm nhận cảm áp lực và các điểm xúc giác khác phân tích cảm giác chạm, rung…
Trên da còn có hệ thống kinh lạc. Các đường lưu thông khí huyết này mà tắc thì sinh bệnh ngay. Kinh nghiệm xưa nay khẳng định rằng châm cứu cho thông thì chữa khỏi. Cách đây mấy nghìn năm, sách y học cổ “Linh khu” đã vẽ sơ đồ 12 đường kinh, 8 mạch, 15 đại lạc, dài tổng cộng 16 trượng 2 thước.
- Tuần hoàn: Da là một hồ máu lớn. Thể tích da chiếm 1/6-1/7 thể tích cơ thể. Chỉ riêng lớp hạ bì, khi các mạch máu giãn ra đã chứa 1/5 khối lượng máu toàn thân. Ở đây có các cơ quan điều chỉnh sự cung cấp máu cho các phủ tạng. Sự chà xát da, lao động, cái nóng mùa hè làm cho da ửng hồng vì mạch máu giãn, rút máu và sức nóng trong nội tạng ra ngoài. Máu chuyển qua da trao đổi nước, các chất và làm 80% công việc điều chỉnh nhiệt độ.
Vi trùng đầy rẫy trên da, nhưng tại sao chừng 600 người mới có một người lên nhọt?
Đó là vì vi trùng va phải hàng rào của lớp sừng da (lớp ngoài cùng, gồm những tế bào dẹt, chắc). Ngoài ra, chất men lydozym, vài thứ muối và phản ứng axít trên phần lớn mặt da cũng có tác dụng diệt trùng. Một nhà bác học đã thí nghiệm bằng cách nhúng tay vào một đĩa nuôi cấy vi trùng. Kết quả là sau 2 giờ, trên tay chỉ còn 7.000 con.
Tuy da có tính chất sát trùng, song chớ coi thường việc vệ sinh da. Các thí nghiệm cho thấy, trên da sạch, 85% vi trùng chết sau 10 phút, còn trên da bẩn sau 20 phút số vi trùng chỉ giảm 5%. Mỗi lần tắm rửa ta đã giũ đi từ 20 triệu đến 1 tỷ vi trùng.
Cũng nhờ da mà các em bé có thể chữa được bệnh còi xương. Chỉ cần phơi nắng, nắng sẽ chuyển hoá các chất ergosterol dưới da thành vitamin D, có tác dụng chữa bệnh bệnh này.
Khi bôi các thuốc như iốt, thuốc mê ête, clorophooc, phenol, bạn hãy cẩn thận, đề phòng ngộ độc vì chúng là những chất hiếm hoi có thể thấm qua được lớp mỡ của da. Lớp này nằm dưới lớp sừng, có nhiệm vụ nuôi lớp sừng, rất ít thấm nước và muối khoáng.
(còn tiếp)