Bác sĩ vui tính (phần 21)
Tại sao ta có hai mắt mà không có một hoặc một nghìn con mắt? Đôi mắt đặt ở hai bên thái dương như đôi tai có được không?
Nếu có ai bảo rằng có thể nhìn bằng da hay bằng các ngón tay chẳng hạn, chắc các bạn sẽ cãi lại ngay. Nhưng mà điều vô lý ấy lại có thật đấy, vì lịch sử của thị giác không bắt đầu bằng sự ra đời của hai con mắt.
Con giun đất không có mắt, nhưng nếu bị bỏ vào hộp kín, da nó vẫn nhìn thấy ánh sáng qua các lỗ nhỏ mà định hướng bò ra. Khi ánh sáng chiếu vào con amip, nó liền co lại hay phình ra. Cả những vi sinh vật đơn bào cũng đã có những hạt chất bắt màu cảm nhiễm với những tia sáng có bước sóng thích hợp. Nó tiếp thu những tia sáng hữu ích, là nguồn năng lượng kích thích các quá trình sinh hoá trong cơ thể nó, và ngăn cản các tia sáng có hại.
Như vậy, cơ quan thị giác bắt đầu là các hạt sắc tố trên da. Rồi vì cơ quan này ngày càng quan trọng cho đời sống, cần được bảo vệ nên chỗ da có sắc tố lõm dần xuống. Tiếp đó, một thấu kính được lắp lên trên. Con mắt đã hình thành. Đó là cái buồng tối, có lăng kính thuỷ tinh thể để khúc xạ và hội tụ ánh sáng, có cửa sổ đồng tử co giãn để nhận ánh sáng ít hay nhiều, có màn ảnh võng mạc là một màng sắc tố chụp hình ảnh, màu sắc vạn vật, biến ánh sáng thành xung điện, truyền qua dây thần kinh thị giác về não.
Hơn hẳn máy ảnh, mắt có thể tự động điều chỉnh tiêu cự để chụp mọi vật đặt cách mắt từ 10 cm đến vô cực, tự đọng mở khép con ngươi (đồng tử) để cho một lượng ánh sáng thích hợp đi vào mắt, và chụp ảnh thiên nhiên với muôn màu ngàn sắc.
Sinh vật đầu tiên có con mắt thô sơ là một vài loài sâu bọ và nhuyễn thể (thân mềm). Những con sao biển có rất nhiều mắt (những mảnh sắc tố) ở các đầu tay. Loài nhuyễn thể có 200 mắt thấu kính giả, 800 mắt lõm và 200 mắt lồi. Con ruồi có 4-5 mắt, chuồn chuồn có 12-13 nghìn mắt, bươm bướm có 15-20 nghìn mắt. Hai con mắt chúng là hai con mắt kép, gồm hàng nghìn mắt li ti, chồng lên nhau. Mỗi mắt li ti nhận hình ảnh tại một điểm, trên một hướng rất hẹp của không gian. Do đó, mắt kép nhìn không tập trung, toàn diện, rõ từng chi tiết, song góc nhìn rất rộng (khác với mắt đơn của động vật cao cấp và người). Khi ta giơ vỉ đập ruồi, ruồi chỉ thoáng thấy cử động chứ không nhìn ra cái vỉ. Tuy thế, chớ uổng công lừa bắt ruồi sau lưng, vì mắt ruồi nhìn được tứ phía, thấy ngay bóng mờ của một nguy cơ để kịp bay vù.
Động vật cao cấp có đôi mắt đơn. Nếu bớt đi một mắt thì thế giới này chỉ là một tấm ảnh phẳng, nhìn không phân biệt được các vật xa gần. Người chột không có cảm giác về không gian và chiều sâu, chẳng khác trẻ sơ sinh. Hai con mắt người cách nhau 6,5 cm, hướng nhìn về phía trước. Nhờ đó, ta ước lượng được xa gần trong khoảng cách 1 km trở lại. Ra ngoài phạm vi ấy, mọi vật coi như cách mắt một khoảng bằng nhau, lại giống cảnh nhìn đời bằng một con mắt.
Đôi mắt đặt theo hướng nào cũng có lý do của nó. Hai mắt của loài cá đặt hai bên đầu, nhìn ngang đôi ngả, như thế có tầm rộng để cảnh giới tự vệ, nhưng hai mắt không có chung một khoảng nhìn nên không đánh giá đúng độ sâu và thiếu cảm giác lồi lõm.
Mèo, khỉ, người… nhìn tập trung về phía trước, khoảng nhìn đôi mắt chồng lên nhau rõ nét và nổi hình khối, tuy diện nhìn hẹp lại một nửa.
Không phải con người vừa đẻ ra đã có thể vững vàng nhìn thẳng về phía trước được ngay. Chỉ khi bé biết đi, bắp thịt mắt mới đủ cứng cáp cố định trục hai mắt theo một hướng, không còn mắt ngang mắt ngửa, lúng liếng như người lác. Nhờ thế, khoảng nhìn hai mắt chập lại, tạo nên cảm giác về không gian. Hai mắt người lớn ở tư thế nghỉ có điểm qui tụ vào vật nhìn ở cách mắt 40 cm. Cả hai mắt chung một hướng nhìn, ta muốn nghịch liếc một mắt sang trái một mắt sang phải cũng chịu.
Đôi mắt loài chim được bố trí nghiêng, có thể nhìn ngang hai bên để quan sát rộng, đồng thời vẫn tập trung nhìn rõ hình nổi ở đằng trước (khoảng nhìn của đôi mắt chim chồng lên nhau một phần). Riêng con vẹt chỉ nhìn ngang. Tuy cổ vẹt rất linh hoạt nhưng nó dễ bị tóm cổ nếu bạn chộp nó từ phía trước.
Loài ăn cỏ như ngựa, bò chỉ quen nhìn xuống. Trái lại, loài ăn thịt hùng mạnh, tự tin hướng mắt về phía trước. Con người do tư thế đứng thẳng nên miệng ngắn lại, sọ to ra, nhìn lên hiên ngang, rõ nét, hướng về phía trước.
Đôi mắt người không chỉ để kiếm sống mà còn quan sát sự vật, thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên.
Mắt nhận biết ánh sáng và màu sắc như thế nào? Tại sao đối với nhà bác học Danton, quả anh đào không bao giờ chín đỏ?
Ánh sáng và màu sắc của thế giới bên ngoài xuyên qua giác mạc mắt, con ngươi và thuỷ tinh thể, được lọc điều chỉnh cường độ và hội tụ ở võng mạc vùng đáy mắt. Thần kinh thị giác đặt ở đây những tua rễ cuối cùng, có hình gậy và hình nón. Ở điểm vàng tập trung 7 triệu "cái nón" chứa sắc tố iadopsin, giúp ta nhìn thấy rõ màu sắc và phân biệt chi tiết các vật. Quanh điểm vàng có tới 130 triệu "cái gậy" chứa sắc tố rodopsin nhạy cảm với ánh sáng.
Ngồi trong rạp chiếu bóng, đèn vụt tắt, bạn thấy tối sầm, lâu lâu mới lờ mờ nhận ra người ngồi bên, và chỉ nhìn rõ nhất sau 1 giờ trong bóng tối. Tuy nhiên, khi đèn bật sáng, mắt bạn chỉ chói loà trong khoảnh khắc rồi định thần lại ngay. Đó là vì phản ứng của "nón" khẩn trương và tích cực hơn gậy. Cũng do đặc điểm này mà những anh bộ đội tuần đêm phải ở chỗ tối trước đó ít nhất 20 phút để mắt có thời gian thích nghi dần.
Con cú ăn đêm không hề biết cuộc đời có muôn hồng ngàn tía vì mắt nó chẳng có nón mà chỉ toàn những gậy. Nhưng cũng nhờ vậy, trong đêm thâu nó nhìn rõ những tia rất mờ nhạt mà con người không thể nhìn thấy được
Mắt ta phân biệt được 600.000 màu. Tuy nhiên, chỉ cần pha trộn ba màu đỏ, xanh, vàng theo các tỷ lệ khác nhau, thêm bớt sắc độ cũng đủ tạo thành muôn vàn sắc độ. Trộn nguyên ba màu ấy lại thì được màu trắng. Một vật trắng không hấp thu màu nào cả nên tất cả các tia màu khi gặp trắng đều hắt vào mắt ta. Trái lại, vật đen hấp thu hết mọi tia màu của quang phổ.
Vừa lọt lòng, bị chói sáng, phản xạ đầu tiên của em bé là nhắm mắt. Ba tháng sau, bé biết liếc nhìn theo quả bóng, đồ chơi treo đung đưa. 18 tháng, mắt bé bắt đầu phân biệt màu sắc; 3-4 tuổi mới thấy đủ các màu, trước tiên là màu đỏ. Khác với trẻ em, mắt người lớn ít nhạy cảm với màu đỏ mà rất tinh đối với màu lục hay màu lam.
Con chó nhìn thế giới toàn thấy xám xịt vì nó mù rất nhiều màu. Con ong nhìn thấy những tia cực tím mà mắt người mù tịt, nhưng lại không nhìn ra màu đỏ. Nhà bác học Danton cũng bị mù màu đỏ. Ông không sao tìm được cái gậy đỏ của mình rơi trên bãi cỏ xanh. Dưới mắt ông, quả anh đào không bao giờ chín đỏ.
(còn tiếp)