Bác sĩ vui tính trả lời (phần 36)
Có phải nhân loại đang khát nước không? Làm gì để có nước sạch đủ dùng?
Cơ thể ta là một túi nước. Nước chiếm 2/3 cơ thể người lớn và nhiều hơn ở trẻ em. Nước ở trong dòng máu, xen kẽ giữa các tế bào. Xương đặc như thế mà nước cũng chiếm tới 1/5 cân nặng.
Một người nặng 50 kg chỉ thiếu 0,5 lít nước đã có cảm giác khát, thiếu 1,5 lít nước sẽ bị rối loạn chuyển hóa, có thể ngất xỉu, thiếu 3 lít nước thì chết. Khi chảy máu, tiêu chảy, cơ thể mất nước, trụy tim mạch. Tiếp nước là việc trước tiên phải làm để cứu mạng bệnh nhân.
Các công việc trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, làm vệ sinh… đều cần nước. Nước trong nông nghiệp chiếm tới 80% nhu cầu nước của xã hội. Sản xuất công nghiệp cũng đòi hỏi nước. Việc sản xuất lương thực, thực phẩm cho một khẩu phần hằng ngày đòi hỏi 1.800 lít nước. Để sản xuất 1 tấn xi măng, cần có 4.500 lít nước, 1 tấn thép cần 20.000 lít nước, 1 tấn len cần 4.200 m3 nước. Quá trình công nghiệp hóa và tăng dân số lại đòi hỏi thêm nước.
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu nước không ngừng tăng. Nếu như thời trung cổ, mỗi người chỉ dùng 25 lít nước/ngày, thì hiện nay, mỗi người tiêu thụ tới 200-300 lít nước/ngày. Thành phố Matxcơva cung cấp cho mỗi đầu người 600 lít nước, với Paris là 560 lít nước/người/ngày.
Nước trong thiên nhiên
Về phân phối các nguồn nước thiên nhiên, nhà bác học Pháp Renet Colia đã nêu một hình ảnh so sánh: Nếu coi trái đất là một quả cầu đường kính 10 m thì nước đại dương chứa hết trong cái bể 225 lít, nước băng đóng ở hai địa cực chứa hết trong một xô 5 lít, nước ngọt trên mặt đất đổ đầy một chai, còn lượng nước ngầm mà loài người dùng trong 1 năm chỉ rót vừa một ly.
Các đại dương chứa 1,56 tỷ km3 nước mặn, không dùng được trong sinh hoạt và sản xuất (nước biển chiếm tới 97% tổng lượng nước toàn cầu). Trong số nước ngọt ít ỏi còn lại, có đến 70% (35 triệu km3) bị đóng băng ở hai cực Trái Đất. Nước bề mặt (ao, hồ, sông, suối) tuy dễ lấy dùng nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Đã thế, nhiều dòng sông lớn lại chảy phí phạm ở những vùng thưa dân cư; nhiều bể nước ngầm lớn ở sâu dưới đất vài nghìn mét.
May thay, nước không ngừng được phục hồi. “Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn”, Tản Đà đã nói rất đúng về vòng tuần hoàn kỳ diệu của nước. Mỗi năm, nắng làm bốc hơi 450.000 km3 nước. Hơi nước ngưng đọng thành mưa. Phần lớn mưa rơi xuống biển, phần nhỏ góp nước cho các dòng suối, dòng sông (lưu lượng khoảng 43.000 km3 mỗi năm), và thấm xuống đất thành các mạch nước ngầm (lưu lượng khoảng 2.200 km3 mỗi năm).
Thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước
Giáo sư M.I. Livovic ước tính, mỗi năm, nhân loại dùng hết 3.300 km3 nước ngọt. Lượng nước tiêu dùng này so với trữ lượng nước ngọt phục hồi (46.000 km3) thì chẳng đáng là bao, so với tổng trữ lượng nước ngọt (35 triệu km3) lại càng nhỏ bé.
Thế thì tại sao thế giới lại lo khủng hoảng nước? Là vì con người dù sống ở đâu và lúc nào cũng cần có một lượng nước nhất định. Nhưng nước có sẵn và nước mưa thì phân phối không đều theo thời gian và không gian, gây ra hạn và lụt. Thiếu hay thừa nước đều nguy hiểm. Nạn thiếu nước và thiếu nước sạch đang là mối lo của nhiều khu vực trên thế giới. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hạn hán khủng khiếp ở châu Phi đã làm 12 triệu người chết đói, chưa kể những thiệt hại về mùa màng và gia súc.
Đã khan nguồn nước, con người lại làm ô nhiễm những kho nước thiên nhiên sẵn có. Ở Mỹ, 100 triệu dân phải uống nước ô nhiễm chất thải công nghiệp. Tại bang Miami, nhiều bà nội trợ phải mua nước uống đóng chai ở các hiệu thuốc với giá ngày một đắt. Ở một mỏ nước có tiếng là sạch sẽ ở bang California, có lần giếng khoan và hệ thống bơm hút bị nhiễm trùng khiến 18.000 người bị viêm ruột. Nước bẩn cũng khiến cho nhiều sinh vật sống trong nước bị chết hoặc kém phát triển. Một thông báo khoa học của Thụy Sỹ cho biết, trong số cá bị chết, có 32% là do phân hòa tan trong nước, 19% do nước thải công nghiệp, 6% do nước thải sinh hoạt, 8% do dầu mỏ. Nước bẩn còn làm hỏng các cấu trúc bê tông, cốt thép, các tàu thủy, ăn mòn bánh xe tua bin. Mỗi năm, Mỹ tiêu tốn 2,9 tỷ USD để sửa chữa lại những công trình bị nước bẩn làm hỏng.
Nhiều nước đã lập những nhà máy làm lắng cặn nước thải để lấy phân bón và mê tan. Để dập tắt “cơn khát” của loài người, các nhà nghiên cứu đề ra các biện pháp tái sinh nước, tránh làm ô nhiễm môi trường nước, đi tìm những nguồn nước mới, tiết kiệm tiêu dùng nước… Nhiều nhà khoa học đã đề xuất xây đập ở thượng nguồn sông Congo, tạo ra hồ nước rộng 800.000 km2, đủ để tưới cho 60 triệu ha sa mạc Shahara, làm biến đổi cơ bản khí hậu châu Phi và các nước châu Âu bên kia bờ Địa Trung Hải. Người ta cũng trông chờ vào dự trữ nước ngọt ở hai cực địa cầu. Đã có những kế hoạch táo bạo dùng tàu biển kéo khối nước đá khổng lồ từ Nam Cực về châu Phi tưới cho sa mạc. Nhiều nước đã thực nghiệm làm mưa nhân tạo bằng cách gieo vào mây những hạt băng khô CO hoặc iodua bạc.
Còn ở Việt Nam thì sao? Tại vùng núi đá Đồng Văn (Hà Giang), sông suối ít, hang động ngầm nhiều nên dù có mưa to, chỉ sau vài giờ nước đã thấm hết. Người dân ở đây đã xây vỉa hốc đá thành bể thiên tạo để chứa nước, xây con mương dài 7 km dẫn nước tưới cho lúa ngô và cấp cho các bản làng ở thung lũng Phó Cáo.
Ở Phú Yên, Khánh Hòa, vào mùa mưa, lũ từ dòng sông Đá Bàn dâng lên ngập nhà ngập cửa, nhưng suốt mùa nắng đất lại khô như rang. Tỉnh đã huy động hàng triệu ngày công làm công trình thủy lợi Đá Bàn, đắp đập ngăn sông, làm hồ chứa nước đủ tưới cho 9 vạn ha ruộng đất và tạo một nguồn thủy điện 1.500 kw.
Tại vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, vào cuối mùa khô, gió chướng, nước ngọt thiếu trầm trọng. Các gia đình đều có nhiều lu khạp để trữ nước mưa. Ở vùng đất cát ven biển, giếng đào 2-4 m đã có nước ngọt nên nhiều gia đình đã đào giếng khơi. Nhân dân các vùng nhiễm mặn quanh năm đã đào ao, hồ chứa nước mưa dự trữ để dùng trong mùa khô.
Xã Sơn Hải, ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã xây một bể chứa nước dài 100 m, rộng 80 m, chứa nước sông Huỳnh Thuận. Nước lắng và tự làm sạch dưới tác dụng của nắng trời, rồi đi qua một bể lọc đơn giản được sát trùng bằng clo, và được bơm lên một két nước đặt cao 2 mét. Két này có lắp ống dẫn nước đến bến, cung cấp cho các thuyền đánh cá và 10 vòi nước công cộng.
(còn tiếp)