Bác sĩ vui tính (phần 30)
Tại sao khi chạm vào lửa, ta liền rụt tay lại? Làm sao để bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng có hại từ bên ngoài?
Có biết bao tác động tấn công vào cơ thể chúng ta:
- Tác động từ môi trường thiên nhiên: Những biến động khí tượng, vi trùng và các vật trung gian truyền bệnh, bụi, khí độc, chất công nghiệp, thú dữ, thiên tai, đói khát, cực nhọc…
- Tác động từ môi trường xã hội, tâm lý: Mâu thuẫn trong quan hệ giữa người và người, xúc cảm, lo lắng, đợi chờ, bận rộn, cô đơn, lời nói, tin tức, thành kiến…
Những tín hiệu từ môi trường bên ngoài vào cơ thể qua các giác quan (tai, mắt, mũi, lưỡi, da). Còn các tín hiệu từ môi trường bên trong (chẳng hạn như sự tăng-giảm mạch, nhiệt độ, huyết áp, mức đường trong máu, cảm giác no đói, đau đớn…) cũng được các đầu mút thần kinh tiếp nhận, rồi điện về não bộ.
Các cấp thần kinh nhận, chọn lọc, xử lý tin tức và quyết định đối phó. Tùy chức trách được phân công, chúng ra lệnh cho các cơ bắp, phủ tạng, mạch máu, tuyến nội tiết thực hiện những hành động thích đáng.
Trong các trường hợp không trầm trọng và cần xử lý nhanh, hành tủy nhận thông tin và ra lệnh hành động. Chẳng hạn như khi ta nằm ngủ say trong buồng kín, khí CO2 ứ đọng nhiều sẽ tác động vào trung tâm hô hấp ở hành tuỷ, kích thích hô hấp dồn dập. Ngay lúc đó, nếu có người chợt mở cửa, nồng độ CO2 trở nên loãng, tự nhiên nhịp thở ta chậm lại như cũ.
Trường hợp tay vô tình chạm vào lửa, da cũng sẽ đánh tín hiệu về tuỷ. Ngay lập tức, cơ thể có phản xạ co tay lại tự động trước khi ta kịp nhận thức về việc bị chạm vào lửa và có cảm giác bỏng rát. Nếu chờ tin truyền tới vỏ não mới rút tay khỏi lửa thì nguy. Khi bị bỏng, da sẽ phồng nước, đó là phản ứng bảo vệ của cơ thể để thương tổn khỏi ăn sâu. Phần da này sau đó sẽ bong ra rồi liền sẹo.
Khi xảy ra tình hình nghiêm trọng, vỏ não và các trung tâm dưới vỏ, tuyến yên và các tuyến nội tiết khác sẽ phải can thiệp để huy động lực lượng chiến đấu của mọi bộ phận cơ thể. Chẳng hạn khi vết bỏng giập nước và nhiễm trùng, các kháng thể và bạch cầu sẽ được dòng máu chở đến chỗ vi trùng đột kích.
Có khi trên cơ thể xuất hiện hạch sưng to. Đó chính là đồn trú quân của bạch cầu để bao vây, nuốt sống vi trùng. Khi sốt cao là lúc cơ thể dùng hoả khí chống quân xâm lược. Lúc này, cơ bắp co giật, vật vã, mạch nhanh, thở gấp, đổ mồ hôi, dạ dày thắt lại và nôn; tuyến thượng thận tiết adrenalin làm co mạch, tăng huyết áp, dốc sức toàn thân đánh địch. Sau đó, tuyến vỏ thượng thận sẽ tiết ra glycogen và protit để bù vào chỗ bị tiêu hao, giúp cho sức lực phục hồi.
Mọi loại công kích từ môi trường bên ngoài (thiên nhiên, xã hội) hoặc bên trong (tâm lý) như lửa, vi trùng, sự đợi chờ, hồi hộp, ý nghĩ về một nguy cơ tưởng tượng ra… đều gây ra những phản ứng chung của toàn cơ thể, mà y học gọi là hội chứng thích nghi. Lần đầu, cơ thể thường phản ứng quá mức và có phen chuốc lấy tai hoạ. Về sau, nhờ trí nhớ miễn dịch của tế bào, cơ thể nhận rõ mặt kẻ thù và rút kinh nghiệm, dùng sức hợp lý, hiệu quả hơn để bảo toàn mình và chiến thắng công kích. Mọi sinh vật đều có cơ chế tự vệ này. Nó là bản năng được di truyền qua nhiều thế hệ. Riêng con người đã xây dựng được nền y học để can thiệp một cách có ý thức và thông minh vào cơ chế tự vệ tự nhiên để cứu nguy cơ thể.
Tuy thế, việc ỷ lại vào thuốc men sẽ làm yếu sức tự vệ, thậm chí gây bệnh do lạm dụng thuốc, kể cả rượu bổ, sâm nhung. Hơn nữa, xã hội càng văn minh, phát triển, con người càng có trí tuệ cao thì nội tâm càng phức tạp. Con người bị căng thẳng thần kinh liên tục do đời sống đô hội náo động, chồng chất những mối quan hệ, dồn dập tin tức vô bổ. Con người dễ bị mệt mỏi do công tác bận rộn, buộc phải theo nhịp máy, căng óc mà ít vận động chân tay. Chưa hết, ánh điện chói chang đã rút ngắn giấc ngủ yên tĩnh. Lại còn ô nhiễm, ngộ độc thuốc an thần, nghiện rượu, cà phê, thuốc lá…
Vì vậy, dù điều kiện ăn ở sung túc, đủ tiện nghi, sống vệ sinh và ít mắc bệnh nhiễm trùng, đời sống văn hoá phong phú, con người hiện đại vẫn bị nhiều chấn động tinh thần dẫn đến rối loạn các chức năng nội tạng. Đối với súc vật, khi gặp kích thích, chúng liền cho bắp thịt tung hoành, chẳng hạn như vồ mồi, đánh nhau hoặc bỏ chạy. Thế là chúng được giải thoát khỏi những biến loạn nội tạng. Con người thì không thế, có giận bầm tím ruột cũng cố gắng giữ bình tĩnh, ngồi yên, cùng lắm mới cãi lại đôi hồi. Những xáo động nội tạng-nội tiết bị nén xuống, không được giải toả thành vận động cơ bắp, tích lại mãi mà sinh bệnh.
Trong những trường hợp như vậy, việc tập thở có thể giải tỏa phần nào những căng thẳng tâm lý. Việc theo dõi nhịp thở có thể gián tiếp tác động đến nội tạng, tim mạch, giúp tập trung tư tưởng và thanh thản tâm hồn. Nó làm chùng giãn cơ bắp và trấn tĩnh tâm thần.
Bác sĩ Hanx cho rằng các yếu tố công kích là một thứ muối để thêm vị cho cuộc đời, ai ai cũng từng nếm trải. Nó chỉ có hại khi quá mặn mà thôi. Mỗi cơ thể đáp ứng với mỗi công kích một cách khác nhau. Trải qua cơn rối loạn, những người thất trận đầu hàng thì lâm bệnh. Còn ai chế ngự được mình trước sự tấn công và lập lại một cách nhanh chóng sự thăng bằng trong cơ thể thì người đó đã nắm được cái chìa khoá của sức khoẻ.
(còn tiếp)