Bác sĩ vui tính trả lời (phần 11)
Thịt lợn sau khi ăn vào đã biến hoá thành thịt của bạn như thế nào? Ăn óc bò có sinh “đầu bò”, bướng bỉnh không?
Dĩ nhiên thịt lợn khi vào cơ thể phải “biến hoá” đi để trở thành da thịt mình, nếu không thì ai ăn nhiều thịt lợn sẽ biến thành… lợn mất. Các protein trong thịt lợn sẽ được chuyển hóa thành những protein đặc trưng của người.
Các protein trong thực phẩm đều được cấu thành bởi mấy chục loại axit amin giống nhau. Tuy nhiên, các protein ở bò, lợn, đậu nành hay vô vàn sinh vật khác đều không như nhau. Ngay các bộ phận trong cùng cơ thể cũng vậy, protein của phổi khác với protein của tim. Đó là do cách sắp xếp các axit amin trong các protein này có sự khác nhau.
Việc thịt lợn "biến" thành thịt của ta cũng giống như việc ta phá ngôi nhà cũ, lấy gạch để xây lại theo một kiến trúc mới. Muốn thịt lợn nhập vào cơ thể thành máu thịt chúng ta, nó phải được nhai nghiền (tiêu hoá cơ học), thấm men trong các dịch của ống tiêu hoá (tiêu hoá hoá học), tức là bị cắt nhỏ thành những axit amin (các chất này của người và của lợn đều giống nhau) rồi tổng hợp lại, đồng hoá với các tổ chức của cơ thể. Các axit amin thấm qua màng ruột, vào máu, chở đến mỗi tế bào. Rồi tế bào ăn các chất dinh dưỡng ấy. Hiện tượng này xảy ra như thế nào? Bác sĩ Joseph L. Johnstiner đã quan sát các tế bào ăn chất feritin. Ông thấy màng tế bào lõm xuống, thắt lại thành cái túi bọc lấy chất feritin, rồi đẩy nó chìm hẳn trong chất nguyên sinh. Men lydozym của chất nguyên sinh sẽ phân giải feritin thành các axit amin, rồi tổ hợp chúng thành protein của tế bào người.
Thông tin về cách tổ hợp axit amin được ghi thành chương trình có mã số, nằm trong sợi AND của nhân tế bào. Chương trình ấy được truyền đạt trên một thứ "băng từ" là chất ARN thông tin, rồi chuyển sang một "máy đọc" gọi là ribosom để giải mã thành các mệnh lệnh. Khi nghe gọi tên, từng axit amin của thức ăn sẽ đến xếp hàng trước ribosom và móc vào nhau thành chuỗi protein, giống hệt một protein bộ phận nào đó của người.
Như vậy có phải là ăn gan lợn thì sẽ bổ gan không? Điều đó đúng một phần. Nhưng gan lợn không nguyên xi trở thành gan người mà phải qua quá trình biến hoá mới đồng hành với cơ thể người. Mọi sinh vật đều có tính cá nhân cao độ, không bao giờ chịu hợp tác với kẻ lạ khác mình. Vì thế, việc ăn óc bò đâu có làm bạn ngu và bướng, vì óc bạn sẽ chẳng chịu “chung sống hoà bình” với cái đầu bò ấy đâu, bạn khỏi phải lo xa!
(còn tiếp)