Bác sĩ vui tính trả lời (phần 8)
Tại sao tóc chỉ mọc trên đầu và trẻ em, phụ nữ có râu lại bị xem là “trái khoáy”?
Trong một bức thư, có bạn kể rằng:
"Ở quê em có một em bé dữ tướng, vừa sinh ra đã có ria mép và râu quai nón, ngực đầy lông, bà con gọi là “con nhà trời”. Lại có bạn gái khá xinh nhưng xấu hổ vì râu rậm hơn cả anh trai, hồi còn nhỏ râu tơ đã lún phún. Tại sao vậy?".
Trên thế giới không hiếm những người “tốt tóc nặng đầu, tốt râu rặm cằm” như em bé trên. Vũ nữ nổi tiếng người Mexico là Julia Pastrana không những rậm râu mà mình còn đầy lông lá. Viện bảo tàng nhân chủng học Matxcơva có mô hình hai bố con Andrian Eptukhiev lông dài trùm kín trán, tai, mũi, má và toàn thân.
Nếu những người này được đầu thai mấy triệu năm về trước thì chẳng có gì là lạ! Người thượng cổ nào cũng gần giống như nhiều động vật có vú, vừa đẻ ra đã rậm lông, đực hay cái đều có râu dài. Nhưng đối với con người, bộ lông đã trở nên không cần thiết từ khi họ biết dùng vỏ cây che thân và mặc quần áo. Qua các thế hệ, lông người thưa thớt dần, nhỏ và ngắn lại.
Các nhà giải phẫu không tìm thấy những bao lông ở lòng bàn tay, bàn chân. Thay vào đó, họ chỉ thấy một lớp sừng da dày. Nhờ lớp sừng da này, việc bám đất và nắm chặt công cụ lao động trở nên có hiệu quả hơn. Nghe vậy, có thể bạn sẽ thắc mắc: Chuyện xưa kể rằng ông Dã Tượng nhờ có một chùm lông dưới lòng bàn chân nên chạy rất nhanh, góp phần vào trận thắng Hàm Tử, như vậy nghĩa là sao? Thực ra, người xưa do hiểu sai về giải phẫu học và muốn gắn cho vị anh hùng điều gì đó phi thường nên mới kể như vậy.
Trên đầu người, lông tập trung và phát triển thành bộ tóc dày và dài, chỉ người mới có. Mái tóc là loại lông mọc đầu tiên, ngay từ thuở sơ sinh để bảo vệ hộp sọ. Lớn lên, lông mọc thêm ở hố nách và hạ bộ, có nhiệm vụ chống ma sát gây trầy trợt da do vận động nhiều trong lao động và sinh hoạt.
Đến tuổi trưởng thành, đàn ông có thêm bộ râu cằm, ria mép. Ai nhiều nam tính thì có thêm chòm râu quai nón. Người đàn ông đẹp phải là “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, còn phụ nữ thì “chân mày vòng nguyệt”, “tóc mây gợn sóng”. Nữ giới mà “tóc rễ tre chải lược bồ cào” là mang nhiều tính đàn ông rồi đấy.
Những trường hợp mọc lông, râu bất thường
Thứ tự hình thành các bộ phận con người trong giai đoạn bào thai đã diễn tả trọn vẹn cả quá trình tiến hoá của nhân loại từ vượn đến người. Vì vậy, khi sinh ra, mọi đứa trẻ đều có làn da nhẵn nhụi. Riêng một số ít trẻ từ khi sinh ra người đã đầy lông lá. Đó là do có sự trục trặc khiến bào thai không “lột” hết, còn giữ lại dấu tích người thượng cổ. Việc một số cá thể có túm lông ở vị trí cái đuôi (mà loài người đã đoạn tuyệt trên đường tiến hoá) cũng là do nguyên nhân trên.
Nhiều bạn gái cũng mọc râu. Đó là do dậy thì sớm và tuyến nội tiết có nhiều yếu tố nam giới. Việc dùng quá liều thuốc corticosteroid (chiết từ vỏ thượng thận) cũng có thể khiến cho phụ nữ mọc râu (nếu cắt u thượng thận thì râu có khi hết mọc). Ngoài ra, một bệnh của tuyến yên với biểu hiện các đầu ngón tay ngón chân to bè cũng bắt đầu bằng triệu chứng râu tóc rậm nhanh. Bạn gái nào nếu có râu nhưng không có các triệu chứng bệnh lý thì hãy yên tâm, sức khoẻ và đường sinh nở sau này của bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Ở một số người, những chùm lông dài cũng thường xuất hiện trên một đám da sẫm (tập trung sắc tố) hay trên nốt ruồi. Người bệnh lao thường mọc nhiều lông măng ở vùng hai xương bả vai. Tuy nhiên, không phải hễ ai có lông, râu như thế đều mắc bệnh.
Râu và lông có thể mọc nhanh kèm theo tăng tiết mồ hôi nếu bị chấn thương tại chỗ, phải bó bột, băng, chườm nóng, bôi thuốc mỡ. Trái lại, nóng nực và lao lực thường làm cho râu tóc thun lại. Người xưa nói: “Đói rụng râu, rầu rụng tóc”, và y học cũng xác nhận điều đó.
(còn tiếp)