Bác sĩ vui tính (phần 25)
Anh lính bạch cầu tiêu diệt tên vi trùng xâm lược như thế nào?
Đặc tính chung của mọi cơ thể sống là tuy tha hồ trao đổi chất với bên ngoài, nó vẫn luôn luôn bảo vệ tính độc lập, không chấp nhận sự lai căng. Để bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập và phá hoại của các yếu tố ngoại lai, hệ thống miễn dịch gồm các bạch cầu phải luôn luôn chiến đấu nhằm loại trừ, tiêu diệt hoặc đồng hoá chúng.
Có đến hàng chục triệu yếu tố ngoại lai, bao gồm các loại vi trùng, virus, bụi bặm, dị vật, mảnh ghép của cơ thể người khác…, nói tóm lại là những protein lạ mà y học gọi là những kháng nguyên.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể bao gồm mấy "binh chủng" bạch cầu như lympho T, lympho B, đại thực bào, kháng thể…
- Các bạch cầu lympho T do tuỷ xương sản xuất, được các men hoạt hoá khi đi qua tuyến ức. Chúng chiếm 80% quân số bạch cầu lympho, tiêu diệt kẻ thù bằng chất độc.
- Các bạch cầu lympho B cũng do tuỷ xương sản xuất, chiếm 20% quân số, chuyên bắn các "viên đạn" kháng thể vào kẻ thù đang bơi trong huyết tương.
- Các kháng thể do bạch cầu lympho B chế tạo. Chúng làm các kháng nguyên tiêu tan hoặc "trói" chúng lại bằng cách làm đông vón, chờ các đại thực bào đến “ăn thịt” hoặc thải bỏ ra ngoài.
- Các đại thực bào có men tiêu hoá, nhận nhiệm vụ phá huỷ và thu dọn các "xác chết" còn lại trên "trận địa".
Các bạch cầu của một cơ thể được dán nhãn hiệu cá nhân để phân biệt tế bào đó là của mình hay của kẻ khác. Nhãn hiệu này được đóng vào màng tế bào, gồm 8 protein có cấu tạo đặc biệt, không ai giống ai. Protein này được tạo thành bởi 4 cặp gene của nhiễm sắc thể số 6 trong nhân tế bào. Những gene này được gọi là hệ HLA, là bộ tham mưu chỉ huy các lực lượng an ninh cơ thể. Nhờ nó, khi kẻ lạ vào người, các bạch cầu nhận dạng được ngay và báo động. Cuộc chiến tranh tự vệ sẽ nổ ra nhằm tiêu diệt vi trùng xâm lược hoặc làm bong những mảng tế bào lạ ghép vào người.
Nếu hệ HLA bị hỏng, không nhận ra kẻ thù thì bọn địch tha hồ tàn phá cơ thể. Đôi khi có loại virus xảo quyệt chui vào tế bào mà không làm mất nhãn hiệu, khiến hệ HLA mất cảnh giác. Cũng có khi hệ HLA đánh vào một số tế bào của cơ thể đã để mất nhãn hiệu. Những tế bào này đã bị coi là kẻ phản bội, “ta” đã biến thành thù.
Có khoảng 10.000 loại protein cấu tạo nên cơ thể. Trong nhân tế bào cũng có 10.000 gene - những tờ phiếu ghi sơ đồ tổ hợp của mỗi protein này. Các gene phải phối hợp với nhau thành một đạo quân kháng thể đông đảo trong cuộc chiến đấu một chọi một với kẻ thù.
Trong cơ thể, ngoài sắt, đồng, vôi… còn có những nguyên tố hoá học nào nữa?
Trong cơ thể người, các nhà khoa học tìm thấy gần đủ các nguyên tố hoá học trong bảng tuần hoàn Mendeleep.
Bốn nguyên tố cacbon, ôxy, nitơ và hydro chiếm đến 95 % khối lượng cơ thể. Chúng là thành phần chủ yếu của các chất đạm (protit), bột, đường (gluxit), béo (lipit) - những chất hữu cơ nền tảng của cấu trúc tế bào và chất dịch giữa các tế bào. Hydro và ôxy tạo ra nước, chiếm 60% trọng lượng người lớn.
Các chất khoáng chiếm 5% khối lượng cơ thể. Trong cơ thể người có hơn 3 kg muối các loại. Nồng độ các muối khoáng tạo nên áp suất thẩm thấu, giữ một mức nước ổn định trong máu và các mô, điều hoà các phản ứng trao đổi chất.
Mỗi ngày, cơ thể cần 10-15 g NaCl (muối ăn). Một phần số muối này có sẵn trong thực phẩm từ động vật và thực vật. Phần còn lại được cho thêm vào thức ăn khi làm bếp. Nếu ăn mặn, bạn sẽ khát và uống nhiều nước. Nước quá nhiều sẽ tích đọng trong mạch máu, làm tăng huyết áp, thêm gánh nặng cho tim. Những người yếu thận, suy tim, cao huyết áp phải bớt ăn muối do thải natri kém. Con người là động vật duy nhất ăn thêm muối. Ta đã quen ăn mặn quá mức cần thiết. Muối không còn là một chất sinh học tự nhiên mà được coi như một gia vị; nó là một nhu cầu văn hoá hơn là nhu cầu sinh lý. Ở những vùng giáp biển ở Nhật, dân cư ăn quá mặn nên bị ung thư dạ dày nhiều. Khi di cư ra nước ngoài, họ ăn nhạt đi và tỷ lệ này giảm hẳn.
So với NaCl, nhu cầu về kali của cơ thể ít hơn, chỉ 2-8 g mỗi ngày. Nếu như natri tập trung ở dịch kẽ giữa các tế bào thì ka li nằm ngay trong tế bào. Nó điều hoà hoạt động của các cơ bắp, kể cả cơ tim. Một số bệnh tim được điều trị bằng kali hoặc khoai tây (món ăn giàu kali nhất).
Mỗi ngày, cơ thể dùng 1,3 - 1,5 g photpho (chủ yếu là từ thức ăn động vật) để cấu thành xương, các protit có vai trò thông tin di truyền của nhân tế bào, các chất béo có phốt pho.
Nhu cầu canxi của cơ thể là 0,5 g/ngày. Nó tập trung hầu hết ở xương. Nhiều công trình y học kết luận rằng trẻ ăn sữa và trứng (nhiều canxi) thì chóng lớn và cứng cáp hơn ăn thịt, cá. Học sinh được uống sữa thường xuyên sẽ làm toán giỏi, nhớ lâu, ngủ ngon. Cơ thể người Việt Nam thiếu men lactaza (men tiêu hoá đường của sữa) nên sau khi uống sữa hay bị đau bụng đi ngoài. Tuy nhiên, nếu cứ ăn sữa mỗi bữa một ít cho quen dần, ta sẽ khắc phục được trở ngại sinh học di truyền này.
Mỗi ngày cơ thể chỉ cần 0,3 – 0,5 g magie. Phần lớn magie trong cơ thể tập trung ở xương. Chất này có nhiều trong lá cây nên các loại rau ăn thừa sức cung cấp, không cần phải bổ sung.
Ngoài những chất trên, cơ thể còn chứa nhiều nguyên tố khác, tuy với số lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu được. Đó là các nguyên tố vi lượng, bao gồm sắt, đồng, kẽm, thiếc, crôm, iốt, mangan, coban, selen, fluor. Chúng chỉ chiếm 1/10.000 cân nặng cơ thể, nhưng nếu thiếu thì sinh bệnh ngay.
Sắt là thành phần hoạt động của huyết sắc tố hồng cầu và các men ôxy hoá. Tế bào sẽ ngạt thở nếu không được cung cấp 0,0015 g sắt mỗi ngày. Người bệnh thiếu máu cần ăn gan để bổ sung sắt.
Kẽm tham gia vào cấu tạo của 20 loại men trong cơ thể. Thiếu kẽm, bào thai chậm phát triển, có dị dạng bẩm sinh, trẻ em chậm dậy thì, kém sức chống bệnh. Kẽm thường chỉ có trong thức ăn gốc động vật.
Mỗi ngày, cơ thể chỉ cần 0,2 mg iốt để cấu thành nội tiết tố của tuyến giáp. Việc thiếu iốt sẽ gây bệnh bướu cổ. Để phòng bệnh này, cần sử dụng muối iốt.
(còn tiếp)